Giải Grammy cho Trình diễn hát rap xuất sắc nhất (từng được gọi là Hợp tác rap/hát xuất sắc nhất cho đến năm 2017, và Trình diễn rap/hát hay nhất từ năm 2018–2020) là một giải thưởng được trao tặng tại lễ trao giải Grammy, một buổi lễ trao giải được thành lập vào năm 1958 và ban đầu được gọi là Giải Gramophone,[1] dành cho các nghệ sĩ thu âm với những bài hát chất lượng được hợp tác bởi các rapper và ca sĩ. Các danh hiệu trong một số hạng mục do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ trao tặng tại buổi lễ hàng năm nhằm "tôn vinh thành tựu nghệ thuật, trình độ kỹ thuật và thành tích xuất sắc nói chung trong ngành công nghiệp âm nhạc mà không xét đến doanh số bán album hoặc vị trí trên các bảng xếp hạng âm nhạc".[2]
Tên và định nghĩa của hạng mục đã được thay đổi vào tháng 6 năm 2020, nhằm đưa các xu hướng trình diễn kết hợp đang ngày càng phát triển vào trong thể loại rap. Theo Viện Hàn lâm, "Hạng mục này nhằm công nhận các màn trình diễn đơn ca và hợp tác có chứa các yếu tố rap và hát trong quá trình sản xuất nhạc hiện đại. Màn trình diễn này yêu cầu sự hiện diện mạnh mẽ và rõ ràng của giai điệu kết hợp với nhịp rap, lời bài hát hoặc các yếu tố từ các thể loại không phải rap như R&B, rock, nhạc đồng quê, điện tử hoặc những dòng nhạc khác. Những tác phẩm có thể chứa các đặc điểm rap truyền thống hoặc các yếu tố đặc trưng của các thể loại không phải rap nói trên."[3]
Giải thưởng được trao cho (các) nghệ sĩ. Còn nhà sản xuất, kỹ sư và nhạc sĩ có thể đăng ký Chứng nhận Người thắng giải.[4]Eve và Gwen Stefani là chủ nhân đầu tiên của giải thưởng vào năm 2002 với ca khúc "Let Me Blow Ya Mind". Bộ đôi được đề cử lần thứ hai vào năm 2006 cho "Rich Girl". Rapper người Mỹ Jay-Z đã đoạt 7 giải Grammy trong hạng mục này — 4 lần là nghệ sĩ chính và 3 lần là nghệ sĩ hợp tác; anh ấy cũng đã được đề cử cho ba bài hát khác. Rihanna là nữ nghệ sĩ giành được nhiều chiến thắng nhất ở hạng mục này, với 5 chiến thắng trên tổng số 9 đề cử.
^“Grammy Awards: List of Winners”. The New York Times. The New York Times Company. 31 tháng 1 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 2 năm 2010. Truy cập 16 tháng 3 năm 2020.