Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện. Bạn có thể giúp cải thiện trang này nếu có thể. Xem trang thảo luận để biết thêm chi tiết.(tháng 4/2022)
Thoại Mỹ, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (sinh ngày 28 tháng 4, năm 1969 tại Sài Gòn)[1]. Chị bắt đầu đi hát cải lương vào năm 11 tuổi với sự dìu dắt của người chị gái là NSND Thoại Miêu và Út Trong là người đã dạy Thoại Mỹ hát cải lương[2].
Khoảng thập niên 50, cha mẹ Thoại Mỹ rời quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng vào Sài Gòn lập nghiệp và sinh cô, nhìn gương mặt xinh xắn như thiên thần của con, cha mẹ cô cẩn thận chọn cái tên Nguyễn Thị Ngọc Mỹ để hy vọng tương lai của con sẽ được tốt lành, hạnh phúc. Nhà Cô có 12 anh, chị em nên cuộc sống gia đình trở nên chật vật hơn bao giờ hết, cô bé Ngọc Mỹ sớm phải bươn chải với cuộc sống.
Ngày còn nhỏ, Thoại Mỹ đã lon ton đi bán khoai, bán bắp, bưng hủ tiếu thuê để có tiền phụ cha mẹ. Thậm chí, có những lúc rảnh rỗi, Thoại Mỹ còn đi ở đợ. Vất vả, cơ cực đến ngạt thở nên niềm vui của Thoại Mỹ là những giây phút hiếm hoi được theo chị năm NSND Thoại Miêu đến rạp xem cải lương. Có chị là nghệ sĩ nên tuổi thơ cô bé Thoại Mỹ được lời ca tiếng hát vỗ về, nuôi lớn từng ngày. Từ đó, dòng máu nghệ thuật thấm vào người Thoại Mỹ từ lúc nào không hay.
Một hôm, như thường lệ khi đi xem chị Thoại Miêu diễn, thì không may có một sự cố trong đoàn, người diễn vai cô bé Sầu Riêng không đến. Vậy là mọi người cuống cuồng đi tìm người hát thế vì cũng đã sắp tới giờ diễn. Bỗng nhiên, họ thấy cô bé Thoại Mỹ đen nhẻm, gầy gò đang đứng chơi ở gần đó. Biết cô là em của Thoại Miêu, họ lên tiếng: "Đâu, nhỏ hát thử nghe coi được không?". Mấy lần đến rạp nghe hát, Thoại Mỹ đã làm quen với cách bỏ giọng lên xuống, luyến láy của các nghệ sĩ trong đoàn. Thấy vậy cô bé cất giọng hát thử một đoạn ngắn bằng một phong thái rất nhẹ nhàng kèm theo một chất giọng vô cùng trong trẻo. Nghe hát xong mọi người trong đoàn ai nấy đều mừng rỡ. Họ nói với nhau không cần tìm bé Sầu Riêng ở đâu xa vì đã có bé Thoại Mỹ ngay trước mặt rồi. Trong vòng buổi sáng đó, mọi người gấp rút tập tuồng cho bé Thoại Mỹ. Kỳ lạ thay, chỉ cần hát qua một lượt, chỉ dẫn các động tác tay chân và các nét mặt khi lên sân khấu phải làm như thế nào là bé Thoại Mỹ thuộc bài ngay trong tức khắc. Hôm đó, Thoại Mỹ lên sân khấu hát một cách ngon ơ. Lối diễn xuất mộc mạc của cô bé đã khiến biết bao khán giả không cầm được nước mắt. Khi ấy Thoại Mỹ chỉ mới 11 tuổi.
Thấy cô bé Thoại Mỹ sớm bộc lộ năng khiếu, Lệ Thủy liền nói ngay với chị 5 Thoại Miêu: "Cho Mỹ đi học nghề đi, con nhỏ hát được lắm". Như lời động viên kịp thời, cô bé Thoại Mỹ liền được gia đình gửi đi học hát ở nhà thầy Út Trong. Thoại Mỹ học với thầy suốt 2 năm. Được thầy tận tình hướng dẫn bài bản, cộng với năng khiếu sẵn có, cô bé Sầu Riêng như mảnh đất được bồi đắp phù sa càng thêm mỡ màng. Năm 13 tuổi, Thoại Mỹ thi đỗ vào khoa đào tạo diễn viên của nhà hát Trần Hữu Trang với tỉ lệ chọn 40/5000 học viên chính thức. Cùng khóa với các nghệ sĩ nổi tiếng như: Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Tô Châu, Thùy Trang,...
Những tưởng khi thi đậu vào trường Trần Hữu Trang cuộc đời Thoại Mỹ sẽ bớt khổ cực hơn, vì được có lương. Nhưng khi cái nghèo vẫn đeo dai dẳng thì cuộc đời Thoại Mỹ vẫn còn đong đầy nước mắt. Thuở ấy, để được đi học, Thoại Mỹ phải quen dần với việc thường xuyên đi bộ. Buổi trưa là lúc cực nhất vì cô phải đội nắng chang chang hàng chục cây số về nhà ăn vội bữa cơm trưa, rồi lại tất tả trở về trường học cho kịp giờ học. Tuy mệt mỏi nhưng đôi bàn chân nhỏ bé của cô gái nghèo vẫn kiên trì vượt đường xa. Không chỉ chăm lo cho việc học diễn xuất, chiều tối, Thoại Mỹ lại tiếp tục đi học văn hóa để nâng cao kiến thức. Như một con ong chăm chỉ cô gái nhỏ đều đặn đi học và không bỏ sót bất kỳ một buổi học nào. Thấy con siêng năng học hành, người mẹ mừng thầm trong bụng. Bà mong cho con gái sớm được đi hát và sẵn sàng xách giỏ trầu đi theo lo cho con. Tuy nhiên, ước mơ ấy đã sớm vụt tắt. Sau một năm Thoại Mỹ đi học ở trường Trần Hữu Trang thì người mẹ qua đời. Ngày mẹ mất, Thoại Mỹ cứ nghĩ mẹ đi đâu mấy ngày rồi sẽ về với mình nhưng niềm mong chờ ấy mãi mãi chỉ là một giấc mơ, mẹ không bao giờ quay về được nữa. Cô gái nhỏ sớm phải chịu cuộc đời mồ côi buộc mình phải tự lập hơn trong cuộc sống. Những lúc không học bài cô bé Thoại Mỹ chọn việc đi làm bảo mẫu giữ con cho gia đình người ta để kiếm thêm thu nhập trang trải trong gia đình. Khi bắt đầu có show hát, khoảng 15h, Thoại Mỹ tiếp tục đi bộ từ nhà đến rạp hát. Suốt tuổi trẻ của mình, Thoại Mỹ chưa từng biết đến cảm giác được đi xe đạp là như thế nào, bởi gia đình còn nghèo thì chiếc xe đạp vẫn còn là một vật xa tầm với.
Mê tập diễn đến gãy chân
Năm 16 tuổi, sau khi ra trường, Thoại Mỹ bắt đầu đi hát ở nhiều nơi như Đoàn 3, Đoàn Huỳnh Long, đoàn Sông Bé, Nhà hát Trần Hữu Trang. Đi đến đâu chị cũng được tiếng không bao giờ kén chọn vai diễn. Vai nào vào tay Thoại Mỹ đều được chị hoàn thành xuất sắc. Khán giả thì hồi hộp nhìn Thoại Mỹ lột xác từ vai ác, vai mùi, vai độc, vai lẳng, sang con nít, bà già... ngọt xớt mà lòng tràn đầy cảm xúc. Khán giả khi thì giận bầm gan tím ruột, lúc lại thương đứt ruột đứt gan cô đào mang dáng người nhỏ nhắn nhưng có giọng ca thật truyền cảm. Đến khi vào vai Phi Loan trong Sở Vân cưới vợ, Thoại Mỹ như đánh được một tiếng vang lớn, nhiều khán giả biết đến tên chị hơn. Họ yêu mến và say sưa xem chị diễn hết vai này đến vai khác một cách nồng nhiệt.
Làm nghệ thuật bằng sự say mê nên mỗi lần ra sân khấu là chị rút hết nội lực để hóa thân vào các nhân vật. Vì vậy, trong những ngày đầu quân cho đoàn Huỳnh Long (một đoàn tuồng cổ rặt ở Sài Gòn những năm trước -PV), Thoại Mỹ cũng không nhớ mình đã xỉu biết bao nhiêu lần trên sân khấu. Chị chỉ nhớ bao nhiêu lần khép màn là bấy nhiêu lần chị bất tỉnh nhân sự trên vòng tay của bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng đã trót mang lấy nghiệp vào thân thì như phận tằm phải nhả tơ. Hằng đêm, Thoại Mỹ lại buông lời ca tiếng hát dưới ánh đèn huyền hoặc của sân khấu để cống hiến những vai diễn đầy cảm xúc đến khán giả. Dù có đôi khi sân khấu đã đem lại cho chị những nỗi đau, những vết thương mang di chứng suốt đời.
Cuối năm 2003, khi tập tuồng Xử án Bàng Quý Phi, trong lúc mải mê tập đến đoạn nhảy từ trên cao xuống, chị đã bị té đau điếng. Ban đầu, Thoại Mỹ cứ nghĩ mình bị bong gân nên chị cố gắng kìm nén cơn đau lại để tiếp tục tập với đồng nghiệp. Những đợt diễn liên tiếp đến khiến chị quên cả việc phải điều trị đôi chân. Cho đến một ngày, khi cơn đau dồn dập đến khiến cho cơ thể bé nhỏ đã không còn sức chịu đựng được nữa, Thoại Mỹ đành đến bác sĩ để khám, thì chị hay tin: Khớp gối của mình bị bể, kèm theo đó là chứng bệnh teo cơ. Suốt thời gian đó Thoại Mỹ phải đi nạng để bảo vệ vết thương. Nằm ở nhà nghe tiếng đờn réo rắt bên tai khiến lòng chị lại nhớ nghề quay quắt. Đến khi vừa bỏ được cặp nạng chị chạy ùa về ngay với sân khấu như đứa con được ùa vào lòng mẹ ấm áp. Rồi chị tiếp tục tập vai công chúa Ngọc Hân trong vở Hồn Thơ Ngọc để tham gia và giành giải nhất trong cuộc thi Diễn viên tài sắc năm 2003 - 2004.
Trong vở diễn này Thoại Mỹ đã khắc họa đậm nét hình tượng của người đàn bà có khát vọng khắc khoải muốn được sống xứng đáng với tình yêu của chồng và chống lại định kiến bất công của xã hội. Giữa trập trùng lửa cháy trước sự bao vây của kẻ thù, Thoại Mỹ đã diễn được sự quyết tâm. Ánh mắt chị bừng cháy lên ngọn lửa quyết bảo vệ đến cùng giọt máu của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Tiểu phẩm đem đến một hình thức biểu tượng hóa trong ngôn ngữ dàn cảnh đầy màu sắc phối hợp với vũ đạo tưng bừng và diễn xuất nội tâm xuất sắc của NSƯT Thoại Mỹ đã cho mang lại cho khán giả một tiết mục vô cùng mãn nhãn.
Liveshow
Có thể nói Thoại Mỹ là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi có đến 2 liveshow thành công trên bước đường làm nghệ thuật của mình
Năm 2005, liveshow Sáng mãi niềm tin tại sân 4A Nhà Văn hóa Thanh Niên.
Năm 2007, liveshow để đời Thoại Mỹ – Tung cánh phượng hồng - liveshow hoành tráng nhất trong giới nghệ sĩ cải lương lúc bấy giờ với chi phí đầu tư 600 triệu đồng tại sân khấu Lan Anh.
Gia đình là tình thương của khán giả mộ điệu
Nhắc đến cái tên Thoại Mỹ nhiều khán giả mộ điệu cải lương thể hiện tình cảm ra mặt, thương thì thương rất nhiều, mà đã ghét là ghét cay ghét đắng. Họ ghét bởi một lý do rất dễ thương coi tivi thấy đóng mấy vai ác quá, nhìn mặt là thấy ghét. Đối với nhiều người, cái sự ghét này khiến họ buồn, nhưng với người nghệ sĩ đó là một thành công lớn vì đã rất xuất sắc trong việc thổi hồn cho nhân vật, khiến nhân vật hiện lên một cách sống động nhất. Trong nghệ thuật, sau khi tấm màn nhung khép lại, người nghệ sĩ làm cho khán giả nhớ đến mình thì dù là thương, ghét, hay chửi thậm tệ, cũng có nghĩa là họ đã thành công.
Thời đại ngày nay khi nhạc trẻ dần chiếm thế thượng phong, có lẽ nhiều người đang nghĩ cải lương sắp bị mai một, lượng khán giả sẽ không còn đông nữa. Tuy nhiên khi nhìn vào số lượng người hâm mộ nghệ sĩ Thoại Mỹ, chúng ta dễ nhận thấy rằng, không chỉ có những ông bà cô dì chú bác mà còn rất nhiều những bạn trẻ trong độ tuổi teen là fan của chị. Có thể nói Thoại Mỹ thật sự là một nữ nghệ sĩ cải lương với số lượng fans trung thành qua nhiều thế hệ vô cùng ổn định.
Về gia đình thì mối tình đầu Thoại Mỹ là Kim Tử Long nhưng không đưa đến hôn nhân. Hiện nay, 2 người vẫn là đôi bạn tốt, giúp nhau trên sân khấu và cả ngoài đời, là đôi đào kép vô cùng ăn ý, được khán giả yêu thích nhất. Nữ nghệ sĩ Thoại Mỹ có 1 lần lập gia đình, hôn lễ của chị và chồng được đánh giá là trọng thể nhất, sau hôn lễ của minh tinh Thẩm Thúy Hằng, vì có đến 1000 quan khách đến dự tiệc cưới đó. Rất tiếc cuộc hôn nhân này sau đó bị gãy đổ. Thoại Mỹ tưởng hụt hẫng đến xa rời sân khấu nhưng chị lần hồi tìm lại được sự quyết tâm và can đảm để tiếp nối con đường nghệ thuật sân khấu. Khi nhắc lại cuộc hôn nhân tan vỡ đầu tiên, Thoại Mỹ cho là lúc đó chị còn quá trẻ, chưa suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định về cuộc đời mình. Bây giờ chị có đủ kinh nghiệm trong cuộc sống, đạt được nhiều vinh quang trong nghề nghiệp, đã can đảm và mạnh mẽ hơn để khắc phục những khó khăn. Chị nói hạnh phúc lớn nhất hiện tại với chị là được khán giả yêu thương mình, và được đem lời ca tiếng hát để đáp lại tấm chân tình đó của khán giả.
Giải thưởng
Năm 1990: đạt huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu toàn quốc (vai Lan - vở Giũ áo bụi đời).
Năm 1992: đạt huy chương Vàng Giải Trần Hữu Trang(vai Hồng Phụng - tuồng Ngọc Kỳ Lân).
Đạt huy chương Vàng, huy chương Bạc giải Mai Vàng do bạn đọc báo Người lao động bình chọn là diễn viên xuất sắc. Diễn thành công nhất là tuồng Ngọc Kỳ Lân với vai nữ soái Hồng Phụng[1].
Năm 1992: là diễn viên được yêu thích nhất do báo Sân khấu và Hội Sân khấu tổ chức trưng cầu ý kiến đọc giả và khán giá.
Năm 1995: là diễn viên xuất sắc giải Trần Hữu Trang được yêu thích nhất do Báo Sân khấu và Hội Sân khấu tổ chức trưng cầu ý kiến.
Năm 1995: đoạt giải Mai Vàng (vai Võ Tắc Thiên - vở Thái Bình Công chúa).
Ngày 12 tháng 9 năm 2003: Huy chương vì sự nghiệp sân khấu.
Năm 2003: đạt giải Mai Vàng do báo Người lao động bình chọn (vai Lan – Lời thú tội muộn màng).