Vấn đề chính thống của nhà Triệu

Bàn thờ Thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu bên trong hang Cắc Cớ, thuộc địa phận khu di tích chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội

Nhà Triệu là một triều đại, hay một giai đoạn lịch sử gây nhiều tranh cãi cho giới nghiên cứu sử học Việt Nam.[1][2]

Quan điểm lịch sử

Sử học Việt Nam tới nay có 2 quan điểm trái ngược nhau về triều đại này:

  1. Triệu Vũ Đế đánh bại An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt và tiến hành cai trị vùng này như một nước riêng, từng tồn tại độc lập với nhà Hán (ở Trung Quốc) trong 1 thời gian trước khi quy phục nhà Hán, vậy thì có thể coi nhà Triệu là triều đại của Việt Nam. Nhà Triệu mất là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc (năm 111 trước công nguyên). Đây cũng là quan điểm của một số sử gia Việt Nam thời phong kiến[3][4][5][6][7][8][9][10]
  2. Triệu Đà là người Trung Hoa phương Bắc (nay gọi là người Hán ở Trung Quốc).[a] Triệu Đà quê ở Chân Định (nay thuộc tỉnh Hà Bắc ở miền Bắc Trung Quốc), là quan của nhà Tần, theo lệnh Tần Thủy Hoàng đem quân đánh chiếm vùng Lĩnh Nam (là nơi cư trú của các bộ tộc Bách Việt), đem di dân người Trung Hoa xuống để giành đất và được nhà Tần cho làm Huyện lệnh Long Xuyên thuộc quận Nam Hải mới chiếm được. Khi nhà Tần mất thì Triệu Đà mới nhân cơ hội tách ra cát cứ, do đó Triệu Đà vẫn là người Trung Hoa đến xâm lược nước Âu Lạc. Như vậy An Dương Vương mất nước là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Xoay quanh vấn đề Triệu Đànhà Triệu, mấu chốt là thế giới quan nhìn nhận của nhà sử học. Những người đề cao thuyết Thiên mệnh của Nho giáo (cho rằng ngôi vị là do "Trời định", ai xưng đế ở vùng đất nào thì nghiễm nhiên được coi là vua, nắm giữ "Thiên mệnh" của vùng đất đó, bất kể xuất thân thuộc dân tộc nào) thì sẽ nhìn nhận Triệu Đà là vua Việt Nam, đây là cách nhìn của nhiều sử gia Việt Nam thời phong kiến. Ngược lại, những nhà sử học có tư duy biện chứng về quốc gia - dân tộc, coi trọng nguồn gốc xuất thân, tính dân tộc của người cầm đầu chính quyền, bản chất của bộ máy quan lại nước Nam Việt (hầu hết quan lại Nam Việt là người Trung Hoa, còn người Việt chỉ là dân bị trị) và không công nhận thuyết "Thiên mệnh" thì sẽ coi Triệu Đà là triều đại xâm chiếm của Trung Quốc. Kể từ cuối Nhà Hậu Lê, khi tinh thần dân tộc ở Việt Nam ngày càng gia tăng, lấn át thuyết "Thiên Mệnh" thời cổ thì các sử gia Việt Nam cũng dần chuyển sang coi Triệu Đà là kẻ xâm lược (theo nguyên tắc Vua nước Việt phải là người Việt), đây cũng trở thành quan điểm chính thức của nền sử học Việt Nam thời hiện đại.

Các tài liệu lịch sử của nhà Triệu thì cho thấy đến cuối đời, Triệu Đà đã quyết định bỏ việc xưng Đế, quy phục nhà Hán (nhưng vẫn xưng Hoàng đế ở trong Nam Việt). Triệu Đà viết thư nhờ Lục Giả gửi cho vua Hán, trong thư Triệu Đà đã công nhận quê quán, xuất thân của mình là người Trung Hoa và nhà Triệu chỉ là chư hầu phục vụ cho nhà Hán, thay mặt vua Hán để cai trị phía Nam, bản thân ông ta cũng chỉ coi những thần dân người Việt là đám "Man Di", là sắc tộc “hạ đẳng” so với dân Trung Hoa mà thôi[11]. Sau khi tới thủ phủ Long Xuyên nhậm chức, Triệu Đà đã xin Tần Thủy Hoàng di dân 50 vạn người (tương đương số dân Việt thời đó) từ Trung Hoa đến vùng này để đồng hóa người Việt tại đây. Như vậy, bản thân Triệu Đà không hề muốn bảo vệ văn hóa, chủ quyền của người Việt mà ông ta chỉ muốn đồng hóa người Việt bản xứ thành người Hoa (chính sách tuơng tự như các quan chức do Trung Hoa bổ nhiệm trong thời Bắc thuộc), vậy thì càng không có lý do để nhận Triệu Đà là vua của Việt Nam.

Quan điểm của nhà Nguyễn

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), định điển thờ miếu Lịch đại đế vương, bộ Lễ bàn như sau:[12]

... Xét sách Việt sử ngoại kỷ biên niên thì Kinh Dương Vương, Lạc Long QuânHùng Vương thực là Thuỷ tổ của nước Việt ta. Sau từ việc nảy nỏ móng rùa thất lợi [Triệu Đà] và việc cột đồng chia cương giới [Mã Viện], cho đến những cuộc Nam - Bắc phân tranh thì đều không phải là chính thống của nước Việt ta. Trong khoảng đó có Mai Hắc ĐếBố Cái Vương nhất sơ nổi dậy mà công nghiệp chưa thành. Thế thì từ ngoại kỷ về trước phải lấy các vị sáng thủy mà thờ. Từ Đinh về sau thì mối giềng mới rõ. Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ, thừa vận lần lượt nổi lên, đều là vua dựng nghiệp một đời...

Như vậy, nhà Nguyễn không công nhận nhà Triệu là chính thống.

Xem thêm

Ghi chú

  1. ^ Không gọi là người Hán vì khái niệm người Hán lúc đó chưa hình thành.
    Triệu Đà lập một quốc gia riêng là Nam Việt từ năm 207 TCN. Lưu Bang lập ra nhà Hán năm 206 TCN.
    Triệu Đà sinh ra trong thời nhà Tần, lúc mà Chiến Quốc Thất Hùng mới bị dẹp bỏ (221 TCN), các tộc người ở Trung Quốc chưa hòa lẫn với nhau để sinh ra khái niệm Người Hán.

Chú thích

  1. ^ Hà Văn Thùy (tháng 2 năm 2010). “Về vai trò chính thống của nhà Triệu”. Tạp chí Xưa và Nay. Tết Canh Dần (349 + 350): 23–25. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2022.
  2. ^ Trương Sỹ Hùng; Nguyễn Khắc Mai (tháng 7 năm 2017). Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử. NXB Hội nhà văn. ISBN 978-604-53-8842-6.
  3. ^ “Bowman, John Stewart (2000). Columbia Chronologies of Asian History and Culture. Columbia University Press (published August 15, 2000). p. 524. ISBN 978-0231110044. "Finally, in 111 B.C. the Han Chinese seize and annex the entire kingdom of Nan Yueh, reducing it to a province named Chiao - Chih". - Đến năm 111 Tr CN, nhà Hán Trung Quốc chiếm và ghép toàn bộ nước Nam Việt, biến nó trở thành quận Giao Chỉ”.
  4. ^ "After almost 100 years of diplomatic and military duels between the Han dynasty of China and Trieu Da and his successors, Nam Viet was conquered (111 BCE) by the Chinese under the Han emperor Wudi. Thus, the territories occupied by the ancestors of the Vietnamese fell under Chinese rule". Thời khi Trung Quốc cai trị bắt đầu sau khi Nam Việt của nhà Triệu bị đánh đổ”.
  5. ^ "Part of the lower China used to be Vietnam. During the first Chinese conquest in 111 B.C., the Han Dynasty conquered the south and expanded its territorial dominance" - Bắc Thuộc tính từ sau khi nhà Triệu bị mất”.
  6. ^ "China dominated Vietnam for over 1,000 years (111 B.C. to A.D. 938) but were never able to assimilate the Vietnamese and endured frequent Vietnamese rebellions." Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam từ năm 111 trước công nguyên (khi nhà Triệu bị thôn tính)”.
  7. ^ " BCE 111 - The land is conquered by the Chinese and the Han Dynasty." - Đất này bị xâm lược bởi Trung Quốc và nhà Hán từ năm 111 trước Công nguyên (thời điểm nhà Triệu bị đánh bại)”.
  8. ^ “University of Kentucky Press. trang. 6–7 "Chinese Rule (111 BC- AD 938)" Trung Quốc cai trị 111 trước công nguyên (nhà Triệu mất) - 938 sau công nguyên”.
  9. ^ “Washington, D.C.: Federal Research Division, Library of Congress trang 19. "111 BC - Nan Yueh conquered by Han." Năm 111 TCN, Nam Việt bị thôn tính bởi nhà Hán”.
  10. ^ “The Columbia Guide to the Vietnam War”.
  11. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển 2, Kỷ nhà Triệu
  12. ^ Đại Nam Thực Lục chính biên, Đệ nhị Kỷ - Quyển XX, Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế.

Đọc thêm

Liên kết ngoài

Strategi Solo vs Squad di Free Fire: Cara Menang Mudah!