Nguyễn Văn Do (1855 – 1926)[1], tên tục là Bảy Do, đạo hiệu Ngọc Thanh, là một nhân vật lịch sử, hoạt động trong Phong trào hội kín Nam Kỳ chống lại chính quyền thực dân Pháp tại Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông cũng là người đầu tiên xây dựng Chùa Phật Lớn trên núi Cấm, nay thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam.
Thân thế
Ông tên thật là Nguyễn Văn Do[2], một số tài liệu khác chép ông tên là Cao Văn Long, quê ở làng An Hội, tổng Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Ông là cháu họ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Cha mẹ ông từng tham gia các phong trào khởi nghĩa chống Pháp và tử trận.
Hoạt động hội kín
Sau khi các phong trào chống Pháp cuối thế kỷ 19 đều bị tan rã, ông bỏ đi tu Minh Sư đạo, tự xưng là Chưởng giáo Nam Cực Đường, tới lui hầu hết các tỉnh Nam Kỳ để chiêu tập tín đồ. Năm 1902, ông đến núi Cấm, dựng nên một ngôi chùa ở gần đỉnh núi (ở độ cao 526 m so với mặt nước biển)[3]. Chùa có danh xưng chính thức là Nam Các Tự, tuy nhiên do trong chùa có thờ một tượng Phật cao 1,8 m, cao lớn hơn các tượng thờ khác ở trong vùng, vì vậy được người dân vùng này quen gọi là Chùa Phật Lớn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng đông, cũng trên núi này.
Bấy giờ nơi này hãy còn hoang vắng lắm, khá xa tầm kiểm soát của chính quyền thực dân. Ông Bảy Do khoác áo tràng đen, đi chân đất, đầu búi tóc, ngày hai buổi ngồi thiền, đến đêm lại luyện võ dưới bóng trăng, thu nhận môn đồ, gặp gỡ những người chung chí hướng và lấy đó làm trụ sở cho Hội kín (Thiên Địa hội) do Phan Xích Long lãnh đạo...
Theo G.Coulet, ông bị bắt ngày 17 tháng 3 năm 1917, sau khi quân Pháp ruồng bố núi Cấm và chùa Phật Lớn. Dù chẳng tìm được tang chứng gì, ngoài một số lượng lớn chén bát, nhưng quân Pháp dựa vào mớ chén bát đó để qui tội ông làm quốc sự...[4]
Theo bài viết "Đức Trung Tôn trên núi Cấm...[5] thì: Nguyên thuở trước, ước chừng ba bốn chục năm nay, có một ông thầy tu theo đạo trên, tên là Bảy Do, lên choán chỗ đó mà cất một cảnh chùa bằng ngói rất nguy nga. Trong chùa ấy, ông lại mướn thợ lên cốt một vị Phật bằng ciment (xi măng) rất to, tục kêu "Đức Trung Tôn", bề cao được một thước tám tây, ngồi kiết già trên cái bàn cũng bằng xi măng và cao trên hai thước. Chùa vừa cất xong thì ông Bảy Do lại bị ở tù, kế từ trần trong ngục thất....
Nhà văn Sơn Nam cho biết thêm: Thực dân bắt ông Bảy Do nhưng chúng đành chịu thua, chẳng tìm ra được hệ thống tổ chức. Năm 1917, trước tòa án quân sự, khi Pháp hăm dọa, lên án 5 năm cấm cố, ông vẫn bình thản với câu trả lời khiến dư luận bấy giờ thán phục: "Tôi là kẻ tu hành, ở đâu cũng tu được vậy thôi"[6].
Sau khi ông bị bắt, chùa Phật Lớn trở nên hoang vắng. Mãi đến năm 1914, ông cựu hương quản làng An Khánh [7] đến núi Cấm thấy cảnh chùa hoang phế quá, bèn đến chùa Linh Sơn (Sài Gòn) nhờ Cò mi Chấn (Phó Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học) đứng ra xin phép để được tái thiết chùa. Về sau, chùa vài lần được trùng tu và có diện mạo như ngày nay.
Chú thích
- ^ Nguyễn Văn Hầu, Nửa tháng trong vùng Thất Sơn (Sài Gòn 1971), tr. 164- 165
- ^ “Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Nam Cực Đường”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ Theo Kỷ lục An Giang 2009. Nhà xuất bản Thông Tấn, 2010, tr. 99.
- ^ Les sociétés secrètes en terre d’Annam. S, Ardrin, 1926.
- ^ "Đức Trung Tôn trên núi Cấm (Châu Đốc) hết cái nạn dầm mưa dang nắng" trên báo Từ Bi Âm số 92 ra ngày 15 tháng 10 năm 1935.
- ^ Lịch sử An Giang, Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang, 1988, tr. 127.
- ^ Làng An Khánh tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho
Liên kết ngoài