Bài viết này có thể có quá nhiều đề mục . Hãy giúp cải thiện bài viết bằng cách gộp các phần có nội dung tương đồng và loại bỏ những đề mục con không cần thiết.
Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự ở Việt Nam xảy ra vào tối ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Bưu Điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện tên là Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị giết bằng cách cắt cổ. Ngày 21 tháng 3 năm 2008, nghi phạm Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt.[1] Qua hai lần xét xử sơ thẩm (năm 2008 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An) và phúc thẩm (năm 2009 tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối caoNguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2012, Chủ tịch nướcTrương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án nhân dân tối cao.[2]
Ngày 8 tháng 5 năm 2020, sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua bỏ phiếu công khai, quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đây là một vụ án có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc điều tra, giải quyết vụ án như: Tiêu hủy vật chứng, thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường; ép cung, rút bỏ hồ sơ chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo.[4][5][6][7] Tuy nhiên Tòa án nhân dân tối cao nhận định những vi phạm pháp luật này không làm thay đổi bản chất của vụ án nên không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.[1]
Nạn nhân
1. Nguyễn Thị Ánh Hồng, sinh năm 1985 (23 tuổi), nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi,[8][9][10] ngụ ở khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, ngoại ô thành phố Tân An, tỉnh Long An.[11][12] Hồng là con trưởng trong gia đình nghèo đông con (4 con), một người em bị liệt từ nhỏ. Hồng được đánh giá là người con hiếu thảo với cha mẹ. Hồng học hết lớp 12, muốn thi đại học, nhưng nhà nghèo, cha bệnh nặng nên đành phải đi làm công nhân một thời gian trước khi xin vào làm ở Bưu cục Cầu Voi. Hồng là nhân viên hợp đồng Bưu cục Cầu Voi được khoảng hơn một năm thì xảy ra vụ án mạng. Lương tháng của Hồng khoảng hơn một triệu đồng. Hồng dành dụm tiền tiết kiệm gửi về cho cha mẹ xây nhà.[13]
2. Nguyễn Thị Thu Vân, sinh năm 1987 (21 tuổi), nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi,[9][10] trú tại khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, thành phố Tân An, tỉnh Long An.[14]
Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân là chị em họ của nhau, con chú con bác, nhà ở cạnh nhau (cách 50m), chơi chung với nhau từ nhỏ.[15][16] Nhà Hồng và Vân không xa bưu cục nhưng hai người ở trọ lại bưu cục chứ không về nhà.[13] Trụ sở Bưu điện Cầu Voi là một căn nhà hai tầng ven Quốc lộ 1 được bưu điện thuê của một người dân.[12]
Nghi phạm
Tại thời điểm xảy ra vụ án, nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng đang có mối quan hệ tình cảm với ba người đàn ông: Nguyễn Mi Sol (người yêu cũ), Nguyễn Văn Nghị (người yêu mới) và một kĩ sư tên Trung (bạn mới quen).[17] Trần Văn Chiến và Nguyễn Tuấn Anh đang theo đuổi Hồng.
Nguyễn Mi Sol
Nguyễn Mi Sol[15][18][19] (có báo ghi Nguyễn Misol,[17] Nguyễn Văn Sool,[20] Trần Văn Sol[21], Nguyễn Huy Sol[22]), sinh năm 1980,[19] là người yêu cũ của Nguyễn Thị Ánh Hồng.[23] Nguyễn Mi Sol ngụ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, làm nghề thợ bạc, từng làm việc tại tiệm vàng Kim Long gần khu vực Bưu điện Cầu Voi.[20][21]
Hồng và Nguyễn Mi Sol yêu nhau và từng dự định kết hôn nhưng bị hai gia đình ngăn cản.[20] Nguyễn Mi Sol sống như vợ chồng với Hồng, Hồng đeo nhẫn cưới của Nguyễn Mi Sol tặng.[17] Nguyễn Mi Sol thời điểm trước khi vụ án xảy ra đã không còn làm việc ở tiệm vàng Kim Long mà làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, cuối tuần thường về thăm chủ cũ và Hồng. Mỗi lần về thăm Hồng, Mi Sol đều ngủ lại với Hồng ngay tại Bưu điện Cầu Voi.[17][18][19][20] Tại biên bản ghi lời khai ngày 21/6/2008 (BL 209, 210) Mi Sol khai: "... 3/2007 tôi bỏ đi lên TP. HCM làm thuê cho anh Đệ tại địa chỉ 240/4 Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6 cho đến nay. Sau khi lên TP. HCM thì tôi cũng thường xuyên về bưu điện sống chung như vợ chồng với Hồng. Trung bình cứ một tuần lễ thì về một ngày. Thời gian gần nhất trước khi Hồng, Vân bị giết, [tôi] về bưu điện vào ngày thứ Tư 9/1 đến sáng thứ Năm 10/1 tôi mới đi TP. HCM làm tiếp".[17]
Nguyễn Mi Sol có bạn là Nguyễn Văn Nghị, người sau này trở thành người yêu mới của Hồng.[20] Theo một nhân chứng, tối hôm xảy ra vụ án, Sol cũng về Cầu Voi nhưng không vào bưu điện thăm Hồng vì biết có Nghị ở đó.[20] Sau khi vụ án xảy ra khoảng một năm, Nguyễn Mi Sol đã rời khỏi nơi tạm trú ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.[15]
Ngày 15 tháng 5 năm 2020, Đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An cho phóng viên báo Giao thông biết rằng nghi phạm này sinh năm 1984 ngụ tại ấp Vĩnh Tiến (nay là ấp Vĩnh Hựu), xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.[24]
Nguyễn Văn Nghị
Nguyễn Văn Nghị, sinh năm 1979[20] hay 1978,[19] quê quán (có báo nói cư trú) tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (nay là xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).[20][24] Theo một số tin đồn trên truyền thông mạng, Nguyễn Văn Nghị là cháu của cựu Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.[25][26] Quê quán của Nghị trùng khớp với lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Phượng, người bán trái cây ở chợ Cầu Voi, chị nghe thấy nạn nhân Vân nói rằng tiền do bạn trai của Hồng quê ở Tiền Giang đưa cho.[20]
Nghị là bạn của Nguyễn Mi Sol, tạm trú dài hạn tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để làm việc tại tiệm vàng Kim Long.[15] Nghị tình cờ gặp Nguyễn Thị Ánh Hồng và trở thành người yêu mới của Hồng.[9][21][27] Nguyễn Thị Ánh Hồng sau khi yêu Nguyễn Văn Nghị vẫn qua lại với Nguyễn Mi Sol nên mối quan hệ giữa Nghị và Nguyễn Mi Sol bị sứt mẻ, Nghị và Mi Sol thường xuyên cãi vã.[20] Nguyễn Văn Nghị từng nhiều lần yêu cầu Hồng chấm dứt quan hệ với Nguyễn Mi Sol.[20] Theo lời khai của Nguyễn Mi Sol, Nguyễn Tuấn Anh và Trần Văn Chiến thì Nguyễn Văn Nghị nghiện ma túy.[19][28]
Vào đêm xảy ra vụ án, người dân địa phương thấy Nghị đi xe máy đến Bưu điện Cầu Voi gặp Hồng và Vân. Có người thấy Nghị mặc quần jean khoác bên ngoài chiếc áo gió. Tuy nhiên, từ 20h10' đêm đó, Nghị uống cà phê với bạn tại một quán cà phê khu vực Cầu Voi và được chủ quán cà phê xác nhận thời gian.[15] Theo báo Người lao động ngày 17 tháng 1 năm 2008, Nguyễn Văn Nghị khai khi vào bưu điện đã thấy "tình địch" (Nghị biết mặt nhưng không rõ tên, đó là kĩ sư Trung) ngồi bên Hồng từ lâu. Sau khi chạm trán "tình địch", Nghị bỏ ra ngoài và không quay trở lại Bưu điện Cầu Voi cho đến sáng hôm sau. Sau khi hay tin Hồng và Vân bị giết, Nghị đến nhà nạn nhân Hồng ở khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, thị xã Tân An (Long An) để phụ giúp gia đình lo hậu sự. Tại đây, Nghị đã bị áp giải về cơ quan điều tra để lấy lời khai.[29]
Theo báo Công an nhân dân đăng ngày 16 tháng 1 năm 2008 thì Nguyễn Văn Nghị là nghi can chính của vụ án và động cơ gây án là do ghen tuông.[28] Sau khi vụ án xảy ra khoảng một năm, Nguyễn Văn Nghị đã rời khỏi nơi tạm trú ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.[15] Sau tổng hợp những lời khai không có tình tiết gì mới, hồ sơ của Nguyễn Văn Nghị được rút đưa vào hồ sơ AK của Bộ Công an, đây là tài liệu mật.[22]
Ngày 13 tháng 5 năm 2020, phóng viên báo Dân Việt về kiểm tra dữ liệu nhân khẩu xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang với gần 4.000 hộ dân, nhưng không thấy có ai tên là Nguyễn Văn Nghị.[30] Công an xã Tân Hội cho biết không có nghi can nào tên Nguyễn Văn Nghị sống tại địa phương. Ngày 15 tháng 5 năm 2020, Đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An[31][32] cho phóng viên báo Giao thông biết rằng tên nghi phạm không phải là Nguyễn Văn Nghị mà là Nguyễn Hữu Nghị, sinh năm 1985,[33] hiện đang sinh sống tại ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An và hành nghề dịch vụ du lịch, bán bảo hiểm xe.[24][34][35] Nguyễn Hữu Nghị có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân Hồng nên cơ quan điều tra đã triệu tập làm việc vào ngày 14/1/2008 và ngày 5/3/2008. Nhưng Nguyễn Hữu Nghị có bằng chứng ngoại phạm vì vào khoảng 19h30 đến 21h ngày 13/1/2008, Nghị ở tại nhà cùng uống cà phê và đánh bài với 2 người hàng xóm.[24]
Nguyễn Tuấn Anh
Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1981, thợ bạc tiệm vàng Kim Long gần khu vực Bưu điện Cầu Voi, ngụ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.[19][21] Nguyễn Tuấn Anh đang theo đuổi Hồng nhưng chưa được Hồng chấp nhận. Vào đêm xảy ra án mạng, Nguyễn Tuấn Anh có mặt tại Bưu cục Cầu Voi và có nói chuyện với Hồng.[19]
Trần Văn Chiến
Trần Văn Chiến[19] (hay Trần Văn Chà[20][21]), sinh năm 1980,[19] là thợ bạc tiệm vàng Kim Long gần khu vực Bưu điện Cầu Voi, ngụ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.[20] Trần Văn Chiến đang theo đuổi Hồng nhưng chưa được Hồng chấp nhận.[19] Tối hôm xảy ra án mạng, Trần Văn Chiến có mặt tại bưu điện Cầu Voi và có nói chuyện với Hồng.[19]
Ba thanh niên Vĩnh Long là Nguyễn Văn Sơn (1980), Nguyễn Tuấn Anh (1981) và Trần Văn Chiến (1980) cùng là thợ bạc đến làm thuê cho tiệm vàng Kim Long, tạm trú tại xã Nhị Thành[36]. Cả ba đều có mối quan hệ quen biết với cả hai nạn nhân, đều đang theo đuổi Hồng nhưng chưa ai được cô gái chấp nhận. Tối xảy ra vụ án, cả ba đều đến chơi và trò chuyện với Hồng, rồi cùng đi về vào lúc hơn 19h. Để chứng minh ngoại phạm, cả ba cho biết lúc về đến nhà trọ có tổ chức uống rượu với mấy người cùng khu trọ, có bà chủ nhà trọ và một số người cùng tham gia sòng nhậu làm chứng.[19]
Kĩ sư tên Trung
Kĩ sư tên Trung, bạn mới quen của Nguyễn Thị Ánh Hồng, kĩ sư xây dựng, quê quán tại tỉnh Bình Dương, đang thi công công trình tại tỉnh Long An (thông tin theo lời khai của Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol).[27][29]
Nguyễn Văn Nghị khai khi tới Bưu điện Cầu Voi đêm xảy ra án mạng đã thấy tình địch ngồi nói chuyện với Hồng từ lâu, Nguyễn Văn Nghị biết mặt nhưng không biết tên người này. Nguyễn Mi Sol căn cứ miêu tả của Nghị cho biết người đó là Trung. Mi Sol cũng đã nhiều lần gặp người này và được Hồng giới thiệu là bạn mới.[29]
Theo lời khai của bốn nghi can (Nguyễn Văn Nghị, Trần Văn Chiến, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Mi Sol) thì đặc điểm của Trung như sau: cao to, nước da sáng, tóc xoăn, mặc quần jeans và áo khoác rộng.[29]
Cũng có nguồn tin cho hay Trung là một tài xế, quê ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), quen Hồng trong thời gian gần thời điểm xảy ra vụ án.[29]
Bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1963, trú tại ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.[38] Bà Loan có 5 chị em gái và một người anh trai,[39] trong đó có chị ruột Nguyễn Thị Rưởi (sinh năm 1957) và em ruột Nguyễn Thị Len (sinh năm 1967, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo viên Trường mẫu giáo Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An).[40][41][42] Bà Nguyễn Thị Loan đi lao động ở Đài Loan từ năm 2004 đến năm 2007, lương mỗi tháng 15 triệu đồng, bà gửi về cho con 10 triệu đồng.[43][44]
Hồ Duy Hải có em gái ruột tên là Hồ Thị Thu Thủy,[45] sinh năm 1991.[46][47] Cha mẹ Hồ Duy Hải chia tay nhau từ khi hai anh em Hải còn nhỏ. Hai anh em Hải được mẹ và dì Nguyễn Thị Rưởi nuôi dưỡng.[48]
Hồ Duy Hải đã tốt nghiệp ngành điện lạnh Trường trung cấp Kĩ thuật công nghệ Hùng Vương (có báo nói Đại học Hùng Vương[49]), Thành phố Hồ Chí Minh, chưa có việc làm.[50] Hồ Duy Hải sống cùng mẹ tại ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.[50]
Nhà Hồ Duy Hải cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2 km.[2] Theo bản án hình sự phúc thẩm thì tháng 10 năm 2007, Hải quen biết với Vân, sau đó thông qua Vân quen biết với Hồng.[3][9][51]
Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An thì Hồ Duy Hải trước thời điểm gây án đang nợ 15 triệu đồng tiền ghi đề, cá cược bóng đá tại nơi cư trú, động cơ gây án là giết người để cướp tài sản.[50]
Trong quyết định bắt giữ, người bị bắt giữ có tên Nguyễn Duy Hải chứ không phải Hồ Duy Hải.[10][52]
Nhân chứng
Danh sách nhân chứng
Phùng Phụng Hiếu, nam, sinh 1978, nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án, nhân viên bưu điện huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.[5][53]
Lê Thị Thu Hiếu, nữ, sinh 1988, nhân viên bưu điện xã Nhị Thành, bạn thân của hai nạn nhân, thường xuyên có mặt tại Bưu điện Cầu Voi, và có mặt tại bưu điện trong cả ngày 13 tháng 1 năm 2008.[10][54]
Đinh Vũ Thường, nam, sinh 1984, người tới Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại về nhà (Cà Mau) vào buổi tối xảy ra án mạng.[10][55]
Hồ Văn Bình, nam, sinh 1983, người tới Bưu điện Cầu Voi gửi xe vào buổi tối xảy ra án mạng.[10][55]
Nguyễn Thị Bích Ngân,[14] nữ, sinh 1972, người bán trái cây ở Cầu Voi.[20][56]
Nguyễn Thanh Long, nam, mất 2019, nhân viên Cây xăng Cầu Voi, chồng của người bán trái cây.
Nguyễn Mi Sol, nam, sinh 1984, người yêu cũ của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng.[49]
Cao Hoàng Tuấn Anh,[9] nam, sinh 1983, bạn trai của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân.[15]
Nguyễn Văn Thu, nam, sinh 1975, nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án, hành nghề lái xe ôm.[54][57][58]
Võ Văn Hùng, nam, sinh 1959, nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.[57][58]
Nguyễn Văn Vàng, nam, nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.[57][58]
Nguyễn Tuấn Ngọc, nam, nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.[49][58]
Đặng Thị Phương Thảo, nữ, bạn của hai nạn nhân.[59]
Huỳnh Thị Kim Tuyền, nữ, sinh 1976, nhà sát Bưu điện Cầu Voi.[14]
Đinh Văn Còi, nam, sinh 1970, Thiếu tá Phòng Cảnh sát cơ động, Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp (PC22) Công an tỉnh Long An, tối xảy ra vụ án có ghé Bưu điện Cầu Voi mua card điện thoại.[60]
Lê Thanh Trí, nam, sinh 1971, cùng với Đinh Văn Còi mua card điện thoại tại Bưu điện Cầu Voi.[60]
Lời khai của các nhân chứng
Phùng Phụng Hiếu
Cơ quan điều tra chưa lấy lời khai của nhân chứng này, mặc dù Phùng Phụng Hiếu là người đầu tiên phát hiện ra vụ án.[61]
Cao Hoàng Tuấn Anh
Theo lời khai của Cao Hoàng Tuấn Anh, bạn trai của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân,[15] thì Nguyễn Văn Nghị là người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng:[9]"Đối với Vân chỉ có tôi, ngoài ra tôi không biết. Đối với Hồng, tôi biết có Sol, Nghị" (biên bản lấy lời khai Cao Hoàng Tuấn Anh ngày 14 tháng 3 năm 2008, tức BL 191, 192).[15]
Nguyễn Thị Bích Ngân
Theo một vài tờ báo phát hành ngay sau khi vụ án xảy ra thì người bán trái cây liên quan đến vụ án tên là Nguyễn Thị Phượng, đã khai là Thu Vân đi mua trái cây dùng tiền do bạn trai của Hồng đưa và người đó đến từ Tiền Giang.[20]
Theo Quyết định Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải[14] thì người bán trái cây này tên là Nguyễn Thị Bích Ngân. Trong biên bản ghi lời khai ngày 14/1/2008 (Bl 260), chị Ngân khai: "Vào lúc khoảng 20h45 – 21h ngày 13/1/2008 tôi đang bán trái cây thì có một cô gái ốm, cao, mặc áo sơ mi màu trắng, tóc ngang vai đi bộ lại chỗ tôi mua trái cây. Tôi biết cô gái này làm ở Bưu điện Cầu Voi… cô gái nói với tôi là có người đưa tiền em kêu em mua nên em mua nhiều… cô gái có nói với tôi là ở nơi làm có khách".[62]
Nguyễn Thanh Long
Tại "Biên bản về việc xác định thời gian Nguyễn Thị Thu Vân đi mua trái cây trước khi bị sát hại" do Cơ quan điều tra tiến hành ngày 16/01/2008 (BL 262) thể hiện như sau:[62]
"Anh Long (chồng chị Ngân) cho biết: vào khoảng 20h50’ ngày 13/01/2008 anh ở tại nhà, lúc này có Vân nhân viên bưu điện Cầu Voi đến mua trái cây tại nhà anh, vợ anh là Ngân ra bán trái cây cho Vân, cùng thời điểm này anh đi đến cây xăng Cầu Voi để bán xăng thì Vân còn ở tại nhà anh. Khi anh Long đi đến cây xăng Cầu Voi thì cây xăng Cầu Voi có ghi hình ảnh do chủ doanh nghiệp xăng dầu Cầu Voi có lắp đặt camera quay toàn bộ cảnh cây xăng.
Cơ quan điều tra đã mở máy quay phim ghi hình tại Cây xăng Cầu Voi nhằm xác định thời gian anh Nguyễn Thanh Long đến cây xăng đồng thời để xác định lại thời gian Nguyễn Thị Thu Vân đến mua trái cây tại nhà anh Long. Qua kiểm tra, máy quay phim tại cây xăng Cầu Voi thì anh Long đi đến cây xăng Cầu Voi để bán xăng là lúc 21h1'14" ngày 13/01/2008. Khoảng cách từ nhà anh Long đến cây xăng Cầu Voi là khoảng 50m. Khi anh đi đến cây xăng thì Vân còn tại nhà anh".
Nguyễn Văn Thu
Nguyễn Văn Thu hành nghề lái xe ôm, và cũng là nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án, có các Bút lục 265-267, khai rằng: Khoảng 21h30 - 22h đêm ngày 13 tháng 1 năm 2008 ông có chở 2 người khách đi ngang qua trước mặt Bưu điện Cầu Voi thì thấy cổng và cửa trước bưu điện đóng, và đèn vẫn sáng ở lầu 1 [tức tầng 2] bưu điện.[15][54]
Lê Thị Thu Hiếu
Theo lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu thì "Khoảng 9h30' ngày 13/1/2008, tôi ghé Bưu cục Cầu Voi chơi với Hồng, Vân, 17 giờ thì về; nấu cơm trưa ăn, ăn xong tôi mang chén, bát, đũa, xoong nấu canh ra nhà vệ sinh rửa sạch sẽ và úp chén gọn gàng vào một cái thau để cạnh cầu thang" (BL 201, 202); "gần 17 giờ dậy rửa mặt xong ra về" (BL 197).[14]
Lê Thị Thu Hiếu khai: "Sol thường ghé thăm Hồng vào buổi tối và đều ngủ lại. Khi Sol ở lại thì Sol và Hồng ngủ trên lầu 1".[15]
Trao đổi với luật sư Trần Hồng Phong ngày 25/11/2011, chị Hiếu khẳng định chưa bao giờ nghe Hồng hay Vân nhắc đến Hồ Duy Hải, và chị cũng chưa gặp Hải tại bưu điện Cầu Voi nhưng nhiều lần gặp Sol và Nghị. Chị Hiếu cho biết vào ngày xảy ra vụ án, chính chị có thấy Hồng nói chuyện điện thoại di động với Sol hai lần và Hồng khẳng định chắc chắn rằng tối hôm đó Sol sẽ về. Tới lúc 17 giờ chiều, chị Hiếu không hề nghe Hồng nói Sol không về.[54]
Trong Biên bản ghi lời khai ngày 19 tháng 1 năm 2008 (BL 197), nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu khai rằng:[63]
"Hôm Chủ nhật [ngày xảy ra vụ án] lúc 17 giờ tôi thấy chị Hồng có 1 đôi bông tai, 1 sợi dây chuyền, 3 chiếc nhẫn vàng và 1 chiếc vòng cẩn hột nhỏ nhỏ".
"Tôi xác định trên bàn không có loại bọc xốp trắng nào, tôi cũng không thấy loại xốp này bao giờ. Tôi cũng không biết loại xốp này là xốp gì cả".
Trong Biên bản BL201 lấy lời khai ngày 4 tháng 4 năm 2008, nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu khai rằng: "Hệ thống nước sinh hoạt trong nhà vệ sinh tại bưu điện có đầy đủ nước, hoạt động bình thường".[63]
Đinh Vũ Thường
Anh Đinh Vũ Thường khai, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại “lúc đó khoảng 20 giờ trở lại”, nhìn thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện (BL 250); kết quả kiểm tra list điện thoại Bưu điện Cầu Voi cho thấy anh Thường thực hiện cuộc gọi điện thoại vào lúc 19 giờ 39 phút 22 giây. [64]
Đinh Vũ Thường là nhân chứng duy nhất mà lời khai dùng làm căn cứ kết tội Hồ Duy Hải.[65] Đinh Vũ Thường và Hồ Duy Hải không quen biết nhau.[65]
Trong bản cáo trạng viết "Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện" lúc 19 giờ 39 phút.[23][65] Nhưng trong biên bản ghi lời khai ngày 31/3/2008 (Bút lục 250, 251, sau khi Hải bị bắt), Đinh Vũ Thường chỉ khai "khi vào bưu điện anh dựng xe máy kế 01 chiếc xe loại Dream đã cũ màu nho, bên trái xe có kính chiếu hậu màu đen loại theo xe nhưng gọn kính bị cắt cụt hơn kính theo xe mô tô và thấy 01 thanh niên ngồi giữa trên ghế salon dài 03 cái liền nhau, mặt hướng ra ngoài trước nhưng lúc đó đang cúi đầu xuống bấm cái gì đó tôi không thấy nhưng tôi thấy có ánh đèn màu sáng… tôi đoán là đang bấm điện thoại.
Người thanh niên tóc 02 mái, khi cúi xuống tóc che khỏi mí mắt… không nhìn lên nên tôi không nhìn rõ khuôn mặt của người thanh niên đó, tôi không thể nhận dạng chính xác người thanh niên đó qua khuôn mặt được” (BL 250-251)[64]
Năm 2011, khi làm việc với luật sư, Đinh Vũ Thường cũng khẳng định không nhìn thấy Hồ Duy Hải.[65] Đinh Vũ Thường khai về đặc điểm của người thanh niên mà Đinh Vũ Thường thấy như sau: "Người thanh niên… mặc áo thun ngắn tay màu xám đen hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ" (BL 250).[23][64]
Hồ Văn Bình
Nhân chứng Hồ Văn Bình khai khi tới Bưu điện gửi xe lúc khoảng 19 giờ hơn đã thấy một thanh niên ngồi trong Bưu điện. Khoảng 19 giờ 30 anh Bình quay lại lấy xe vẫn thấy người thanh niên này.[5] Nhân chứng cũng thấy một xe máy dựng ngoài sân.[66]
Tại Biên bản ghi lời khai ngày 28/1/2008 (BL 256, 257) anh Hồ Văn Bình khai: "Tôi gửi xe ở Cầu Voi, lúc này trong bưu cục đã mở đèn sáng, thời gian lúc đó đã hơn 19h vì ở nhà đi đã ngoài 19h00. Tôi nhìn vào phòng khách, ngay bàn salon thấy có một thanh niên ngồi trên ghế nói chuyện với Hồng. Tôi đi qua nhà anh Mẫn, rồi quay lại mất độ 10 phút, lúc đó độ khoảng ngoài 19h30 tôi đến bưu cục lấy xe vẫn thấy Hồng và thanh niên trên còn ngồi nói chuyện".[14][60]
Anh Hồ Văn Bình mô tả đặc điểm của người thanh niên là “tóc cắt ngắn phía trước tóc chảy làn” (BL 257). [64]
Đặng Thị Phương Thảo
Đặng Thị Phương Thảo là bạn của hai nữ nạn nhân. Theo Biên bản ghi lời khai ngày 6 tháng 4 năm 2008, cô đã khai rằng: "Cả Hồng và Vân đều không có điện thoại riêng. Tại bưu điện có 1 điện thoại cũ hiệu Nokia thường dùng để nạp card cho khách hàng".[59]
Huỳnh Thị Kim Tuyền
Tại "Biên bản ghi lời khai" chị Tuyền ngày 29/3/2008 (Bl 258) thì khoảng 20h30' tối 13/1/2008 chị có nghe tiếng la "ướt ướt" phát ra từ bưu cục.[62]
Chị Huỳnh Thị Kim Tuyền khai "tôi biết là trong nhà vệ sinh có nước sinh hoạt… tôi nghĩ là không có bị cúp nước ở bên bưu cục vì bưu cục có riêng giếng nước và ngày 13/1/2008 không có cúp điện" (Bl 258, 259).[14]
Đinh Văn Còi
Tại biên bản ghi lời khai ngày 15/1/2008 (BL 139, 140) Thiếu tá Đinh Văn Còi khai: "Sau khi ăn cháo vịt, lúc 19h30 tôi kêu Tí [tên ở nhà của Lê Thanh Trí] chở về, trên đường đi đến Bưu điện Cầu Voi tôi kêu Tí ghé vào mua card điện thoại. Khi ghé vào Bưu điện Cầu Voi lúc đó khoảng 19h40, trước khi quẹo vô tôi thấy đèn bên ngoài và bên trong còn sáng, bên ngoài trước bưu điện không có xe cộ gì cả. Tôi bước vô đứng sát quầy tôi nhìn thấy tại đây gồm có ba người, 1 nam, 2 nữ, tất cả đều ngồi ở salon phía sau quầy.
Tôi nhìn vô phía sau quầy cách chỗ tôi đứng khoảng 4m thì có bộ salon, phía bên trái bên ngoài nhìn vô có một thanh niên khoảng 28-30 tuổi, đang ngồi hướng mặt ra lộ, người hơi mập, tròn da trắng, mặt tròn, tóc hơi dợn [xoăn], mặc áo thun có cổ màu vàng nhạt ngắn tay. Tôi và Tí nạp card khoảng 5 phút. Lúc đó không có ai đến cả".[67]
Lê Thanh Trí
Tại Biên bản ghi lời khai ngày 15/1/2008 (bút lục 141, 142) anh Lê Thanh Trí khai:
"Tôi và anh Còi ghé Cầu Ván ăn cháo, sau khi tính tiền, lúc đó khoảng 19h40 tôi chở anh Còi. Khi đến bưu điện Cầu Voi, thì anh Còi kêu tôi ghé vô nạp card điện thoại. Tôi thấy có một nữ đứng phía trong đang nạp card vào máy anh Còi, tôi mua cái card loại 100 ngàn, tôi tự cào nạp tiền vào máy. Sau khi nạp xong, lúc đó khoảng 19h50, tôi chở anh Còi đến phòng CSBV, rồi tôi chạy một mình về nhà, tôi nhìn đồng hồ là 20h10 phút...
Phía bên trong cách chỗ tôi khoảng 5m, tôi thấy người thanh niên ngồi, tôi không để ý ngồi trên ghế hay gì, tôi thấy phớt qua người thanh niên này khoảng 30-33 tuổi, tóc gọn, tròn người, mặt tròn, mặc áo thunmàu vàng sậm ngắn tay, tôi không để ý cổ áo.
Ngoài sân chỉ có xe của tôi đậu chứ không có xe của ai cả. Cặp hông quầy, phía bên phải từ ngoài nhìn vào (đường vô), thì có một xe Nouvo đậu, đầu xe hướng vô bưu điện, tôi không nhớ màu xe và biển số".[60]
Nhân viên cửa hàng điện thoại di động và tiệm nữ trang
Theo bản án, Hải đã chiếm đoạt được tài sản của 2 nạn nhân và sau đó đem đi tiêu thụ những tài sản sau:
Theo cáo trạng, Hải bán nữ trang tại "Cửa hàng vàng bạc đá quý chợ An Đông" và cửa hàng "có làm hóa đơn nhưng Hải vứt bỏ sau đó". Nhưng chị Nguyễn Kim Chi, người giao dịch (tại BL 169, 170) khai "không thể xác định, không nhớ được" ai là người bán. Còn bà Đặng Thị Liên, chủ cửa hàng thì cho biết "khi mua chỉ viết giấy tính tiền", không có hóa đơn (BL 171, 172).[68]
Chiếc điện thoại Nokia 1100: ban đầu Hải khai bán cho 1 thanh niên lạ mặt, sau đó khai bán cho cửa hàng ĐTDĐ không nhớ tên. Theo cáo trạng, Hải bán điện thoại cho Cửa hàng điện thoại di động Thiện Mỹ. Nhưng bà Nguyễn Thị Huệ, chủ tiệm Thiện Mỹ khai "không nhớ được người bán" (BL 178, 179).[68]
Qua xác minh, các nhân chứng làm việc tại cửa hàng điện thoại di động, cửa hàng vàng bạc tại Quận 5, Tp HCM đều khẳng định không mua số nữ trang và điện thoại di động như lời khai phi tang tài sản cướp được của Hải.[61]
Trang sức của các nạn nhân: Theo cáo trạng thì Hải lấy của nạn nhân Hồng "1 lắc đeo tay". Tuy nhiên có sự khác biệt về kiểu dáng trong lời khai của các nhân chứng. Theo ông Nguyễn Văn Mừng (cha của nạn nhân Hồng) và nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu thì Hồng có "chiếc lắc gọng vàng cứng". Nhưng Nguyễn Mi Sol, tại Biên bản ghi lời khai, lại khai là Hồng có "cái lắc kiểu trái châu móc máy". Còn Hải "khai" lấy của Hồng "vòng đeo tay dạng xích".[68]
Cáo trạng cũng đề cập Hải lấy của nạn nhân Vân "1 vòng đeo tay và 1 nhẫn". Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hộ (cha của Vân), chị Lê Thị Thu Hiếu và Nguyễn Mi Sol thì Vân có "1 đôi bông tai và 1 sợi dây chuyền", tức không hề có vòng đeo tay.[68]
Lời khai của Hồ Duy Hải
Lời khai đầu tiên
Chiều ngày 20 tháng 3 năm 2008, hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ án, Hồ Duy Hải đã có buổi làm việc, bản khai đầu tiên, với Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An, do Điều tra viên Nguyễn Văn Minh trực tiếp ghi lời khai.
Theo biên bản ghi lời khai này thì Hồ Duy Hải tình cờ gặp và làm quen Thu Vân trên chuyến xe buýt từ Tp HCM về Thủ Thừa (Long An). Sau đó Vân cho Hải số điện thoại của Bưu điện Cầu Voi, Hải thường sử dụng điện thoại di động của mình để gọi vào Bưu điện Cầu Voi đặt mua báo bóng đá để xem và cá cược bóng đá ăn tiền. Khi đến mua báo thì Hải quen biết Ánh Hồng.
Khoảng sáng ngày 13 tháng 1 năm 2008, Hải có điện thoại vào Bưu điện Cầu Voi, gặp Hồng, và hỏi "còn báo bóng đá không" thì Hồng trả lời "không còn" nên Hải không đến Bưu điện Cầu Voi mua báo.
Khoảng 18h, do cá cược bóng đá thiếu tiền nên Hải đi cầm điện thoại di động của mình tại thị trấn Thủ Thừa rồi về nhà và thanh toán tiền thua cá cược bóng đá. Sau đó Hải có đến dự một đám ma rồi đi xem bóng đá cùng với 2 người tại một quán cho đến 5h sáng ngày hôm sau, 14/1/2008. Sau đó Hải về nhà và khoảng 7h sáng thì được nghe biết về vụ án mạng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi.
Cũng tại biên bản này, Hải cho biết, điện thoại di động của Hải cầm khoảng 4-5 ngày thì được chuộc lại và Hải lấy sim điện thoại cho người khác.
Hải cũng khai rằng không biết nhà của Hồng và chỉ nghe Vân nói nhà ở thị xã Tân An (nay là Tp Tân An).[69]
Nhận tội
Trong bài báo "Vụ giết hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, Long An: Hung thủ giết người để lấy tiền cờ bạc" của tác giả Hoa Hạ trên báo Cần Thơ đăng ngày 24 tháng 3 năm 2008, tác giả cho biết Hồ Duy Hải khai mục đích giết Hồng là để lấy tiền, vàng ăn chơi, cờ bạc, cá độ bóng đá, và giết Vân vì Vân biết quá rõ về mình.[70] Báo VnExpress có bài viết dẫn lại từ báo Người lao động đăng ngày 23 tháng 3 năm 2008 cũng có nội dung như vậy.[71]
Hồ Duy Hải khai nhận đã phi tang tài sản cướp được (40-50 sim card điện thoại và dây chuyền, bông tai của các nạn nhân) ở cửa hàng điện thoại và tiệm vàng tại Q5 Tp HCM. Qua xác minh, các nhân chứng làm việc tại cửa hàng điện thoại di động, cửa hàng vàng bạc tại Quận 5, Tp HCM đều khẳng định không mua số nữ trang và điện thoại di động như lời khai của Hải.[61]
Không nhận tội, kêu oan
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm năm 2008 và phiên tòa xét xử phúc thẩm năm 2009, Hồ Duy Hải đều kêu oan.[9]
Trong bản án sơ thẩm có ghi ở trang 5 như sau: "Tại tòa có lúc (Hải) cho rằng không phạm tội, sở dĩ khai nhận bởi vì thời gian bất minh không chứng minh được, mô tả việc phạm tội là do Nguyễn Văn Hải là Công an viên của xã Nhị Thành kể lại cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân".[17]
Các lời khai ban đầu của Hồ Duy Hải không khai đến việc dùng thớt gây án. Những lời khai sau Hải có khai việc dùng thớt đập vào đầu nạn nhân Hồng nhưng việc mô tả thớt không thống nhất: có lúc thớt dày 10 cm, có lúc thớt dày 5 cm. Sau đó Cơ quan điều tra đã thu giữ một cái thớt mới (giống cái thớt trong ảnh hiện trường) do nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu mua vào ngày 24/6/2008 về cho Hải nhận dạng. Cái thớt có vết máu xuất hiện trong bản ảnh hiện trường là vật chứng nhưng không được thu giữ mà đã bị tiêu hủy ngay sau khi khám nghiệm hiện trường.[66]
Tại biên bản ghi lời khai ngày 21/6/2008 (BL 210), Mi Sol khai tại bưu điện có hai tấm thớt: "một thớt nhựa màu trắng và một thớt gỗ tròn".[17]
Con dao
Tại biên bản lời khai ngày 19/1/2008 nhân chứng Thu Hiếu khai: "trong bưu điện có sử dụng hai con dao. Một con dao Thái nhỏ dài khoảng 15cm, phần lưỡi cỡ 5cm. Con dao lớn thì dài khoảng 35cm, phần lưỡi kim loại trắng dài 25cm, bề ngang khoảng 5cm, thường để ngay ghế, bàn nấu ăn".[17]
Tại biên bản ghi lời khai ngày 21/6/2008 (BL 210) Mi Sol khai ở bưu điện có hai con dao, "một con dao nhỏ dài trên 10cm. Một con dao lớn dài khoảng gần 30cm, có cán nhựa màu đen, lưỡi dao bằng inox, mũi nhọn, lưỡi dao chỗ rộng nhất 4cm, kiểu dao Thái Lan. Con dao này trong ngày thứ Tư 9/1/2008 tôi có sử dụng dùng để sửa chữa nhà vệ sinh tại bưu điện".[17]
Theo Cáo trạng, Hải đã dùng "con daoThái Lan dài 28cm, ngang 3cm" tại bưu điện để cắt cổ hai nạn nhân. Nhưng tại hiện trường, cơ quan chức năng không thu được con dao nào, dù khi khám nghiệm hiện trường có đầy đủ thành phần, đông người. Chiều 14/1, khi dân phòng dọn dẹp hiện trường thì phát hiện được một con dao (chỉ cách vị trí xác hai nạn nhân chưa đầy nửa mét) và con dao này đã bị đốt bỏ, không thu giữ. Ngày 15/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An quay lại tìm kiếm con dao đã đốt nhưng không tìm được, kể cả phần lưỡi dao bằng kim loại. Sau đó các dân phòng tự đi mua lại một con dao "giống" như vậy. Cơ quan điều tra đã "mặc nhiên" cho rằng đây là con dao của bưu cục và sau này cho rằng chính Hải đã sử dụng con dao này để cắt cổ hai nạn nhân.[17][73]
Tại biên bản ghi lời khai (BL 232), ông Võ Văn Hùng (dân phòng dọn dẹp hiện trường) mô tả về con dao mà dân phòng phát hiện tại hiện trường như sau: "lưỡi bằng inox trắng, lưỡi dài khoảng 20cm, lưỡi phần dưới bằng phần sóng dao, bầu xuống, lưỡi hơi nhọn, cán bằng nhựa màu đen, hơi dẹp dài khoảng 10cm". "Con dao rất sạch, còn rất mới vì phần lưỡi dao vẫn còn dấu sọc sọc như chưa được mài". Các ông Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Vàng (đều là dân phòng dọn dẹp hiện trường) (BL 226, 242, 243) cũng đều khai: "lưỡi bén dao còn mới", "dao rất sạch giống như vừa mới được để vào chứ không phải là đã để từ lâu. Lưỡi dao rất bén".[17]
Cái ghế
Tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện chưa đủ cơ sở khẳng định cái ghế là vật chứng. Hơn hai tháng sau khi vụ án xảy ra, ngày 25 tháng 3 năm 2008 cơ quan điều tra mới tiến hành thu giữ một cái ghế inox tại Bưu điện Cầu Voi. Ngày 10/7/2008 cơ quan điều tra đã mang cái ghế này để tiến hành cho Hải nhận dạng; tại phiên Tòa sơ thẩm Chủ tọa còn yêu cầu đưa ghế cho bị cáo Hải xác nhận và Hải thừa nhận đúng là hung khí bị cáo đã dùng để đập vào đầu Vân.[66]
Tại biên bản ghi lời khai ngày 28/1/2008 (BL 226), ông Nguyễn Văn Thu (dân phòng, dọn dẹp hiện trường) khai: Lúc 15h ngày 14/1/2008, "khi dọn dẹp hiện trường tôi phát hiện một cái ghế inox xếp màu xanh được xếp lại dựng dựa vào tường phía bên phải nhìn vào cuối hàng ghế nhựa. Sau đó ai mang ra ngoài thì tôi không biết". Còn tại biên bản ghi lời khai ngày 28/1/2008 (BL 242), ông Nguyễn Văn Vàng (dân phòng, dọn dẹp hiện trường) khai: "Trong ngày 14/1/2008 tôi thấy một cái ghế xếp có khung và chân bằng inox nệm màu xanh, ghế đã được xếp lại dựng ở vách phòng máy phát điện ở phía sau bưu cục".[74]
Nhưng cái ghế thu giữ ngày 25/3 không phải là cái ghế mô tả trong Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/1, cụ thể cái ghế inox Hòa Phát thu giữ ngày 25/3 (theo BL 328) có mã số HPM2-44705, khác với mã số của cái ghế trong bản ảnh hiện trường HPM2-447052 và khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường HPN2-447052; và khác nhau về chiều cao.[66]
Hiện trường
Bưu điện Cầu Voi thuộc ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trụ sở cạnh Quốc lộ 1, phía trước là khu vực giao dịch kinh doanh, phía trong là phòng tiếp khách (có bộ salon để ngồi) đến phòng ngủ của 2 nạn nhân rồi phòng cầu thang lên lầu 1, dưới chân cầu thang là khu vực bếp nấu ăn. Phía sau bên ngoài là nhà vệ sinh.
- Khu vực giao dịch, kinh doanh phía trước có kích thước 8,2m x 5,2m. Chính giữa có 2 lớp cửa. Cửa ngoài là loại cửa cuốn bằng sắt kích thước 2,65m x 2,65m, trong tình trạng khép xuống mặt gạch không khóa. Cửa trong là loại cửa lùa bằng nhôm không khóa. Khu vực giao dịch có kê bàn để làm việc và kệ sách. Chính giữa có kệ để giao dịch, bán Sim, card. Phía tường bên trái từ ngoài nhìn vào có 3 buồng điện thoại. Đồ đạc khu vực này còn nguyên vẹn không xáo trộn, ở gần kệ sách có một xe môtô Wave.
- Khu vực tiếp khách có kích thước 4,6m x 5,6m, có một bàn gỗ mặt kính, kích thước 1m x 0,5m x 0,5m. Trên mặt bàn có 2 bịch trái cây, 1 ly uống nước bằng thủy tinh, 1 miếng mút xốp màu trắng, dưới chân bàn có 1 đôi dép bằng nhựa đã cũ, cách 1m về phía cửa (phía trước bộ ghế salon) có 1 đôi dép nữ bằng xốp màu trắng. Bộ ghế salon bọc da màu xanh lam, ghế lớn (ghế dài) quay ra cửa phía trước, trên đầu ghế bên phải từ ngoài nhìn vào có một con gấu nhồi bông, bên cạnh là 1 chiếc ghế xoay văn phòng và đầu ghế salon bên kia có cuốn tạp chí "Đất Mũi cuối tuần" số 367 ngày 11/10/2007, sát tường phía bên trái (từ ngoài nhìn vào) kê 2 chiếc ghế salon đơn kích thước 0,75m x 0,75m x 0,4m, ở 2 bên của 2 ghế này có 2 két sắt, một cái ở phía ngoài (gần cửa) đã cũ (không có dấu vết cạy) và 1 két phía trong loại điện tử hiệu "Hòa Phát" kích thước 0,4m x 0,42m x 0,60m còn gắn chùm chìa khóa trong cánh cửa tủ sắt. Phía sau bộ salon có kê ba cái tủ bằng gỗ (không có dấu cạy). Chìa khóa xe máy của nạn nhân đặt trên thành cửa sổ gần phòng ngủ, mũ bảo hiểm, áo chống nắng, nồi cơm điện đặt ở trên hàng ghế nhựa bốn cái.
- Cửa vào phòng ngủ rộng 0,55m. Phòng ngủ có một cái giường ngủ, nệm mút, tấm trải giường có hiện tượng nhăn nhúm, ở đầu giường có một số gối, mền.
- Cửa vào khu vực cầu thang (cũng là nhà bếp) là loại cửa nhôm 1 cánh kích thước 2,2m x 0,84m, còn cửa mở ra ngoài có 2 lớp cửa, cửa trong là cửa bằng sắt (loại cửa kéo) kích thước 2,2m x 1,15m, cửa ngoài cùng là cửa nhôm 2 cánh. Đây là hiện trường chính của vụ án, có kích thước 3,45m x 2,1m, là nơi phát hiện xác 2 nạn nhân. Trên nền gạch ở gần cửa ra vào khu vực nhà vệ sinh có nhiều giọt máu khô nhỏ giọt và 1 cây dũa móng tay nằm dưới thanh trượt của cánh cửa sắt (cửa kéo). Cả hai lớp cửa ra vào phía sau đều khép hờ không khóa. Đối diện chân cầu thang có một cái bảng viết bút lông (bút dạ) đặt dưới đất tựa vào tường, mặt trái bảng hướng ra phía ngoài, mặt nhẵn bóng được dán chữ đề can thông báo giá cước hướng vào bên trong.
- Khu vực nhà vệ sinh có kích thước 2,5m x 1,55m, cánh cửa bằng nhựa, mở vào trong, có kích thước 2,2m x 0,72m. Trên mặt nền nhà vệ sinh có giọt máu nhỏ giọt hình tròn đường kính 7mm. Có 1 dấu vết đường vân ở trên tay nắm vòi nước của lavabô. Dưới phần lọc rác của lavabô có nhiều sợi tóc màu đen.[66]
Tại bản giám định pháp y ngày 17/1/2008 của Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Long An kết luận hai nạn nhân tử vong do "vết thương hở làm đứt ngang vùng cổ phía trước gây choáng chấn thương, mất máu cấp".[66] Nạn nhân Hồng "dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít" và "có ít dịch nhầy trong âm đạo". Cũng chưa thể xác định ai chết trước, ai chết sau vì không nhân chứng nào trực tiếp nhìn thấy. Theo kết luận trong bản án thì nạn nhân Hồng chết trước, nạn nhân Vân chết sau nhưng thực tế hiện trường thì máu của Hồng vẫn rỉ ra, trong khi máu của Vân lại khô hơn cho thấy có sự bất hợp lý.[37][63]
Trong biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi được lập ngày 14/1/2008 và bản giám định pháp y ngày 17/1/2008 có thể hiện:
Nạn nhân Ánh Hồng nằm ngửa bên dưới chân cầu thang, chân phải co, chân trái dang ra và đầu nạn nhân Thu Vân gối lên. Đầu quay hướng ra cửa, 2 tay dang ngang cao quá vai, bàn tay ngửa [tư thế bị đè], trên cổ tay trái có đeo 1 chiếc vòng lớn. Nạn nhân bị cắt ngang cuống họng, vết cắt hở há miệng 5 cm nằm ngang trên sụn giáp, dài 9 cm sâu đến xương cột sống cổ, đường cắt có hướng từ trái qua phải, làm đứt hầu hết các cơ quan vùng cổ. Nạn nhân mặc đồ bộ màu hồng nhạt, áo ngắn tay. Áo ngoài bị xắn ngược lên tới tận cổ, để hở toàn bộ phần bụng và lưng, áo ngực màu trắng cũng bị kéo ngược lên trên 2 bầu vú, để hở cả hai núm vú. Trên mặt đầy thương tích, có các vết cắt do vật sắc bén tạo nên, nhiều chiều (ngang, dọc, chéo…), giống như vết cắt cố ý và mang tính chất "tra tấn". Mắt trái sưng nề thâm quầng, môi, miệng bị sưng và bầm tím, môi trên bị dập. Có một số vết bầm máu làm da sậm màu ở mặt trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái. Tổn thương kèm theo: Máu tụ dưới da đầu và vùng cổ có thể dẫn đến choáng. "Trên đầu Ánh Hồng có một bộ phận bếp dầu hình trụ chụp vòng trong của bếp và một tấm thớt gỗ". Sườn bên phải chạm vào cái bếp dầu. Phía trong sát với đùi phải Hồng có một cái bàn, trên mặt bàn có để nhiều tô, chén, dĩa và thau bằng nhựa.[66]
Cạnh đó, thi thể nạn nhân Thu Vân trong tư thế nằm ngửa, mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần dài vải màu xám, đầu gối lên đùi trái của Ánh Hồng. Cổ nạn nhân có vết cắt hở há miệng 5 cm, dài 9 cm trên sụn giáp, sâu đến cột sống cổ, làm đứt hầu hết các cơ quan ở vùng cổ, hướng vết cắt từ phải sang trái. Trên đầu có nhiều dấu vết do vật cứng va chạm. Chân trái dang ra và gác lên một cái ghế xếp (nằm dưới nền nhà, ngay sát cửa ra nhà vệ sinh), khung ghế bằng inox, mặt ghế bằng nệm mút màu xanh, trên mặt nệm có dấu vết máu quệt, dấu vết đế dép và dính những hạt cơm khô, trên chân ghế bằng sắt trắng có dính máu. Chân phải hơi co lên, mũi bàn chân phải cách trụ tay vịn cầu thang 0,1m và mu bàn chân áp vào bộ phận chụp bên ngoài của bếp dầu lò xô. Dưới 2 chân có nhiều hạt cơm khô và 1 bịch cơm khô ở dưới gầm cầu thang.
Trên sân gạch nơi 2 xác nạn nhân nằm có vũng máu đọng chưa khô hoàn toàn. Xung quanh 2 xác nạn nhân có nhiều đồ rơi vãi như dầu ăn, nước mắm, mì gói... Trên bàn bếp bên trái có ly, tô, dĩa đã sử dụng chưa rửa, bên phải có chiếc chậu nhựa màu đỏ, để bát đũa, tô thìa đã rửa sạch, trên thành chậu có cái kê nắp bếp dầu bị mắc lại, bên cạnh có một cái thước đo kéo (thước cuộn) màu đỏ, ngay sát cái bàn, phía dưới cái chậu đỏ là một cái bếp dầu (giống bếp dầu Thăng Long). Khu vực nền nhà tắm [nhà vệ sinh] và lavabo khô ráo, mở vòi nước trên lavabo không có nước chảy.[66] Ở cửa nhà vệ sinh, cơ quan điều tra thu thập được nhiều dấu vân tay và vết máu.
"Trên mặt bàn có 1 miếng mút xốp màu trắng và vài mảnh mút xốp đã được cắt vụn trên mặt bàn và rải rác vài mảnh dưới nền nhà".
"Trên lầu là khu vực để máy móc thiết bị, cửa còn khóa, không có dấu vết cạy cửa".[5][40][53][63]
"trên kính (cửa vào buồng ngủ) có dấu vết đường vân", "ở mặt trong của kính trên cánh cửa (buồng vệ sinh) có một số dấu vết đường vân", "trên labo rửa có một số dấu vết đường vân". Những vết vân tay này đều đã được thu giữ.[17]
Hồng và Vân bị giết bằng hung khí, hai xác nằm cạnh nhau dưới chân cầu thang, chiếc xe Wave, phương tiện đi lại của hai nạn nhân thường ngày, vẫn dựng chỗ cũ tại phòng giao dịch, phương tiện và máy móc làm việc trong bưu điện vẫn y nguyên, không bị xáo trộn. Từ dấu máu Cơ quan Điều tra đưa ra nhận định 2 nạn nhân bị sát hại trong khoảng từ 21-22h ngày 13/1/2008.[56]
Cơ quan tố tụng, luật sư
Cơ quan điều tra
Thượng tá Phạm Văn Tiến, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an tỉnh Long An, Phó ban chuyên án, người kí lệnh bắt khẩn cấp Hồ Duy Hải vào chiều ngày 21 tháng 3 năm 2008.[71][75] Ông Phạm Văn Tiến đã qua đời năm 2012.[76]
Lê Thành Trung, Điều tra viên, người khám nghiệm hiện trường vụ án và khám nghiệm tử thi vào ngày 14 tháng 1 năm 2008.[5] Tháng 5 năm 2020, ông Trung là Thượng tá, Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.[77]
Nguyễn Văn Minh,[14] điều tra viên tham gia điều tra vụ án. Tháng 5 năm 2020 ông Minh là Phó trưởng phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC06), Công an tỉnh Long An.[77][78]
Nguyễn Thanh Phong, cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản và ra quyết định tạm giam đối với Hồ Duy Hải (tháng 5 năm 2020 là Thiếu tá, Phó trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).[77]
Huỳnh Văn Minh, công an viên xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, tham gia bảo vệ hiện trường vụ án; đã qua đời năm 2009.[76]
Nguyễn Thanh Hải (trong bản án sơ thẩm 2008 ghi là Nguyễn Văn Hải[17]), công an viên xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, tham gia bảo vệ hiện trường vụ án; đã qua đời năm 2010.[76] Trong trang 5 bản án sơ thẩm 2008 có đoạn ghi rằng Hồ Duy Hải biết về tình tiết vụ án là do Nguyễn Văn Hải kể lại cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân.[17]
Trong quá trình điều tra vụ án, lấy lời khai của các nhân chứng,... còn có sự tham gia của nhiều điều tra viên của Công an Long An như Trần Quang Tiến, Võ Thanh Kiệt, Nguyễn Công Đỉnh, Lê Văn Phước, Nguyễn Thành Quân, Đinh Văn Thân...
Cơ quan công tố
Lê Ái Dân, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Long An, ngày 4/3/2008 được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự đối với Vụ án Hồ Duy Hải.
Trần Thị Nhanh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Long An, người trực tiếp tham gia quá trình điều tra và kí cáo trạng truy tố bị can Hồ Duy Hải.[11] (Khi kí Cáo trạng ngày 1/10/2008 thì bà Nhanh đã là Viện trưởng)
Luật sư bào chữa
Trong giai đoạn điều tra vụ án, Hồ Duy Hải có hai luật sư bào chữa là Võ Thành Quyết và Nguyễn Văn Đạt.[79]
Luật sư Võ Thành Quyết, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Long An, là luật sư chỉ định.[42][49] Võ Thành Quyết nguyên là Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An rồi Trưởng Công an huyện Thủ Thừa (địa bàn xảy ra vụ án), nghỉ hưu năm 2004.[79] Luật sư Võ Thành Quyết đã qua đời.[76]
Luật sư Nguyễn Văn Đạt, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, là luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải do gia đình Hồ Duy Hải mời.[79][80]
Luật sư trợ giúp pháp lý
Sau hai phiên tòa Sơ thẩm (2008) và Phúc thẩm (2009), Hồ Duy Hải và gia đình đã được nhiều luật sư hỗ trợ, tư vấn pháp lý:
Luật sư Trịnh Minh Tân, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.[84][85]
Phiên tòa sơ thẩm
Từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 2008, Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên Hồ Duy Hải án tử hình về hai tội giết người (án tử hình) và cướp tài sản (án 5 năm tù), buộc bồi thường cho gia đình nạn nhân 60 triệu đồng.[3][57] Bản án sơ thẩm có số hiệu 97/2008/HSST.[49]
Đặng Thị Liên (vàng bạc An Đông) sinh 1956 (vắng mặt)
Người có quyền, nghĩa vụ liên quan
Nguyễn Thị Loan, sinh 1963 (có mặt)
Nguyễn Thị Rưỡi, sinh 1957 (có mặt)
Phiên tòa phúc thẩm
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 28 tháng 4 năm 2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ tọa của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa phúc thẩm đánh giá: "cho dù rằng quá trình điều tra có những thiếu sót về tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng không nghiêm trọng". Sau khi đánh giá toàn bộ các chứng cứ, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Hồ Duy Hải do thua cá độ bóng đá nên đã giết hai nạn nhân Hồng và Vân một cách dã man nhằm cướp tài sản. Từ đó, tòa tuyên giữ nguyên hình phạt tử hình như bản án sơ thẩm.[66][86]
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Duy Hải: Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh).[66]
Tình tiết vụ án theo bản án phúc thẩm
Theo bản án phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28 tháng 4 năm 2009 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình tiết vụ án như sau:
Khoảng tháng 10 năm 2007, Hồ Duy Hải quen Nguyễn Thị Thu Vân, nhân viên Bưu điện Cầu Voi. Hải thường đặt mua báo Thể thao với Vân, qua đó biết thêm Nguyễn Thị Ánh Hồng, cũng là nhân viên Bưu điện Cầu Voi.[5][66]
Khoảng 19 giờ 30 ngày 13 tháng 1 năm 2008 Hồ Duy Hải, đi xe máy của bà Nguyễn Thị Rưởi (dì ruột của Hải), đến Bưu điện Cầu Voi, gặp chị Thu Vân đang ngồi làm việc, Hải đi vào phòng khách ngồi trên ghế salon, chị Ánh Hồng mời Hải uống nước và ngồi nói chuyện cùng với Hải.[66][80]
Khoảng 20 giờ 30, bưu điện nghỉ, chị Vân đi vào phòng trong. Hải đưa tiền và nói với chị Vân đi mua trái cây về để ăn. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng.[66]
Hải kéo chị Hồng vào buồng, đẩy chị Hồng nằm ngửa xuống chiếc đi-văng loại xếp, dùng 2 tay nắm 2 tay chị Hồng. Chị Hồng phản ứng, dùng chân đạp vào bụng Hải. Hải buông chị Hồng ra. Chị Hồng ngồi dậy chạy về phía cầu thang khu vực bếp ăn. Hải đuổi theo, kéo tay chị Hồng xô vào góc tường gần chân cầu thang. Chị Hồng kêu lên, Hải sợ bị phát hiện nên dùng tay đánh vào mặt, bóp cổ và đẩy chị Hồng ngã xuống sàn gạch. Hải lấy một cái thớt tròn đập vào vùng mặt, vùng đầu làm chị Hồng bị ngất. Sau đó Hải lấy một con dao inox trên mặt bàn nấu ăn, tay trái nắm tóc, tay phải cầm dao, luồn cắt qua lại hai cái vào cổ Hồng. Chị Hồng nằm im, Hải ra phòng vệ sinh phía sau nhà để rửa tay và dao cho sạch máu.[66]
Hải dắt dao vào lưng quần rồi đi vào nhà, đến cầu thang thì thấy Vân đi mua trái cây về. Chị Vân kéo cửa sắt xuống, đóng cửa và đi vào đặt bịch trái cây trên ghế salon. Hải cầm một chiếc ghế xếp inox thủ sẵn. Vân đi xuống phòng sau nhìn thấy Hồng nằm chết thì chạy ngược lên phòng khách. Hải đuổi theo dùng ghế đánh vào đầu làm Vân ngã xuống nền gạch. Hải dùng tay xốc nách Vân, kéo đến chỗ xác chị Hồng. Hải đặt đầu chị Vân trên bụng chị Hồng rồi lấy con dao inox cắt qua lại 2-3 cái vào cổ Vân. Sau đó Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao rồi đi lên nhà, bỏ dao vào phía trong 1 tấm bảng dựng ở sát vách tường, gần cầu thang.[66]
Hải lên phòng giao dịch, mở tủ lấy hơn 1 triệu đồng, khoảng 40-50 sim card, đến bàn salon lấy điện thoại Nokia bỏ vào túi quần rồi quay lại chỗ xác, lấy của 2 nạn nhân một số đồ nữ trang bỏ vào túi quần và đi ra cửa sắt phía sau, kéo cửa lại. Hải leo qua hàng rào ngăn giữa sân sau và sân trước, đi xe máy về nhà tắm rửa, giặt quần áo và lấy nữ trang rửa sạch rồi bọc nilong lại để cất giấu.[66][86]
Công an tỉnh Long An: Ngoài ông Phạm Thanh Tâm, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An còn có ba điều tra viên tham dự phiên tòa gồm:[77][88]
Ông Lê Thành Trung, điều tra viên tham gia điều tra vụ án (lúc này là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)
Ông Nguyễn Văn Minh,[88] điều tra viên tham gia điều tra vụ án (lúc này là Phó trưởng phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC06), Công an tỉnh Long An)[78]
Nguyễn Thanh Phong, cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản về việc bắt người theo Lệnh bắt khẩn cấp của Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Long An đối với Hồ Duy Hải (lúc này là Phó trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)[14][77][88]
Cán bộ giám định: Có hai bác sĩ pháp y khám nghiệm tử thi là cán bộ Phòng kỹ thuật hình sự khám nghiệm hiện trường có mặt là ông Dương Thành Thận và ông Lê Hoàng Anh
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An:
Nguyễn Công Pha, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An[14]
Tòa án nhân dân tỉnh Long An:
Ông Lê Quốc Dũng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An
Ông Lê Quang Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Long An, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Điều tra viên Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an
Ông Lê Thành Văn, Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh
Những người có liên quan khác: Luật sư Trần Hồng Phong có mặt với tư cách người có nghĩa vụ liên quan, cung cấp chứng cứ vụ án.[77] Ông là người có đơn đề nghị giám đốc thẩm.[77] Luật sư Phong tham gia phiên tòa vào buổi sáng ngày 6 tháng 5 năm 2020 để cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, buổi chiều ngày 6 tháng 5 năm 2020, luật sư Phong không được phép tham gia phiên tòa.[77]
Những người được mời nhưng vắng mặt tại phiên tòa gồm có:[77][88]
Lê Ái Dân - Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An[14]
Lê Thành Dương – nguyên Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao)[14]
Luật sư Nguyễn Văn Đạt, Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Luật sư Nguyễn Văn Đạt là luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, lúc này đang định cư ở nước ngoài.[79][80][90]
Luật sư Nguyễn Văn Hòa, Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Luật sư Hòa không có thông tin về việc được mời dự phiên tòa.[90]
Ông Lê Hữu Thể, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Đoàn liên ngành Trung ương[88]
Người liên quan không được triệu tập
Người thân của Hồ Duy Hải gồm mẹ Nguyễn Thị Loan, dì út Nguyễn Thị Len và em gái Hồ Thị Thu Thủy có đến phiên tòa vào sáng ngày 6 tháng 5 năm 2020 nhưng không được vào tham dự do không có giấy mời của tòa.[91]
Trước đó, ông Ngô Tiến Hùng, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao đã trả lời báo chí rằng phiên tòa này là phiên tòa đặc biệt, chỉ xét xử chủ yếu trên hồ sơ, bị cáo Hồ Duy Hải không được triệu tập, không có bị hại và thân nhân đương sự.[87]
Bản án
Sau 3 ngày làm việc, chiều ngày 8/5/2020, Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm đưa ra phán quyết. Lúc 15h35' đại diện Hội đồng thẩm phán bắt đầu đọc bản án. Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, công bố quyết định Giám đốc thẩm. Theo Hội đồng thẩm phán: "dù quá trình điều tra, xét xử còn một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án", bởi thế không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại. Từ các lý lẽ đã nêu, Hội đồng thẩm phán kết luận: "Không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao".[1]
Bản Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải
Về chứng cứ Hải có mặt tại hiện trường
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, bản án kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường là không có căn cứ, không có chứng cứ nào khẳng định được Hải có mặt tại hiện trường.[64]
Nhận thấy, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án như lời khai của những người làm chứng là anh Hồ Văn Bình (Bl 256-257), anh Đinh Vũ Thường (Bl 250- 251), ông Nguyễn Văn Thu (Bl 265-267), bà Nguyễn Thị Rưởi (Bl 263-264), chị Nguyễn Thị Bích Ngân (Bl 260) và lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải thể hiện:
Về phương tiện (xe mô tô Dream) Hải sử dụng: Hải khai nhận, đi xe mô tô Dream màu nho đã cũ, có gương chiếu hậu bên trái, xe của bà Rưởi (khi về nhà lấy xe thì có sẵn chìa khóa cắm trên xe), khi vào Bưu điện Cầu Voi, Hải dựng xe ở bên phải, đầu xe hướng vào phía bưu điện. Theo lời khai của anh Đinh Vũ Thường, khi vào bưu điện anh dựng xe máy “kế 01 chiếc xe loại Dream đã cũ màu nho, bên trái xe có kính chiếu hậu màu đen loại theo xe nhưng gọn kính bị cắt cụt hơn kính theo xe mô tô” (Bl 250); lời khai của ông Nguyễn Văn Thu (Bl 266) và bà Nguyễn Thị Rưởi (Bl 263) thể hiện, thường ngày cũng như ngày 06/12/2007 âm lịch (tức ngày 13/01/2008 dương lịch) là ngày thôi nôi cháu nội, ông bà có để xe mô tô Dream biển kiểm soát 62F5-0842 màu nâu cũ ngoài sân, cắm sẵn chìa khóa. Như vậy, lời khai của Hải về việc sử dụng xe máy có đặc điểm nêu trên và địa điểm để xe máy khi đến Bưu điện Cầu Voi là phù hợp với lời khai của những người làm chứng.
Về tóc của Hải: theo lời khai của ông Nguyễn Văn Thu (Bl 266) thì Hải để “tóc hai mái tém gọn, hơi dài, nhưng không dài lắm… khoảng hơn nửa tháng … thì thấy Hải hớt tóc đầu đinh”; bà Nguyễn Thị Rưởi (là dì ruột của Hải) khai “Hải để tóc hai mái chẻ 6/4 hoặc 7/3” (Bl 264). Anh Hồ Văn Bình mô tả đặc điểm của người thanh niên là “tóc cắt ngắn phía trước tóc chảy làn” (Bl 257); anh Đinh Vũ Thường khai “01 thanh niên ngồi giữa trên ghế salon dài 03 cái liền nhau, mặt hướng ra ngoài trước nhưng lúc đó đang cúi đầu xuống bấm cái gì đó tôi không thấy nhưng tôi thấy có ánh đèn màu sáng… tôi đoán là đang bấm điện thoại.
Người thanh niên tóc 02 mái, khi cúi xuống tóc che khỏi mí mắt… không nhìn lên nên tôi không nhìn rõ khuôn mặt của người thanh niên đó, tôi không thể nhận dạng chính xác người thanh niên đó qua khuôn mặt được” (Bl 250-251). Theo lời khai của Hải thì “trước khi gây án… tóc tôi để dài chẻ 6/4 còn đuôi tóc dài phủ gáy. Sau khi gây án khoảng 1 tháng… tôi hớt ngắn 1 phân” (Bl 94). Như vậy, lời khai của Hải phù hợp với lời khai của những người làm chứng về việc mô tả đặc điểm tóc của Hải.
Về mô tả quần, áo: theo lời khai của anh Đinh Vũ Thường, tối ngày 13/01/2008, khi anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại thì thấy “Người thanh niên… mặc áo thun ngắn tay màu xám đen hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ” (Bl 250). Hồ Duy Hải khai nhận mặc áo thun xanh lá cây hoặc xanh rêu trước ngực có mấy chữ màu trắng (Bl 85, Bl 108). Theo Bản tự khai của Hải thì do quần áo lúc gây án bị dính máu và sợ bị phát hiện nên sau khi gây án Hải đã đem đốt quần áo trên ở ngoài vườn sau nhà (Bl 108). Cơ quan điều tra đã khám xét và thu giữ đống tàn tro. Căn cứ Biên bản mở niêm phong (Bl 325) và Biên bản xác định đồ vật (Bl 133) về các đồ vật thu giữ tại đống tàn tro, Cơ quan điều tra cho Hải nhận dạng và Hải xác nhận mảnh vải màu đen đã bị than hóa là vải của áo thun xanh đậm mặc khi gây án, mảnh vải nhỏ màu trắng ngà là vải áo thun mặc khi gây án nhưng ở vị trí ngực có hàng chữ màu trắng. Như vậy, lời khai của Hải phù hợp lời khai của người làm chứng, kết quả khám xét, Biên bản mở niêm phong và Biên bản xác định đồ vật nêu trên.
Lời khai của Hải còn phù hợp với lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Ngân, cụ thể: theo Bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112) và lời khai ngày 27/6/2008 (Bl 97), Hải khai nhận đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây về ăn (không nhớ rõ số tiền). Theo lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Ngân, tối ngày 13/01/2008 “có một cô gái… đi bộ lại chỗ tôi mua trái cây. Tôi biết cô gái này làm ở Bưu điện Cầu Voi… cô gái nói với tôi là có người đưa tiền em kêu em mua nên em mua nhiều… cô gái có nói với tôi là ở nơi làm có khách” (Bl 260). Kết quả khám nghiệm hiện trường có 02 túi trái cây trên bàn salon là phù hợp với lời khai của Hải và lời khai của chị Ngân.
Ngoài ra, Hải còn có nhiều lời khai về việc mô tả cụ thể, chi tiết các phòng và đồ vật có trong Bưu điện Cầu Voi, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường về vị trí, đặc điểm các đồ vật trong bưu điện. Trong số những đồ vật mà Hải mô tả tại các lời khai có những đồ vật có đặc điểm, màu sắc, vị trí mà chỉ người có mặt tại hiện trường tiếp cận trực tiếp với đồ vật đó mới có thể mô tả được cụ thể, chính xác như: con gấu bông màu vàng xám, chiếc ly nước bằng thủy tinh, tấm nệm ga màu hồng đỏ trên giường ngủ, bịch trái cây. Tổng hợp các tình tiết trên, có đủ cơ sở xác định Hải có mặt tại hiện trường vụ án.
Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, không có nhân chứng và chứng cứ nào khẳng định và kết luận Hải có mặt tại hiện trường là không đúng.
Về căn cứ Hải có mặt tại hiện trường vào khoảng 19 giờ 30
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường vào khoảng 19 giờ 30 là không có căn cứ và Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây.
Theo lời khai của anh Hồ Văn Bình thì anh đến Bưu điện Cầu Voi gửi xe “lúc đó đã hơn 19 giờ”, thấy một thanh niên ngồi trên ghế salon nói chuyện với chị Hồng, khoảng ngoài 19 giờ 30 phút, anh Bình đến lấy xe vẫn thấy chị Hồng và người thanh niên đó ngồi nói chuyện (Bl 256). Anh Đinh Vũ Thường khai, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại “lúc đó khoảng 20 giờ trở lại”, nhìn thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện (Bl 250); kết quả kiểm tra list điện thoại Bưu điện Cầu Voi cho thấy anh Thường thực hiện cuộc gọi điện thoại vào lúc 19 giờ 39 phút 22 giây. Căn cứ Biên bản kiểm tra thời gian ngày 14/7/2008 (Bl 131) có sự tham gia của Kiểm sát viên và người chứng kiến là ông Nguyễn Văn Thu thì đoạn đường từ tiệm cầm đồ Kim Hưng đến Bưu điện Cầu Voi (theo cung đường Hải khai) là 7,5km và đi hết thời gian là 15 phút.
Do đó, nếu tính thời gian từ lúc 19 giờ 13 phút 39 giây, Hải nhận được điện thoại của anh Võ Lộc Đang (Hải khai nói chuyện với anh Đang khoảng 30 giây – Bl 94) với thời gian làm thủ tục cầm đồ (Hải khai làm thủ tục cầm đồ khoảng 05 phút – Bl 94, Bl 95B) và thời gian từ hiệu cầm đồ qua các cung đường như Hải mô tả hết 15 phút thì thời gian Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 34 phút 09 giây. Điều này phù hợp với lời khai của Hải khai, khi đến bưu điện khoảng trên 19 giờ 30 phút (Bl 97) và phù hợp với lời khai của anh Bình và anh Thường là nhìn thấy 01 thanh niên ngồi trên ghế salon ở Bưu điện Cầu Voi. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng trả lời, việc xác định thời gian Hải có mặt tại hiện trường (như cách tính trong kháng nghị) chỉ mang tính ước lượng chứ không có căn cứ khoa học. Vì vậy, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 30 phút là có cơ sở. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Hồ Duy Hải không thể có mặt tại Bưu Điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây là không có căn cứ.
Về lý do mâu thuẫn lời khai
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: nội dung lời khai của Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng chưa được điều tra, thẩm vấn làm rõ tại phiên toà, cụ thể:
Mâu thuẫn về hành vi tấn công nạn nhân: các lời khai ban đầu Hải khai, “lấy dao ở kệ gần cửa chạy theo Hồng, dùng tay phải nắm đầu Hồng đập mạnh vùng mặt vào lavabo rửa mặt khoảng 3 cái, dùng dao để cắt đứt cổ” (Bl 82); có lời khai “sau khi đập đầu Hồng vào lavabo, Hải đi vào nhà lấy con dao ở bàn quay lại nhà tắm, cắt cổ chị Hồng” (Bl 86); sau đó lại khai “Hải đập phần mặt và trán chị Hồng vào lavabo, Hải kéo chị Hồng vào chân cầu thang lấy cái thớt đập mạnh vào vùng đầu rồi dùng dao cắt cổ chị Hồng” (Bl 88, 93, 99); các lời khai sau “Hải đuổi theo xô chị Hồng ngã ngửa dưới nền gầm cầu thang, dùng tay phải đánh vào mặt Hồng nhiều cái, lấy cái thớt cầm hai tay đập lên vùng đầu, mặt của Hồng hai cái, lấy con dao cắt cổ Hồng qua lại 2 cái”(Bl 100, 116)… Mâu thuẫn về hành vi hiếp dâm chị Hồng: ban đầu Hải khai, “định quan hệ tình dục nhưng chị Hồng phản ứng, bỏ xuống nhà vệ sinh” (Bl 82); nhiều lời sau khai “Hải khống chế chị Hồng, dùng hai tay bóp cổ chị Hồng, cởi hết quần áo của Hồng, giao cấu với Hồng xong Hải xuất tinh vào vạt áo của mình, cả hai mặc lại quần áo” (Bl 89); sau đó lại khai “khống chế chị Hồng chưa làm được gì thì bị chị Hồng đạp vào bụng bật ra, Hồng bật dậy chạy ra ngoài” (Bl 101)…
Xét thấy, trong quá trình điều tra, Hồ Duy Hải có một số lời khai có nội dung mâu thuẫn như viện dẫn của kháng nghị giám đốc thẩm, điều này phù hợp diễn biến tâm lý tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thể hiện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không mớm cung, ép cung đối với bị cáo. Tại các bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112-114) và ngày 14/8/2008 (Bl 102-103); các biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 (Bl 100-101) và ngày 11/7/2008 (Bl 116-121) đều có sự tham gia của Kiểm sát viên và Luật sư, Hồ Duy Hải khai: “tôi là thủ phạm gây ra cái chết cho nạn nhân Hồng và Vân, nhưng quá trình khai báo do tư tưởng chưa ổn định thấy mức án cao sợ bị xử sớm không còn thời gian sống lâu gặp gia đình nên cố tình khai thiếu một số tình tiết và khai thêm một số tình tiết để kéo dài điều tra, cụ thể là: tôi khai thêm đập đầu nạn nhân Hồng ngoài labô nước nhà vệ sinh còn thực tế đúng là tôi đập bằng thớt trong chân cầu thang; khai thêm hiếp dâm Hồng trong phòng ngủ rồi cho xuất tinh ra ngoài, sự thật là tôi không hiếp dâm; khai thêm đập đầu Vân tại chân cầu thang mà đập trên phòng khách là đúng…; thật ra tôi không có hành vi hiếp dâm mà chỉ có ý định quan hệ với Hồng khi ngồi nói chuyện sờ sẩm qua lại Hồng không phản ứng nên tôi điều Vân đi mua trái cây để quan hệ với Hồng. Hồng không cho nên tôi nóng tấn công Hồng và giết Hồng, ban đầu thỏa mãn tức giận dục vọng, sau đó mới nảy sinh ý định cướp, còn Vân tôi giết là vì sợ Vân phát hiện tố giác”. Các lời khai sau đó, Hải vẫn thừa nhận dùng dao cắt cổ chị Hồng, chị Vân; dùng thớt đập đầu chị Hồng, dùng ghế đập đầu chị Vân làm chị Hồng, chị Vân bị chết và không có hành vi hiếp dâm chị Hồng.
Lời khai của Hải phù hợp với Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh hiện trường, kết quả giám định như: Hải khai dùng thớt đập vào đầu chị Hồng thì tại Bản ảnh hiện trường có chiếc thớt để cạnh đầu chị Hồng, cái thớt có dính máu; Hải khai không đập đầu chị Hồng vào lavabo tại nhà vệ sinh là phù hợp với kết quả khám nghiệm không thể hiện các dấu vết của việc đập đầu trên lavabo; Hải khai không có hành vi hiếp dâm chị Hồng, phù hợp với Biên bản giám định pháp y về dịch trong âm hộ chị Hồng không có tinh trùng; Hải khai có ý định quan hệ với chị Hồng khi ngồi nói chuyện, sờ sẩm qua lại chị Hồng, chị Hồng không phản ứng, phù hợp với Biên bản giám định pháp y đối với chị Hồng “có ít dịch nhầy trong âm đạo”. Những tình tiết này chỉ có những người trực tiếp thực hiện hành vi mới biết, Cơ quan điều tra không thể biết được. Điều này, một lần nữa khẳng định Hải có mặt tại hiện trường.
Mặc dù, Hải có một số lời khai mâu thuẫn trên nhưng những mâu thuẫn này đã được Hải lý giải cụ thể, phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không cần thiết phải hủy bản án để điều tra lại.
Về mâu thuẫn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của bị cáo
Nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: có sự mâu thuẫn rất lớn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của bị cáo về các vấn đề
Đêm ngày 13/01/2008, Bưu điện Cầu Voi có nước hay không; Hải có nhiều lời khai về việc đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo nhưng kết quả khám nghiệm hiện trường không thể hiện các dấu vết ở lavabo. Xem xét vấn đề này thì thấy:
– Về việc đêm ngày 13/01/2008, Bưu điện Cầu Voi có nước hay không? Theo lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu thì “Khoảng 09 giờ 30 phút ngày 13/01/2008, tôi ghé Bưu cục Cầu Voi chơi với Hồng, Vân, 17 giờ thì về; nấu cơm trưa ăn, ăn xong tôi mang chén, bát đũa xoong nấu canh ra nhà vệ sinh rửa sạch sẽ và úp chén gọn gàng vào một cái thau để cạnh cầu thang” (Bl 201-202); “gần 17 giờ dậy rửa mặt xong ra về” (Bl 197). Chị Huỳnh Thị Kim Tuyền khai “tôi biết là trong nhà vệ sinh có nước sinh hoạt… tôi nghĩ là không có bị cúp nước ở bên bưu cục vì bưu cục có riêng giếng nước và ngày 13/01/2008 không có cúp điện” (Bl 258-259). Hồ Duy Hải có nhiều lời khai thể hiện, Hải nắm tóc hai nạn nhân ghì, nhất là đối với Vân nên đứt nhiều tóc dính do mồ hôi tay; sau khi cắt cổ các nạn nhân, Hải đi ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa dao và gột áo cho sạch máu (Bl 83, 99, 101, 103, 118). Theo Biên bản khám nghiệm hiện trường (Bl 44-47) thì có một số sợi tóc dính trong lọc rác của lavabo trong nhà vệ sinh. Những tài liệu nêu trên phù hợp với lời khai của Hải về việc sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải ra nhà vệ sinh rửa dao, rửa tay và gột quần áo, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, nền nhà vệ sinh có một giọt máu và theo Kết luận giám định số 3705/C21B ngày 05/6/2008 (Bl 68) thì máu trên nền nhà vệ sinh là máu người. Như vậy, có cơ sở kết luận, tối ngày 13/01/2008, Bưu điện Cầu Voi không mất nước. Việc khám nghiệm hiện trường thể hiện 08 giờ 10 phút ngày 14/01/2008 “khi mở vòi trên lavabo không thấy có nước chảy” không có ý nghĩa chứng minh tối ngày 13/01/2008 Bưu điện Cầu Voi không có nước.
– Về dấu vết để lại ở lavabo trong nhà vệ sinh
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, Hải có lời khai đập đầu chị Hồng vào lavabo nhưng khám nghiệm hiện trường không thu được dấu vết này ở lavabo là mâu thuẫn. Đây là nhận định trái với nguyên tắc chứng minh tội phạm nếu lời khai không phù hợp với dấu vết tại hiện trường thì đó là lời khai sai, chứ không phải như suy diễn của kháng nghị.
Mặc dù, trước ngày 05/7/2008, Hải có một số lời khai về việc đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo, nhưng tại các lời khai nhận tội sau đó: Bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112-113) và các biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 (Bl 100 – 101), ngày 11/7/2008 (Bl 116-117) đều có sự tham gia của Luật sư và Kiểm sát viên, Hải khẳng định không đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo. Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm cũng không kết luận Hồ Duy Hải đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo. Do đó, việc không thu được dấu vết của việc đập đầu ở lavabo là phù hợp với lời khai của Hải nên không cần thiết phải điều tra lại vấn đề này.
Về vị trí và dấu vết trên ghế
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, diễn biến lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án về vị trí và dấu vết trên ghế.
Theo lời khai của Hải tại các bản cung ngày 07/7/2008 (Bl 100-101) và ngày 11/7/2008 (Bl 116-117), sau khi dùng ghế đập đầu chị Vân trên phòng khách, Hải đem ghế để ở khu vực chân cầu thang, cạnh xác chị Hồng. Lời khai của Hải phù hợp với Bản ảnh hiện trường và Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện chiếc ghế nằm dưới nền nhà và nạn nhân Vân gác chân lên ghế (Bl 44-47). Những tài liệu này đều phản ánh đầy đủ trong hồ sơ vụ án, do vậy không cần thiết hủy án để điều tra lại làm rõ nội dung này.
Lời khai của Hải thể hiện, sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải đi lên phòng giao dịch lấy tiền, sim card, điện thoại sau đó Hải đi dép vào rồi mới đến khu vực cầu thang chỗ chị Hồng, chị Vân chết để lấy các đồ trang sức của chị Hồng, chị Vân.
Biên bản khám nghiệm hiện trường (Bl 44-47) và Bản ảnh hiện trường thể hiện: nền nhà có các hạt cơm, chiếc ghế xếp được nằm ngay sát vũng máu; Hải mô tả về đôi dép Hải đi đến chỗ xác nạn nhân để lấy tài sản là đôi dép xốp màu trắng, đế dép có rãnh đường gấp khúc chống ma sát (Bl 117-118). Như vậy, căn cứ lời khai của Hải, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh hiện trường thể hiện có dấu vết dép trên ghế nên có cơ sở để nhận định, các dấu vết để lại trên mặt ghế là do Hải gây ra trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù, Cơ quan điều tra không kết luận về những vết máu quệt, vết đế dép, hạt cơm khô có trên chiếc ghế là do đâu mà có nhưng xét thấy vấn đề này không có ý nghĩa quyết định trong việc khẳng định Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, nên không cần thiết phải điều tra lại để làm rõ hơn về tình tiết này.
Về việc không có dấu vết máu trên cổng sau của Bưu điện Cầu Voi
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, khi cắt cổ chị Hồng, chị Vân máu bắn rất nhiều lên người bị cáo; sau khi gây án, bị cáo trèo cổng sau để đi ra cổng trước nhưng theo Biên bản khám nghiệm hiện trường thì trên cánh cổng sau không có bất kỳ dấu vết máu nào để lại.
Nhận thấy, theo lời khai của Hải, sau khi cắt cổ chị Hồng và chị Vân, máu bắn rất nhiều lên người Hải nhưng sau đó Hải đã vào nhà vệ sinh rửa dao, rửa tay và gột quần áo (Bl 99, Bl 117). Lời khai của Hải phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường không có dấu vết máu để lại trên cổng sau nên không phải là tình tiết mâu thuẫn như kháng nghị giám đốc thẩm đã nêu. Do đó, không cần thiết phải điều tra lại và hiện nay cũng không thể điều tra làm rõ được về vấn đề này.
Về dấu vân tay thu được tại hiện trường
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, dấu vân tay thu được ở hiện trường (cửa kính, vòi nước ở lavabo) không phải của Hồ Duy Hải, dấu vân tay của ai cũng chưa được làm rõ.
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trình bày của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tại phiên tòa giám đốc thẩm thể hiện, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ một số dấu vết đường vân ở mặt trong cửa kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo. Cơ quan điều tra đã thu thập vân tay của khoảng 144 người nghi có liên quan để truy nguyên với các dấu vết đường vân thu tại hiện trường, nhưng không có kết quả trùng khớp. Bản kết luận giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải (Bl 53). Như vậy, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra truy nguyên dấu vấn tay thu giữ tại hiện trường. Việc không trùng khớp dấu vân tay thu được tại hiện trường với dấu vân tay của Hồ Duy Hải không phải là tình tiết chứng minh yếu tố ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Mặc dù, không phát hiện dấu vân tay thu được tại hiện trường trùng với dấu vân tay của Hải, nhưng căn cứ vào các lời khai nhận tội của Hải phù hợp với bản ảnh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản giám định pháp y, kết quả thực nghiệm điều tra, lời khai của người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định Hồ Duy Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.
Về cơ chế hình thành vết thương
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, việc Hải dùng tay đánh vào mặt của chị Hồng thì không thể tạo ra các vết thương “rách da bờ mép sắc gọn ở trên vùng mặt và trên cằm”; các vết thương của chị Vân ở “vùng thái dương phải có hai vết trầy sước da 1×0,5cm, 1×0,3cm nằm cách nhau 2cm”, các dấu vết trên do vật gì gây ra, cơ chế hình thành như thế nào chưa được làm rõ.
Về vấn đề này, hồ sơ vụ án thể hiện: tại Biên bản khám nghiệm tử thi hồi 11 giờ 40 phút ngày 14/01/2008, xác định nạn nhân Vân có “01 vết thương tụ máu ở trên đầu (vùng đỉnh), 02 vết trầy xước da vùng thái dương, 01 vết thương hở, sâu bờ mép sắc gọn ở cổ” (Bl 55-56).
Tại Biên bản khám nghiệm tử thi hồi 12 giờ 10 phút ngày 14/01/2008, xác định nạn nhân Hồng có “04 vết thương bầm tụ máu ở trên đầu, 04 vết thương hở rách da trên mặt (trong đó có hai vết rách có bờ mép sắc gọn ở vùng lông mày trái), 01 vết rách da, bờ mép sắc gọn ở cằm bên trái, 01 vết thương hở, sâu bờ mép sắc gọn ở cổ” (Bl 56-57).
Tại Bản giám định pháp y số 21/PY.08 ngày 17/01/2008, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Long An kết luận: “Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng, sinh năm 1985, tử vong do bị vết thương hở làm đứt ngang vùng cổ phía trước gây choáng chấn thương, mất máu cấp. Tổn thương kèm theo: máu tụ dưới da đầu và vùng cổ có thể dẫn đến choáng cho nạn nhân”.
Tại Bản giám định pháp y số 22/PY.08 ngày 17/01/2008, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Long An kết luận: “Nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân, sinh năm 1987, tử vong do bị vết thương hở làm đứt ngang vùng cổ phía trước gây choáng chấn thương, mất máu cấp”.
Tại Công văn số 37/GĐ.PY.08 ngày 07/4/2008, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Long An, trả lời giải trình dấu vết trên cơ thể các nạn nhân như sau: “1. Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng: vùng đầu, mặt có nhiều vết bầm tụ máu diện rộng, đồng thời có những vết rách da bờ mép sắc gọn (mô tả trong bản Giám định pháp y – xem ảnh trong bản ảnh). Điều đó chứng tỏ: vùng đầu, mặt của nạn nhân đã bị va đập vào những vật vừa có bờ mép hình thù cứng, trơn nhẵn, đồng thời ở đó cũng có các vật cứng sắc gọn và bị va đập nhiều lần. 2. Nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân: da đầu không bị rách, chỉ bị tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh, kích thước khá rộng (6cmx3cm) xương hộp sọ nguyên vẹn. Điều đó chứng tỏ: đỉnh đầu của nạn nhân bị va đập vào một vật có bề mặt lớn và vật đó không quá cứng (chỉ tổn thương ở mức độ nhẹ) còn nếu vật đó cứng thì lực tác động phải nhẹ, mới không gây rách da đầu và vỡ xương hộp sọ. 3. Cả 2 nạn nhân đều bị vết thương hở, có bờ mép sắc gọn làm cắt đứt phần cổ trước. Động tác, cơ chế hình thành vết thương, cách thực hiện hành động, hung khí gây án, kích thước, độ sâu vết thương… tương đối giống nhau. Tất cả những điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ là vật sắc bén”
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, việc bị cáo dùng tay đánh vào mặt của chị Hồng thì không thể tạo ra các vết thương “rách da bờ mép sắc gọn ở trên vùng mặt và trên cằm” là nhận định chủ quan và loại trừ các cơ chế hình thành vết thương do dùng dao cắt, dùng thớt và ghế đập.
Như vậy, kết luận giám định và giải thích kết luận giám định đã cơ bản kết luận, giải thích rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Hồng và chị Vân là do vật sắc bén cắt cổ. Các vết thương còn lại chứng tỏ vùng đầu, mặt của nạn nhân Hồng bị va đập vào những vật vừa có bờ mép hình thù cứng, trơn nhẵn, đồng thời ở đó cũng có các vật cứng sắc gọn và bị va đập nhiều lần; nạn nhân Vân đỉnh đầu bị va đập vào một vật có bề mặt lớn và vật đó không quá cứng, còn nếu vật đó cứng thì lực tác động phải nhẹ, mới không gây rách da đầu và vỡ xương hộp sọ. Các kết luận giám định và giải thích của Cơ quan giám định phù hợp với lời khai của Hải là dùng tay đấm vào mặt, dùng hung khí thớt, ghế để đập, xô đẩy nạn nhân vào tường, dùng dao cắt cổ các nạn nhân; phù hợp với Bản ảnh hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi, nên có đủ cơ sở kết luận nguyên nhân chết của chị Hồng và chị Vân là do Hải dùng dao cứa cổ. Việc điều tra lại làm rõ các tình tiết trên là không cần thiết.
Về mẫu tàn tro được thu giữ
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng mẫu tàn tro được thu giữ không có giá trị chứng minh trong vụ án.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra giải trình: việc tiến hành khám xét nhà Hải và lấy lời khai của Hải được tiến hành bởi hai Điều tra viên khác nhau; khi Hải khai về việc đốt quần áo mặc khi gây án thì Điều tra viên ghi lời khai Hải đã thông tin cho Điều tra viên chủ trì khám xét tiến hành khám xét mở rộng, phát hiện, thu giữ 02 đống tro trên.
Hồ sơ vụ án thể hiện, Biên bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải lần đầu tiên bắt đầu từ 19 giờ 30 phút, kết thúc hồi 20 giờ 30 phút ngày 21/3/2008 do Điều tra viên Nguyễn Văn Minh tiến hành, Hải khai đốt quần áo, thắt lưng mặc khi gây án… ở vườn sau nhà của Hải và nhà của dì út Len (Bl 83). Căn cứ Biên bản khám xét nhà Hải ngày 21/3/2008 do Điều tra viên Lê Thành Trung thực hiện, bắt đầu hồi 18 giờ 30 phút, kết thúc hồi 21 giờ 30 phút, thể hiện có việc khám xét mở rộng ở nền đất phía sau nhà bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hải) và nhà bà Nguyễn Thị Len (dì của Hải), phát hiện phía sau nhà bà Nguyễn Thị Len có hai đống tro bị đốt cháy còn nằm kết dính trên nền đất, Cơ quan điều tra đã tiến hành thu hai đống tro này, cho vào hộp niêm phong (Bl 323-324).
Như vậy, có căn cứ kết luận sau khi Hải khai về tình tiết này, Cơ quan điều tra mới tiến hành khám xét mở rộng vì việc đốt quần áo ở một hiện trường khác, hiện trường này không thuộc phạm vi khám xét ban đầu, nếu không có lời khai của Hải thì Cơ quan điều tra không thể phát hiện được.
Theo Biên bản mở niêm phong ngày 05/4/2008 (Bl 325) và Biên bản xác định đồ vật ngày 15/8/2008 (Bl 133), Hải xác định đoạn dây da cháy là đoạn thắt lung của Hải đốt sau khi gây án; mảnh vải cháy dở màu đen sọc nhiễn là vải của quần vải màu đen đã khai trước đây gây án; mảnh vải màu đen đã bị than hóa là vải của áo thun xanh đậm mặc gây án; mảnh vải nhỏ màu trắng ngà là vải áo thun mặc khi gây án nhưng ở vị trí ngực có hàng chữ màu trắng.
Tại Kết luận giám định số 3200/C21B ngày 08/5/2008, Phân viện khoa học kỹ thuật hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: trong mẫu tàn than tro có thành phần vải và nhựa polyster.
Lời khai của Hải về việc đốt quần áo mặc khi gây án (Hải không khai về nguyên liệu làm thắt lưng, quần áo) phù hợp với việc thu giữ 02 đống tro, phù hợp với việc xác định các đồ vật của Hải nêu trên, phù hợp với kết luận giám định về việc mẫu tàn tro có thành phần vải và nhựa polyster nên có giá trị chứng minh Hải có mặt tại hiện trường và thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng mẫu tàn tro được thu giữ không có giá trị chứng minh trong vụ án là không đúng.
Về việc tiêu thụ tài sản
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng có mâu thuẫn về việc tiêu thụ tài sản. Lúc đầu Hải khai, bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200 ngàn đồng, bán nữ trang được 3 triệu không nhớ tiệm cùng ở Thành phố Hồ Chí Minh (Bl 82); sau đó Hải khai: bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200.000 đồng, bán nữ trang cho một thanh niên lạ mặt khác được 3 triệu đồng (Bl 120); rồi lại khai: bán điện thoại cho một cô gái trên đường Hùng Vương được 200.000 đồng, bán nữ trang cho một cô gái ở tiệm thứ 2 được 3,5 triệu đồng (Bl 120, 113); Cơ quan điều tra không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có theo lời khai của bị cáo.
Nhận thấy, quá trình điều tra, Hải có nhiều lời khai nhận, sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải lên phòng giao dịch mở tủ lấy khoảng 1.400.000 đồng; khoảng 40-50 sim, card điện thoại, lấy điện thoại Nokia 1100 bỏ vào túi quần. Sau đó, Hải đến chỗ xác chị Vân lấy 01 dây chuyền vàng không có mặt, 01 vòng đeo tay bằng vàng và 01 nhẫn vàng; lấy ở xác chị Hồng 01 đôi hoa tai vàng, 01 sợi dây chuyền vàng mặt bông hoa, 01 lắc đeo tay vàng và 02 nhẫn vàng. Lời khai của Hải về chiếm đoạt những tài sản trên phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Văn Mừng là bố đẻ của chị Hồng về tài sản bị mất của chị Hồng (Bl 158); phù hợp lời khai của ông Nguyễn Văn Hộ là bố đẻ của chị Vân về các tài sản bị mất của chị Vân (Bl 160), ngoài ra ông Hộ còn khai “…tôi nhận xác (Vân) kiểm tra lại thì còn… một mặt dây chuyền rơi lại trên người của Vân do công an giao trả” (Bl 162); phù hợp lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu và lời khai của anh Nguyễn Mi Sol (là bạn của chị Hồng, chị Vân); phù hợp lời khai của ông Đinh Phú Hùng là Giám đốc Trung tâm Bưu điện huyện Thủ Thừa (Bl 223) về các tài sản của Bưu điện Cầu Voi bị mất. Cơ quan điều tra đã cho Hải nhận dạng các tài sản có đặc điểm tương tự tài sản mà Hải chiếm đoạt (theo mô tả của Hải và những người làm chứng), tại các biên bản nhận dạng (Bl 136, Bl 150-157), Hải đều xác định những tài sản do Hải chiếm đoạt phù hợp với lời khai của những người làm chứng nêu trên. Do đó, có cơ sở xác định, Hải đã chiếm đoạt những tài sản trên của các bị hại.
Những mâu thuẫn trong lời khai về việc tiêu thụ tài sản như kháng nghị nêu đã được Hải xác định và nêu lý do khai không thống nhất tại Bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112-113), Biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 và ngày 11/7/2008 (Bl 100-101, 116-121). Tại Bản tự khai ngày 05/7/2008, Hải khai chi tiết và vẽ sơ đồ về vị trí Hải đã bán nữ trang (vàng), điện thoại và nơi vứt sim, card điện thoại. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, làm rõ, cụ thể:
Về địa điểm bán vàng: theo lời khai của Hải và sơ đồ do Hải vẽ thì Hải bán vàng tại quầy số 2 Cửa hàng bán vàng bạc số 50 An Dương Vương, Phường 9, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Xác minh tại Cửa hàng số 50 An Dương Vương thì chị Nguyễn Kim Chi là nhân viên cửa hàng khai: quầy hàng của tôi đứng thuộc cửa số 2… tôi đứng ở tủ hàng phía bên trái tính theo hướng từ ngoài đường An Dương Vương nhìn vào cửa hàng… (Bl 169); bà Đặng Thị Liên là chủ cửa hàng khai: nếu vàng của cửa hàng mua vào thì không có hóa đơn, còn vàng không phải cửa hàng thì khi mua vào sẽ có hóa đơn tính tiền cho khách hàng (Bl 171); lời khai của Hải phù hợp với lời khai của người làm chứng về địa điểm bán vàng và việc sau khi đồng ý bán vàng, Hải nhận tiền, giấy biên nhận.
Về địa điểm bán điện thoại: tại biên bản lấy lời khai ngày 15/7/2008, chị Nguyễn Thị Huệ là chủ cửa hàng mua bán điện thoại di động tại số 124 Hùng Vương, Phường 2, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh khai: thời điểm tháng 1/2008 có mua điện thoại loại Nokia 1100 với giá 200.000 đồng (Bl 178), phù hợp với lời khai của Hải về địa điểm bán, giá bán loại điện thoại này, lời khai ông Đinh Phú Hùng về việc Bưu điện Cầu Voi bị mất điện thoại Nokia 1100 (Bl 223-224) và phù hợp với kết quả xác minh ngày 15/7/2008 của Công an Phường 2, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh (Bl 174).
Về địa điểm vứt sim card: bản tự khai ngày 05/7/2008 của Hải kèm sơ đồ do Hải vẽ, lời khai của Hải ngày 11/7/2008 (Bl 120) thể hiện, Hải vứt bỏ sim card vào bọc rác (do người dân để) trong hẻm trên đường Trần Bình Trọng, đối diện đầu hẻm này có nhà thờ. Kết quả xác minh ngày 07/7/2008 của Công an Phường 2, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (Bl 175) phù hợp với lời khai trên của Hải.
Từ những nhận định trên cho thấy, chỉ người đi bán tài sản mới biết được những cụ thể địa điểm bán tài sản. Những nội dung này đã được xác minh, làm rõ nên không cần thiết phải điều tra lại.
Về trí nhớ của Hải
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Hải lần đầu vào phía trong của Bưu điện Cầu Voi với thời gian rất ngắn nhưng lại khai rất chi tiết các đồ vật có trong từng căn phòng.
Việc Hồ Duy Hải mô tả được chi tiết các phòng và các đồ vật trong Bưu điện Cầu Voi đã được phân tích tại phần nhận định nêu trên [mục 1].
Trước khi ban hành Cáo trạng, Viện kiểm sát lấy lời khai của Hải và tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, Hải khai sở dĩ biết được các chi tiết như trên là do anh Nguyễn Thanh Hải – Công an viên của xã Nhị Thành kể lại. Nhưng cũng tại bản cung này, khi Kiểm sát viên hỏi Hải cho điều tra xác minh, đối chất với anh Nguyễn Thanh Hải thì Hải lại khai “không cần, sự kiện trên là không có thật do tôi sợ xử nên tôi kéo dài thời gian xét xử”. Mặc dù vậy, để làm rõ hơn nội dung này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã xác minh, lấy lời khai của anh Nguyễn Thanh Hải vào ngày 20/11/2008 thể hiện, khi Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, anh Nguyễn Thanh Hải giữ trật tự bên ngoài bưu điện, sau khi vụ án xảy ra anh cũng không gặp Hồ Duy Hải và không kể gì về vụ án cho Hải nghe. Lời khai của anh Nguyễn Thanh Hải phù hợp Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện không có anh Nguyễn Thanh Hải tham gia. Vì thế, lời khai của Hải về việc nghe anh Nguyễn Thanh Hải kể lại chi tiết các phòng, đồ vật có trong Bưu điện Cầu Voi là không có cơ sở. Mặt khác, Hải có mặt tại hiện trường từ khoảng 19 giờ 30 phút đến khoảng 21 giờ 30 phút ngày 13/01/2008, khoảng thời gian này không phải là quá ngắn; với diện tích phòng khách của Bưu điện Cầu Voi có kích thước 4,6m x 5,6m không lớn và trong điều kiện có ánh sáng điện. Do đó, việc Hải khai chi tiết các đồ vật có trong hiện trường vụ án là có căn cứ nên không cần thiết phải điều tra lại vấn đề này.
Về việc Hồ Duy Hải về nhà sau khi gây án
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, có sự mâu thuẫn về thời gian sau khi gây án: lúc đầu Hải khai, về nhà cửa không khóa, vào nhà ngủ không ai biết (Bl 82); sau đó Hải khai: tự lấy chìa khóa mở cửa vào nhà (Bl 84); rồi lại khai: khi về nhà cửa còn mở, tôi tự dẫn xe vào rồi kêu Nguyễn con dì Út đóng cửa dùm (Bl 87).
Xét thấy, tình tiết này không phải là mâu thuẫn về thời gian như kháng nghị nêu mà là lời khai của Hải về hành vi ở hiện trường khác và ở thời điểm sau khi vụ án xảy ra, nên không có ý nghĩa chứng minh hành vi phạm tội của Hải, việc điều tra lại vấn đề này là không cần thiết.
Về chiếc ghế được thu giữ
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, hai bản án xác định chiếc ghế được thu giữ là công cụ phạm tội
Thực tế chiếc ghế đó không liên quan đến vụ án; hai đồ vật là con dao và cái thớt thu giữ được (do anh Nguyễn Văn Thu và chị Lê Thị Thu Hiếu cung cấp) không có giá trị chứng minh về công cụ gây án của người phạm tội.
Về vấn đề này, qua nghiên cứu Bản án hình sự sơ thẩm số 97/2008/HSST ngày 01/12/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử không xác định chiếc ghế thu được là công cụ phạm tội. Do đó, nhận định trên của kháng nghị là không đúng với bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm. Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thừa nhận sai sót này và đề nghị được đính chính kháng nghị về nội dung này.
Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án thể hiện có chiếc thớt dính máu để ở gần nạn nhân Hồng và chiếc ghế xếp mà nạn nhân Vân gác chân lên, không phát hiện con dao được nhét vào sau tấm bảng treo đối diện cầu thang. Khi khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra chưa thể biết được hung thủ dùng thớt, ghế để gây án cho đến khi Hồ Duy Hải khai chính Hải khai đã dùng thớt, ghế, dao làm công cụ gây án. Lời khai của Hải phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, phù hợp với vị trí con dao khi các anh Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng và Nguyễn Tuấn Ngọc phát hiện được trong lúc dọn dẹp hiện trường vào ngày 14/01/2008.
Mặc dù, Hải có lời khai mô tả đặc điểm chiếc thớt không thống nhất về bề dày, kích thước, nhưng căn cứ vào bản ảnh hiện trường có chiếc thớt; lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu (là bạn của chị Hồng và chị Vân) đã nhìn thấy và sử dụng chiếc thớt này; lời khai của anh Nguyễn Mi Sol (là bạn của chị Hồng); lời khai của các anh Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tuấn Ngọc là những người phát hiện ra con dao, Cơ quan điều tra đã yêu cầu chị Hiếu mua chiếc thớt tương tự như chiếc thớt chị Hiếu và anh Sol đã nhìn thấy và có ở hiện trường; yêu cầu anh Thu mua 01 con dao có đặc điểm tương tự như những người làm chứng trên và Hải mô tả. Tại Biên bản nhận dạng (Bl 134), Hải nhận dạng được chiếc thớt này có đặc điểm tương tự như chiếc thớt Hải dùng để gây án, phù hợp với mô tả đặc điểm chiếc thớt của chị Hiếu, anh Sol và bản ảnh hiện trường vụ án. Tại Biên bản nhận dạng (Bl 144), Hải nhận dạng được con dao có đặc điểm, kích thước tương tự con dao mà Hải dùng để gây án, phù hợp với việc mô tả đặc điểm con dao mà các người làm chứng phát hiện được tại hiện trường vụ án. Điều đó có ý nghĩa chứng minh lời khai của Hải đã dùng dao và thớt để gây án là có cơ sở. Việc mua dao, thớt là có thật nhưng để phục vụ cho nhận dạng vật tương tự và thực nghiệm điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định những đồ vật này là vật chứng của vụ án.
Về việc xác định thời điểm chết của các nạn nhân
Khám nghiệm tử thi ghi nhận “Bụng… dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít…” (Bl 60), nhưng Cơ quan điều tra không giám định thời điểm chết của các nạn nhân là thiếu sót như Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu. Tuy nhiên, theo trình bày của Giám định viên tại phiên tòa giám đốc thẩm thì trong trường hợp trên chỉ giám định xác định được nạn nhân chết trong khoảng thời gian bao lâu kể từ bữa ăn cuối mà không giám định được thời điểm chết của nạn nhân. Mặt khác, căn cứ lời khai nhận tội của Hải, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi, lời khai của các nhân chứng và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án thì đủ cơ sở khẳng định Hải là người thực hiện hành vi giết chị Hồng và chị Vân. Thiếu sót nêu trên không thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải điều tra lại.
Về thủ tục khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, khám nghiệm hiện trường kết thúc hồi 13 giờ 10 phút ngày 14/01/2008; khám nghiệm tử thi Vân bắt đầu hồi 11 giờ 40 phút, khám nghiệm tử thi Hồng bắt đầu hồi 12 giờ 10 phút, đều do Điều tra viên Lê Thành Trung thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì cùng một người, cùng một lúc vừa thực hiện khám nghiệm hiện trường vừa thực hiện khám nghiệm hai tử thi.
Về vấn đề này, tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra đã trình bày, việc khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi là cùng địa điểm tại Bưu điện Cầu Voi; khi khám nghiệm tử thi Hồng và tử thi Vân thì ngoài Điều tra viên Lê Thành Trung còn có Điều tra viên Nguyễn Văn Minh tham gia.
Tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện: khám nghiệm hiện trường bắt đầu hồi 08 giờ 10 phút, kết thúc hồi 13 giờ 10 phút ngày 14/01/2008, thành phần tham gia khám nghiệm ngoài Điều tra viên Lê Thành Trung còn có các cán bộ khác của Phòng kỹ thuật hình sự; khám nghiệm tử thi Vân bắt đầu hồi 11 giờ 40 phút, kết thúc hồi 12 giờ 10 phút ngày 14/01/2008; khám nghiệm tử thi Hồng bắt đầu hồi 12 giờ 10 phút, kết thúc hồi 13 giờ ngày 14/01/2008, đều được tiến hành tại Bưu điện Cầu Voi. Về thành phần khám nghiệm tử thi thì ngoài hai Điều tra viên Lê Thành Trung, Nguyễn Văn Minh còn có các bác sỹ pháp y của Phòng giám định pháp y Long An thực hiện. Như vậy, việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi Vân và Hồng đều cùng một địa điểm, đúng thành phần, nên đây không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu.
Về lời khai ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải, lời khai của người làm chứng Phùng Phụng Hiếu và lời khai của các đối tượng tình nghi Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol.
Theo trình bày của Cơ quan điều tra tại phiên tòa giám đốc thẩm: tại lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải ngày 20/3/2008, Hải trình bày về việc sử dụng thời gian ngày 13/01/2008. Kết quả xác minh, Hải khai không đúng sự thật nên Cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ xét xử vụ án, nhưng được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan Công an. Quá trình xác minh, Cơ quan điều tra đã xác minh nhiều đối tượng nghi vấn, trong đó có Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol, nhưng đã làm rõ những đối tượng này không liên quan đến vụ án, nên Cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ vụ án mà được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan Công an. Cơ quan điều tra cũng đã lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu (là người đầu tiên phát hiện ra vụ án) nhưng không lưu trong hồ sơ vụ án mà được lưu trong hồ sơ hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan Công an. Việc không lưu các lời khai này trong hồ sơ vụ án là thiếu sót của Cơ quan điều tra. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra đã công bố những tài liệu này cho Hội đồng giám đốc thẩm. Qua xem xét những tài liệu nêu trên, tuy không được lưu trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật nhưng nội dung của những tài liệu này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không cần thiết điều tra lại.
Đối với nội dung kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến (Bl 133, 144, 211, 213-222, 232, 238, 244, 253); một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung có sửa chữa, nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai (Bl 85, 97, 250). Qua kiểm tra hồ sơ vụ án và thẩm tra công khai tại phiên tòa giám đốc thẩm thì thấy đây là các sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tại các biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 và ngày 11/7/2008 (Hải khai nhận cụ thể hành vi phạm tội của mình) không có các vi phạm nêu trên. Mặt khác, tại Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm cũng không viện dẫn, trích các bút lục có vi phạm để làm chứng cứ kết tội bị cáo. Do đó, những vi phạm, sai sót nêu trên không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải điều tra lại.
Từ những nhận định nêu trên, xét thấy:
Trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra có một số vi phạm, thiếu sót trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, giám định pháp y và nhận dạng như:
Không thu giữ các vật chứng gây án khi khám nghiệm hiện trường (con dao, chiếc thớt, chiếc ghế inox); Ghi nhận không chính xác về hung khí gây án: Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi mã số tem đảm bảo chất lượng của ghế là HNP2 447052, biên bản thu giữ chiếc ghế ghi HPM3 44705 đều không chính xác vì ảnh chụp hiện trường thể hiện rõ chiếc ghế xếp khung inox có số tem đảm bảo chất lượng là HPM2 447052; không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để hơn 04 tháng sau mới trưng cầu giám định dẫn đến máu bị phân hủy, không giám định được; không ra quyết định trưng cầu để xác định thời điểm chết của nạn nhân.
Biên bản nhận dạng của anh Đinh Vũ Thường, anh Nguyễn Mi Sol không có người chứng kiến; Biên bản ghi lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai (nội dung sửa chữa là sửa lỗi chính tả); Không đưa vào hồ sơ vụ án một số tài liệu như: các biên bản ghi lời khai người làm chứng Đinh Vũ Thường, Nguyễn Mi Sol trước ngày phát hiện ra Hồ Duy Hải; lời khai của các anh Phùng Phụng Hiếu, Nguyễn Mi Sol, Nguyễn Văn Nghị và lời khai của Hồ Duy Hải (04 bản cung, 23 bản tường trình, bản tự khai, sơ đồ do Hải vẽ, viết, trong đó có lời khai ngày 20/3/2008).
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những vấn đề nêu trên là đúng. Tuy nhiên, những vi phạm, thiếu sót này không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất của vụ án. Kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An tổ chức kiểm điểm nghiêm túc về những vi phạm, sai sót trên.
Một số nội dung Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là không chính xác, một số nội dung kháng nghị cho rằng có những mâu thuẫn chưa được làm rõ thì đã được thu thập đầy đủ trong quá trình điều tra nên không cần thiết phải điều tra lại; một số nội dung kháng nghị yêu cầu điều tra lại không có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm như đã phân tích ở các phần trên.
Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan và toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội; căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra, xét xử ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhận thấy: trong quá trình điều tra, Hải có 25 lời khai, trong đó có 03 lời khai do Viện kiểm sát nhân dân tiến hành ở giai đoạn truy tố, 03 lời khai có Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa tham gia, Hải đều khai nhận giết chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và chị Nguyễn Thị Thu Vân, sau đó lấy tài sản của chị Hồng, chị Vân và một số tài sản của Bưu điện Cầu Voi.
Ngay khi nhận Quyết định khởi tố bị can (Bl 17), Hải đồng ý các nội dung trong Quyết định; khi nhận Kết luận điều tra (Bl 381) Hải đồng ý với nội dung trong Bản kết luận điều tra; khi nhận Cáo trạng (Bl 525) Hải tự đọc Cáo trạng và khẳng định nội dung trong Cáo trạng là đúng như Hải đã làm. Tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thẩm vấn thì bị cáo nhận tội; khi Luật sư và đại diện Viện kiểm sát hỏi, Hải lại khai không có hành vi giết chị Hồng, chị Vân và không chiếm đoạt tài sản như Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố, nhưng không lý giải được lý do chối tội. Sau khi xét xử sơ thẩm, Hải có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, có lúc Hải nhận tội, có lúc không nhận tội.
Sau khi xét xử phúc thẩm, Hải có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, không kêu oan (Đơn xin tha tội chết đề ngày 04/5/2009). Trước khi trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành xác minh, lấy lời khai của Hồ Duy Hải trong trại tạm giam, Hải nhận tội và tỏ ra ân hận về hành vi tội lỗi của mình. Như vậy, trong những thời điểm quan trọng thì Hải đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong muốn được giảm hình phạt.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm không có việc mớm cung, bức cung, ép cung, nhục hình đối với Hải, không có cơ sở chứng minh Hải ngoại phạm. Nhiều tình tiết thể hiện chỉ người thực hiện hành vi phạm tội mới có thể đưa ra được lời khai phù hợp với hiện trường vụ án, diễn biến sự việc và kết quả giám định. Những vấn đề kháng nghị giám đốc thẩm nêu ra sau khi được phân tích, lý giải càng làm rõ hơn hành vi phạm tội của Hải. Với những lý do đã nêu trên, đủ cơ sở để khẳng định:
Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 13/01/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi bằng chiếc xe Dream biển kiểm soát 62F5-0842, Hải đậu xe phía trong cổng rào và đi vào phòng giao dịch gặp chị Nguyễn Thị Thu Vân đang ngồi trực. Sau đó vào phòng trong ngồi giữa ghế salon, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (nhân viên bưu điện) lên ngồi nói chuyện với Hải và mời Hải uống nước. Quá trình ngồi nói chuyện với chị Hồng, Hải mượn điện thoại Nokia 1100 của Bưu điện dùng để nạp Card cho khách hàng để bấm các chức năng máy một lúc rồi bỏ trên bàn.
Đến khoảng 20 giờ 30 phút, Bưu điện nghỉ, chị Vân vào phòng trong nơi Hải và chị Hồng đang ngồi, do nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nên Hải đã đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây. Khi chị Vân đi, Hải nắm tay kéo chị Hồng vào buồng, Hải đẩy chị Hồng nằm ngửa xuống đi văng loại xếp. Hải dùng hai tay nắm hai tay chị Hồng, chị Hồng phản ứng dùng chân đạp vào bụng Hải, Hải buông chị Hồng ra, chị Hồng ngồi dậy chạy về phía sau cầu thang (khu vực bếp nấu ăn), Hải đuổi theo, kéo tay chị Hồng xô vào góc tường gần chân cầu thang, chị Hồng kêu lên, Hải sợ bị phát hiện nên Hải dùng tay đánh vào mặt, bóp cổ và đẩy chị Hồng ngã xuống sàn gạch rồi dùng thớt tròn đập vào vùng mặt và vùng đầu làm chị Hồng bị ngất. Sau đó, Hải lấy con dao inox dài 30cmx3cm trên mặt bàn nấu ăn, tay phải cầm dao, tay trái nắm tóc chị Hồng rồi cắt qua lại 02 cái vào cổ chị Hồng. Thấy chị Hồng nằm im, Hải đi vòng ra phía sau nhà vệ sinh rửa dao và tay cho sạch máu. Hải dắt dao vào lưng quần phía trước bụng đi vào nhà, đến cầu thang thì thấy chị Vân đi mua trái cây về. Chị Vân kéo cửa sắt xuống đóng cửa, đi vào nhà đặt túi trái cây trên bàn salon. Lúc này, Hải nảy sinh ý định giết chị Vân để bịt đầu mối. Hải cầm ghế xếp inox thủ sẵn, khi chị Vân vừa xuống phòng sau thấy chị Hồng bị cắt cổ chết, chị Vân sợ chạy ngược trở lại phòng khách, Hải đuổi theo, dùng ghế đánh vào đầu làm chị Vân ngã xuống nền gạch. Hải đem ghế để tại chân cầu thang nơi để xác chị Hồng, rồi quay ra dùng tay xốc nách chị Vân, kéo đến chỗ xác chị Hồng, Hải đặt đầu chị Vân nằm trên người chị Hồng và lấy con dao inox đang dắt ở lưng quần phía trước bụng cắt vào cổ chị Vân 02-03 cái. Khi cắt cổ chị Vân, máu bắn vào quần áo nên Hải đi vào phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao và quẹt sạch các vết máu trên quần áo rồi nhét dao vào phía sau tấm bảng ở sát vách tường gần cầu thang.
Sau khi thực hiện hành vi giết chị Hồng và chị Vân, Hải lên phòng giao dịch mở tủ lấy khoảng 1.400.000 đồng; khoảng 40-50 sim, card điện thoại, đến bàn salon lấy điện thoại Nokia 1100 bỏ vào túi quần. Hải đi dép vào và đến gầm cầu thang chỗ xác chị Vân lấy 01 dây chuyền vàng không có mặt, 01 vòng đeo tay bằng vàng và 01 nhẫn vàng; lấy ở xác chị Hồng 01 đôi hoa tai vàng, 01 sợi dây chuyền vàng mặt bông hoa, 01 lắc đeo tay vàng và 02 nhẫn vàng kiểu. Hải leo qua hàng rào ngăn giữa sân phía sau và sân trước, lấy xe rồi chạy về hướng nhà dì ruột Nguyễn Thị Len. Sau đó, Hải tắm, giặt quần áo, lấy số nữ trang rửa sạch rồi bọc nilon cất. Ngày 18/01/2008, Hải mang số nữ trang, điện thoại, sim card lấy của chị Hồng, chị Vân lên Thành phố Hồ Chí Minh bán. Hải bán điện thoại được 200.000 đồng; bán nữ trang được 3.500.000 đồng; riêng số sim card, Hải bỏ vào bọc rác phi tang. Sau khi gây án một tuần, Hải sợ bị phát hiện nên lấy quần áo mặc hôm gây án và dây lưng ra đốt ở vườn sau nhà bà Len.
Như vậy, các lời nhận tội của bị cáo và những chứng cứ tài liệu thu thập được đã được các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Đoàn liên ngành Trung ương thẩm định, đánh giá và khẳng định: do không đáp ứng được mục đích quan hệ tình dục với chị Hồng, bị chị Hồng phản ứng và đạp mạnh vào bụng của Hải, Hải bực tức và sợ bị phát hiện nên đã giết chị Hồng. Khi chị Vân đi mua trái cây về, phát hiện thấy xác chị Hồng, Hải đã giết chị Vân để bịt đầu mối. Sau đó, Hải đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” là có căn cứ, không oan; xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội “Giết người” và 05 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt chung của hai tội là tử hình, là đúng pháp luật.
Mặc dù, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những thiếu sót, vi phạm nhưng những thiếu sót, vi phạm này không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không làm thay đổi bản chất của vụ án. Do vậy, không cần thiết phải huỷ bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Về thủ tục tố tụng của Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm
Sau khi xét xử phúc thẩm, Hồ Duy Hải không có đơn đề nghị xem xét Bản án hình sự phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm, chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (nay là điểm e khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì “Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”; “Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm”. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định không kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên đối với Hồ Duy Hải và Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 688/VPCTN- PL-m, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải. Pháp luật tố tụng hình sự quy định, các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền, chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính.
Trong khi Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành nhưng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo yêu cầu của Chủ tịch nước “bảo đảm đúng quy định của pháp luật” tại Công văn nói trên. Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định về thủ tục tố tụng trong trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình nên các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác, trừ các quyết định về thi hành án. Do đó, không có cơ sở chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 28/4/2009.[64]
Các mốc thời gian
Năm 2008
Ngày xảy ra vụ án (13 tháng 1 năm 2008)
9h30', nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu tới Bưu điện Cầu Voi và ở lại chơi tới chiều.
11h25', Hồ Duy Hải điện thoại vào Bưu điện Cầu Voi hỏi mua báo bóng đá nhưng Ánh Hồng trả lời là đã hết nên Hải không đến Bưu điện Cầu Voi mua báo.
Gần 19h, nhân chứng Nguyễn Văn Thu đã chở Hồ Duy Hải (ông Thu hành nghề xe ôm) về nhà (Hải đi xe bus từ Tp HCM về Long An, xuống bến tại ngã ba Bình Ảnh). Lúc này Hải mặc áo sơ mi, đội nón kết (tức mũ lưỡi trai) và trên tay cầm tờ báo. Ông Thu đã chở Hải tới tận cổng nhà.[54]
19 giờ 13 phút 39 giây, Hồ Duy Hải có mặt tại hiệu cầm đồ Thuận Hưng cách Bưu điện Cầu Voi 7,5 km[23] để làm thủ tục cầm đồ[55] (ĐTDĐ) và đang nghe điện thoại của một người bạn tên Võ Lộc Đang.[23][55]
Sau đó, Hải quay về nhà dì Nguyễn Thị Len để trả xe máy Wave và sang nhà dì Nguyễn Thị Rưởi mượn xe máy Dream rồi đi đến quán cà phê Bảy Thanh để trả tiền cho Võ Lộc Đang và chở Đang đến quán Hai Thượng.[92]
Khoảng 19 giờ 30 phút, Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi chơi và nói chuyện với hai nữ nhân viên bưu điện (quen biết từ 2007).[55] Theo báo Đất Việt (đăng ngày 10 tháng 9 năm 2012) thì Hải khai tới bưu điện vào khoảng 20 giờ 15 phút.[75] Cơ quan tiến hành tố tụng xác định Hải có mặt tại hiện trường vụ án lúc 19 giờ 39 phút 22 giây.[15]
19 giờ 39 phút 22 giây, nhân chứng Đinh Vũ Thường bắt đầu cuộc gọi điện thoại về nhà tại Bưu điện Cầu Voi. Anh Thường khai rằng đã nhìn thấy một thanh niên ở trong bưu điện này.[55]
20 giờ 30 phút, Bưu điện Cầu Voi hết giờ làm việc.[55]
khoảng 20 giờ 30 phút, chị Huỳnh Thị Kim Tuyền (nhà sát Bưu điện Cầu Voi) nghe tiếng một phụ nữ la "ướt, ướt…" nhưng không rõ tiếng của ai. Nghĩ họ đang đùa giỡn nên chị không để ý. Sau đó, chị không nghe thêm gì nữa.[3]
Sau đó, trong tối ngày này, hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị sát hại.[18]
Ngày 14 tháng 1 năm 2008
Khoảng 7 giờ sáng ngày 14 tháng 1 năm 2008, anh Phùng Phụng Hiếu, nhân viên Bưu điện Thủ Thừa, đến Bưu điện Cầu Voi để giao báo. Anh Hiếu thấy cổng trước và sau không mở, gọi cửa nhiều lần không nghe thấy ai trả lời nên đã ra phía sau trèo qua hàng rào vào bưu điện thì thấy cửa khép hờ. Khi mở cửa, anh Hiếu thấy Nguyễn Thị Thu Vân và Nguyễn Thị Ánh Hồng nằm trên nền nhà, cổ đầy máu. Xung quanh có nhiều đồ rơi vãi như dầu ăn, nước mắm. Trên nền gạch ở gần cửa ra vào nhà vệ sinh có nhiều giọt máu khô.[3][53]
Công an tỉnh Long An đã điều động đông đảo cảnh sát phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.[3]
8 giờ 30 phút sáng, điều tra viên Lê Thành Trung bắt đầu khám nghiệm hiện trường vụ án.[19]
11 giờ 40 phút trưa, điều tra viên Lê Thành Trung bắt đầu thực hiện khám nghiệm tử thi nạn nhân Vân.[18][55]
12 giờ 10 phút trưa, điều tra viên Lê Thành Trung bắt đầu thực hiện khám nghiệm tử thi nạn nhân Hồng.[18][55]
13 giờ 10 phút, điều tra viên Lê Thành Trung kết thúc khám nghiệm hiện trường vụ án.[18]
Theo lời khai của bốn người dọn dẹp hiện trường vụ án (Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng và Nguyễn Tuấn Ngọc) thì vào lúc 15h ngày 14 tháng 1 năm 2008, trong lúc dọn dẹp hiện trường họ phát hiện một con dao mới và "rất sạch, không có vết máu" nhét sau tấm bảng treo trên tường đối diện cầu thang nhà bếp, gần chỗ nằm của hai nạn nhân Hồng và Vân. Họ đã báo cho công an xã và huyện nhưng công an bảo rằng "chắc không có gì đâu, bỏ đi". Họ đã dùng con dao này để cạo vết máu trên nền gạch rồi đem đi đốt bỏ cùng với những đồ vật khác của bưu điện.[57][66][73]
Chiều cùng ngày, Nguyễn Văn Nghị, 28 tuổi, cư trú tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị triệu tập khẩn cấp tới Cơ quan điều tra tỉnh Long An để điều tra. Các trinh sát đặt nghi vấn vì sau khi xuất hiện tại Bưu điện Cầu Voi trong đêm 13 tháng 1, Nguyễn Văn Nghị đi đâu không rõ tới chiều 14 tháng 1 mới về nhà.[9][21][27]
Những ngày sau đó
Ngày 15 tháng 1 năm 2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An tìm kiếm con dao bị nhóm bốn người dọn dẹp hiện trường (Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng và Nguyễn Tuấn Ngọc) tìm thấy và đốt bỏ nhưng không tìm được, kể cả phần lưỡi dao bằng kim loại.[73] Sau đó cơ quan điều tra triệu tập ba người thợ bạc của tiệm vàng Kim Long gần khu vực Cầu Voi tên là Nguyễn Tuấn Anh, Trần Văn Chà (Trần Văn Chiến) và Nguyễn Văn Sool (Nguyễn Mi Sol, người yêu cũ của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng) để điều tra.[20][21]
Ngày 16 tháng 1 năm 2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án "giết người, cướp tài sản".[93]
Ngày 17 tháng 1 năm 2008, Biên bản giám định pháp y số 21/PY.08 ghi "có ít dịch nhầy trong âm đạo" của nạn nhân Hồng[63] và "dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít".[15]
Ngày 19 tháng 1 năm 2008, nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu cho lời khai rằng: "Tôi xác định trên bàn không có loại bọc xốp trắng nào, tôi cũng không thấy loại xốp này bao giờ. Tôi cũng không biết loại xốp này là xốp gì cả".[63]
Trưa ngày 20 tháng 3 năm 2008, Hồ Duy Hải đang đi thăm cha ở Tp Hồ Chí Minh thì nhận được yêu cầu của Công an tỉnh Long An (thông qua dì ruột Nguyễn Thị Len) tới trụ sở Công an tỉnh để khai báo về việc cá độ bóng đá ở nơi Hải cư trú. Hải từ Tp Hồ Chí Minh đi xe buýt đến CA tỉnh Long An làm việc và chiều hôm đó trở về nhà, được hẹn ngày hôm sau quay trở lại.[40] Đây là lần đầu tiên Hồ Duy Hải cho lời khai.[94] Hải cho biết Công an chỉ hỏi việc cá độ ở xóm.[40][95] Lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, chỉ có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.[66]
Chiều ngày 21 tháng 3 năm 2008, Thượng tá Phạm Văn Tiến, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An kí lệnh bắt khẩn cấp Hồ Duy Hải.[75]
18 giờ 30 tối ngày 21 tháng 3 năm 2008, công an tới khám nhà bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải), tịch thu vàng và ra sau nhà bà Nguyễn Thị Len (dì ruột Hải) lấy mẫu tro đốt.[40][55]
19 giờ 30 tối ngày 21 tháng 3 năm 2008, cơ quan điều tra lấy lời khai của Hồ Duy Hải.[18]
Ngày 21 tháng 3 năm 2008, ông Nguyễn Văn Thu (nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án) đã ra chợ mua một con dao để thay thế cho con dao hung khí gây án đã bị đốt bỏ và giao nộp cho cơ quan điều tra theo yêu cầu của cơ quan điều tra.[58]
Ngày 28 tháng 3 năm 2008 Viện KSND tỉnh Long An phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Hải về tội giết người, cướp tài sản.[4]
Ngày 29 tháng 3 năm 2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố bổ sung về tội "đánh bạc" đối với Hồ Duy Hải và 9 bị can khác (Võ Lộc Đang, Võ Minh Dương...).[66]
Ngày 31 tháng 3 năm 2008, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An yêu cầu Đoàn luật sư tỉnh Long An cử luật sư bào chữa cho bị can Hồ Duy Hải.[79]
Ngày 1 tháng 4 năm 2008, Đoàn luật sư tỉnh Long An có công văn đề nghị Văn phòng Luật sư Võ Thành Quyết cử người bào chữa, tiếp đó Luật sư Võ Thành Quyết trực tiếp làm luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải.[79]
Ngày 4 tháng 4 năm 2008, nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu cho lời khai (biên bản BL201) rằng "Hệ thống nước sinh hoạt trong nhà vệ sinh tại bưu điện có đầy đủ nước, hoạt động bình thường".[63]
Ngày 7 tháng 4 năm 2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An trưng cầu giám định một số dấu vết đường vân vân tay thu giữ được tại hiện trường vụ án.[72] Có tất cả bốn tang vật trưng cầu giám định là dấu vân tay, lông tóc, máu và than tro.[96]
Ngày 11 tháng 4 năm 2008, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An có Kết luận giám định số 158/KL-PC21 ghi rõ: "Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án, không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải".[58][63]
Ngày 8 tháng 5 năm 2008, kết quả giám định của Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự tại Tp Hồ Chí Minh cho biết mẫu tro thu được "có thành phần vải và nhựa polyester",[18][66] và "Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và simcard".[96]
Ngày 5 tháng 6 năm 2008, Phân viện Khoa học Kỹ thuật hình sự tại Tp Hồ Chí Minh kết luận: "mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh bưu điện Cầu Voi là máu người, không xác định được nhóm máu do đã phân hủy".[66]
Ngày 11 tháng 6 năm 2008, Hồ Duy Hải bị hỏi cung. Hải khai "Tại ghế salon trên bàn lúc tôi và Hồng ngồi có báo tạp chí, 1 ly nước, điện thoại Nokia đen và mút xốp".[63]
Ngày 18 tháng 6 năm 2008, Luật sư Võ Thành Quyết kí thêm hợp đồng dịch vụ với gia đình Hồ Duy Hải và nhận 10 triệu đồng.[49][79] Điều này trái với Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự, vi phạm thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp số 66/2007 ngày 19/6/2007 ("Ngoài khoản thù lao và chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, luật sư không được nhận thêm bất cứ khoản tiền nào từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ").[79]
Ngày 24 tháng 6 năm 2008, nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai nạn nhân Hồng và Vân) đã đi mua một thớt gỗ tương tự hung khí gây án với đường kính 27 cm và dày 4 cm về giao nộp cho cơ quan điều tra theo yêu cầu của cơ quan điều tra.[72][97]
Tại biên bản hỏi cung ngày 11/7/2008, Hải phủ nhận tất cả lời khai trước đây và khẳng định rằng chỉ những lời khai kể từ ngày 11/7/2008 trở về sau là đúng và chính xác.[79]
Ngày 5 tháng 8 năm 2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định tách vụ án hình sự về tội "đánh bạc" (Hồ Duy Hải, Võ Lộc Đang, Võ Minh Dương,...).[66]
Ngày 1 tháng 10 năm 2008, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An ra cáo trạng vụ án Hồ Duy Hải.[85]
Từ 28 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 2008, Tòa án nhân dân tỉnh Long An xử sơ thẩm tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về hai tội giết người (tử hình) và cướp tài sản (5 năm tù).[3][85][93] Tại phiên tòa sơ thẩm Hải đã kêu oan, Luật sư Nguyễn Văn Đạt đã có bài bào chữa kêu oan nêu ra 41 điểm bất hợp lý, vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án và đề nghị tòa tuyên bố không đủ bằng chứng buộc tội Hải. Phiên tòa có đông đảo người dân Long An tham dự đứng tràn ra ngoài sân và ở hai bên đường Nguyễn Huệ, Trương Định, được truyền loa phóng thanh ra ngoài, nhiều người cho biết là âm thanh của các người khác phát biểu đều được truyền rất tốt, nhưng đến phần kêu oan của Luật sư Nguyễn Văn Đạt thì âm thanh bị hư, không ai nghe được gì cả.[42]
Ngày 5 tháng 12 năm 2008, Hồ Duy Hải làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.[98]
Năm 2009-2013
Ngày 28 tháng 4 năm 2009, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh y án sơ thẩm tử hình Hồ Duy Hải.[66]
Ngày 4 tháng 5 năm 2009, Hồ Duy Hải đệ đơn lên Chủ tịch nướcNguyễn Minh Triết xin ân giảm hình phạt tử hình.[3] Theo lời Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An Lê Quang Hùng cho biết vào ngày 5 tháng 12 năm 2014 khi trả lời báo chí thì nội dung đơn xin tha tội chết với lí do bị cha bỏ rơi từ nhỏ, thiếu sự giáo dục của gia đình nên đã cờ bạc cá độ dẫn tới giết người, sau khi giết người thấy hối hận, cộng thêm gia đình bên ngoại có người có công lao với cách mạng.[99]
Ngày 1 tháng 12 năm 2009, Tòa án nhân dân huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xử phạt Hồ Duy Hải 2 năm tù giam về tội "Đánh bạc".[14]
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong nhiệm kì của mình (2006-2011) đã hai lần đề nghị các cơ quan tố tụng báo cáo về vụ án Hồ Duy Hải.[39] Chính vì vậy, Hồ Duy Hải tạm chưa bị hành hình.[39]
Ngày 9 tháng 6 năm 2010, tại Quyết định số 05/2010/QĐ/TA-HS, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp hình phạt 2 năm tù tại Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2009/HSST ngày 1/12/2009 của Tòa án nhân dân huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với hình phạt tử hình tại Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với Hồ Duy Hải, buộc Hồ Duy Hải phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là tử hình.[14]
Sáng ngày 27 tháng 9 năm 2011, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lấy lời khai của Hồ Duy Hải tại Trại tạm giam Công an tỉnh Long An. Hồ Duy Hải nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt.[101]
Ngày 17 tháng 5 năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải (quyết định số 639/QĐ-CTN).[1][5]
Từ ngày 1 tháng 8 năm 2013, Luật thi hành án hình sự sửa đổi có hiệu lực, theo đó tử tù được thi hành án bằng cách tiêm thuốc độc và người thân được nhận thi thể về mai táng, nhưng ngày thi hành án vẫn bí mật.[102]
Ngày 23 tháng 11 năm 2013, Luật sư Trần Văn Tạo cho phóng viên báo Lao động biết ông đã viết thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị ông Sang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải.[103]
Năm 2014
Ngày 23 tháng 11 năm 2014 bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, gọi điện cho Luật sư Trần Hồng Phong cho biết con bà sẽ bị xử tử trong vài ngày tới. Tiếp đó, luật sư Trần Hồng Phong gọi điện thoại nhờ sự hỗ trợ từ Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an Tp Hồ Chí Minh.[81]
Ngày 24 tháng 11 năm 2014, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An ra quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5 tháng 12 năm 2014.[93]
Ngày 25 tháng 11 năm 2014, một cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Long An thông báo cho bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) biết về việc Hồ Duy Hải sắp bị tử hình và hỏi gia đình có làm đơn xin nhận xác không.[97][104]
Ngày 3 tháng 12 năm 2014, Luật sư Trần Văn Tạo gửi đơn cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải[105] và đề nghị hoãn tử hình Hồ Duy Hải.[106]
Ngày 4 tháng 12
Ngày 4 tháng 12 năm 2014, một ngày trước ngày dự định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải:
Buổi sáng, hai cán bộ tòa án tỉnh Long An tới gặp bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) và cho bà biết rằng Hồ Duy Hải sắp bị hành hình, yêu cầu gia đình làm đơn để nhận xác, thời gian hành hình không rõ.[107]
Khoảng 10 giờ sáng, bà Loan cùng em và con đến Tòa án nhân dân tỉnh Long An xin hoãn thi hành án để tiếp tục kêu oan nhưng công an không cho vào.[107] Bà Nguyễn Thị Loan mua vé máy bay lên đường ra Hà Nội kêu oan.
11 giờ 14 phút, phóng viên Nguyễn Phương Yên gọi điện thoại cho Luật sư Trần Văn Tạo nhờ ông Tạo liên lạc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang tiếp xúc cử tri ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xin tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải.[83]
11 giờ 30 trưa, gia đình Hồ Duy Hải gặp được ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An và nộp đơn xin tạm hoãn thi hành án Hồ Duy Hải trực tiếp cho ông Lê Quang Hùng.[110] Người đứng tên kí đơn là bà Nguyễn Thị Rưởi (dì ruột Hải) và Hồ Thị Thu Thủy (em gái Hải).[3]
11 giờ 55 phút, phóng viên Hữu Danh gọi điện cho phóng viên Phương Yên cho biết ông Đặng Văn Xướng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An đã gọi điện cho Hữu Danh thông báo về việc có lệnh tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải.[83]
12 giờ 15 phút, ông Lê Quang Hùng thay mặt lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Long An kí tên và đóng dấu xác nhận của Tòa án nhân dân tỉnh Long An đồng ý hoãn thi hành án tử hình ngày 5 tháng 12 năm 2014 vào đơn xin hoãn thi hành án của gia đình Hồ Duy Hải.[83][110]
13 giờ 30 phút, luật sư Trần Hồng Phong cùng phóng viên Lê Đại Anh Kiệt (báo Pháp luật Việt Nam) đã tới Văn phòng Chủ tịch nước gửi đơn kiến nghị khẩn cấp về việc hỗ trợ xin tạm hoãn thi hành án Hồ Duy Hải.[83]
Những ngày sau đó
Chiều ngày 5 tháng 12 năm 2014, 31 phóng viên của nhiều báo, đài truyền hình đã có mặt tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An để tham dự buổi họp báo do Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức, liên quan đến việc tạm dừng thi hành bản án với tử tù Hồ Duy Hải.[93]
Ngày 30 tháng 12 năm 2014, gia đình Hồ Duy Hải bị cấm thăm nuôi Hồ Duy Hải tại trại giam Công an tỉnh Long An tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, và chỉ cho phép gửi đồ.[115] Gia đình cho biết ngày 30 hàng tháng là ngày gia đình được phép thăm nuôi Hải.[116]
Năm 2015
Ngày 4 tháng 1 năm 2015, ngày cuối cùng trong lệnh tạm hoãn tử hình Hồ Duy Hải trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nghe các cơ quan tố tụng báo cáo sơ bộ về vụ án. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có công văn đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an cử người tham gia tổ công tác liên ngành trung ương thẩm định lại toàn bộ vụ án Hồ Duy Hải, ngoài ra còn có sự tham gia của Ban Nội chính Trung ương.[117]
Ngày 4 tháng 3 năm 2015, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) ra Hà Nội khiếu nại việc ba tháng không được vào gặp Hải ở trại giam.[120]
Sáng ngày 13 tháng 3 năm 2015, ông Hồ Văn Phước, giám thị Trại giam công an tỉnh Long An cho phép Hồ Thị Thu Thủy (em gái Hồ Duy Hải) gặp Hồ Duy Hải trong 30 phút sau hơn ba tháng gia đình Hải không được gặp mặt Hải.[120] Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh thì việc cấm thăm gặp này là đúng luật vì vụ án đang được Trung ương xem xét điều tra.[120]
Ngày 20 tháng 3 năm 2015, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam khóa 13, Phó trưởng đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13, đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải.[122] Bà là người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án và cho rằng có đủ bốn căn cứ để kháng nghị, đó là: "1) Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; 2) kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 3) có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử; 4) có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự".[123]
Ngày 20 tháng 5 năm 2015, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội khóa 13 do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn đã có báo cáo số 870, trong đó nhận định rằng việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm về khám nghiệm hiện trường, vật chứng, việc sử dụng thời gian của Hồ Duy Hải không chính xác, biên bản hỏi cung bị tẩy xóa không có xác nhận của người khai, động cơ mục đích giết người không phù hợp diễn biến vụ án gây nghi ngờ về tính khách quan của quá trình điều tra và xét xử.[125]
Ngày 5 tháng 10 năm 2016, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội khoá 14 Nguyễn Thanh Hải trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 cho rằng "những vi phạm, thiếu sót không làm thay đổi bản chất vụ án. Vì vậy, việc Tòa án các cấp kết án Hồ Duy Hải là có căn cứ pháp luật”.[128]
Ngày 16 tháng 4 năm 2019, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có báo cáo xin ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hải. Đồng thời, viện đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết Quyết định số 639 của Chủ tịch nước (trước đó) về việc bác đơn xin ân giảm tử hình để đảm bảo hiệu lực pháp luật khi viện trưởng VKSND Tối cao ban hành kháng nghị.[132]
Ngày 25 tháng 10 năm 2019, Tổng thư ký Ân xá Quốc tếNa Uy John Peder Egenaes gửi thư đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đính kèm theo chữ ký của 25.543 người Na Uy tham gia kêu gọi hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải.[134]
Ngày 14 tháng 11 năm 2019, bà Nguyễn Thị Loan gặp Hồ Duy Hải tại trại giam trong khoảng 20 đến 30 phút. Đây là lần gặp gần nhất.[43]
Ngày 22 tháng 11 năm 2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí có kháng nghị giám đốc thẩm (Quyết định số 15/QĐ-VKSTC-V7),[133] đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Tp Hồ Chí Minh liên quan đến kỳ án tử tù Hồ Duy Hải. (Đến ngày 30 tháng 11 năm 2019 báo chí mới loan báo về quyết định này).[18]
Chiều ngày 2 tháng 12 năm 2019, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, đã nộp đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho Hồ Duy Hải đến Trại tạm giam Công an tỉnh Long An.[135]
Sáng ngày 12 tháng 12 năm 2019, bà Nguyễn Thị Loan vào Trại tạm giam Công an tỉnh Long An để thăm con Hồ Duy Hải theo định kì thì được con bà cho biết rằng không hề nhận được hay biết gì về quyết định kháng nghị ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cán bộ quản giáo Hồ Duy Hải cũng không biết về quyết định kháng nghị này dù quyết định gửi tới đích danh Hồ Duy Hải.[136][137] Nhưng theo Đại tá Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an tỉnh Long An, trả lời báo Thanh niên thì 8 giờ ngày 28 tháng 11 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đến Long An tống đạt kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho Hồ Duy Hải.[138]
Khoảng 17 giờ ngày 15 tháng 12 năm 2019, Đại tá Lê Hồng Nam (Giám đốc Công an tỉnh Long An), Đại tá Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An), Thượng tá Nguyễn Tân Hạnh (Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra) cùng nhiều điều tra viên đã mở cửa Bưu điện Cầu Voi thăm và xem xét hiện trường vụ án mạng 11 năm trước.[139]
Năm 2020
Từ ngày 6 tháng 5 đến ngày 8 tháng 5 năm 2020 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm vụ án. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm Chủ tịch hội đồng. Luật sư Trần Hồng Phong được mời tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Việc một luật sư được mời tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là chưa từng có tiền lệ.[140] Tuy nhiên, sáng ngày 6 tháng 5 năm 2020, sau 20 phút trình bày, ông đã bị chủ tọa phiên tòa mời ra ngoài với lý do "phần sau Tòa xử nội bộ, không cần luật sư tham gia". Sau khi bị Liên đoàn luật sư Việt Nam và cộng đồng mạng phản đối, chiều tối ngày hôm sau ông đã được mời tham dự phiên tòa trở lại, từ 8h sáng ngày 8 tháng 5 năm 2020.[141] Chiều ngày 8 tháng 5 năm 2020, sau 3 ngày làm việc, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bằng việc bỏ phiếu công khai, đã ra Quyết định số 05/2020/HS-GĐT không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao".[1][88]
Ngày 10 tháng 5 năm 2020, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hồ Duy Hải) đã có đơn gửi đến bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Trong đơn, bà Loan viết không thể quên được thời điểm cách đây 5 năm [tức đầu năm 2015] khi đoàn giám sát của Quốc hội do bà Nga làm trưởng đoàn đã gặp gia đình bà. Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án gửi Quốc hội [năm 2015] đã kết luận: "Việc tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm". Bà Loan "một lần nữa khẩn thiết đề nghị" bà Lê Thị Nga có kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.[142]
Ngày 18 tháng 5 năm 2020, trong buổi tiếp xúc cử tri trước kì họp Quốc hội tại Quận 5, Tp Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khẳng định quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của ông là đúng luật, đúng thẩm quyền.[146]
Ngày 27 tháng 5 năm 2020, luật sư Trần Hồng Phong gửi đơn cho Công an tỉnh Long An đề nghị giải thích một số nội dung mà luật sư vừa phát hiện trong vụ án như về các bút lục số 139, 140, 141, 142, là lời khai của nhân chứng Đinh Văn Còi (công an tỉnh Long An lúc xảy ra vụ án) và nhân chứng Lê Thanh Trí.[148]
Sáng ngày 15 tháng 6 năm 2020, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định lại một lần nữa ở nghị trường Quốc hội rằng Hồ Duy Hải không oan.[149][150]
Sau đó cũng trong ngày 15 tháng 6 năm 2020, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an cho báo chí biết rằng sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra kháng nghị giám đốc thẩm vụ án vào ngày 22 tháng 11 năm 2019, Bộ Công an đã thành lập Tổ thẩm định độc lập để thẩm định vụ án. Tổ này đã ra báo cáo cho rằng lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải phù hợp hiện trường vụ án và hành vi của Hồ Duy Hải đủ cấu thành tội "Giết người" và tội "Cướp tài sản".[150]
Cái chết của hai cô gái quá thương tâm. Bằng mọi giá chúng ta phải tìm cho ra hung thủ.
”
— Thượng tá Phạm Văn Tiến, Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh Long An, Phó ban chuyên án[154]
Luật sư Nguyễn Văn Đạt, luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, phát biểu sau quyết định tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào tháng 12 năm 2014: "Tôi không nói Hải bị oan, nhưng tôi thấy hồ sơ còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ".[11]
Luật sư Trần Hồng Phong (người trợ giúp pháp lý cho Hồ Duy Hải) trả lời phỏng vấn của báo điện tử Một Thế giới vào ngày 9 tháng 12 năm 2019: "Tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay".[155]
Bà Trần Thị Nhanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, người trực tiếp tham gia quá trình điều tra và kí cáo trạng truy tố bị can Hồ Duy Hải đã phát biểu với báo Tuổi trẻ vào tháng 12 năm 2014 sau quyết định tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải như sau: "Bằng niềm tin nội tâm và những chứng cứ thu thập được, tôi tin Hồ Duy Hải là thủ phạm. Cá nhân Hải cũng không nói mình bị oan".[11]
Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 20/3/2015 của Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13 về án oan sai, ông Nguyễn Văn Hiến - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - đã phát biểu rằng: "Các bản án kết tội chỉ căn cứ vào lời khai của Hải. Nghiên cứu cả quá trình qua các lần khai của Hải tôi thấy rất nghi ngờ. Những cái đáng nhẽ không nhớ thì lại nhớ rất chi tiết, những cái cần nhớ thì mãi sau này mới thấy có hướng lái cho phù hợp với biên bản hiện trường".[40]
Ông Phạm Xuân Thường, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 tỉnh Thái Bình phát biểu vào ngày 20 tháng 3 năm 2015 trước Ủy ban thường vụ Quốc hội: "Dù với niềm tin nội tâm của tôi Hải là thủ phạm. Tuy nhiên, từ hàng loạt sai sót trong quá trình điều tra, chúng ta như cầm gậy đập vào chân mình. Vì gian dối, đưa các chứng cứ giả mới dẫn đến vụ án phức tạp. Đây là tính mạng con người nên tôi kiến nghị rà soát, xem xét lại thật kỹ và có 1 buổi họp riêng về vụ án này".[156]
Ông Vũ Xuân Trường, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 tỉnh Nam Định vào ngày 20 tháng 3 năm 2015 trước Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng Hồ Duy Hải không oan do hầu hết lời khai của Hải từ đầu đến cuối đều nhận tội và rất cặn kẽ. Tuy nhiên, chứng cứ điều tra lại không vững chắc, quá nhiều thiếu sót nên không đủ để buộc tội.[156]
Bà Lê Thị Nga, đương nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: "Vụ án Hồ Duy Hải có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án: Vi phạm về khám nghiệm hiện trường; Vi phạm về thu thập, đánh giá chứng cứ; Vi phạm trong trưng cầu giám định. Viện, tòa đều chỉ lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội, thay vì những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội. Tòa không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án. Chứng cứ ngoại phạm của Hải chưa được xem xét, đánh giá kỹ. Và đặc biệt: Kết luận trong bản án sai với kết luận giám định, dựa trên sự "suy diễn chết người" của kết luận điều tra và cáo trạng".[157]
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, phát biểu trong phiên xử: "nếu tách ra từng lời khai, tình tiết, chứng cứ độc lập không nói lên điều gì, nhưng tổng hợp lại sẽ có vấn đề. Tại sao lại có nhiều chi tiết trùng hợp như vậy đối với lời khai của Hải? Nên không thể lấy từng việc chẻ ra để phủ định từng cái".[158]
Ông Bùi Ngọc Hòa, Thẩm phán, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao, Thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên tham gia hội đồng xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (6 - 8/5/2020) phát biểu ngày 12 tháng 5 năm 2020: "Hội đồng xét xử thấy rằng kết luận điều tra là thuyết phục, kết quả xét xử cũng thuyết phục".[159]
Ông Nguyễn Trí Tuệ, Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên tham gia hội đồng xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, phát biểu trong buổi giao ban báo chí vào ngày 12 tháng 5 năm 2020: "Các cơ quan tố tụng có sai sót, chúng tôi đều nhìn thấy. Ví dụ như không kịp thời thu hồi cái thớt, con dao làm vật chứng là có sai phạm. Tuy nhiên, khi xem xét, đối chiếu với những lời khai, chứng cứ khác để củng cố thì Hội đồng thẩm phán thấy rằng bản chất của vấn đề ở đây là hành vi phạm tội Giết người, cướp của Hồ Duy Hải là không thay đổi. Vì vậy, có sai lầm nhưng sai lầm này không làm thay đổi bản chất của vụ án".[160]
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14Tp HCM trả lời báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12 tháng 5 năm 2020: "Trong vụ Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Từ đó đã kết án tử hình Hải với những chứng cứ gián tiếp, mà những chứng cứ ấy lại sai, thiếu và yếu (như ý kiến của Ủy ban Tư pháp và của VKSND Tối cao). Do đó, cần tiến hành điều tra lại theo luật định".[161]
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Tiến sĩ Luật) nhận định: "Tôi cho rằng quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong phiên giám đốc thẩm giải quyết không thỏa đáng các căn cứ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra trong kháng nghị [...] Điều này tạo tiền lệ không tốt cho trình tự tố tụng với những vụ án sau này. Không tốt về mặt tiền lệ vì người ta cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, từ đó có thể chủ quan, xem thường quy trình tố tụng".[162] Ngoài ra, ông cũng cho rằng việc 17/17 thành viên biểu quyết "không thay đổi bản chất vụ án" là chủ quan vì "căn cứ vào lời khai mà lời khai đó không phù hợp với logic của hiện trường, logic của những diễn biến vụ án, chẳng hạn như thời gian phạm tội, các công cụ gây án... nó mâu thuẫn như thế mà vẫn nói vì Hồ Duy Hải đã nhận tội là thiếu thuyết phục".[163]
Đại tá Công an nhân dân Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện chính trị Công an nhân dân, người nghiên cứu hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải từ những ngày đầu, trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí điện tử Công lý (cơ quan ngôn luận của Tòa án nhân dân tối cao) vào ngày 12 tháng 5 năm 2020 sau bản án giám đốc thẩm rằng bản án giám đốc thẩm được đông đảo người dân đồng tình, tuy nhiên vụ án này đã bị các thế lực thù địch với nhà nước Việt Nam lợi dụng làm nhiễu thông tin, đưa thông tin bẩn để lôi kéo người dân ít hiểu biết pháp luật, và gây sức ép lên nhà nước Việt Nam. Ông đề nghị các cơ quan tố tụng Trung ương nên báo cáo với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về vụ án và về vấn đề truyền thông bẩn.[164]
Luật sư Đặng Đình Mạnh (luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, người từng bào chữa cho nhiều người bất đồng chính kiến với nhà nước Việt Nam) nhận định: "Điều quan trọng khi xem xét lại một vụ án là tìm xem có vi phạm tố tụng hay không, chứ không phải là vi phạm nặng hay vi phạm nhẹ. Có thể tòa án đã đạt được bản án như ý họ mong muốn, nhưng tôi cho rằng sự mất mát trong dân, trong suy nghĩ của công chúng thì lớn lắm, không thể đong đếm được. Đó là sự mất lòng tin vào luật pháp".[165]
Có một số ý kiến trên truyền thông như của luật sư Nguyễn Văn Đài trên BBC hay báo Tiếng dân cho rằng cần thực hiện tam quyền phân lập để tránh oan sai trong các vụ án như vụ án Hồ Duy Hải.[166][167][168]
Xem thêm
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: Là một vụ án oan, theo đó ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961 tại Bắc Giang) đã bị kết án chung thân về tội giết người; Ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị các cảnh sát điều tra viên của vụ án đánh đập, ép cung, ép phải nhận tội; Ra tòa ông Chấn một mực kêu oan và không nhận tội. Sau hai phiên xử, tòa án vẫn tuyên phạt ông Chấn tù chung thân dựa trên biên bản nhận tội của ông tại cơ quan cảnh sát điều tra để tuyên án. 10 năm sau khi vụ án xảy ra, hung thủ thật sự của vụ án đã ra đầu thú; Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do.
Vụ án oan Hàn Đức Long: Là một vụ án oan, vụ án đã xảy ra vào cuối tháng 6 năm 2005 tại tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Trong vụ án này, ông Hàn Đức Long đã bị bốn lần bị tòa án cấp sơ thẩm (2 lần) và tòa cấp phúc thẩm (2 lần) tuyên án tử hình, mặc dù tại các phiên tòa này thì ông Long đều một mực kêu oan. Năm 2014, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm lần hai đối với vụ án này, và tuyên hủy cả bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai, và yêu cầu điều tra lại để làm rõ 6 vấn đề còn mâu thuẫn của vụ án. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang không làm rõ được các vấn đề này nên không đủ căn cứ buộc tội. Vì vậy, đến ngày 20 tháng 12 năm 2016, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Long. Đến nay, hung thủ thực sự của vụ án vẫn chưa được tìm ra.
^Mai Hoa (8 tháng 5 năm 2020). “Xin hãy cứu con tôi Hồ Duy Hải”. Đài SBS Việt Ngữ (Australia). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2020.
^Sinh năm 1972, nhậm chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An từ ngày 12 tháng 2 năm 2020, lúc nhậm chức ông đang là Thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thuộc Công an tỉnh Long An (2019-2020), nguyên Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
^ abLê Phong - Minh Sơn (3 tháng 12 năm 2019). “Điều tra lại án tử của Hồ Duy Hải”. báo Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2019.
^Thông tấn xã Việt Nam. “Bản sao đã lưu trữ”. Tiền Phong Online. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2019. Theo Thông tấn xã Việt NamĐã định rõ hơn một tham số trong |tên bài= và |title= (trợ giúp)
^ abcdefNhóm phóng viên (4 tháng 12 năm 2019). “"Phút 89"của tử tù Hồ Duy Hải”. báo Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2019.
Shire of Jerramungup Local Government Area van Australië Locatie van Shire of Jerramungup in West-Australië Situering Staat West-Australië Hoofdplaats Jerramungup Coördinaten 33°56'31ZB, 118°54'58OL Algemene informatie Oppervlakte 6.507,1 km² Inwoners 1.160 (2021)[1] Overig Website (en) Shire of Jerramungup Portaal Australië Shire of Jerramungup is een Local Government Area (LGA) in de regio Great Southern in West-Australië. Het district telde 1.160 inwoners in 2...
Marie Bankhead OwenMarie Bankhead OwenBorn(1869-09-01)September 1, 1869Bankhead Plantation, Noxubee County, Mississippi, U.S.DiedMarch 1, 1958(1958-03-01) (aged 88)Selma, Alabama, U.S.Resting placeGreenwood Cemetery, Montgomery, AlabamaKnown forDirector Alabama Dept of Archives and HistorySpouseThomas McAdory OwenChildren2Parent(s)John H. BankheadTallulah J. Brockman Bankhead Marie Bankhead Owen (September 1, 1869 – March 1, 1958) was Director of the Alabama Department of Archives...
Bundesgymnasium, Bundesrealgymnasium und Wirtschaftskundliche Realgymnasium für Berufstätige Ansicht von der Martha-Steffy-Browne-Gasse Schulform AHS für Berufstätige Schulnummer 921116 Gründung 1925 Adresse Brünner Straße 72 Ort Wien-Floridsdorf Bundesland Wien Staat Österreich Koordinaten 48° 16′ 10″ N, 16° 24′ 19″ O48.26944444444416.405277777778Koordinaten: 48° 16′ 10″ N, 16° 24′ 19″ O Träger Bund Sch...
يفتقر محتوى هذه المقالة إلى الاستشهاد بمصادر. فضلاً، ساهم في تطوير هذه المقالة من خلال إضافة مصادر موثوق بها. أي معلومات غير موثقة يمكن التشكيك بها وإزالتها. (مارس 2016) هذه المقالة تحتاج للمزيد من الوصلات للمقالات الأخرى للمساعدة في ترابط مقالات الموسوعة. فضلًا ساعد في تحسين...
Italian theologian Not to be confused with Dominic Barber. This article needs additional citations for verification. Please help improve this article by adding citations to reliable sources. Unsourced material may be challenged and removed.Find sources: Dominic Barberi – news · newspapers · books · scholar · JSTOR (July 2022) (Learn how and when to remove this template message) BlessedDominic BarberiC. P.ConfessorBorn(1792-06-22)22 June 1792Viterbo, It...
Esta página cita fontes, mas que não cobrem todo o conteúdo. Ajude a inserir referências. Conteúdo não verificável pode ser removido.—Encontre fontes: ABW • CAPES • Google (N • L • A) (Maio de 2022) Sala de Concertos de Gotemburgo, onde a Orquestra Sinfónica de Gotemburgo dá a maior parte dos seus concertos. A Orquestra Sinfónica de Gotemburgo, em sueco Göteborgs Symfoniker, é uma famosa orquestra sinfónica sediada...
Lo stesso argomento in dettaglio: Consiglio Grande e Generale e Segreterie di Stato della Repubblica di San Marino. Questa voce sugli argomenti diritto costituzionale e San Marino è solo un abbozzo. Contribuisci a migliorarla secondo le convenzioni di Wikipedia. Segreteria di Statoper le finanze e il bilancio Stato San Marino OrganizzazioneCongresso di Stato TipoDicastero dell'economia SegretarioMarco Gatti SedeCittà di San Marino IndirizzoContrada Omerelli, 31 Sito webwww...
Angkatan BersenjataKekaisaran Romawi Timur Daftar artikel di bawah ini adalah bagian dari seri tentang angkatan bersenjata (militer dan paramiliter) Kekaisaran Romawi Timur, 330–1453 M Sejarah organisasi Angkatan Darat Klasik themata tagmata Hetaireia AD masa Komnenos pronoia) AD masa Palaiologos allagia Penjaga Varangia Jenderal Magister militum Domestikos ton skholon Megas Domestikos Stratopedarkhes Protostrator Angkatan Laut Romawi Timur: Api Yunani Dromon Laksamana (Droungarios Megas do...
Isabel Luísa, Princesa da Beira Princesa da Beira Isabel Luísa, Princesa da BeiraIsabel Luísa de Bragança (Paço Ducal de Vila Viçosa, por Domenico Duprà, 1725) Nascimento 6 de janeiro de 1669 Palácio Corte Real, Lisboa, Portugal Morte 21 de outubro de 1690 (21 anos) Paço da Ribeira, Lisboa, Portugal Sepultado em Panteão da Dinastia de Bragança, Igreja de São Vicente de Fora, Lisboa, Portugal Nome completo Isabel Luísa Josefa de Bragança Casa Bragan...
This article relies largely or entirely on a single source. Relevant discussion may be found on the talk page. Please help improve this article by introducing citations to additional sources.Find sources: Arcade film – news · newspapers · books · scholar · JSTOR (September 2015) 1993 American filmArcadeDirected byAlbert PyunScreenplay byDavid S. GoyerStory byCharles BandProduced byCathy GesualdoStarringMegan WardPeter BillingsleyJohn de LancieShar...
يو-318 الجنسية ألمانيا النازية الشركة الصانعة فليندر فيرك[1] المالك كريغسمارينه المشغل كريغسمارينه (13 نوفمبر 1943–)[1][2] المشغلون الحاليون وسيط property غير متوفر. المشغلون السابقون وسيط property غير متوفر. التكلفة وسيط property غير متوفر. منظومة التعاريف الاَلية...
Эта статья — о типе порта Centronics. О концепции в целом см. Параллельное соединение (информатика). Параллельный порт DB-25 принтера в стиле IBM PC и некоторых других компьютеров 36-контактное кабельное гнездо для принтеров некоторых компьютеров, применялось в промышле...
Mercedes-Benz Argentina S.A.U.The plant in Virrey del PinoTypeSubsidiaryIndustryAutomotiveFounded1951; 72 years ago (1951)HeadquartersVirrey del Pino, ArgentinaArea servedArgentinaKey peopleManuel Mantilla (CEO)[1]Juan Manuel Fangio (Honorary President, 1974–1995)[2]ProductsTrucks, bus chassis, vansBrandsMercedes-BenzMercedes-AMGNumber of employees2,000 (2022[2])ParentMercedes-Benz GroupWebsitemercedes-benz.com.ar Mercedes-Benz Argentina S.A.U....
1994 shootdown in Kigali, Rwanda Assassination of Habyarimana and NtaryamiraA Dassault Falcon 50 similar to the one involved in the assassinationShootdownDateApril 6, 1994; 29 years ago (1994-04-06)SummaryShot down by surface-to-air missilesSitePresidential Palace gardens, near Kigali International Airport, Kigali, Rwanda 1°58′05″S 30°08′22″E / 1.9680°S 30.1394°E / -1.9680; 30.1394AircraftAircraft typeDassault Falcon 50Registration9XR...
The retting of raw hemp in a stream Cannabis is a genus of flowering plants with species that have long been used for fibre (hemp), for medicinal purposes, and as a drug. Industrial hemp products are made from cannabis plants selected to produce an abundance of fiber and minimal levels of tetrahydrocannabinol (THC), a psychoactive molecule that produces the high associated with cannabis as a drug. Pre-prohibition Cannabis may have been known in Britain as far back as the Bronze Age (ca. 2800 ...
Lorenzo Arrazola Presidente del Consejo de Ministros de España 17 de enero de 1864-1 de marzo de 1864Predecesor Manuel Pando Fernández de PinedaSucesor Alejandro Mon y Menéndez Presidente del Tribunal Supremo de España 1851-1853Predecesor José María ManescuSucesor Francisco Javier Olavarrieta 1856-1864Predecesor Claudio Antón de LuzuriagaSucesor Ramón López Vázquez Información personalNacimiento 10 de agosto de 1795Checa (España)Fallecimiento 23 de febrero de 1873Madrid (España)N...
Sport in Palau The sport of baseball is widely played in Palau, having been introduced by the Japanese during their occupation of the island nation. The highest level of league play in Palau in represented by Palau Major League (PML), which is overseen by the Belau Baseball Federation.[1] The country is represented in international play by the Palau national baseball team. The PML plays its games at the Asahi Field in Koror during a season lasting from January to April. No admission f...
Dalam penerbangan, strake adalah sebuah permukaan aerodinamis yang dipasang pada badan pesawat dari pesawat untuk meningkatkan karakteristik penerbangan baik dengan mengendalikan aliran udara (bertindak generator vortex ) atau dengan efek stabilisasi sederhana. Macam strake Strake Nose Misalnya Concorde SST[1] Wing strake Concorde, Tupolev Tu-144, Proyek Boeing 2707 SST[2] Strake Ventral Keluarga pesawat TB Socata atau Lockheed F-104 Starfighter. Strake Belakang - sirip ekor C...
Radio station in Cebu City Star FM Cebu (DYMX)Cebu CityBroadcast areaCentral Visayas and surrounding areasFrequency95.5 MHzBranding95.5 Star FMProgrammingLanguage(s)English, Cebuano, FilipinoFormatContemporary MOR, OPM, NewsNetworkStar FMOwnershipOwnerBombo Radyo Philippines(People's Broadcasting Service, Inc.)Sister stationsDYMF Bombo RadyoHistoryFirst air dateMay 25, 1994 (1994-05-25)Call sign meaningMiXTechnical informationLicensing authorityNTCClassC,D,EPower25,000 wattsERP...