Matsudaira Katamori

Matsudaira Katamori
松平 容保
Matsudaira Katamori khi còn là Kyoto Shugoshoku
Nhiệm kỳ
1852–1868
Tiền nhiệmMatsudaira Katataka
Kế nhiệmMatsudaira Nobunori
Phiên chủ đời thứ 9 của phiên Aizu
Quân chủShōgun
Kyōto Shugoshoku
Nhiệm kỳ
1863–1864
Tiền nhiệmKhông
Kế nhiệmMatsudaira Yoshinaga
Nhiệm kỳ
1864–1867
Tiền nhiệmMatsudaira Yoshinaga
Kế nhiệmKhông
Thông tin cá nhân
Sinh(1836-02-15)15 tháng 2, 1836
Edo, Nhật Bản
Mất5 tháng 12, 1893(1893-12-05) (57 tuổi)
Quốc tịchNhật Bản
Phối ngẫu

Matsudaira Katamori (松平 容保 Tùng Bình Dung Bảo?, ngày 15 tháng 2 năm 1836 – ngày 5 tháng 12 năm 1893) là một samurai sống vào thời Bakumatsuthời Minh Trị. Ông là daimyō thứ 9 của phiên AizuKyōto Shugoshoku (Thủ hộ Kyoto). Trong chiến tranh Boshin, đích thân ông lãnh đạo cả phiên Aizu chống lại tân chính phủ Minh Trị, nhưng vì chênh lệch thực lực quá lớn nên đành chịu thảm bại trong trận Aizu. Katamori được triều đình tha mạng, về sau ông trở thành kannushi đứng đầu đền Nikkō Tōshō-gū. Ông cùng với ba người anh em của mình là Matsudaira Sadaaki, Tokugawa YoshikatsuTokugawa Mochiharu, để lại ảnh hưởng lớn trong Minh Trị Duy tân và được thiên hạ xưng tụng là "bốn anh em nhà Takasu" (Takasu yon-kyōdai 高須四兄弟).

Tiểu sử

Matsudaira Katamori sinh ra ở quận Yotsuya của Edo, vào ngày 15 tháng 2 năm 1836, tại dinh thự của phiên Takasu[1] Ông là con trai thứ bảy của Matsudaira Yoshitatsu, daimyō phiên Takasu, được sinh ra bởi một trong những thê thiếp của Yoshitatsu, một phụ nữ của gia đình Komori có tên được một số học giả tin rằng là Komori Chiyo (còn được biết đến với pháp danh Zenkyō-in.)[2] Katamori, hoặc theo tên thuở khai sinh, Keinosuke (銈之丞), có một tuổi thơ đầy biến cố. Mặc dù phiên Takasu nhỏ bé, nhưng nó có một mức độ uy tín cao do địa vị là một chi nhánh của gia tộc Tokugawa (thông qua ngự tam gia xứ Owari). Hơn nữa, trong lịch sử của dòng Takasu-Matsudaira, có những daimyō được nhận làm con nuôi từ các phân nhánh cao cấp của gia tộc Tokugawa, chẳng hạn như Mito. Do đó, Katamori có một thân phận rất tốt khi được nhận làm con nuôi của một thành viên cấp cao từ nhà Tokugawa. Cơ hội này xuất hiện theo giao ước của Matsudaira Katataka, daimyō đời thứ 8 của phiên Aizu. Yoshitatsu sẵn sàng chấp thuận việc nhận nuôi, không chỉ bởi vì Katataka là lãnh chúa của một gia tộc cao cấp hơn với lịch sử và dòng dõi nổi bật, mà việc Katataka là anh trai ruột của cậu chắc hẳn cũng có sự cân xứng về địa vị.[3] Do đó, chàng trai trẻ Keinosuke được Katataka nhận làm con nuôi và kết hôn với con gái của Katataka là Toshihime vào năm 1856.[3] Sau khi được nhận làm con nuôi, Keinosuke lấy tên là "Katamori", sử dụng một trong những chữ Hán từ tên cha nuôi của mình. Ông được giới thiệu cho Tướng quân đương thời, Tokugawa Ieyoshi, cũng như Tairō Ii Naosuke, bốn tháng sau khi được nhận nuôi, và vào cuối năm đó, được đầu tư với lễ hiệu là Wakasa-no-kami (若狭守), theo truyền thống do người thừa kế của nhà Aizu nắm giữ.[4] Quan tâm đến việc học tập của Katamori, Katataka sau đó đã gửi người thừa kế đến Aizu vào học trong trường của phiên, Nisshinkan.[5]

Sau cái chết của Katataka vào đầu năm 1852, Katamori kế vị quyền lãnh đạo gia tộc ở tuổi 18. Là daimyō đời thứ 9, ông được phong tước hiệu Higo-no-kami (肥後守), theo truyền thống thường do daimyō của Aizu nắm giữ.[6] Ông cũng nhận được thêm danh hiệu Sakonnoe-gon-shōshō (左近衛権少将; Tả cận vệ Quyền thiếu tướng) từ triều đình, và chính thức gửi lời cảm ơn tới Thiên hoàng vào cuối năm đó. Hơn nữa, Katamori thừa kế địa vị truyền thống của gia tộc trong phòng tamari-no-ma thành Edo, nơi các vấn đề quan trọng của nhà nước được đem ra bàn luận cùng với Lão trung.

Những năm đầu sau khi được bổ nhiệm là khoảng thời gian đầy thử thách cho vị trí lãnh đạo phiên của ông. Chỉ một năm sau, Đề đốc Matthew C. Perry dẫn đầu Đoàn thám hiểm Perry tiến vào vịnh Edo và đòi Nhật Bản phải chấm dứt chính sách tỏa quốc kéo dài hàng thế kỷ và mở cửa cho quốc gia này tiếp cận thương mại với Mỹ. Mạc phủ đã huy động một số lượng lớn người và tàu bè từ một liên minh rộng lớn gồm các phiên trấn, và Aizu, là một nhánh nổi bật của nhà Tướng quân và có sức mạnh quân sự nổi tiếng, không phải là ngoại lệ. Aizu nhận được lệnh đảm bảo an ninh ở khu vực ven biển các tỉnh Kazusa và Awa trong những tháng trước phái đoàn của Perry đến Nhật, và khi Đề đốc lên bờ gặp các quan chức Mạc phủ, Aizu là một trong những phiên trấn cung cấp tàu tuần tra và an ninh ven biển cho sự kiện này.[4] Samuel Wells Williams, một phiên dịch viên trong phái đoàn của Perry, đã ghi chép như sau: "Một số lá cờ được nhìn thấy trên bờ và những chiếc áo khoác màu đỏ, ngày nay cũng có chữ trên đó."[7] Chữ Hán này, đọc là Ai đương thời được sử dụng trong chữ ai của Aizu, và, như được thấy trong các mô tả nghệ thuật về thời đại này, khá phổ biến trên các biểu ngữ của phiên.

Năm 1862, giới chức cấp cao trong Mạc phủ Tokugawa đã lập ra chức vụ Kyōto Shugoshoku (Thủ hộ Kyoto), nhằm mục đích khôi phục trật tự công cộng trong thành phố, nơi đang nằm dưới ảnh hưởng của các võ sĩ phái Tôn vương Nhương di.[8] Chức Kyoto Shugoshoku là một trong những thay đổi phần lớn động lực đã tồn tại trước đó trong thành phố. Trước đây, người nắm giữ chức vụ Kyōto shoshidai (京都所司代) từng nắm quyền lực cao nhất ở đó, giám sát các công việc ở khu vực Kyōto-Osaka với tư cách là đại diện của Tướng quân. Tuy nhiên, các Shoshidai kế tiếp, cũng như các quan phụng hành trong thành phố do họ phụ trách, ngày càng không thể đảm bảo và duy trì trật tự công cộng, vì vậy chức vụ của Shugoshoku đã được chồng lên thể chế hiện hành.[9] Nơi mà Shoshidai và các quan phụng hành không thể đảm bảo thông qua luật dân sự, thì Shugoshoku sẽ đạt được thông qua việc sử dụng lực lượng quân sự. Sau nhiều lần cân nhắc, sự lựa chọn ứng cử viên chức vụ Shugoshoku được trao cho hai phiên trấn: Echizen và Aizu.[10] Trong số hai chúa phiên, Matsudaira Yoshinaga của Echizen từng giữ chức vụ cấp cao trong Mạc phủ với tư cách là Tổng tài phụ trách các vấn đề chính trị (政治総裁職; Seiji Sōsai-shoku), vì vậy mọi sự chú ý sau đó đều đổ dồn vào Matsudaira Katamori.[10] Vì Katamori bị ốm, viên chức Edo cấp cao của Aizu, Yokoyama Tsunenori, được triệu tập đến thành Edo thay thế, và được giao nhiệm vụ.[10] Katamori bèn gửi một gia thần trở lại với yêu cầu được miễn tội: "Vì đây là mệnh lệnh của Mạc phủ, chúng tôi không chỉ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận. Hơn nữa, người sáng lập phiên của chúng tôi, [Hoshina] Masayuki đã đặt ra lệnh trực tiếp để làm như vậy theo bộ gia luật. Tuy nhiên, lãnh chúa Katamori của chúng tôi vẫn còn trẻ, và người của chúng tôi đang ở phía bắc và không quen với điều kiện ở Thủ đô. Nếu chúng tôi chấp nhận nhiệm vụ này mà không cần thắc mắc, và một phần mười nghìn khả năng thảm họa sẽ ập đến, chúng tôi ở phiên Aizu không thể làm tất cả một mình; Tướng quân sẽ phải can dự, cũng như toàn bộ Nhật Bản. Chúng tôi muốn cân nhắc kỹ việc này."[11] Thế nhưng, Mạc phủ sẽ không nghe lời từ chối này. Matsudaira Yoshinaga đã đích thân đến dinh thự Aizu, và đối mặt với Katamori bằng những lời lẽ gay gắt ám chỉ quá khứ nổi tiếng của Aizu như là thành phần thiết yếu của Mạc phủ: "Nếu [người sáng lập] Lãnh chúa Masayuki vẫn còn sống, ông ấy sẽ chấp nhận mà không cần suy nghĩ gì thêm!"[11] Tin đồn bắt đầu lan truyền rằng Katamori từ chối nhiệm vụ vì mong muốn tự bảo vệ bản thân, Katamori được cho là đã đáp lại, "Nếu mọi người bắt đầu nói này nói nọ, sẽ gây tiếng xấu cho phiên trấn của chúng tôi. Không có cách nào tôi có thể giải thích điều này với các thế hệ lãnh chúa Aizu trước đây. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận".[11]

Tin tức về việc Katamori nhận nhiệm vụ nhanh chóng đến tai Aizu. Hai trong số các trọng thần của phiên, Saigō TanomoTanaka Tosa, đặc biệt phản đối chức vụ này, không chỉ vì lý do Katamori ban đầu phản đối nó, mà còn từ lập trường tài chính: Aizu, gần đây đã được giao nhiệm vụ bảo vệ bờ biển tại Vịnh Edo và sự giám sát ở phía đông Ezo (nay là Hokkaidō), bị gánh nặng chi phí, và không thể đủ khả năng làm thêm mà không có nguy cơ bị hủy hoại toàn bộ về tài chính.[12] Khó khăn đầu tiên mà Katamori gặp phải sau khi nhậm chức là sự xa lạ của người dân địa phương với Aizu và khả năng hoàn thành công việc của phiên này. Vấn đề xa lạ và bất an này bắt đầu được giải quyết vào những tháng đầu năm 1863, khi Katamori chính thức được tiếp nhận tại triều đình.[13] Giới quý tộc công khanh trong triều rất vui mừng khi thấy sự hiện diện của ông, và đặt nhiều hy vọng vào ông với tư cách là một đại diện của phong trào Kōbu gattai (公武合体) nhằm thúc đẩy hợp tác mới giữa Triều đình và Mạc phủ.[14] Để đạt được các mục tiêu mà chức Shugoshoku đòi hỏi, Katamori đã sử dụng các đơn vị tuần tra quanh thành phố, một số gồm đám gia thần của ông, nhưng số khác bao gồm những người thuộc đủ mọi thành phần xã hội được tuyển mộ, trước đây không có lãnh chúa, chẳng hạn như Shinsengumi. Các nhóm khác nổi lên trong những năm sau này, bao gồm Mimawarigumi, đặt dưới sự kiểm soát của Shoshidai (vào năm 1864 là anh trai của Katamori, Matsudaira Sadaaki của phiên Kuwana). Katamori rất coi trọng chức trách bảo vệ kinh thành Kyōto (và cả Triều đình), và do đó đã đóng một vai trò lớn trong cuộc chính biến ngày 18 tháng 8 năm 1863 và sự biến Cấm môn (禁門の変) đánh đuổi thế lực nhương di quá khích ra khỏi Kyōto, cả hai đều liên quan đến cuộc đụng độ giữa liên quân các phiên dưới quyền chỉ huy của Mạc phủ (gồm cả Aizu) chống lại lực lượng của phiên Chōshū. Trong cuộc chinh phạt Chōshū lần thứ nhấtthứ hai mang tính trừng phạt, ông cũng chủ trương một đường lối cứng rắn chống lại phiên này. Những sự kiện này dẫn đến mối thù hận ngày càng tăng của phiên Chōshū đối với Katamori và phiên Aizu.

Katamori giữ chức Shugoshoku từ năm 1862 đến năm 1864; và đảm nhận lại từ năm 1864 đến năm 1868.[15] Katamori đã cố gắng đạt được những quyết tâm hòa bình sau trận Toba–Fushimi, xin lỗi triều đình nhiều lần, và thậm chí chính thức trình một lá thư lên Thân vương Rinnoji no Miya Yoshihisa để tạ tội trước Thiên hoàng, nhưng các thành viên của tân chính phủ Minh Trị không thèm để mắt đến ông.[16] Điều này là do tân chính phủ chủ yếu bao gồm những thành phần từ hai hùng phiên Chōshū và Satsuma, vốn căm ghét Katamori vì các hoạt động của ông từ hồi còn giữ chức Shugoshoku. Mặc dù đồng minh các phiên vùng Đông Bắc là Ōuetsu Reppan Dōmei đều bày tỏ thái độ ủng hộ phiên Aizu và phiên chủ Katamori, ráng sức kêu oan lên triều đình, khi thấy ý kiến của mình bị phớt lờ thì họ quyết định kháng cự tới cùng nhưng rốt cuộc vẫn bị quan quân đánh bại trong trận Aizu. Sau một vài năm chịu sự quản thúc tại Tokyo, Katamori được tha mạng, về sau trở thành kannushi đứng đầu đền Nikkō Tōshō-gū. Ông qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1893 và được chôn cất theo nghi thức Thần đạo, nhận cái tên Thần đạo sau khi mất là Masane-reishin (忠誠雲神). Người thừa kế của ông là Matsudaira Nobunori được nhận làm con nuôi từ nhà Mito-Tokugawa. Tuy nhiên, Nobunori đã rời khỏi gia tộc Aizu-Matsudaira ngay sau Minh Trị Duy tân, để Matsudaira Kataharu trở thành người thừa kế của gia tộc. Matsudaira Kataharu là con trai cả của Katamori, được sinh ra từ một trong hai thê thiếp của Katamori (SakuKiyo) sau khi Nobunori được nhận làm con nuôi. Cương vị người đứng đầu gia tộc sau đó được chuyển cho anh trai của Kataharu là Morio, và tới phiên Matsudaira Morisada, con trai của Morio, hiện là trưởng tộc Aizu-Matsudaira.[17]

Tổ tiên

[18]

Chú thích

  1. ^ Yamakawa Hiroshi, Kyoto Shugoshoku Shimatsu. Tokyo: Heibonsha, 1966, p. 7. Takasu là một phiên trấntỉnh Mino.
  2. ^ Kobiyama Rokurō, Matsudaira Katamori no Shogai: Shashinshu Tōkyō: Shin Jinbutsu Oraisha, 2003, p. 18
  3. ^ a b Kobiyama, p. 30
  4. ^ a b Yamakawa, p. 7
  5. ^ Kobiyama, p. 39
  6. ^ Kobiyama, p.41
  7. ^ Samuel Wells Williams, A Journal of the Perry Expedition to Japan (1853–1854). Wilmington: Scholarly Resources, 1973, p. 54
  8. ^ "Aizu-han no Kakuryō to Hanron", by Hoshi Ryoichi. pp. 104–127 of Matsudaira Katamori no Subete, Tsunabuchi Kenjo, ed. Tōkyō: Shin Jinbutsu Oraisha, 1984, p. 104.
  9. ^ Beasley, W. G. (1955). Select Documents on Japanese Foreign Policy, 1853–1868, p. 325.
  10. ^ a b c Kobiyama, p. 76
  11. ^ a b c Kobiyama, p. 77
  12. ^ Yamakawa, p. 78
  13. ^ Kobiyama, p. 86
  14. ^ Kobiyama, p. 84
  15. ^ Beasley, p. 335.
  16. ^ Yamakawa, p. 11
  17. ^ Sato Masanobu, Rekidai Hanshu oyobi Matsudaira-ke keifu. pp. 232–243 of Matsudaira Katamori no Subete, Tsunabuchi Kenjo, ed. Tokyo: Shin Jinbutsu Oraisha, 1984, p. 243
  18. ^ “Genealogy”. Reichsarchiv (bằng tiếng Nhật). Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2017.

Tham khảo

Liên kết ngoài

Tiền nhiệm:
Matsudaira Katataka
Phiên chủ Aizu đời thứ 9
1852–1868
Kế nhiệm:
Matsudaira Nobunori

Strategi Solo vs Squad di Free Fire: Cara Menang Mudah!