Thị trấn nông trường là một thuật ngữ dùng để chỉ các thị trấn được hình thành từ những khu dân cư tập trung của các nông trường quốc doanh tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam.
Hình thành
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và kiểm soát hoàn toàn miền Bắc, bên cạnh việc phân chia lại ruộng đất cho nông dân ly tán do tác động chiến tranh, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn tổ chức hệ thống các nông trường để khai thác các vùng đất hoang vào mục đích nông nghiệp. Lực lượng tổ chức nông trường gồm nhiều thành phần dân cư, trong đó có một số lượng lớn quân nhân tạm thời chưa giải ngũ được điều động làm công tác kinh tế.
Số lượng nông trường tăng nhanh trong suốt thập niên 1960, cùng với thời gian tồn tại của Bộ Nông trường trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp để có thể đảm bảo một phần nhu cầu lương thực, các nông trường còn là các địa điểm tập kết bí mật dùng huấn luyện các đơn vị quân đội trước khi hành quân vào Nam tham chiến.
Việc hình thành các nông trường cũng thúc đẩy hình thành các khu dân cư tập trung mới ở những vùng xa xôi hẻo lánh, góp phần làm tăng nhanh dân số cơ học tại địa phương. Việc tăng trưởng nhanh chóng các nông trường dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong quản lý đất đai giữa địa phương với nông trường, đặc biệt là các tranh chấp về đất đai trồng trọt; đồng cỏ chăn nuôi, ao hồ nuôi cá, đập nước, v.v... Bên cạnh đó, xảy ra những bất cập trong quản lý hành chính, nhập nhằng, chồng lấn giữa cơ quan chính quyền địa phương và ban giám đốc nông trường. Do đặc điểm khá biệt lập, các nông trường vừa mang đặc tính một đơn vị sản xuất kinh tế, vừa là đơn vị hành chính gần như độc lập với chính quyền địa phương (các nông trường thường trực thuộc cấp Bộ, hoặc trực thuộc quân đội).[1]
Để khắc phục tình trạng này, một cơ cấu hành chính đặc biệt được thành lập, gọi là thị trấn nông trường. Theo đó, các khu dân cư tập trung thành lập các thị trấn trực thuộc huyện ở những nông trường có từ 700 nhân khẩu trở lên (kể cả công nhân, viên chức và gia đình công nhân, viên chức và những người sinh sống dựa theo nông trường). Trường hợp nông trường ở trong địa giới hơn một huyện, thị trấn nông trường sẽ trực thuộc về huyện mà phạm vi chính của nông trường thuộc về đó.[1]
Mặc dù mang tính chất như một đơn vị hành chính, nhưng thị trấn nông trường không có địa giới hành chính riêng, mà chỉ đơn thuần thực hiện chức năng quản lý hành chính trong phạm vi của nông trường, vốn có phạm vi nằm trên địa giới của nhiều xã, thậm chí chồng lấn địa giới của nhiều huyện. Cơ quan quản lý hành chính nhà nước của thị trấn nông trường là Ủy ban hành chính thị trấn nông trường, phụ trách quản lý hành chính nhà nước đối với công nhân, viên chức, gia đình công nhân; viên chức và những người sinh sống dựa theo nông trường. Chủ tịch Ủy ban hành chính thị trấn nông trường thường do một Phó giám đốc nông trường kiêm nhiệm, nhưng không thoát ly công tác chuyên môn.[1]
Trong kỳ Chiến tranh phá hoại, các thị trấn nông trường nhanh chóng gia tăng dân số cơ học do dòng người tản cư từ các đô thị lớn, phát triển thành những thị tứ đông đúc, có vai trò như một đơn vị hành chính chính thức. Sau năm 1975, các thị trấn nông trường và thị trấn lâm trường tiếp tục được mở ở phía Nam, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, từ sau năm 1980, cơ cấu hành chính của thị trấn nông trường cũng được thay đổi, với sự hình thành cơ cấu chính quyền nhà nước Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, tách biệt với bộ máy của nông trường.
Tuy nhiên, sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, nhiều nông trường chuyển đổi mô hình, thuần túy làm nhiệm vụ kinh tế. Từ sau thập niên 2000, lần lượt các thị trấn nông trường đều bị giải thể. Một số được chuyển đổi thành đơn vị hành chính sang cấp xã hoặc thị trấn thực thụ. Một số vẫn còn duy trì tên gọi thị trấn nông trường cho đến ngày nay, nhưng tất cả chúng đều là những đơn vị hành chính thực thụ, không còn mang tính chất thị trấn nông trường như hình thái của chúng lúc ban đầu.
^Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc giải thể thị trấn nông trường Thống Nhất; điều chỉnh địa giới hành chính xã để thành lập thị trấn Thống Nhất thuộc huyện Yên Định và mở rộng địa giới hành chính thị trấn Bút Sơn thuộc huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
^Ngày 26/10/1967, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 416/NV thành lập Thị trấn Nông Trường Bắc Sơn
^Ngày 18-12-1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký Quyết định số 157/HĐBT thành lập thị xã Bỉm Sơn gồm thị trấn Bỉm Sơn, thị trấn Nông trường Hà Trung và 2 xã Quang Trung, Hà Lan, thuộc huyện Trung Sơn (nay là huyện Hà Trung)
^Quyết định 310-NV năm 08/08/1967 về thành lập một thị trấn nông trường thuộc tỉnh Thanh Hóa do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành.
^ abcLỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên QD89
^Quyết định 162-NV ngày 25/04/1967 phê chuẩn việc thành lập thị trấn nông trường Thạch Thành, thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành.
^Quyết định số 128-NV ngày 15 tháng 3 năm 1969 của Bộ Nội vụ về việc thành lập Thị trấn nông trường Bãi Trành trực thuộc huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hoá.