Uzuki (tiếng Nhật: 卯月) là một tàu khu trục hạng nhất thuộc lớp Mutsuki của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, bao gồm mười hai chiếc được chế tạo sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Được xem là tiên tiến vào lúc đó, những con tàu này đã phục vụ như những tàu khu trục hàng đầu của Nhật trong những năm 1930, nhưng được xem là đã lạc hậu vào lúc Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra;[1] dù sao lớp Mutsuki vẫn được giữ lại ở tuyến đầu nhờ tầm xa hoạt động và kiểu ngư lôi mạnh mẽ mà chúng được trang bị.[2]Uzuki đã tham gia nhiều hoạt động khác nhau cho đến khi bị tàu phóng lôi Mỹ đánh chìm gần Cebu vào tháng 12 năm 1944.
Thiết kế và chế tạo
Việc chế tạo lớp tàu khu trục Mutsuki được chấp thuận như một phần của chương trình phát triển Hải quân Đế quốc Nhật Bản sau khi Hiệp ước Hải quân Washington có hiệu lực, và chúng được đặt hàng trong năm tài chính 1923.[3] Lớp tàu này là một phiên bản nối tiếp và cải biến dựa trên các lớp tàu khu trục lớp Minekaze và Kamikaze trước đó, vốn chia sẻ nhiều đặc tính thiết kế chung.[4]Uzuki được đặt lườn tại Xưởng đóng tàu Ishikawajima ở Tokyo vào ngày 11 tháng 1 năm 1924, được hạ thủy vào ngày 15 tháng 10 năm 1925 và được đưa ra hoạt động vào ngày 14 tháng 9 năm 1926.[5] Thoạt tiên chỉ được gọi đơn giản là "Tàu khu trục số 25" (第二十五号駆逐艦, Dai-25-Gō Kuchikukan), nó được đổi tên thành Uzuki vào ngày 1 tháng 8 năm 1928.
Uzuki được phân về Hạm đội 8 Hải quân Đế quốc Nhật Bản vào ngày 1 tháng 12 năm 1942, và đã hộ tống tàu sân bay Chuyo từ Yokosuka đến Truk, cùng một đoàn tàu vận tải từ Truk đến Rabaul vào cuối năm. Tuy nhiên, tại Rabaul vào ngày 25 tháng 12Uzuki chịu đựng hư hại nặng khi va chạm với chiếc tàu vận tải Nankai Maru bị trúng ngư lôi, và phải được các tàu khu trục Ariake và Urakaze kéo về Rabaul để sửa chữa khẩn cấp. Trong khi ở tại Rabaul, nó lại bị hư hại trong một cuộc không kích vào ngày 5 tháng 1 năm 1943. Tàu khu trục Suzukaze đã kéo Uzuki đến Truk để tiếp tục sửa chữa, và từ đây Uzuki quay trở về Sasebo bằng chính động lực của mình, đến nơi vào ngày 3 tháng 7. Khi công việc sửa chữa hoàn tất vào giữa tháng 10, Uzuki quay trở lại Truk và hộ tống các tàu tuần dương Kiso và Tama, cả hai chất đầy binh lính, đi đến Rabaul. Vào ngày 23-24 tháng 10, Uzuki đi đến vịnh Jacquinot thuộc New Britain để cứu vớt những người còn sống sót của con tàu chị em Mochizuki. Uzuki tiếp tục các chuyến đi vận chuyển "Tốc hành Tokyo" trong suốt khu vực quần đảo Solomon cho đến cuối tháng 11. Vào ngày 24-25 tháng 11, Uzuki đối đầu các tàu khu trục Hải quân Mỹ trong trận chiến mũi St. George trong khi lực lượng Nhật Bản triệt thoái khỏi Buka, nhưng không bị hư hại. Trong tháng 12, Uzuki được phân công hộ tống các tàu chở dầu đi lại giữa Rabaul, Truk và Palau.
Vào tháng 1 năm 1944, Uzuki hộ tống chiếc tàu tuần dương Nagara quay trở về Nhật Bản. Sau khi được tái trang bị tại Xưởng hải quân Sasebo, Uzuki hộ tống đoàn vàn vận tải chuyển binh lính từ Yokosuka đến Palau, Yap, Saipan và Truk cho đến cuối tháng 6. Trong Trận chiến biển Philippine ngày 19-20 tháng 6, Uzuki nằm trong thành phần Lực lượng Tiếp tế thứ hai. Vào ngày 20 tháng 6, nó cứu vớt thủy thủ đoàn của chiếc tàu vận tải Genyo Maru, rồi đánh chìm con tàu đã bị hư hại này bằng hải pháo. Đến ngày 18 tháng 7, được phân về Hạm đội Liên hợp, Uzuki tiếp tục hộ tống các đoàn tàu vận tải từ Kure đến Manila và Singapore cho đến giữa tháng 11; và vào ngày 20 tháng 11, nó được phân về Hạm đội 5 Hải quân Đế quốc Nhật Bản.
Vào ngày 12 tháng 12, trong khi hộ tống một đoàn tàu vận tải chuyển binh lính từ Manila đến Ormoc, Uzuki trúng phải ngư lôi phóng từ các tàu tuần tra-phóng lôi PT boatPT-490 và PT-492. Chiếc tàu khu trục nổ tung và chìm với tổn thất toàn bộ nhân sự trên tàu, ở vị trí cách 80 km (50 dặm) về phía Đông Bắc Cebu, ở tọa độ 11°03′B124°23′Đ / 11,05°B 124,383°Đ / 11.050; 124.383.[5]
^ abNishidah, Hiroshi (2002). “Mutsuki class 1st class destroyers”. Materials of the Imperial Japanese Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2010.
^Morison. The Rising Sun in the Pacific 1931 - tháng 4 năm 1942.
^Dull. A Battle History of the Imperial Japanese Navy