Hải quân Đế quốc Nhật Bản

Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân
大日本帝國海軍
(Dai-Nippon Teikoku Kaigun)
Cờ hiệu của Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Thành lập1868
Giải tán1945
Quốc gia Nhật Bản
Phục vụ Thiên hoàng
Quân chủng
Phân loạiHải quân
Quy mô1.800.000 Quân nhân[1]
Bộ phận của
Tham chiếnChiến tranh Thanh-Nhật
Chiến tranh Nga-Nhật
Chiến tranh Thế giới Thứ nhất
Chiến tranh Trung-Nhật
Chiến tranh Thế giới Thứ hai
Các tư lệnh
Chỉ huy
nổi tiếng
Yamamoto Isoroku
Tōgō Heihachirō
Hiroyasu Fushimi
và nhiều tướng lãnh khác
Huy hiệu
Biểu tượng
nhận dạng

Con dấu Đại Đế quốc Nhật Bản và Con dấu của Đại Đế quốc Hải quân Nhật Bản hình hoa cúc 16 cánh

Hải quân Đế quốc Nhật Bản (kanji cổ: 大日本帝國海軍, kanji mới: 大日本帝国海軍, romaji: Dai-Nippon Teikoku Kaigun, phiên âm Hán-Việt: Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân), tên chính thức Hải quân Đế quốc Đại Nhật Bản, thường gọi tắt là Hải quân Nhật, là Lực lượng Hải quân của Đế quốc Nhật Bản từ năm 1869 khi thành lập cho đến năm 1947 thì bị giải thể theo điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản từ bỏ việc sử dụng vũ lực như là phương cách để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đây là Lực lượng Hải quân lớn thứ ba trên thế giới vào năm 1920 sau Hải quân Hoa KỳHải quân Hoàng gia Anh[2], và có lẽ là Lực lượng Hải quân hiện đại nhất thời điểm cận kề Chiến tranh Thế giới II. Những chiến hạm trong lực lượng này còn được hỗ trợ bằng phi cơ quân sự và hoạt động không kích từ Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân Hàng không Đội.

Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân có nguồn gốc từ những xung đột ban đầu với các quốc gia trên lục địa châu Á, khởi đầu từ đầu thời kỳ trung cổ và đạt đến đỉnh cao trong các hoạt động vào thế kỷ thứ 16 và 17, lúc diễn ra sự trao đổi văn hóa với các cường quốc Châu Âu trong Kỷ nguyên Khám phá. Sau hai thế kỷ trì trệ do chính sách toả quốc do các tướng quân chủ trương trong thời kỳ Edo, Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân đã bị tụt hậu nhiều mặt cho đến khi đất nước bị buộc phải mở cửa trao đổi thương mại do sự can thiệp của Hoa Kỳ vào năm 1854. Điều này dẫn đến cuộc Minh Trị duy tân khởi điểm năm 1868. Từ sự hồi phục quyền lực về tay Thiên hoàng Meiji là giai đoạn hiện đại hóacông nghiệp hóa rầm rộ. Lịch sử một chuỗi các chiến thắng của Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân, có lúc chiến đấu với những thế lực quân sự mạnh hơn hẳn, như trong Chiến tranh Thanh-Nhật năm 1895 và Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905. Số phận của Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân đã kết thúc và gần như bị tiêu diệt hoàn toàn trong những ngày cuối cùng của Thế Chiến II. Đại Nhật Bản Đế quốc Hải quân chính thức giải thể vào năm 1947.

Nguồn gốc

Trận thủy chiến Dan-no-Ura năm 1185

Nhật Bản đã có những xung đột về hải quân với lục địa châu Á từ xa xưa, trong đó có việc vận chuyển quân giữa Triều Tiên và Nhật Bản, tối thiểu là bắt đầu từ thời kỳ Kofun vào thế kỷ thứ 3.

Sau những nỗ lực của Mông Cổ nhằm xâm lược Nhật Bản do Hốt Tất Liệt lãnh đạo vào năm 1274 và 1281, những hoạt động cướp bóc của Oa khấu (hải tặc Nhật Bản) diễn ra rất mãnh liệt ở vùng duyên hải Trung Quốc.

Một chiếc Châu ấn thuyền của Nhật vào năm 1634, kết hợp cả công nghệ đông tây.

Nhật Bản bắt đầu xây dựng hải quân vào thế kỷ thứ 16, trong Thời Chiến quốc, khi những lãnh chúa phong kiến tranh nhau xây dựng những đội thủy quân khổng lồ lên tới vài trăm chiến thuyền. Trong khoảng thời gian đó, Nhật Bản có thể đã đóng được Thiết giáp hạm đầu tiên, lúc Oda Nobunaga, một đại danh người Nhật, yêu cầu đóng sáu chiếc thiếp giáp hạm Oatakebune (An Trạch thuyền) vào năm 1576[3]. Vào năm 1588, Toyotomi Hideyoshi ban hành lệnh cấm Oa khấu; họ sau đó trở thành chư hầu của Toyotomi, và là thành phần của lực lượng thủy quân trong cuộc xâm lược Triều Tiên của Nhật Bản. Cũng có người cho rằng Đô đốc Yi đã đóng được chiếc thiết giáp hạm đầu tiên với nhiệm vụ đánh phá các tàu tiếp tế của Nhật trong Cuộc chiến Imjin Waeran vào năm 1592-1597.

Nhật đã đóng được những chiếc tàu chiến lớn đầu tiên để đi lại trên đại dương vào đầu thế kỷ 17, sau sự thông thương với các nước phương Tây trong thời kỳ Nanban mậu dịch mậu dịch Nam Man. Vào năm 1613, một đại danh của vùng Sendai, theo một hiệp ước với Mạc phủ Tokugawa, đã đóng chiếc Date Maru (Y Đạt Hoàn), một dạng thuyền chiến 500 tấn để đưa đại sứ Nhật Bản Hasekura Tsunenaga đến Mỹ, sau đó đến châu Âu, thường được trang bị vũ khí và kết hợp với các công nghệ phương Tây, rồi được Mạc phủ ủy nhiệm để dùng chủ yếu cho giao thương với Đông Nam Á.

Chính sách Bế quan Tỏa cảng - Học hỏi Phương Tây

Tàu chiến Nhật Shohei Maru năm 1854 được chế tạo dựa trên các bản vẽ kỹ thuật của Hà Lan.

Từ năm 1640 và trong hơn 200 năm tiếp theo, Nhật Bản chọn chính sách "toả quốc", ngăn cấm mọi tiếp xúc với Phương Tây, bài trừ đạo Thiên Chúa, và ngăn cấm việc đóng thuyền có thể đi biển được với hình phạt gắt gao là đánh đòn hay xử tử. Dù sao việc tiếp xúc vẫn được duy trì thông qua tô giới Hà Lan tại Dejima, cho phép chuyển giao một khối lượng lớn kiến thức liên quan đến kỹ thuật Phương Tây và cuộc cách mạng khoa học. Việc học tập các môn khoa học Phương Tây, gọi là "Lan học", cho phép Nhật Bản cập nhật kiến thức trong những lĩnh vực liên quan đến khoa học hàng hải, như khoa bản đồ, quang học hay các môn khoa học cơ khí. Sự học hỏi đầy đủ kỹ thuật đóng tàu Phương Tây được tái tục vào những năm 1840 trong thời đại Hậu kỳ Edo ("Bakumatsu", 幕末, Mạc Mạt) và diễn ra mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Bước đầu hiện đại hóa Hải quân các lãnh chúa

Trong những năm 1853 và 1854, Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry thực hiện những cuộc biểu dương lực lượng gồm những chiến hạm chạy hơi nước mới nhất của Hải quân Mỹ. Perry cuối cùng cũng khiến cho nước Nhật phải mở cửa thông thương với quốc tế thông qua Hiệp ước Kanagawa năm 1854. Nó được tiếp nối không lâu sau đó bởi Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại Mỹ-Nhật "bất bình đẳng" năm 1858, cho phép thành lập các tô giới nước ngoài, những nhượng địa cho người nước ngoài, và mức thuế tối thiểu đánh trên hàng nhập khẩu.

Kanrin Maru, tàu chiến chạy hơi nước chân vịt đầu tiên của Nhật, 1857

Ngay sau khi Nhật Bản đồng ý mở cửa giao lưu với nước ngoài, Mạc phủ Tokugawa khởi sự một chính sách tích cực hấp thụ các kỹ thuật hải quân Phương Tây. Năm 1855, dưới sự giúp đỡ của Hà Lan, Mạc phủ đã có được chiếc tàu chiến chạy hơi nước đầu tiên, Kankō Maru, dùng để huấn luyện, và thành lập Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nagasaki. Năm 1857, họ có được chiếc tàu chiến chạy hơi nước chân vịt đầu tiên Kanrin Maru (Hàm Lâm Hoàn). Năm 1859, Trung tâm Huấn luyện Hải quân được chuyển đến TsukijiTokyo. Học viên hải quân được gửi đi học tại các trường hải quân Phương Tây trong nhiều năm, như trường hợp Takeaki Enomoto, người trở thành Đô Đốc trong tương lai, học tại Hà Lan từ 1862 đến 1867, là khởi đầu cho một truyền thống các nhà chỉ huy hải quân tương lai được đào tạo ở nước ngoài, như các Đô Đốc Togo Heihachiro, và sau này, Yamamoto Isoroku.

Chiếc tàu chiến hơi nước Nhật Bản đầu tiên đóng trong nước, pháo hạm Chiyodagata, 1863.

Ngay từ năm 1863, không đầy 10 năm sau khi mở cửa đất nước, Nhật Bản hoàn tất chiếc tàu chiến hơi nước đầu tiên đóng trong nước, đó là chiếc pháo hạm Chiyodagata (Thiên Đại Điền Hình). Năm 1865, kỹ sư hải quân người Pháp Léonce Verny được thuê để xây dựng các xưởng hải quân hiện đại đầu tiên tại YokosukaNagasaki. Trong các năm 1867-1868, một phái đoàn Hải quân Anh do thuyền trưởng Tracey dẫn đầu[4] được gửi đến Nhật để giúp phát triển Hải quân và tổ chức Trường Hải quân Tsukiji.[5]

Kotetsu (nguyên là chiếc CSS Stonewall), thiết giáp hạm hiện đại đầu tiên của Nhật, 1869

Cuối thời kỳ Mạc phủ Tokugawa năm 1867, hạm đội của Mạc phủ đã là hạm đội lớn nhất khu vực Đông Á, được tổ chức chung quanh tám tàu chiến hơi nước kiểu Phương Tây và kỳ hạm Kaiyō Maru (Khai Dương Hoàn). Chúng được sử dụng chống lại các lực lượng bảo hoàng trong Chiến tranh Mậu Thìn, dưới sự chỉ huy của Đô Đốc Enomoto. Vụ xung đột leo thang đến cực điểm trong trận hải chiến Hakodate năm 1869, trận hải chiến quy mô lớn hiện đại đầu tiên của Nhật, và kết thúc bằng sự thất bại của các lực lượng Mạc phủ Tokugawa cuối cùng và phục hồi quyền lực cho Nhật Hoàng. Chiếc tàu chiến bọc thép mang tính cách mạng Kotetsu (Giáp Thiết) do Pháp chế tạo, trước đây do Mạc phủ Tokugawa đặt hàng, được phe Bảo hoàng thu nạp và được sử dụng có tính quyết định cho đến cuối cuộc xung đột này.

Quá trình thành lập Hải quân Đế quốc Nhật Bản (1869)

Ký tự Kanji: "Đại Nhật Bản Đế quốc Hải Quân"

Từ năm 1868, Nhật hoàng Minh Trị sau khi nắm quyền tiếp tục công cuộc cải cách công nghiệp hóa và quân sự hóa nước Nhật nhằm ngăn ngừa Hoa Kỳ và các thế lực châu Âu lấn át họ. Ngày 17 tháng 1-1868, Binh bộ tỉnh (兵部省) được thành lập, với Tomomi Iwakura, Tadayoshi Shimazu và Hoàng tử Akihito Komatsu là các Bí thư Thứ Nhất.

Chiếc tàu chiến Ryūjō (Long Tương) là kỳ hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản cho đến năm 1881.

Ngày 26 tháng 3-1868, buổi duyệt binh Hải quân đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản được tổ chức tại vịnh Osaka, với sự tham gia của 6 tàu chiến từ các lực lượng hải quân của 6 phiên Saga, Chōshū, Satsuma, Kurume, KumamotoHiroshima. Chúng có tải trọng tổng cộng là 2252 tấn, cộng lại vẫn còn nhỏ hơn tải trọng của một chiếc tàu ngoại quốc duy nhất (của Hải quân Pháp) cùng tham gia duyệt binh. Vào năm sau, tháng 7-1869, Hải quân Đế quốc Nhật Bản được chính thức thành lập, hai tháng sau trận chiến cuối cùng của Chiến tranh Mậu Thìn.

Tháng 7-1869, các lực lượng hải quân của các lãnh địa bị giải tán, và 11 chiếc tàu của các phiên đó được sáp nhập chung vào 7 chiếc còn lại của lực lượng hải quân Mạc phủ Tokugawa để tạo nên nòng cốt của Hải quân Đế quốc Nhật Bản mới. Tháng 2-1872, Lực lượng quân sự được tách thành Lục quân tỉnh (陸軍省) và Hải quân tỉnh (海軍省). Tháng 10-1873, Kaishu Katsu trở thành Quốc vụ Đại thần Hải quân tỉnh. Chính quyền mới thảo một kế hoạch đầy tham vọng xây dựng một lực lượng hải quân gồm 200 tàu chiến tổ chức thành 10 hạm đội. Không đầy một năm sau kế hoạch này bị bỏ dở vì không có tiềm lực.

Sự hỗ trợ của Anh

Học viên pháo binh Hải quân trên chiếc Ryūjō, chung quanh huấn luyện viên người Anh, Đại úy Hải quân Horse (ホース中尉), đầu năm 1871.

Trong những năm 1870 và 1880, Hải quân Đế quốc Nhật Bản vẫn còn là một lực lượng hải quân phòng thủ ven biển, cho dù chính quyền Minh Trị liên tục hiện đại hóa nó. Tàu Jo Sho Maru (sau đó đặt tên lại là Ryūjō Maru), do Thomas Glover trang bị, được hạ thủy tại Aberdeen, Scotland ngày 27 tháng 3-1869. Năm 1870, một sắc lệnh của Đế quốc quy định rằng Hải quân Hoàng gia của Vương quốc Anh sẽ là kiểu mẫu để phát triển thay vì Hà Lan.[6]

Từ tháng 9 năm 1870, Đại úy Hải quân Horse người Anh, nguyên là huấn luyện viên về pháo binh tại phiên Saga trong giai đoạn Mạc mạt, được giao trách nhiệm hướng dẫn thực tập pháo binh trên chiếc Ryūjō[6]. Năm 1871, Hải quân tỉnh quyết định gửi 16 học viên ra nước ngoài để huấn luyện về các môn khoa học hải quân (14 người đến Anh Quốc, 2 đến Hoa Kỳ), trong số đó có Tōgō Heihachirō[6]. Một phái đoàn gồm 34 thành viên Hải quân Anh, do Thiếu tá Hải quân Archibald Lucius Douglas dẫn đầu, đã đến thăm Nhật vào năm 1873 và lưu lại ở đó hai năm[6]. Sau đó, Trung tá Hải quân L.P. Willan được thuê năm 1879 để huấn luyện học viên hải quân.

Những can thiệp ra nước ngoài đầu tiên (Đài Loan 1874, Triều Tiên 1875-76)

Hải quân Nhật đổ bộ vào Đảo Giang Hoa, Triều Tiên từ chiếc Unyo trong sự kiện Đảo Giang Hoa năm 1875.
Hải quân Đế quốc Nhật Bản, ở Pusan, trên đường đến Đảo Giang Hoa, Triều Tiên, ngày 16 tháng 1 năm 1876. Có 2 chiến thuyền (Nisshin, Moshun) (Mãnh Xuân), 3 tàu quân vận, và một tàu khách chở sứ giả do Kiyotaka Kuroda chỉ huy.

Trong năm 1873, kế hoạch xâm lược bán đảo Triều Tiên (Chinh hàn luận của Takamori Saigo) suýt nữa đã bị bỏ qua do một quyết định từ chính quyền trung ương ở Tokyo. Vào năm 1874, cuộc viễn chinh Đài Loan là sự can thiệp ra nước ngoài đầu tiên của Hải quân Đế quốc Nhật Bản và Lục quân Đế quốc Nhật Bản mới.

Nhiều vụ can thiệp vào bán đảo Triều Tiên liên tục diễn ra từ năm 1875 đến 1876, bắt đầu bằng sự kiện Đảo Giang Hoa (Ganghwa) do chiếc pháo hạm Unyo (Vân Ưng) của Nhật khiêu khích, dẫn tới sự đổ bộ một lực lượng lớn quân Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Kết quả của nó là việc ký kết Hiệp ước Giang Hoa, đánh dấu việc mở cửa thông thương với nước ngoài chính thức của Triều Tiên, và là ví dụ đầu tiên về chủ nghĩa can thiệp và sử dụng chiến thuật Hiệp ước bất bình đẳng theo kiểu phương Tây.

Tuy nhiên những cuộc nổi loạn trong nước, như Cuộc nổi loạn Saga (1874) và đặc biệt là Cuộc nổi loạn Satsuma (1877), diễn ra sau đó đã buộc chính phủ phải tập trung vào mặt trận trên đất liền. Chính sách hải quân, như mô tả của khẩu hiệu Thủ thế Quốc phòng (守勢国防), tập trung vào việc bảo vệ bờ biển gồm một lực lượng quân dự bị (thành lập với sự hỗ trợ của Sứ mệnh quân sự của Pháp tại Nhật), và Hải quân duyên hải, dẫn tới một mô hình tổ chức quân sự theo nguyên lý Lục chủ hải tòng (陸主海従, nghĩa là "lục quân là chính, hải quân là phụ").

Vào năm 1878, tàu tuần dương Seiki của Nhật đã vượt biển tới châu Âu với một hải đoàn gồm toàn người Nhật[4].

Tiếp tục hiện đại hóa (thập niên 1870)

Tàu corvette bọc thép Kongō (1877).

Những tàu như Fusō, KongōHiei đều được đóng tại những xưởng đóng tàu của Anh chuyên dành cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Những công ty xây dựng tư nhân như IshikawajimaKawasaki cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này.

Vào năm 1883 hai chiến tàu chiến lớn được đặt hàng tại những xưởng đóng tàu Anh quốc. NaniwaTakachiho là những chiếc có trọng lượng 3.650 tấn. Chúng có tốc độ lên đến 18 knot (33 km/h) và được trang bị giáp trên sàn tàu dày từ 2 đến 3 inch và hai khẩu Krupp 10,2-in (260 mm). Kiến trúc sư hàng hải Sasō Sachū đã thiết kế những chiếc này mô phỏng theo kiểu tàu tuần dương bảo vệ nhưng với những chi tiết tiên tiến hơn. Tuy nhiên, đã có một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc, nước này đã tự trang bị hai thiết giáp hạm 7.335 tấn do Đức đóng (chiếc Đinh ViễnTrấn Viễn). Do không thể đương đầu với hạm đội của Trung Quốc với chỉ hai chiếc tuần dương hiện đại của mình, Nhật Bản đã viện đến sự giúp đỡ của Pháp để xây dựng một hạm đội lớn, hiện đại để có thể giành được ưu thế trong những cuộc xung đột sắp tới.

Ảnh hưởng của "Jeune École" Pháp (thập niên 1880)

Chiếc Matsushima, tàu đô đốc của Hải quân Đế quốc Nhật Bản do Pháp đóng tại Hải chiến Hoàng Hải (1894).
Pháo Canet 12,6 in trên chiếc Matsushima.

Trong suốt thập niên 1880, nước Pháp có ảnh hưởng mạnh nhất, nhờ chính sách "Jeune École" ("trường phái nhỏ") chuộng những tàu chiến nhỏ, nhanh, đặc biệt là dùng tuần dương hạmtàu phóng lôi chống lại những tàu chiến lớn hơn. Có lẽ việc lựa chọn nước Pháp cũng chịu ảnh hưởng từ Bộ trưởng Hải quân Nhật, thời đó là Takeaki Enomoto (Bộ trưởng Hải quân 1880-1885), một đồng minh cũ của người Pháp trong Chiến tranh Mậu Thìn.

Triều đình Minh Trị đã đưa ra dự luật Mở rộng Hải quân lần thứ nhất vào năm 1882, yêu cầu xây dựng 48 chiến thuyền, trong đó 22 chiếc là tàu phóng lôi. Những chiến thắng của Hải quân Pháp trước Trung Hoa trong Chiến tranh Trung-Pháp vào năm 1883-1885 cho thấy tiềm năng của tàu phóng lôi, một phương cách rất hấp dẫn đối với nguồn tài nguyên hạn chế của nước Nhật. Vào năm 1885, khẩu hiệu mới của Hải quân là Kaikoku Nippon (海国日本, Hải quốc Nhật Bản, "Quốc gia Hàng hải Nhật Bản").

Vào năm 1885, kỹ sư hàng đầu về Hải quân của Pháp Émile Bertin được mời về trong bốn năm để củng cố Hải quân Nhật và chỉ đạo việc xây dựng xưởng vũ khí KureSasebo. Ông đã phát triển loại tuần dương hạm Sanseikan; ba chiếc với trang bị vũ khí duy nhất một pháo cực mạnh Canet 12,6 in (320 mm). Cùng lúc đó, Beritin cũng giám sát việc xây dựng hơn 20 chiếc khác. Nhờ có họ mà Nhật Bản lần đầu tiên đã xây dựng được lực lượng hải quân hiện đại thực sự đầu tiên. Điều này cho phép Nhật Bản chiếm được ưu thế trong việc tạo nên những chiếc tàu lớn, một số được nhập khẩu, còn một số được đóng trong nước tại xưởng vũ khí Yokosuka:

  • 3 tuần dương hạm: MatsushimaItsukushima 4.700 tấn, đóng ở Pháp, và Hashidate, đóng ở Yokosuka.
  • 3 chiếc tàu chiến ven biển 4.278 tấn.
  • 2 tuần dương hạm nhỏ: Chiyoda, một tuần dương hạm nhỏ 2.439 tấn đóng ở Anh, và Yaeyama, 1.800 tấn, đóng ở Yokosuka.
  • 1 tàu frigate, Takao 1.600 tấn, đóng ở Yokosuka.
  • 1 tàu aviso: Chishima 726 tấn, đóng ở Pháp.
  • 16 tàu phóng lôi, mỗi chiếc 54 tấn, do hãng Companie du Creusot chế tạo ở Pháp năm 1888, lắp ráp tại Nhật Bản.

Thời kỳ này cũng cho phép Nhật Bản "nắm lấy những công nghệ mới mang tính cách mạng để trang bị cho ngư lôi, tàu phóng lôi và thủy lôi, những thứ mà người Pháp có lẽ là những người giỏi nhất thế giới thời kỳ này"[7]. Nhật Bản đã chế được ngư lôi đầu tiên vào năm 1884, và thành lập "Trung tâm Huấn luyện Ngư lôi" ở Yakosuka vào năm 1886.

Những chiếc tàu này, được đặt hàng trong năm tài chính 1885 và 1886, là những hợp đồng lớn cuối cùng với Pháp. Vụ đắm tàu Unebi không giải thích được trên đường từ Pháp đến Nhật vào tháng 12 năm 1886, đã tạo ra sự rạn nứt về ngoại giao và nghi ngờ về khả năng thiết kế của người Pháp.

Dựa trên công nghiệp đóng tàu Anh Quốc

tàu phóng lôi Kotaka (1887)

Nhật Bản tiếp tục nhờ đến sự hỗ trợ của Anh Quốc, với yêu cầu về một loại tàu phóng lôi mang tính cách mạng, chiếc Kotaka năm 1887, con tàu được coi là mẫu tàu khu trục thiết kế hiệu quả đầu tiên[2]; cùng với việc đặt mua tàu Yoshino, được đóng tại công ty Armstrong Whitworth tại Elswick, Newcastle upon Tyne, là chiếc tàu tuần dương nhanh nhất thế giới thời điểm đó khi được hạ thủy năm 1892[8]. Năm 1889, Nhật Bản đặt mua loại tàu Chiyoda được đóng trên sông Clyde, đây là một loại tuần dương hạm bọc thép[9].

Sau năm 1882 (cho tới 1918, với chuyến thăm của phái đoàn quân sự Pháp tới Nhật Bản), Hải Quân Đế quốc Nhật Bản ngừng phụ thuộc vào các chuyên gia huấn luyện nước ngoài. Họ tự sản xuất thuốc súng nâu cho riêng mình năm 1886, đến năm 1892, một trong những sĩ quan của họ đã chế tạo ra loại thuốc súng có sức công phá lớn, thuốc súng Shimose.[4].

Chiến tranh Thanh-Nhật (1894-1895)

Các lực lượng quân Trung Quốc, với các cố vấn nước ngoài, đầu hàng Đô đốc Sukeyuki Ito tại Trận Uy Hải Vệ.

Nhật Bản tiếp tục hiện đại hóa hải quân của mình, đặc biệt khi Trung Quốc cũng đang xây dựng một hạm đội mạnh hiện đại với sự trợ giúp của nước ngoài, đặc biệt là của Đức, và sức ép đã gia tăng giữa hai quốc gia này trong việc giành quyền kiểm soát Triều Tiên. Chiến tranh Thanh-Nhật được chính thức tuyên chiến vào ngày 1 tháng 8 năm 1894, dù trước đó đã có một số trận lẻ tẻ trên biển.

Cảnh phim video về cuộc chiến hải quân trong cuộc chiến Thanh-Nhật[10]

Hải quân Nhật Bản đã phá hủy Hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh nằm ở ngoài cửa sông Nha Lục trong Cuộc chiến sông Nha Lục vào ngày 17 tháng 9 năm 1894, trong đó hạm đội Trung Quốc bị mất 8 trong 12 tàu chiến. Dù Nhật Bản giành được chiến thắng, hai thiết giáp hạm được chế tạo tại Đức của Hải quân Trung Quốc vẫn nguyên vẹn sau khi bị pháo Nhật bắn phá, nêu bật sự cần thiết phải có tàu chủ lực trong Hải quân Nhật Bản (chiếc Đinh Viễn cuối cùng đã bị ngư lôi đánh chìm và Trấn Viễn đã bị bắt giữ với ít hư hỏng). Bước tiếp theo của quá trình mở rộng Hải quân Đế quốc Nhật Bản do đó bao gồm cả việc kết hợp các tàu chiến lớn có trang bị vũ khí hạng nặng với các thiết bị tấn công đã được cải tiến và nhỏ gọn hơn, cho phép thực hiện các chiến thuật mạnh mẽ hơn.

Do kết quả của cuộc xung đột, theo Hiệp ước Shimonoseki (Mã Quan) (ngày 17 tháng 4 năm 1895), Đài Loanquần đảo Bành Hồ đã được chuyển giao cho Nhật Bản. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã giành được quyền kiểm soát các đảo này và đàn áp các phong trào chống đối trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1895, và các đảo này tiếp tục là thuộc địa của Nhật Bản cho đến năm 1945. Nhật Bản cũng giành được Bán đảo Liêu Đông, dù Nhật bị Nga buộc phải trả lại bán đảo này cho Trung Quốc, và Nga đã chiếm lấy nó ngay sau đó.

Dập tắt cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn (1900)

Hải quân Nhật dưới sự chỉ huy của sĩ quan chỉ huy Anh Seymour trong cuộc Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã can thiệp sâu hơn vào Trung Quốc trong năm 1900 thông qua việc tham gia cùng với các cường quốc phương Tây trong việc đàn áp cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn. Hải quân Nhật đã cung cấp một số lượng các tàu chiến lớn nhất (18 trong tổng số 50 tàu chiến), và đã gửi đội quân lớn nhất trong số các đơn vị Hải quân Nhật Bản tham gia vào lực lượng các quốc gia can thiệp vào vụ đàn áp này (20.840 lính trong số tổng số 54.000).

Cuộc xung đột đã cho phép Nhật Bản tham chiến cùng với các quốc gia phương Tây, và học hỏi trực tiếp các phương pháp tác chiến của họ.

Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905)

Sau cuộc chiến tranh Thanh-Nhật, bị nhục nhã do buộc phải trả lại Bán đảo Liêu Đông cho Trung Quốc dưới sức ép của Nga ("Tam quốc can thiệp"), Nhật Bản bắt tay vào xây dựng sức mạnh quân đội để chuẩn bị cho các cuộc đối đầu sau này.

Nhật đã ban hành một chương trình xây dựng hải quân trong mười năm, dưới khẩu hiệu "Nằm gai nếm mật" (臥薪嘗胆, ngọa tân thường đảm). Theo kế hoạch này, Nhật cho gia nhập đội tàu thường trực 109 tàu chiến, tổng số 200.000 tấn và tăng số lượng nhân sự hải quân từ 15.100 lên 40.800 lính. Đội tàu chiến mới bao gồm:

Mikasa, tàu chiến mạnh nhất vào thời của nó, năm 1905.
Tàu ngầm hạng Holland 1, kiểu đầu tiên của tàu ngầm Hải quân Đế quốc Nhật Bản, được mua trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật.

Một trong những chiếc thiết giáp hạm này, Mikasa, chiếc tiên tiến nhất vào thời của nó[2], được đặt hàng tại nhà máy đóng tàu VickersAnh quốc cuối năm 1898, và giao cho Nhật Bản năm 1902. Ngành đóng tàu thương mại ở Nhật Bản đã lộ diện thông qua việc đóng chiếc tàu hơi nước chân vịt kép Aki-Maru cho Nippon Yusen Kaisha thực hiện bởi Mitsubishi Dockyard & Engine Works, Nagasaki. Tàu tuần tiễu Hải quân Đế quốc Nhật Bản Chitose đã được đóng tại Union Iron WorksSan Francisco, California.

Đến năm 1903, hải quân Nhật đã có tất cả 76 tàu cỡ lớn (khu trục hạm trở lên) với trọng tải là 258.000 tấn.

Sự chuẩn bị lực lượng này lên đến đỉnh điểm với cuộc Chiến tranh Nga-Nhật (1904–1905). Tại cuộc Hải chiến Tsushima, Đô đốc Togo ở trên tàu Mikasa đã chỉ huy hạm đội liên hợp của Nhật Bản tham gia trận chiến có tính quyết định này[11]. Đội tàu chiến Nga hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn: trong số 38 tàu chiến Nga, 21 chiếc bị đánh chìm, 7 bị bắt giữ, 6 bị giải giáp, 4.545 quân Nga tử vong và 6.106 quân bị bắt làm tù binh. Thế nhưng, Nhật chỉ mất có 116 quân và bị phá hủy 3 tàu phóng ngư lôi. Các thắng lợi này của Nhật đã triệt tiêu hoàn toàn sức mạnh của Nga ở Đông Á và đã gây ra nhiều cuộc nổi loạn của quân sĩ trong Hải quân Nga tại Sevastopol, VladivostokKronstadt mà đỉnh điểm là tháng 6 với cuộc nổi loạn của thiết giáp hạm Potemkin, góp phần dẫn đến cuộc Cách mạng Nga năm 1905.

Trong cuộc chiến Nga-Nhật, Nhật Bản cũng thực hiện những nỗ lực mạnh bạo để phát triển và xây dựng một đội tàu ngầm. Tàu ngầm chỉ trở thành các tàu chiến trước thời điểm đó không lâu và đã được xem là vũ khí đặc biệt có tiềm năng to lớn. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã mua được những chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 1905 từ Electric Boat Company của Hoa Kỳ, chỉ sau 4 năm sau khi Hải quân Hoa Kỳ trang bị chiếc tàu ngầm đầu tiên cho cho mình, chiếc USS Holland. Những chiếc tàu ngầm này được sản xuất theo thiết kế của Holland. Chúng được chở dưới dạng linh kiện rời đến Nhật Bản và được lắp ráp ở Nhà máy đóng tàu Hải quân Yokosuka, trở thành thân tàu Số 1 đến 5, và bắt đầu vận hành vào cuối năm 1905.

Tiến đến một lực lượng hải quân quốc gia tự chủ

Satsuma, tàu thủy đầu tiên trên thế giới được thiết kế để chuyển thành một tàu chiến hoàn toàn là súng lớn (all-big-gun).

Nhật Bản đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp hải quân quốc gia mạnh. Theo một chiến lược "Sao chép, Cải tiến, Đổi mới"[7], các tàu thủy nước ngoài có thiết kế khác nhau được đem ra phân tích kỹ, cải tiến dựa trên các bản thiết kế kỹ thuật, sau đó mua thành từng cặp để tiến hành các thử nghiệm so sánh và cải tiến. Qua nhiều năm, các loại tàu được nhập khẩu nguyên chiếc được thay dần bằng các tàu lắp ráp trong nước, và sau đó là hoàn toàn sản xuất trong nước, bắt đầu bằng những tàu nhỏ, như các tàu phóng ngư lôi và tàu tuần tiễu trong thập niên 1880, và cuối cùng là tự sản xuất thiết giáp hạm vào đầu thập niên 1900. Một đợt mua tàu với số lượng lớn từ nước ngoài diễn ra vào năm 1913, trong đó có thiết giáp-tuần dương Kongō được mua từ Nhà máy đóng tàu Vickers. Đến năm 1918, trình độ công nghệ đóng tàu của Nhật không có mặt nào là thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn của thế giới[7]. Đến năm 1920, Hải quân Đế quốc Nhật Bản là đội hải quân lớn thứ ba thế giới, và là một đội quân dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực của sự phát triển hải quân:

  • Hải quân Nhật Bản là hải quân đầu tiên trên thế giới sử dụng điện báo vô tuyến trong chiến đấu (sau khi điện báo vô tuyến được Marconi phát minh năm 1897), trong trận hải chiến Tsushima năm 1905[2].
  • Năm 1906, Nhật đã hạ thủy thiết giáp hạm Satsuma, vào thời điểm đó là tàu chiến lớn nhất trên thế giới về mặt trọng lượng nước rẽ, và là chiếc tàu "toàn súng lớn" (all-big-gun) đầu tiên trên thế giới được thiết kế, đặt hàng và hạ thủy, khoảng 1 năm trước chiếc HMS Dreadnought của Anh[12].
  • Giữa năm 1905 và 1910, Nhật Bản đã bắt đầu tự đóng thiết giáp hạm trong nước. Thiết giáp hạm Satsuma đã được chế tạo ở Nhật Bản vào năm 1906 với khoảng 80% linh kiện phụ tùng từ Anh, nhưng lớp tiếp theo, lớp Kawachi đóng năm 1910 được đóng với chỉ 20% linh kiện phụ tùng nhập khẩu.

Chiến tranh Thế giới lần thứ I

Nhật Bản đã bước vào cuộc Thế chiến I bên phe Đồng minh, chống lại Đế quốc ĐứcĐế quốc Áo-Hung, như một sự nối dài tự nhiên của Liên minh Anh-Nhật năm 1902.

Tàu thủy mang thủy phi cơ Wakamiya của Nhật Bản thực hiện cuộc không tạc từ biển đầu tiên của thế giới tháng 9 năm 1914.

Tại Trận chiến Thanh Đảo, Hải quân Nhật Bản đã chiếm được căn cứ hải quân Thanh Đảo của Đức. Trong cuộc chiến này, bắt đầu ngày 5 tháng 9 năm 1914, Wakamiya đã thực hiện các cuộc tấn công không tạc phóng ra từ biển đầu tiên[13] từ Vịnh Giao Châu[14]. Bốn chiếc thủy phi cơ Maurice Farman đã ném bom các mục tiêu trên đất của Đức (các trung tâm liên lạc và chỉ huy) và làm hư hỏng 1 tàu thả thủy lôi tại bán đảo Thanh Đảo từ tháng 9 đến khi người Đức đầu hàng vào ngày 6 tháng 11 năm 1914[15].

Đồng thời, một nhóm chiến đấu cũng được phái đến trung tâm Thái Bình Dương trong tháng 8 và tháng 9 để truy kích Đội tàu Đông Á Đức, lúc đó đang di chuyển về phía Nam Đại Tây Dương, nơi nó đụng độ với các lực lượng hải quân Anh và đã bị phá hủy trong Trận chiến đảo Falkland. Nhật đã thu được các thuộc địa trước đó của Đức ở Micronesia (quần đảo Mariana ngoại trừ Guam, quần đảo Carolinequần đảo Marshall), những đảo này trở thành thuộc địa của Nhật Bản cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, thuộc Ủy trị Nam Thái Bình Dương của Hội Quốc Liên.

Bị sức ép mạnh tại châu Âu, nơi lực lượng chỉ có ưu thế hơi nhỉnh hơn Đức, Anh Quốc đã yêu cầu mượn 4 chiếc thiết giáp hạm mới nhất hạng Kongō của Nhật (Kongō, Hiei, Haruna, và Kirishima), những tàu chiến đầu tiên trên thế giới trang bị pháo Hải pháo Vicker 14 inch/4514 inch (355,6 mm), và là những tàu chiến chủ lực chắc chắn nhất thế giới thời đó, nhưng bị Nhật từ chối[2].

Tàu tuần dương bọc thép Nhật Bản Nisshin tại Địa Trung Hải (Malta, 1919).

Do những yêu cầu phải can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột, cùng với việc xuất hiện chiến tranh tàu ngầm không hạn chế của Đức, Hải quân Đế quốc Nhật vào tháng 3-1917 đã gửi một lực lượng đặc biệt gồm các tàu khu trục đến Địa Trung Hải. Lực lượng này, bao gồm 1 tàu tuần dương bọc thép, Akashi, làm soái hạm đội tàu nhỏ, và 8 trong số các tàu khu trục mới nhất của Hải quân Nhật (Ume, Kusunoki, Kaede, Katsura, Kashiwa, Matsu, Matsu, Sugi, và Sakaki), dưới sự chỉ huy của Đô đốc Kōzō Satō, đóng quân ở Malta và đã bảo vệ một cách có hiệu quả sự đi lại của tàu Đồng Minh giữa Marseille, Taranto, và các cảng ở Ai Cập cho đến cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tháng 6, Akashi đã được thay thế bằng Izumo, và bổ sung 4 chiếc tàu khu trục (Kashi, Hinoki, Momo, và Yanagi). Sau đó đội này được bổ sung tuần dương hạm Nisshin. Đến cuối cuộc chiến, Nhật đã hộ tống 788 cuộc vận chuyển của Đồng Minh. Một tàu khu trục, chiếc Sakaki, đã bị 1 tàu ngầm của Áo-Hung phóng ngư lôi đánh chìm với tổn thất nhân mạng là 59 sĩ quan và lính.

Năm 1918, các tàu như Azuma đã được giao nhiệm vụ đi theo hộ vệ đội hộ tống ở Ấn Độ Dương giữa SingaporeKênh đào Suez, là phần đóng góp của Nhật Bản cho cuộc chiến tranh dưới Liên minh Anh-Nhật.

Sau trận chiến, Hải quân Nhật thu được chiến lợi phẩm là 7 tàu ngầm của Đức, mang về Nhật Bản và phân tích, nghiên cứu. Điều này đã đóng phần quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp tàu ngầm của Nhật Bản về sau.[2].

Giữa hai cuộc đại chiến

Trong những năm trước Thế chiến II Hải quân Đế quốc Nhật Bản bắt đầu cơ cấu lại lực lượng một cách rõ rệt để đối đầu với Hoa Kỳ. Một quãng dài với sự bành trướng chủ nghĩa quân phiệt và sự khởi đầu của Chiến tranh Thanh-Nhật lần thứ 2 năm 1937 đã tách Hoa Kỳ ra, và Hoa Kỳ đã được xem như là một đối thủ của Nhật Bản.

Hōshō, chiếc đầu tiên trên thế giới được thiết kế từ đầu theo mục đích tàu sân bay, hoàn thành năm 1922

Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong thời kỳ trước và trong Thế chiến II, có lẽ nhiều hơn so với bất cứ hải quân quốc gia nào khác trên thế giới[16]. Nhật, giống như Anh, hầu như bị phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên nước ngoài để cung cấp cho nền kinh tế. Để đạt được các chính sách bành trướng của mình, Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã phải xác lập và bảo vệ các nguồn nguyên liệu thô ở nơi xa xôi (đặc biệt là các nguyên liệu thô và dầu mỏ ở Đông Nam Á), đang thuộc quyền kiểm soát của nước ngoài (Anh, Pháp và Hà Lan). Để đạt được mục tiêu này, Nhật phải đóng các thiết giáp hạm lớn có thể hoạt động tầm xa.

Điều này xung đột với học thuyết "hạm đội quyết chiến" 艦隊決戦 ( (Hạm đội quyết chiến) Kantai Kessen?)[2], theo cách đó Hải quân Nhật sẽ cho phép tàu Mỹ băng qua Thái Bình Dương, sử dụng tàu ngầm để làm suy yếu nó, sau đó giao chiến với Hải quân Mỹ trong một "khu vực quyết chiến", gần Nhật Bản, sau khi đã chịu tiêu hao trên đường đi[17]. Đó là do ảnh hưởng của học thuyết do Alfred T. Mahan đề ra, mà tất cả các lực lượng hải quân chủ yếu trên thế giới trước Thế Chiến II đều công nhận, trong đó nó cho là chiến tranh được quyết định trong các trận đối đầu giữa các hạm đội mặt nước[18] (như đã từng xảy ra trong cả 300 năm nay). Nó là căn cứ để Nhật Bản đòi hỏi một tỉ lệ 70% (10:10:7) so với hai đại cường Anh Mỹ tại Hội nghị Hải quân Washington, mà điều đó sẽ cho Nhật Bản một ưu thế trong "khu vực quyết chiến", trong khi Mỹ nhấn mạnh một tỉ lệ 60%, có nghĩa là cân bằng[17]. Hải quân Đế quốc Nhật Bản, không giống hải quân nước khác, vẫn tiếp tục gắn bó với học thuyết này, ngay cả sau khi nó bộc lộ sự lỗi thời.

Nó cũng mâu thuẫn với kinh nghiệm trong quá khứ. Sự yếu kém về số lượng và nền công nghiệp khiến họ phải đi tìm một ưu thế về mặt kỹ thuật (có ít tàu hơn, nhưng nhanh và mạnh hơn), ưu thế chất lượng (huấn luyện tốt hơn), và chiến thuật xâm lấn (tấn công nhanh chóng và liều lĩnh áp đảo đối phương, một công thức rất thành công trong các cuộc xung đột trước đây). Nó đã sai lầm khi không nhận thấy rằng các đối thủ tương lai tại Mặt trận Thái Bình Dương không bị những áp lực chính trị và địa lý như những đối thủ trước đây; và nó cũng không được phép mất những tàu chiến và nhân lực của nó.[19]

Đại úy Sempill đang trình bày chiếc Sparrowhawk cho Đô đốc Togo Heihachiro, 1921.

Những năm giữa hai cuộc đại chiến, Nhật Bản dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực phát triển hải quân:

  • Năm 1921, hạ thủy Hōshō, chiếc đầu tiên trên thế giới được thiết kế ngay từ đầu làm tàu sân bay[20] và sau đó phát triển một đội tàu sân bay độc nhất vô nhị trên thế giới.
  • Theo sát với học thuyết tàu lớn của nó, Hải quân Đế quốc là lực lượng hải quân đầu tiên trên thế giới trang bị pháo 356 mm (14 in) (trên chiếc Kongō), pháo 406 mm (16 in) (trên chiếc Nagato), và là lực lượng hải quân duy nhất trên thế giới trang bị pháo 460 mm (18,1 in) cho lớp Thiết giáp hạm Yamato.
  • Năm 1928, nó cho hạ thủy một hạng tàu khu trục cải tiến, lớp Fubuki, được trang bị tháp pháo hoàn toàn kín có gắn cặp pháo 5-inch có khả năng chống máy bay. Thiết kế hạng tàu khu trục mới này nhanh chóng được các lực lượng hải quân khác bắt chước. Lớp Fubuki cũng được trang bị ống phóng ngư lôi kín đầu tiên chống được mảnh đạn.[21]
  • Nhật Bản cũng phát triển kiểu ngư lôi Kiểu 93 610 mm (24 in) có nạp oxy, được xem là kiểu ngư lôi tốt nhất thế giới cho đến tận cuối Thế Chiến II[22].

Đến năm 1921, chi tiêu dành cho hải quân của Nhật Bản đã đạt đến gần 32% ngân sách quốc gia. Đến năm 1941, Hải quân Đế quốc sở hữu 10 thiết giáp hạm, 10 tàu sân bay, 38 tàu tuần dương (hạng nặng và hạng nhẹ), 112 tàu khu trục, 65 tàu ngầm, và một số lượng lớn tàu phụ trợ[4].

Đô đốc Togo Heihachiro cùng các thành viên trong Phái bộ Quân sự Pháp tại Nhật Bản (1918-1919) tại Gifu.

Trong giai đoạn này Nhật Bản tiếp tục chính sách thu hút các chuyên viên nước ngoài trong các lĩnh vực mà Hải quân Đế quốc không có kinh nghiệm, như không lực trong hải quân. Năm 1918 Nhật Bản mời một Phái bộ Quân sự Pháp gồm 50 thành viên, kèm theo nhiều kiểu máy bay mới nhất, nhằm tạo dựng nền tảng cho lực lượng không quân trong Hải quân Nhật Bản. Chúng bao gồm các kiểu Salmson 2A2, Nieuport, Spad XIII, hai chiếc Breguet XIV, cũng như các khí cầu Caquot. Năm 1921, Nhật Bản mời Phái bộ Sempill và lưu họ lại trong một năm rưỡi. Nhóm chuyên viên Anh này huấn luyện và cố vấn cho Hải quân Đế quốc nhiều kiểu máy bay mới như chiếc Gloster Sparrowhawk, và nhiều kỹ thuật mới như ném ngư lôi và kiểm soát bay.

Trong những năm trước chiến tranh, hai trường phái đã tranh luận về quan điểm nên xây dựng lực lượng chung quanh những chiếc thiết giáp hạm mạnh mẽ, chắc chắn có khả năng đánh bại tàu Mỹ trong vùng biển Nhật hay dựa trên những tàu sân bay. Không phái nào chiếm ưu thế nên cả hai dòng tàu đều được phát triển, và hậu quả là không giải pháp nào chứng tỏ sức mạnh vượt trội hơn đối thủ Hoa Kỳ. Một điểm yếu cố hữu trong sự phát triển tàu chiến Nhật là xu hướng kết hợp thật nhiều hỏa lực và công suất máy tàu so với kích thước của nó (hậu quả của những giới hạn trong Hiệp ước Washington), đưa đến yếu kém trong độ ổn định, bảo vệ và độ bền kết cấu tàu[16]. Đây thực sự là thất bại của các nhà kiến trúc hải quân Nhật, phản ảnh sự yếu kém nhất định trong công nghiệp và kỹ thuật.

Chiến tranh Thế giới lần thứ II

Xem thêm: Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Thế Chiến II
Tuần dương hạm Nhật Bản Izumo tại Thượng Hải, 1937.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Thế Chiến II được quản lý bởi Bộ Hải quân Nhật Bản và được kiểm soát bởi Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Hải quân Đế quốc Nhật Bản tại Tổng hành dinh Đế quốc. Để có thể chống lại lực lượng đông hơn hẳn về số lượng của Hải quân Mỹ, Hải quân Nhật dành ra một nguồn lực đáng kể để tạo ra một lực lượng có ưu thế về chất lượng so với tất cả các lực lượng hải quân thời đó. Vì vậy, lúc khởi đầu Thế Chiến II, Nhật Bản có lẽ đã có một lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới[7]. Tin tưởng vào khả năng thắng lợi nhanh chóng dựa trên chiến thuật tấn công (xuất phát từ Học thuyết Mahan và tin tưởng vào "hạm đội quyết chiến"), Nhật đã đầu tư không đáng kể vào việc tổ chức phòng thủ: họ cần bảo vệ những đường giao thông hàng hải kéo dài chống lại hoạt động của tàu ngầm đối phương, điều mà họ chưa bao giờ làm được, đặc biệt là không chú trọng đủ đến vai trò quan trọng của chiến tranh chống tàu ngầm (bao gồm cả tàu hộ tống và tàu sân bay hộ tống), trong việc huấn luyện đặc biệt và tổ chức để hỗ trợ nó[23].

Hải quân Nhật đạt được những thắng lợi ngoạn mục trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, nhưng lực lượng Mỹ cuối cùng cũng giành lại được ưu thế nhờ cải tiến kỹ thuật cho các lực lượng không quân và hải quân, và do sản lượng công nghiệp chiến tranh vượt trội. Việc Nhật chỉ miễn cưỡng sử dụng hạm đội tàu ngầm trong việc đánh phá giao thông, và thất bại trong việc bảo vệ đường giao thông của chính họ cũng góp phần vào sự thất bại. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, Hải quân Nhật sử dụng đến một loạt các biện pháp liều lĩnh, bao gồm các kiểu tấn công tự sát của các "đơn vị tấn công đặc biệt" (thường được gọi là kamikaze, 神風, thần phong).

Thiết giáp hạm

Yamato, chiếc thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử, năm 1941.

Nhật Bản tiếp tục đóng góp vào việc phô trương thanh thế của thiết giáp hạm và nỗ lực chế tạo những chiếc thiết giáp hạm to nhất và mạnh nhất thời đó. Yamato, chiếc thiết giáp hạm to nhất và là vũ khí mạnh nhất trong lịch sử nước Nhật, được hạ thủy năm 1941.

Giai đoạn sau của Thế Chiến II chứng kiến sự đối đầu cuối cùng giữa các tàu chiến lớn. Trong trận hải chiến Guadalcanal ngày 15 tháng 11-1942, các thiết giáp hạm Mỹ South DakotaWashington chiến đấu và đánh chìm chiếc Kirishima. Trong Trận chiến vịnh Leyte ngày 25 tháng 10 năm 1944, sáu chiếc thiết giáp hạm Mỹ dưới sự chỉ huy của Đô Đốc Jesse Oldendorf thuộc Đệ Thất Hạm Đội đã bắn chìm những thiết giáp hạm của Đô Đốc Shoji Nishimura: chiếc Yamashiro và chiếc Fusō trong trận đánh eo biển Surigao; cho dù trong thực tế, cả hai chiếc thiết giáp hạm Nhật đã bị phá hỏng do những cuộc tấn công bằng ngư lôi của các tàu tuần dương, trước khi chịu đựng hỏa lực của những chiếc tàu cũ kỹ của Oldendorf.

Dù sao, trận đánh ngoài khơi Samar ngày 25 tháng 10-1944 trong Trận chiến vịnh Leyte chứng minh các thiết giáp hạm vẫn còn có thể hữu ích, cho dù vũ khí không hiệu quả. Chỉ nhờ sự kém quyết đoán của Đô đốc Takeo Kurita và sự kháng cự của các tàu khu trục và tàu khu trục hộ tống Mỹ đã cứu các tàu sân bay hộ tống Mỹ thuộc lực lượng "Taffy 3" khỏi bị nhấn chìm xuống đáy biển bởi hỏa lực pháo của Yamato, Kongō, Haruna, Nagato và những tàu tuần dương hộ tống. Thật là điều kỳ diệu cho phía Mỹ khi chỉ có chiếc tàu sân bay hộ tống USS Gambier Bay, cùng hai tàu khu trục và một tàu khu trục hộ tống bị mất trong trận này.

Sau này, sự phát triển của không lực báo hiệu sự kết thúc của các thiết giáp hạm. Tại Thái Bình Dương, chúng chỉ được dùng chủ yếu trong nhiệm vụ bắn phá các mục tiêu ven bờ và hỏa lực phòng không bảo vệ các tàu sân bay. YamatoMusashi bị đánh chìm bởi các cuộc tấn công bằng không lực trước khi đến được tầm bắn pháo vào hạm đội Mỹ. Vì kỹ thuật đã thay đổi, kế hoạch cho những chiếc thiết giáp hạm, thậm chí to hơn, như lớp tàu Siêu Yamato, đã bị hủy bỏ.

Tàu sân bay

Nhật Bản chú trọng đặc biệt đến các tàu sân bay. Hải quân Đế quốc Nhật Bản khởi đầu chiến cuộc Thái Bình Dương với 10 tàu sân bay, lực lượng tàu sân bay lớn nhất và hiện đại nhất thế giới lúc đó. Ngoài ra, Hải quân Nhật còn đi đầu về chiến lược sử dụng kết hợp nhiều tàu sân bay với các hạm đội tàu sân bay (Kōku Sentai) và việc thành lập Hạm đội Hàng không thứ nhất(Dai-ichi Kōku Kantai) cho phép tối ưu hóa hỏa lục của các tàu sân bay. Có bảy tàu sân bay Mỹ lúc bắt đầu chiến sự, nhưng chỉ có ba chiếc tại Thái Bình Dương; và người Anh có ba chiếc trong đó chỉ có một chiếc hoạt động tại Ấn Độ Dương. Hai chiếc tàu sân bay hạng Shōkaku của Hải quân Nhật là những chiếc hiện đại nhất thời đó, cho đến khi có sự xuất hiện của hạng tàu Essex Mỹ[24]. Tuy vậy, một số lượng lớn các tàu sân bay Nhật là cỡ nhỏ, bị khống chế tải trọng theo quy định của các hiệp ước hải quân Luân Đôn và Washington.

Theo sau Trận chiến Midway, trong đó bốn tàu sân bay hạm đội của Nhật bị đánh chìm, Hải quân Nhật đột nhiên nhận ra họ bị thiếu các tàu sân bay hạm đội (cũng như các đội bay được huấn luyện), đưa đến các kế hoạch đầy tham vọng cải biến các tàu buôn và tàu quân sự trở thành tàu sân bay hộ tống, như chiếc Hiyō. Một kế hoạch khác cải biến chiếc Shinano, dựa trên một chiếc thiết giáp hạm lớp Yamato chưa hoàn thành, trở thành chiếc tàu sân bay có tải trọng lớn nhất của Thế Chiến II. Hải quân Nhật cũng có những dự định chế tạo một số chiếc tàu sân bay lớn cỡ hạm đội, nhưng hầu hết các kế hoạch này chưa hoàn tất khi cuộc chiến kết thúc. Một ngoại lệ là chiếc Taihō, tàu sân bay Nhật Bản đầu tiên và duy nhất có sàn đáp bọc thép và có mũi tàu kín chống bão.

Không lực Hải quân

Máy bay trên tàu sân bay Shokaku chuẩn bị cất cánh để tấn công Trân Châu Cảng.
Máy bay phản lực đầu tiên của Nhật Bản, chiếc Nakajima J9Y Kikka của Hải quân (1945).

Nhật Bản bắt đầu chiến tranh với một lực lượng không lực hải quân khá mạnh mẽ, với những kiểu máy bay thuộc vào hàng tốt nhất thời đó: chiếc Zero được xem là chiếc máy bay tiêm kích tốt nhất hoạt động trên tàu sân bay thời đầu chiến tranh, máy bay ném bom Mitsubishi G3M có tầm bay xa và tốc độ rất tốt, và chiếc Kawanishi H8K là chiếc thủy phi cơ tốt nhất thế giới[25]. Các đội bay Nhật vào đầu chiến tranh có tiềm lực hàng đầu so với các lực lượng trên thế giới lúc đó nhờ việc huấn luyện nghiêm ngặt và đầy kinh nghiệm chiến trường thông qua cuộc Chiến tranh Trung-Nhật[26]. Hải quân cũng có một lực lượng ném bom chiến thuật khá mạnh dựa trên kiểu máy bay G3M và G4M, gây chấn động thế giới khi là những máy bay đầu tiên đánh chìm những tàu chiến chủ lực đang hoạt động, chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales và chiếc tàu chiến-tuần dương Repulse của Hải quân Hoàng gia Anh.

Khi chiến tranh tiếp diễn, phe Đồng Minh phát hiện những điểm yếu của Không lực Hải quân Nhật. Cho dù đa số máy bay Nhật có tầm bay xa, chúng lại rất yếu về vũ khí phòng thủ và vỏ giáp. Kết quả là những chiếc máy bay Mỹ với số lượng nhiều, vũ khí mạnh, vỏ giáp dày, cùng với chiến thuật thích hợp được phát triển để vô hiệu hóa các ưu thế và lợi dụng các điểm yếu của Nhật. Các biện pháp này được đưa ra áp dụng sớm ngay từ tháng 12-1941, sau những bài học rút ra được từ kinh nghiệm của Flying Tigers (Đội Phi Hổ) của tướng Clair Chennault tại Trung Hoa. Về phía Nhật, nhiều kiểu thiết kế mới cạnh tranh hơn cũng được phát triển trong quá trình chiến tranh, nhưng những sự chậm trễ trong việc chế tạo động cơ, nền công nghiệp yếu kém, thiếu nguyên vật liệu, và sự hỗn loạn do các cuộc ném bom của Đồng Minh đã ảnh hưởng đến việc chế tạo hàng loạt. Hơn nữa, Hải quân Nhật không có một chương trình đào tạo hiệu quả và nhanh chóng các phi công mới, vì thường phải mất hai năm mới đào tạo xong một phi công hoạt động trên tàu sân bay. Do đó, sau những thành công ban đầu trên chiến trường Thái Bình Dương, họ đã không có khả năng thay thế hiệu quả những đội bay dày dạn kinh nghiệm bị tổn thất. Các đội bay kém kinh nghiệm của Hải quân Nhật được thể hiện rõ nhất trong Trận chiến biển Philippine, khi máy bay bị bắn rơi hàng loạt bởi phi công Hải quân Mỹ, theo cách mà người Mỹ gọi là "Cuộc săn vịt trời Marianas vĩ đại." Sau Trận chiến vịnh Leyte, Hải quân Nhật càng thiên về xu hướng bố trí máy bay tấn công theo kiểu cảm tử kamikaze.

Cho đến cuối chiến tranh, nhiều kiểu máy bay mới tốt hơn xuất hiện, như chiếc Shiden năm 1943, nhưng hầu như đã quá trễ và không đủ số lượng (chỉ có 415 chiếc Shiden) để ảnh hưởng đến tình thế. Cũng xuất hiện một số thiết kế máy bay hoàn toàn mới về căn bản, như kiểu máy bay có cánh mũi Shinden, và đặc biệt là máy bay phản lực Kikka và máy bay rocket J8M. Những kiểu này một phần dựa trên công nghệ được chuyển giao từ Đức Quốc xã, thường chỉ dưới dạng những bản vẽ đơn giản, nên các nhà thiết kế Nhật đã phải đóng vai trò quan trọng trên các chi tiết kỹ thuật cụ thể. Những phát triển này cũng quá trễ để phục vụ cho chiến tranh. Kikka chỉ bay được một lần trước khi chiến tranh kết thúc.

Tàu ngầm

Một chiếc tàu ngầm thuộc Lớp I-400, kiểu tàu ngầm lớn nhất của Thế Chiến II.

Nhật Bản là nước có nhiều chủng loại tàu ngầm nhất trong Thế Chiến II, bao gồm ngư lôi có người lái (Kaiten), tàu ngầm bỏ túi (Ko-hyoteki, Kairyu), tàu ngầm tầm trung, tàu ngầm chế tạo dùng cho tiếp vận (một số được Lục quân sử dụng), tàu ngầm hạm đội tầm xa (nhiều chiếc mang theo một máy bay), tàu ngầm có tốc độ lặn nhanh nhất của Thế Chiến II (Senkou I-200), và tàu ngầm có thể mang nhiều máy bay ném bom (tàu ngầm lớn nhất của Thế Chiến II, chiếc Sentoku I-400). Những tàu ngầm này cũng được trang bị ngư lôi tiên tiến nhất cuộc chiến này là ngư lôi Kiểu 95, một phiên bản 533 mm (21") cải tiến từ Kiểu 91 61 cm (24") nổi tiếng.

Một máy bay cất cánh từ một chiếc tàu ngầm hạm đội tầm xa, chiếc I-25, đã tiến hành vụ tấn công ném bom duy nhất ở lục địa Hoa Kỳ khi Chuẩn úy Nobuo Fujita dự định gây ra một vụ cháy rừng trên diện rộng tại Tây Bắc Thái Bình Dương cạnh thị trấn Brookings, Oregon ngày 9 tháng 9-1942. Những tàu ngầm khác thi hành các nhiệm vụ liên đại dương đến lãnh thổ châu Âu do Đức chiếm đóng, như những chiếc I-30, I-8, I-34, I-29I-52, trong một trường hợp đã cho bay một chiếc thủy phi cơ Nhật bên trên nước Pháp trong một hành động mang tính tuyên truyền[27]. Tháng 5-1942, những tàu ngầm bỏ túi Kiểu A được sử dụng trong vụ Tấn công cảng Sydney, và trong Trận chiến Madagascar.

Tàu ngầm I-8 tại Brest, Pháp năm 1943.

Cho dù có năng lực kỹ thuật, các tàu ngầm Nhật nói chung không được thành công. Chúng thường được sử dụng trong vai trò tấn công các tàu chiến mặt nước (theo học thuyết Mahan), vốn chạy nhanh, cơ động và được vũ trang tự vệ tốt hơn những chiếc tàu buôn. Năm 1942, các tàu ngầm Nhật đánh chìm được hai chiếc tàu sân bay hạm đội, một tàu tuần dương, vài tàu khu trục và một vài tàu quân sự khác, và gây hư hại cho nhiều chiếc. Chúng không thể giữ được thành tích những năm sau đó khi các hạm đội Đồng Minh được củng cố và bắt đầu áp dụng các chiến thuật chống tàu ngầm tốt hơn. Từ đó đến hết chiến tranh, thay vào đó, tàu ngầm được dùng trong việc tiếp nhiên liệu đến các đơn vị đồn trú trên các đảo. Trong suốt cuộc chiến, tàu ngầm Nhật đã đánh chìm được khoảng 1 triệu tấn tàu buôn (184 chiếc), so với thành tích 1,5 triệu tấn của Anh (493 chiếc), 5,3 triệu tấn (1.314 chiếc) của Mỹ[28], và 14,3 triệu tấn của Đức (2.840 chiếc).

Những kiểu đầu tiên không được cơ động lắm khi ở dưới nước, không thể lặn thật sâu, và không được trang bị radar. Sau đó, những chiếc được trang bị radar trong một vài tình huống bị đánh chìm do khả năng của các bộ radar Mỹ có thể phát hiện sự phát sóng. Ví dụ, chiếc Batfish (SS-310) đã đánh chìm ba chiếc tàu ngầm trong vòng bốn ngày. Khi kết thúc chiến tranh, nhiều chiếc tàu ngầm nguyên bản của Nhật Bản được gửi đến Hawaii để khảo sát trong "Chiến dịch Road's End" (đường cùng), gồm có I-400, I-401, I-201I-203) trước khi bị đánh đắm bởi Hải quân Mỹ năm 1946, khi phía Xô Viết yêu cầu quyền cùng được tiếp cận các tàu ngầm này.

Các đơn vị đặc công

Máy bay cảm tử Mitsubishi Zero chuẩn bị tấn công thiết giáp hạm Missouri Hoa Kỳ.

Cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, hải quân Nhật đã thành lập rất nhiều các đội đặc công (特別攻撃隊, tokubetsu kōgeki tai, thường được gọi tắt là 特攻隊, tokkōtai) với nhiệm vụ chiến đấu cảm tử để bù đắp cho việc hạm đội tàu chính bị tiêu diệt. Những đơn vị này bao gồm các máy bay Kamikaze ("thần phong"), các tàu cảm tử Shinyo ("trấn dương"), tàu ngầm cảm tử nhỏ Kairyu ("Hải long"), ngư lôi cảm tử Kaiten ("Hồi thiên") và những thợ lặn cảm tử Fukuryu ("Phục long"), những người đã bơi dưới thuyền và sử dụng những chất nổ đặt trên cọc tre để tiêu diệt tàu và chính người đặt mìn cũng chết. Các máy bay Kamikaze đã tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong việc phòng thủ Okinawa, trong đó 1.465 máy bay đã được dùng nhằm phá hỏng 250 tàu chiến Mỹ.

Một lượng khá lớn các đơn vị đặc công được xây dựng và tích lũy tại vùng ven biển cho các cuộc phòng thủ cảm tử trên đất liền, các đơn vị này có khả năng tiêu diệt và làm hư hại hàng nghìn tàu chiến kẻ thù.

Lực lượng Tự vệ Nhật Bản

Các thủy thủ Nhật bên cạnh chiếc tàu huấn luyện JDS Kashima của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, tại Trân Châu Cảng, ngày 4 tháng 5, năm 2004

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai và sự chiếm đóng của các lực lượng nước ngoài tại Nhật Bản sau đó, toàn bộ quân đội đế quốc của Nhật đã bị giải tán theo Hiến pháp mới năm 1947, với toàn văn chương 2 điều 9, Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận. Hải quân Nhật hiện nay đứng dưới danh nghĩa của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JSDF) với cái tên Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản (JMSDF).

Chú thích

  1. ^ Weinberg, tr 892.
  2. ^ a b c d e f g Evans, David C & Peattie, Mark R., Kaigun: strategy, tactics, and technology in the Imperial Japanese Navy, 1887–1941, Naval Institute Press, Annapolis, Maryland, 1997, ISBN 0-87021-192-7
  3. ^ NHỮNG CHIẾC THIẾT GIÁP HẠM ĐẦU TIÊN Bằng Tiếng Nhật: [1] Lưu trữ 2005-11-16 tại Wayback Machine, [2] Lưu trữ 2005-11-06 tại Wayback Machine. Bản tiếng Anh: [3] Lưu trữ 2019-11-17 tại Wayback Machine: "Tuy nhiên những chiếc thiết giáp hạm không lạ lẫm đối với nước Nhật và Hideyoshi; thực ra, Nobunaga Oda đã có nhiều thiết giáp hạm trong hạm đội của ông." (theo như việc Nhật có thiết giáp hạm (1578) trước khi Triều Tiên có tàu con rùa (1592)). Theo các nguồn phương Tây, những chiếc tàu bọc thép của Nhật được mô tả trong tài liệu về Nghĩa Hòa Đoàn "The Christian Century in Japan 1549–1650", t.122, trích lời một người Ý Jesuit Organtino khi thăm Nhật Bản vào năm 1578. Hạm đội bọc thép của Nobunaga cũng được mô tả trong "A History of Japan, 1334–1615", Georges Samson, t.309 ISBN 0-8047-0525-9. "Tàu con rùa bọc thép" của Triều Tiên do Đô đốc Yi Sun-sin (1545–1598) sáng chế, được ghi lại đầu tiên vào năm 1592. Thật ngẫu nhiên, những thanh sắt chỉ che mái (để tránh xâm nhập), chứ không phải bên hông thuyền. Những thiết giáp hạm đầu tiên của phương Tây có vào khoảng năm 1859 với chiếc Gloire của người Pháp ("Hơi nước, Thép và Hỏa pháo").
  4. ^ a b c d Nguồn Global Security
  5. ^ Mô tả trong cuốn "Soie et Lumière" (Lụa và ánh sáng), trong thời gian Sứ mệnh quân sự của Pháp tại Nhật (1867-1868) cho Quân đội.
  6. ^ a b c d Tōgō Shrine and Tōgō Association (東郷神社・東郷会), Togo Heihachiro in images, illustrated Meiji Navy (図説東郷平八郎、目で見る明治の海軍) (tiếng Nhật)
  7. ^ a b c d Christopher Howe, The origins of Japanese Trade Supremacy, Development and technology in Asia from 1540 to the Pacific War, The University of Chicago Press, 1996, ISBN 0-226-35485-7
  8. ^ "Sự trang bị mười hai khẩu bắn nhanh là rất kinh khủng so với kích thước của nó, và với tốc độ 23-knot, nó là chiếc tuần dương nhanh nhất thế giới"ibid.
  9. ^ Chiyoda (II): First Armoured Cruiser of the Imperial Japanese Navy, Kathrin Milanovich, Warship 2006, Conway Maritime Press, 2006, ISBN 1-01844-86030-2
  10. ^ Đoạn video về chiến tranh Thanh-Nhật: Video (liên kết ngoài).
    • [[::Media:Naval battle.ogv|IJN Naval battle]] ([[::Image:Naval battle.ogv|thông tin]])
    • Trục trặc khi xem? Xem hướng dẫn.
  11. ^ Corbett, Các chiến dịch hải quân trong cuộc chiến Nga-Nhật, 2:333
  12. ^ "Hạ thủy trước Dreadnought và dự tính mang các khẩu 12-inch, chiếc tàu này đáng ra phải trở thành chiếc tàu chiến toàn-súng-lớn đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, nó không đủ khẩu 12-inch kiểu Armstrong 1904, và những khẩu 10-inch đã được dùng để thay thế cho 4 thứ vũ khí. Do đó mà chiếc tàu chiến toàn súng lớn sau này là "dreadnoughts", chứ không phải "satsumas"." "Battleships of the 20th Century" của Jane, p68
  13. ^ Wakamiya được "công nhận là tiến hành cuộc không tạc thành công đầu tiên trong lịch sử"Nguồn:GlobalSecurity.org
  14. ^ "Sabre et pinceau", Christian Polak, p92
  15. ^ IJN Wakamiya Aircraft Carrier
  16. ^ a b D.J. Lyon, World War II warships, Excalibur Books, 1976, ISBN 0-85613-220-9
  17. ^ a b Edward S. Miller, War Plan Orange. Annapolis, MD: United States Naval Institute Press, 1991.
  18. ^ Alfred T. Mahan, Influence of Seapower on History, 1660-1783. Boston: Little, Brown.
  19. ^ Peattie & Evans, op. cit., and Willmott, H. P.,The Barrier and the Javelin. Annapolis, MD: United States Naval Institute Press, 1983.
  20. ^ "Hải quân Đế quốc Nhật Bản là lực lượng tiên phong trong hàng không hải quân, được trang bị chiếc tàu đầu tiên thiết kế theo mục đích tàu sân bay, chiếc Hosho." Nguồn Global Security.
  21. ^ Fitzsimons, Bernard, ed. The Illustrated Encyclopedia of 20th Century Weapons and Warfare (London: Phoebus, 1978), Volum3 10, p.1041, "Fubuki".
  22. ^ Westwood, Fighting Ships
  23. ^ Mark Parillo, Japanese Merchant Marine in World War II. Annapolis, MD: United States Naval Institute Press, 1993.
  24. ^ "Theo nhiều khía cạnh thì người Nhật là những người đi đầu trong việc thiết kế các hàng không mẫu hạm, và vào năm 1941, hai chiếc Shōkaku — đỉnh cao của những thiết kế của người Nhật trước chiến tranh — vượt trội hơn hẳn so với bất kỳ hàng không mẫu hạm nào đang sử dụng trên thế giới khi đó" Evans, Kaigun p323
  25. ^ "...về tầm xa và tốc độ có rất ít máy bay ném bom nào qua mặt được Mitsubishi G3M, và đặt trong Kawanishi H8K, hải quân Nhật đã có chiếc thủy phi cơ tốt nhất thế giới." Peattie & Evans, Kaigun, p.312. Tuy nhiên dự tính của họ về chiếc A6M là một sai lầm. Về mặt hiệu quả, nó kém hơn những chủng loại trước đó như SpitfireI-16, đang hoạt động, và sắp ra mắt là P-38F4U, bay sớm hơn A6M.
  26. ^ "trước 1941, thông qua huấn luyện và kinh nghiệm, những phi công của hải quân Nhật không nghi ngờ gì chúng là những người giỏi nhất trong ba lực lượng tàu sân bay trên thế giới." Peattie & Evans, Kaigun, p.325.
  27. ^ Japanese submarines (潜水艦大作戦), Jinbutsu publishing (新人物従来社) (tiếng Nhật)
  28. ^ Theo Hội đồng Định giá Hỗn hợp Bộ-Hải quân (JANAC) rất không chính xác, tính là 78 "khả năng" với 263306 tấn. Blair, Clay, Jr. Silent Victory, p.878.

Tham khảo

  • Weinberg, Gerhard L. (1999). A World at Arms: A Global History of World War II. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-55879-2.

Liên kết ngoài

Read other articles:

6th-century battle between the Aksumites and the Sassanid Persians in Arabia Battle of HadhramautPart of the Abyssinian–Persian warsThe arrow of old Wahraz kills Masruq, the Ethiopian King of Yemen, Persian miniature from Tarikh-i Bal'amiDate570LocationHadhramaut, YemenResult Persian victoryBelligerents Sasanian Empire Kingdom of AksumCommanders and leaders Vahrez Masruq ibn Abraha †Strength 16,000 men (modern estimates) 800 cavalry men (al-Tabari) 6,000-10,000 men vteAbyssinian...

 

Period of Vardar Macedonian history from the mid-14th century to 1912 Part of a series on the History ofNorth Macedonia Chronological Ottoman North Macedonia Karposh's Rebellion National awakening Ilinden Uprising and Kruševo Republic Tikveš and Ohrid Uprising World War I South Serbia and Vardar Banovina World War II Independent State (1944) Anti-Fascist Assembly (ASNOM) National Liberation Front Exodus from Northern Greece Socialist Republic 1963 Skopje earthquake Independent Republic 2001...

 

この記事は検証可能な参考文献や出典が全く示されていないか、不十分です。出典を追加して記事の信頼性向上にご協力ください。(このテンプレートの使い方)出典検索?: X JAPAN WORLD TOUR Live 2011 South American Tour – ニュース · 書籍 · スカラー · CiNii · J-STAGE · NDL · dlib.jp · ジャパンサーチ · TWL(2018年3月) この記事の主題はウィ

1922 film Three Live GhostsNewspaper advertisementDirected byGeorge FitzmauriceWritten byOuida BergèreMargaret TurnbullBased onThree Live Ghosts1920 playby Frederic S. IshamMax MarcinProduced byAdolph ZukorStarringNorman KerryCinematographyArthur C. MillerDistributed byFamous Players–Lasky British ProducersRelease date 1 January 1922 (1922-01-01) Running time60 minutesCountryUnited KingdomLanguageSilent (English intertitles) Three Live Ghosts is a 1922 British comedy film di...

 

2019 studio album by Rittz This article needs additional citations for verification. Please help improve this article by adding citations to reliable sources. Unsourced material may be challenged and removed.Find sources: Put a Crown on It – news · newspapers · books · scholar · JSTOR (December 2019) (Learn how and when to remove this template message) Put a Crown on ItStudio album by RittzReleasedNovember 29, 2019 (2019-11-29)Studio...

 

Irish skeleton racer and peer This article includes a list of general references, but it lacks sufficient corresponding inline citations. Please help to improve this article by introducing more precise citations. (October 2015) (Learn how and when to remove this template message) The Right HonourableThe Lord WrottesleyOfficial portrait, 2022Member of the House of LordsLord Temporalas a hereditary peer10 August 1989 – 11 November 1999Preceded byThe 5th Baron WrottesleySucceeded bySe...

«Артистка з Грибова»(рос. «Артистка из Грибова») Жанр лірична комедіяРежисер Леонід КвініхідзеСценарист Еміль БрагинськийУ головних ролях Ірина МуравйоваОператор Євген ГуслинськийКомпозитор Олександр ЗацепінХудожник Наталія МєшковаКінокомпанія «Мосфільм»Тривалі...

 

Die Bundesmarine verfügte in den ersten Jahren ihres Bestehens über eine große Zahl kleinerer Küstenwach-, Sicherungs- und Schulboote, die neben ihren operativen Aufgaben eine bedeutende Rolle für die Ausbildung der Besatzungen neuer Schiffe und Boote hatten.[1] Die Boote waren teilweise als Kriegsschiffe, teilweise als zivil besetzte Hilfsschiffe und zum Teil als Schwimmendes Gerät ohne feste Besatzung im Einsatz. Die Fahrzeuge stammten aus der Kriegsmarine, aus den zwischen 19...

 

2003 studio album by Kid RockKid RockStudio album by Kid RockReleasedNovember 11, 2003RecordedApril–August 2003StudioAllen Roadhouse, Clarkston, Michigan [1]Genre Southern rock[2] hard rock[3] country rock[4] hip hop Length67:15Label Atlantic Lava Top Dog ProducerKid RockKid Rock chronology Cocky(2001) Kid Rock(2003) Live Trucker(2006) Singles from Kid Rock Feel Like Makin' LoveReleased: October 2, 2003 Single FatherReleased: 2004 Cold and EmptyReleas...

American bluegrass band This article includes a list of general references, but it lacks sufficient corresponding inline citations. Please help to improve this article by introducing more precise citations. (December 2018) (Learn how and when to remove this template message) Hayseed DixieHayseed Dixie performing in Stavanger, Norway, 2008Background informationAlso known asKerosene BrothersOriginUnited StatesGenres Rockgrass parody bluegrass comedy rock Years active2001–presentLabelsDualtone...

 

Perpustakaan Umum New York Perpustakaan Umum New York (New York Public Library, NYPL) adalah satu di antara tiga perpustakaan umum yang melayani New York City dan merupakan salah satu perpustakaan utama di Amerika Serikat. Dua perpustakaan New York City lainnya berada Brooklyn dan Queens. Katalog terhubung (online) perpustakaan ini dikenal dengan akronimnya, CATNYP. Bangunan utama perpustakaan ini yang terletak di Fifth Avenue adalah hasil karya arsitektur Beaux-Arts dari Carrere and Hastings...

 

1999 video gameWarpath: Jurassic ParkEuropean cover artDeveloper(s)Black Ops EntertainmentPublisher(s)Electronic ArtsDreamWorks InteractiveComposer(s)Michael GiacchinoSeriesJurassic ParkPlatform(s)PlayStationReleaseNA: November 17, 1999[1]EU: 1999Genre(s)FightingMode(s)Single-player, multiplayer Warpath: Jurassic Park is a fighting video game released on the PlayStation console in 1999. It is a spin-off of the films Jurassic Park and The Lost World: Jurassic Park, in turn adapted from...

1997 American filmWishful ThinkingDirected byAdam ParkWritten byAdam ParkProduced byStuart BurkinStarringDrew BarrymoreJennifer BealsJames LeGrosJon StewartCinematographyEllery RyanEdited bySue BlaineyMusic byPaul RabjohnsDistributed byMiramaxRelease date July 9, 1997 (1997-07-09) Running time91 minutesCountryUnited StatesLanguageEnglish Wishful Thinking is a 1997 romantic comedy film directed by Adam Park, and starring Drew Barrymore, Jennifer Beals, James LeGros and Jon Stewa...

 

English psychiatric hospital Hospital in Nottinghamshire, EnglandRampton Secure HospitalNottinghamshire Healthcare NHS Foundation TrustEntrance to Rampton Secure HospitalShown in NottinghamshireGeographyLocationWoodbeck, Nottinghamshire, EnglandCoordinates53°17′24″N 0°50′11″W / 53.2899°N 0.8365°W / 53.2899; -0.8365OrganisationCare systemNHSTypeSpecialistServicesEmergency departmentNoBedsabout 390SpecialityPsychiatric hospital (secure mental hospital)History...

 

Marcel ProustLahir10 Juli 1871Auteuil, PrancisMeninggal18 November 1922Paris, PrancisPekerjaanNovelis, eseisTanda tangan Marcel-Valentin-Louis-Eugène-Georges Proust (10 Juli 1871 – 18 November 1922) adalah seorang cendekiawan, novelis, eseis dan kritikus Prancis, paling dikenal sebagai penulis Mencari Waktu Yang Hilang (dalam bahasa Prancis À la recherche du temps perdu), sebuah karya monumental dalam fiksi abad ke-20 yang berisi tujuh volume yang diterbitkan dari 1913 ...

Place in Sudurpashchim Province, NepalChhededaha Rural MunicipalityChhededaha Rural MunicipalityLocation in NepalCoordinates: 29°25′N 81°15′E / 29.42°N 81.25°E / 29.42; 81.25Country   NepalProvinceSudurpashchim ProvinceDistrictBajuraMunicipalityChhededahaNo.of wards7Government • TypeRural Council • MayorNar Bahadur Rawal • Deputy MayorKunti Devi Saud (Budha)Area • Total135.08 km2 (52.15 sq...

 

Village in Łódź Voivodeship, PolandGłaznówVillageGłaznówCoordinates: 52°14′48″N 19°7′51″E / 52.24667°N 19.13083°E / 52.24667; 19.13083Country PolandVoivodeshipŁódźCountyKutnoGminaKrośniewicePopulation140 Głaznów [ˈɡwaznuf] is a village in the administrative district of Gmina Krośniewice, within Kutno County, Łódź Voivodeship, in central Poland.[1] It lies approximately 3 kilometres (2 mi) west of Krośniewice, 17 km...

 

ПосёлокСвежий Родник 52°56′36″ с. ш. 52°09′39″ в. д.HGЯO Страна  Россия Субъект Федерации Оренбургская область Муниципальный район Бузулукский Сельское поселение Лисьеполянский сельсовет История и география Прежние названия Холодное Часовой пояс UTC+5:00 Населени...

79th New South Wales government ministry, led by Barrie Unsworth Unsworth ministry79th Cabinet of Government of New South WalesPremier Barrie UnsworthDate formed4 July 1986 (1986-07-04)Date dissolved21 March 1988 (1988-03-21)People and organisationsMonarchQueen Elizabeth IIGovernorSir James RowlandPremierBarrie UnsworthDeputy PremierRon MulockNo. of ministers20Member partyLaborStatus in legislatureMajority Labor GovernmentOpposition partiesLiberal–National coal...

 

Online magazine This article is about the online magazine. For other uses, see Globalist. This article has multiple issues. Please help improve it or discuss these issues on the talk page. (Learn how and when to remove these template messages) This article needs additional citations for verification. Please help improve this article by adding citations to reliable sources. Unsourced material may be challenged and removed.Find sources: The Globalist – news · newspapers&#...

 

Strategi Solo vs Squad di Free Fire: Cara Menang Mudah!