Tại Việt Nam, bất đồng chính kiến từng xuất hiện trong nhiều giai đoạn lịch sử dưới nhiều loại hình khác nhau.
Trong thời Pháp thuộc, Nhiều người bất đồng chính kiến tại miền Nam (nơi có chính quyền thuộc địa và được hưởng phần nào tự do chính trị như một lãnh thổ Pháp), đã liên kết và thành lập những tổ chức đối lập công khai như Đảng Lập hiến Đông Dương, Đảng Phục Việt ở Nam Kỳ, ra tranh cử và tham gia chính trường công khai và xuất bản báo tư nhân (như Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Tribune Indigène).
Tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ, chính quyền bảo hộ tuy cho phép ra báo tư nhân (như Đông Dương tạp chí, Phong Hóa,...) nhưng không cho phép lập những tổ chức đối lập nên những người bất đồng chính kiến và phản đối chính sách thực dân đã thành lập những tổ chức cách mạng tìm cách lật đổ chính quyền bảo hộ bằng vũ khí như Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Việt Nam Quốc dân Đảng... Những tổ chức quần chúng khác tuy được chính quyền thuộc địa Pháp cho hoạt động công khai vì lý do văn hóa hay cộng đồng nhưng đã lợi dụng để phổ biến tư tưởng quốc gia yêu nước và độc lập qua cách phổ biến những ca khúc yêu nước, học tập gương danh nhân Việt Nam, phổ biến trí thức như tổ chức Hướng Đạo Việt Nam, trường Đông Kinh Nghĩa thục...
Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, tại miền Nam, thời Việt Nam Cộng hòa, nhiều tổ chức chính trị do những người bất đồng chính kiến thành lập để hoạt động công khai, tranh cử vào quốc hội và tham gia chính trường, ra báo, biểu tình (như Ký giả đi ăn mày), Đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam, lực lượng thành phần thứ ba (Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nhất Linh, ông Đạo Dừa...). Đặc biệt trong thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách hạn chế đối lập nên nhiều tổ chức đối lập đã tổ chức những cuộc biểu tình như trong dịp Quốc nạn Phật giáo Việt Nam. Khi đó, Thích Quảng Đức tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Tấm ảnh chụp hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Nữ tu Nhất Chi Mai cũng đã tự thiêu để phản đối Chiến tranh Việt Nam.
Theo báo cáo đặc biệt năm 1973 của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International – AI), có tồn tại việc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đàn áp những người bất đồng chính kiến, trong đó có việc lạm dụng các điều luật mơ hồ để bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn, và xét xử bằng toà án binh. Những người dân thường bị Việt Nam Cộng hòa giam giữ đều được Tổ chức Ân xá Quốc tế xem là tù nhân chính trị, vì đa phần trong số đó bị giam giữ vì lý do bất đồng chính kiến. Nhiều người bị bắt mặc dù không có liên hệ với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Theo AI, Việt Nam Cộng hòa có bốn loại tù nhân bao gồm: tù hình sự, những người thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, những người có liên hệ với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và những người bất đồng chính kiến. Những người bất đồng chính kiến được phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi là "lực lượng chính trị thứ ba" tại miền Nam. AI cho rằng Việt Nam Cộng hòa giam giữ khoảng 200.000 tù chính trị nhưng phía VNCH cho rằng họ chỉ giam khoảng 37.000 người. Một trường hợp tiêu biểu của AI nhắc tới là dân biểu Trần Ngọc Châu một người bất đồng chính kiến bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu quy chụp là cộng sản nằm vùng. Sau Hiệp định Paris, ông Châu được trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng ông từ chối vì cho rằng mình không phải là cộng sản. Thực tế đã chứng minh điều đó khi sau năm 1975, ông này đã sang Hoa Kỳ định cư. Theo AI, VNCH đã bắt bớ và giam giữ tuỳ tiện những người bất đồng chính kiến ở miền Nam thông qua những điều luật chống Cộng mơ hồ và tù binh không được hưởng các quy chế quốc tế. Nhiều tù chính trị bị coi là đặc biệt nguy hiểm bị giam giữ mà không qua xét xử. Nhiều phiên xử của các tòa án binh chỉ kéo dài trong 5 phút. Theo AI, tù nhân chính trị còn bị tra tấn, bức cung, nhục hình tại các nhà giam, đặc biệt là tại Tổng nha Cảnh sát Quốc gia Đô thành Sài Gòn. Tình trạng đối xử tàn tệ với tù nhân diễn ra khốc liệt hơn khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa và cố vấn Hoa Kỳ can thiệp vào các trại giam. Báo cáo cho biết việc biệt giam, cùm, đánh đập dã man và nhốt tù nhân trong chuồng cọp khiến cho một số tù nhân bị tàn tật vĩnh viễn. Một số tù nhân đã chết trong ngục hoặc bị liệt nửa người. Từ năm 1972, hội Chữ thập đỏ bị ngăn cấm vào tiếp xúc và hỗ trợ cho tù chính trị. Đa số người bị cáo buộc vi phạm những tội chính trị kể trên đều bị giam giữ vô thời hạn mà không được mang ra xét xử. Căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp năm 1967 về việc bài trừ chủ nghĩa Cộng sản, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thường bắt người với lý do "gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia", "gây suy sụp tinh thần chiến sỹ quân đội", tập hợp người gây bất lợi cho an ninh quốc gia, cổ súy chủ thuyết cộng sản, thân cộng, thân cộng-trung lập,...Luật nhà binh được chính quyền sử dụng trong các vụ án chính trị.[1]
Tại miền Bắc thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lực lượng đối lập không được phép thành lập tổ chức công khai hay biểu tình nên những tổ chức đối lập thời Pháp thuộc bị giải thể và những người bất đồng chính kiến tìm cách ra báo dưới danh nghĩa một cơ quan nhà nước như nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm. Nhóm này xuất bản báo Nhân văn ra được 5 số và tạp chí Giai phẩm ra được 4 số rồi bị đình bản. Sau đó, hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm phải tham gia các khóa học tập về tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Một số bị treo bút một thời gian dài: Lê Đạt, Trần Dần, số khác không tiếp tục con đường sự nghiệp văn chương, thậm chí có người bị giam giữ trong một thời gian dài và tiếp tục bị giám sát trong nhiều năm sau khi mãn tù như trường hợp Nguyễn Hữu Đang. Dư luận chung thường gọi đây là "Vụ án Nhân Văn–Giai Phẩm". Trong Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam có nhiều "sai lầm và khuyết điểm" (như tuyên bố của Hội nghị Trung ương 10 của Đảng Lao động Việt Nam), giáo sư Trần Đức Thảo, và một số người bị oan như Tu sĩ Thiều Chửu tự sát vì bị nghi oan. Một số luật sư như Nguyễn Mạnh Tường đã công khai phê bình những sai lầm trong các bài phát biểu trước quốc hội.
Từ năm 1988, với sự tuyên bố ngừng hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam, Nhà nước Việt Nam không cho phép thành lập đảng, tổ chức đối lập công khai cũng như phát hành báo chí tư nhân (Chỉ thị 37)[2] và biểu tình, mít tinh ngoài biên chế.
Những người bất đồng chính kiến đã dùng Internet để tuyên truyền quan điểm chính trị của họ về việc không đồng tình với chính sách, quy định nào đó của nhà nước, hoặc tuyên bố chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Hình thức bao gồm diễn đàn, blog (Huy Đức, mạng Bauxite Việt Nam, mạng lưới Nhân quyền Việt Nam,[3]...) hay phát biểu qua mạng Paltalk hoặc lui vào hoạt động bí mật, không được công nhận công khai như Tập hợp Thanh niên Dân chủ, Khối 8406, Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến cũ. Nhiều người bị bắt giam vì nhà nước Việt Nam cho rằng họ đã vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự về hành vi lợi dụng quyền tự do để tuyên truyền chống Nhà nước.[4]
Hiện nay có một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Bùi Tín, Cù Huy Hà Vũ, Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, Lê Chí Quang, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Lê Trần Luật, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Hộ, Nguyễn Hữu Chánh, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Giản, Phạm Hồng Sơn, Thích Huyền Quang, Thích Không Tánh, Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Quốc Hiền, Trần Độ, Vũ Thư Hiên.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định sự lãnh đạo suốt 80 năm qua của Đảng luôn luôn đúng đắn [5]. Hiện tại chưa có sự rõ ràng về sự quản lý tư tưởng của Đảng Cộng sản đối với những Việt Kiều hai quốc tịch.
Những người thường xuyên bộc lộ tư tưởng chỉ trích sự lãnh đạo của Đảng được coi là các đối tượng "bất đồng chính kiến", và ở mức cao hơn là "thế lực thù địch" và có thể bị nghiêm trị. Ví dụ điển hình như trường hợp Cù Huy Hà Vũ có các bài phát biểu phản đối tư tưởng và đường lối lãnh đạo của Đảng đã bị buộc tội "chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa". Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam đã ký cam kết thực hiện, công dân có quyền "tự do tư tưởng" trong khuôn khổ pháp luật, nhưng sự phân định giữa "phản biện" và "tuyên truyền chống phá" là chưa nhất quán.
Chính phủ Việt Nam cho rằng phản biện xã hội là rất cần thiết[6], tuy nhiên Quyết định 97 của Thủ tướng Chính phủ ra năm 2009 yêu cầu "ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức KHCN [7]. Vì vậy, không có ý kiến phản biện nào có thể được công bố công khai trước khi cho phép.
Những loại hình có thể có của bất đồng chính kiến:
Thực tế từ 2005, 2006 Việt Nam đã hệ thống hóa việc kiểm soát truy cập Internet bằng cách âm thầm block các site chủ yếu vì lý do tôn giáo, chính trị như Human Rights Watch, SaigonBao, Radio Free Asia, BBC Tiếng Việt và những bài blog của Lê Chí Quang, Nguyễn Đan Quế v.v. Điều đáng chú ý là trong cùng thời điểm, việc block các site có nội dung khiêu dâm hay bạo lực hầu hết không được tiến hành hoặc thực hiện rất chậm trong khi cấm các nội dung không hợp thuần phong, mỹ tục là nguyên nhân chính thức được công bố.[20].