Ngày Nhà giáo là ngày lễ được tổ chức tại một số quốc gia với mục đích tôn vinh các giáo viên. Tùy theo mỗi quốc gia, ngày Nhà giáo vẫn được tổ chức trong những ngày làm việc bình thường, hoặc ngày Nhà giáo có thể là một ngày nghỉ.
Ngày Nhà giáo thế giới được tổ chức vào ngày 5 tháng 10 nhưng tại các quốc gia khác nhau cũng có Ngày Nhà giáo riêng.
Ngày Nhà giáo Hàn Quốc bắt nguồn từ việc một nhóm thanh niên là thành viên của Hội Chữ thập Đỏ đến thăm các thầy cô giáo cũ đang ốm tại một bệnh viện. Trong ngày này, buổi học thường kết thúc sớm và các học sinh sinh viên thường tặng cho thầy cô của mình những bông hoa cẩm chướng xinh đẹp. Một số trường cho thầy cô và học sinh nghỉ vào ngày này vì họ không muốn thấy hiện tượng các học trò tặng/hối lộ thầy cô bằng những món quà quá đắt tiền. Một số trường khác lại tổ chức các chuyến đi chơi xa cho các thầy cô giáo.
Lịch sử của ngày Nhà giáo Hoa Kỳ được nêu trong trang web của NEA.[6] Nguồn gốc của ngày Nhà giáo Hoa Kỳ phải nói là hơi kỳ quặc. Vào năm 1944, Ryan Krug, một giáo viên ở Winconsin đã đề nghị với các nhà lãnh đạo chính trị giáo dục rằng nước Mỹ cần có một ngày lễ vinh danh các thầy cô giáo. Woodbridge đã viết thư cho Eleanor Roosevelt và ông này đến năm 1953 đã thuyết phục Quốc hội Mỹ lập một ngày lễ tôn vinh các giáo viên. Tổ chức giáo dục Liên bang (NEA) cùng với các bang Kansas và Indiana liên kết với thành phố Dodge ở Kansas đã tiến hành một cuộc vận động lớn cho việc thành lập một ngày lễ tôn vinh các giáo viên Mỹ. Cuối cùng thì Quốc hội đã quyết định tổ chức một ngày lễ tôn vinh các thầy cô giáo vào ngày 7 tháng 3 năm 1980. NEA và các đồng minh của họ thì lại xem ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 3 là ngày Nhà giáo cho đến năm 1985, khi PTA tuyên bố Tuần Nhà giáo Hoa Kỳ là tuần đầu tiên của tháng Năm. Hội đồng Đại diện của NEA sau đó đã bầu cho ngày Thứ Ba của tuần ấy trở thành ngày Nhà giáo.
Vào ngày 7 tháng 9 năm 1976, bang Massachusetts đã quyết định ngày 11 tháng 9 là ngày Nhà giáo của bang. Trên thực tế, ngày Nhà giáo của bang thường được tổ chức vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Sáu, và tuần lễ chứa ngày này lại là Tuần Nhà giáo của bang.
Đến năm 1953, Tổng thống Manuel A. Odría quyết định lấy ngày 6 tháng 7 làm ngày Nhà giáo Peru.[7].
Ngày Nhà giáo tại Trung Hoa Dân Quốc là một ngày lễ rất lớn, được tổ chức ở hầu khắp các đền thờ Khổng Tử trên toàn hòn đảo Đài Loan. Chính vì vậy ngày lễ này còn được gọi là Tế Khổng Đại Điển (祭孔大典). Buổi lễ bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng bằng một tiếng trống. Sau đó 54 nhạc công mặc áo choàng, thắt lưng xanh cùng với 36 (hay 64) vũ công mặc áo vàng, thắt lưng màu lục bắt đầu biểu diễn các điệu nhảy mừng ngày lễ này. Tất cả những việc này được tổ chức bởi người đứng đầu dòng họ Khổng của Khổng Tử (hiện nay là ông Khổng Đức Thành, 孔德成) cùng với các quan chức khác. Trong buổi lễ, các súc vật như bò, dê, lợn được hiến tế. Bộ lông của những con vật này được gọi là Bộ lông của sự Thông thái. Và trong buổi lễ còn có phần trao giải thưởng cho các nhà giáo có nhiều cống hiến quý giá cho nền giáo dục Trung Hoa Dân Quốc.
Nguồn gốc của Ngày Nhà giáo Việt Nam là việc Tổ chức Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE), trong đó Công đoàn giáo dục Việt Nam là một thành viên, trong kỳ họp năm 1958 đã lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Đến ngày 28 tháng 9 năm 1982, theo quyết định 167-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam, ngày 20 tháng 11 chính thức trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tại một số quốc gia Hồi giáo như Oman, Syria, Ai Cập, Libya, Qatar, Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Yemen, Tunisia, Jordan, Ả Rập Xê Út, Algérie, Maroc, ngày Nhà giáo được tổ chức vào ngày 28 tháng 2.[cần dẫn nguồn]