Các thiên thể Messier là tập hợp 110 thiên thể được định vị bởi nhà thiên văn học người Pháp Charles Messier trong quyển Danh mục Tinh vân và đám sao (Catalogue des Nébuleuses et des Amas d'Étoiles) xuất bản lần đầu năm 1774. Messier là một người săn tìm sao chổi và đã bị khó chịu mỗi khi tìm thấy một thiên thể trông giống nhưng không phải là sao chổi. Ông đã xuất bản danh bạ các vật thể đó để giúp các nhà săn tìm sao chổi khác tránh bị mất thời gian khi tìm thấy vật thể đã xác định là không phải sao chổi.
Lần xuất bản đầu tiên chứa 45 thiên thể chưa được đánh số (M1 đến M45). Mười tám thiên thể được Messier phát hiện, phần còn lại được các nhà thiên văn học khác quan sát trước đó.[1] Đến năm 1780, danh mục đã tăng lên 70 thiên thể.[2] Lần xuất bản cuối vào năm 1781, danh mục chứa 103 thiên thể và được in lại trong Connaissance des Temps (Hiểu Biết thời gian) vào năm 1784.[3][4] Tuy nhiên, do lâu nay người ta cho rằng Messier đã bổ sung không chính xác Messier 102 nên tổng số vẫn là 102. Các nhà thiên văn học khác đã sử dụng các ghi chú bên lề trong các văn bản của Messier để hoàn thiện danh mục, cuối cùng đã điền vào danh mục lên tới 110 thiên thể.[5] Nhiều thiên thể trong danh sách này ngày nay vẫn được biết đến với số thứ tự trong danh mục của Messier.
Danh mục bao gồm một loạt các Thiên thể, từ các cụm sao và tinh vân cho đến các thiên hà. Ví dụ, Messier 1 là một tàn tích siêu tân tinh còn được gọi là Tinh vân Con Cua và Thiên hà Tiên Nữ xoắn ốc lớn là Messier 31. Tiếp theo là bao gồm, bổ sung đầu tiên đến từ Nicolas Camille Flammarion vào 1921, ông đã thêm Messier 104 sau khi tìm thấy ghi chú bên lề của Messier trong mẫu danh mục ấn bản năm 1781 của ông. Messier 105 đến Messier 107 được Helen Sawyer Hogg bổ sung vào năm 1947, Messier 108 và Messier 109 bổ sung bởi Owen Gingerich vào năm 1960 và Messier 110 bổ sung bởi Kenneth Glyn Jones vào năm 1967.[6]
Danh sách Messier được thực hiện từ các công trình của các nhà thiên văn ở Bắc bán cầu Trái Đất, do đó chỉ chứa các thiên thể nằm ở bắc thiên cầu cho tới các thiên thể có xích vĩ nhỏ nhất là –35°. Nhiều thiên thể đẹp và lớn ở Nam thiên cầu, như các Đám mây Magellan Lớn và Nhỏ không có mặt. Các thiên thể Messier đều có thể được quan sát bởi mắt thường hoặc bởi ống nhòm hay kính thiên văn nhỏ khi trời quang và xa thành thị, chúng được các nhà thiên văn nghiệp dư ưa chuộng. Vào đầu mùa xuân, một số người có thể tụ tập và quan sát trong một đêm tất cả các thiên thể Messier, gọi là "Messier Marathon".
CHÚ THÍCH: Messier 102 bị thiếu trong bản đồ này.