Kisaragi (tiếng Nhật: 如月) là một tàu khu trục hạng nhất thuộc lớp Mutsuki của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, bao gồm mười hai chiếc được chế tạo sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Được xem là tiên tiến vào lúc đó, những con tàu này đã phục vụ như những tàu khu trục hàng đầu của Nhật trong những năm 1930, nhưng được xem là đã lạc hậu vào lúc Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra;[1] dù sao lớp Mutsuki vẫn được giữ lại ở tuyến đầu nhờ tầm xa hoạt động và kiểu ngư lôi mạnh mẽ mà chúng được trang bị.[2]Kisaragi nổi bật vì là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Nhật, ngay sau tàu khu trục Hayate, bị đánh chìm ngay từ giai đoạn mở đầu của cuộc xung đột này.[3]
Thiết kế và chế tạo
Việc chế tạo lớp tàu khu trục Mutsuki được chấp thuận như một phần của chương trình phát triển Hải quân Đế quốc Nhật Bản sau khi Hiệp ước Hải quân Washington có hiệu lực, và chúng được đặt hàng trong năm tài chính 1923.[4] Lớp tàu này là một phiên bản nối tiếp và cải biến dựa trên các lớp tàu khu trục lớp Minekaze và Kamikaze trước đó, vốn chia sẻ nhiều đặc tính thiết kế chung.[5]Kisaragi được đặt lườn tại Xưởng hải quân Maizuru vào ngày 3 tháng 6 năm 1924, được hạ thủy vào ngày 5 tháng 6 năm 1925 và được đưa ra hoạt động vào ngày 21 tháng 12 năm 1925.[6] Thoạt tiên chỉ được gọi đơn giản là "Tàu khu trục số 21" (第二十一号駆逐艦, Dai-21-Gō Kuchikukan), nó được đổi tên thành Kisaragi vào ngày 1 tháng 8 năm 1928.
Sáng sớm ngày 11 tháng 12 năm 1941, trong cuộc đụng độ mà sau này được đặt tên là Trận chiến đảo Wake, lực lượng Mỹ trú đóng trên đảo đã đẩy lui nỗ lực đổ bộ đầu tiên của lực lượng Nhật Bản, vốn được bảo vệ bởi các tàu tuần dương hạng nhẹ Yūbari, Tenryū và Tatsuta cùng Hải đội Khu trục 29 bao gồm các tàu khu trục Yayoi, Mutsuki, Kisaragi, Hayate, Oite và Asanagi; hai tàu khu trục cũ thuộc lớp Momi được cải biến thành các tàu tuần tra Số 32 và Số 33, và hai tàu vận chuyển binh lính chở theo 450 người thuộc Lực lượng Đổ bộ Hải quân Đặc biệt.
Lực lượng Thủy quân Lục chiến phòng thủ đã khai hỏa vào hạm đội đổ bộ bằng sáu khẩu pháo phòng thủ duyên hải 127 mm (5 inch) vốn được lấy từ các thiết giáp hạm cũ bị tháo dỡ, và đã đánh chìm Hayate; tàu tuần dương Yubari cũng bị bắn trúng 11 lần. Kisaragi đang rời khỏi khu vực chiến sự khi nó bị tấn công bởi bốn máy bay tiêm kíchF4F Wildcat cất cánh từ Wake trang bị bom 45 kg (100 lb). Một chiếc Wildcat do phi công Henry "Baron" Elrod đã ném các quả bom về phía đuôi chiếc Kisaragi vốn đang chất đầy các quả mìn sâu.[8] Cú đánh trúng khiến con tàu nổ tung và chìm với toàn thể nhân sự trên tàu ở khoảng cách 48 km (30 dặm) về phía Tây Nam đảo Wake.[9] Chiến công đánh chìm Kisargi đã góp phần vào việc truy tặng Huân chương Danh dự cho Elrod.
Kisaragi được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 15 tháng 1 năm 1942.[6] Bất chấp thất bại này, lực lượng Nhật Bản vẫn thành công trong việc chiếm đóng Wake trong nỗ lực lần thứ hai vào cuối tháng 12 năm đó.
^ abNishidah, Hiroshi (2002). “Mutsuki class 1st class destroyers”. Materials of the Imperial Japanese Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2010.
^Dull. A Battle History of the Imperial Japanese Navy
Brown, David (1990). Warship Losses of World War Two. Naval Institute Press. ISBN1-55750-914-X.
Devereaux, Colonel James P.S., USMC (1947). The Story of Wake Island. The Battery Press. ISBN0-89839-264-0.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)