Huyện Vĩnh Thuận có diện tích 394,44 km², dân số năm 2020 là 82.626 người[1], mật độ dân số đạt 210 người/km².
Điều kiện tự nhiên
Địa hình đồng bằng châu thổ, là vùng đất phèn nhiễm mặn, khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng với hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu vào khoảng tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 11. Vùng này ít có hiện tượng bão lụt. Hướng gió chủ yếu là hướng tây nam đông bắc.
Kênh Sông Trẹm hay còn gọi là kênh sông Trèm Trẹm, là tuyến giao thông đường thủy quan trọng nối liền các tỉnh trong khu vực với tỉnh Cà Mau, con kênh này do người Pháp khởi tạo, ngoài ra còn có kênh Canh Điền, sông Cái Lớn chảy qua.
Khoảng năm 1960, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho thành lập quận Kiên Long thuộc tỉnh Kiên Giang trên cơ sở tách đất từ quận Kiên An (trước năm 1957 là quận An Biên) cùng tỉnh. Quận lỵ đặt tại xã Vĩnh Thuận. Ngày 24 tháng 12 năm 1961, quận Kiên Long được giao về cho tỉnh Chương Thiện mới được thành lập. Năm 1961, quận Kiên Long (không có cấp tổng) gồm 6 xã: Vĩnh An, Vĩnh Bình, Vĩnh Hòa, Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận, Vĩnh Tuy.
Ngày 18 tháng 4 năm 1963, sau khi đã giao xã Vĩnh Tuy về cho quận Kiên Hưng (trước năm 1957 là quận Gò Quao), quận Kiên Long còn lại 5 xã: Vĩnh An, Vĩnh Bình, Vĩnh Hòa, Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận. Cho đến năm 1975, quận Kiên Long vẫn gồm 5 xã trực thuộc như cũ.
Tháng 2 năm 1976, Vĩnh Thuận là huyện của tỉnh Kiên Giang. Huyện lỵ là thị trấn Vĩnh Thuận được thành lập do tách đất từ xã Vĩnh Thuận. Huyện Vĩnh Thuận ban đầu gồm thị trấn Vĩnh Thuận và 4 xã: Vĩnh Bình, Vĩnh Hoà, Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận. Về sau, tách đất xã Vĩnh Bình và lập thêm xã Vĩnh Bình Nam.
Ngày 10 tháng 10 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 109-HĐBT[3] về việc:
Chia xã Vĩnh Hòa thành 3 xã: Hòa Chánh, Vĩnh Hòa và Hòa Tiến
Chia xã Vĩnh Bình Bắc thành 2 xã: Vĩnh Bình Bắc và Mai Thành Tâm
Sáp nhập ấp Bình Minh Bắc của xã Vĩnh Bình Bắc vào xã Vĩnh Bình Nam
Chia xã Vĩnh Bình Nam thành 4 xã: Vĩnh Bình Nam, Bình Thành, Bình Điền và Bình Minh
Chia xã Vĩnh Thuận thành 4 xã: Vĩnh Thuận, xã Thuận Bắc, Thuận Nam và Thuận Tây
Chia xã Vĩnh Phong thành 3 xã: Phong Đông, Vĩnh Phong và Phong Tây.
Lúc này, huyện gồm thị trấn Vĩnh Thuận và 15 xã: Vĩnh Phong, Phong Đông, Phong Tây, Vĩnh Thuận, Thuận Bắc, Thuận Nam, Thuận Tây, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc, Bình Thành, Bình Minh, Mai Thành Tâm, Vĩnh Hoà, Hoà Tiến, Hoà Chánh.
Ngày 24 tháng 5 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 92-HĐBT[4] về việc:
Tách 1 ấp của xã Thuận Tây hợp với nửa nông trường Vĩnh Thuận lập xã Minh Thuận Nam
Tách 1 ấp của xã Hoà Tiến hợp với nửa còn lại của nông trường Vĩnh Thuận, lập xã Minh Thuận Đông
Sáp nhập xã Hoà Chánh vào xã Vĩnh Hoà
Sáp nhập xã Mai Thành Tâm vào xã Vĩnh Bình Bắc
Tách 1 ấp của xã Bình Điền và toàn bộ xã Bình Thành vào xã Vĩnh Bình Nam
Sáp nhập 2 xã Phong Đông, Phong Tây vào xã Vĩnh Phong
Sáp nhập 6 ấp còn lại của xã Thuận Tây với xã Thuận Nam thành xã Vĩnh Thuận
Tách 3 ấp của xã Vĩnh Thuận cũ hợp với xã Thuận Bắc và 2 ấp của xã Bình Điền thành xã Tân Thuận
Sáp nhập 6 ấp còn lại của xã Hoà Tiến, toàn bộ xã Vĩnh Thái, 2 ấp còn lại của xã Bình Điền vào xã Bình Minh
Sáp nhập 1 ấp còn lại của xã Vĩnh Thuận cũ vào thị trấn Vĩnh Thuận.
Ngày 31 tháng 5 năm 1991, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định số 288-TCCP[5] về việc:
Giải thể xã Tân Thuận nhập một phần vào xã Vĩnh Thuận
Sáp nhập phần còn lại hợp với xã Minh Thuận Đông và Minh Thuận Nam thành xã Minh Thuận
Giải thể xã Bình Minh nhập vào các xã Vĩnh Hoà, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc.
Huyện Vĩnh Thuận lúc này bao gồm thị trấn Vĩnh Thuận và 6 xã: Minh Thuận, Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Hoà, Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận.
Ngày 18 tháng 3 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 23-CP[6] về việc thành lập xã Tân Thuận trên cơ sở 4.033 ha diện tích tự nhiên và 10.164 nhân khẩu của xã Vĩnh Thuận.
Ngày 11 tháng 2 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 10/2003/NĐ-CP[7] về việc thành lập xã Hòa Chánh trên cơ sở 4.255,3 ha diện tích tự nhiên và 10.195 nhân khẩu của xã Vĩnh Hoà.
Cuối năm 2004, huyện Vĩnh Thuận có 9 đơn vị hành chánh, bao gồm thị trấn Vĩnh Thuận và 8 xã: Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận, Minh Thuận, Vĩnh Hoà, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc, Tân Thuận, Hoà Chánh.
Ngày 6 tháng 4 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2007/NĐ-CP[8] về việc:
Điều chỉnh 22.757,81 ha diện tích tự nhiên và 38.356 nhân khẩu (gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Minh Thuận, Vĩnh Hoà, Hoà Chánh) thuộc huyện Vĩnh Thuận về thành lập huyện U Minh Thượng mới thành lập quản lý
Thành lập xã Phong Đông thuộc trên cơ sở điều chỉnh 2.557 ha diện tích tự nhiên và 5.949 nhân khẩu của xã Vĩnh Phong.
Sau khi điều chỉnh, huyện Vĩnh Thuận có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình Bắc, Tân Thuận, Vĩnh Phong, Phong Đông, Vĩnh Bình Nam và thị trấn Vĩnh Thuận.
Ngày 29 tháng 6 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP[9] về việc thành lập xã Bình Minh trên cơ sở điều chỉnh 3.095,54 ha diện tích tự nhiên và 6.400 nhân khẩu của xã Vĩnh Bình Nam.
Huyện Vĩnh Thuận có 39.493,20 ha diện tích tự nhiên và 96.190 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Tân Thuận, Vĩnh Phong, Phong Đông, Bình Minh và thị trấn Vĩnh Thuận.
^Quyết định 92-HĐBT năm 1988 về việc điều chỉnh địa giới huyện Châu Thành để mở rộng địa giới thị xã Rạch Giá; thành lập phường, xã, thị trấn thuộc thị xã Rạch Giá và các huyện Châu Thành, An Minh, Gò Quao, Hòn Đất; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hà Tiên và huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang
^Quyết định số 288-TCCP điều chỉnh địa giới một số xã, phường thuộc thị xã Rạch Giá và các huyện An Minh, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang