Cha Lê Ngọc Nam bị giặc giết hại nên ông mồ côi cha từ khi chưa lọt lòng mẹ.[1][2]
Lúc năm tuổi ông đã theo mẹ ghé thăm nhiều nhà tù do quân xâm lược dựng lên.[2]
Từ năm 10 tuổi, ông bí mật tham gia cách mạng. Căn nhà nơi ông ở từng nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của cách mạng như Phan Ngọc Nhân (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đội trưởng Đội Trinh sát an ninh vũ trang tỉnh Quảng Đà (cũ)), Võ Như Ngọc (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trinh sát vũ trang Quảng Đà).[1] Mẹ ông thường căn dặn ông phải tuyệt đối trung thành với cách mạng và sẵn sàng chịu nhục hình tra tấn kiên quyết không khai báo thông tin về cán bộ khi bị giặc bắt.[1]
Năm 11 tuổi (1964), ông làm giao liên vận chuyển thư tín của cấp trên xuống cơ sở ở địa bàn xã Cẩm Thanh.[1][2]
Năm 14 tuổi, ông thoát li khỏi gia đình làm giao liên ở văn phòng Thị ủy Hội An.[1] Ông hoạt động trong lòng địch và đi lại giữa hai vùng chiến sự của địch và ta, từng nhiều lần vượt sông Thu Bồn để chuyển tài liệu khẩn cấp.[1]
Ông trải qua hơn 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 40 năm phục vụ trong lực lượng công an.[2][3]
Ông từng giữ chức vụ Trưởng phòng Tình báo Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.[4]
Ngày 25 tháng 4 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã kí quyết định thăng quân hàm cho ông từ Đại tá lên Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam. Lúc này ông đang là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng, Bộ Công an.[7]
Lê Ngọc Nam còn biết làm thơ (nghiệp dư). Một số tác phẩm của ông đã được phổ nhạc thành bài hát, như bài "Đêm Mê Kông", "Về thăm đồng đội" do nhạc sĩ Minh Đức phổ nhạc.[1][3]
Sách Lê Ngọc Nam, "Chuyện đời tự kể" (Hồi kí Năm tháng không quên), Nhà xuất bản Công an nhân dân, 160 trang, 2014.[2][3] Tác phẩm này là một trong ba tác phẩm xuất sắc nhất Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức trong ba năm từ năm 2012 đến năm 2015.[2]