Viện Đại học Đà Lạt là một viện đại học tư thục dưới sự điều hành của Giáo hội Công giáo Việt Nam ở thành phố Đà Lạt, được thành lập vào năm 1957 dưới chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Năm 1975, dưới chính quyền mới, viện đại học này bị giải thể. Cơ sở của Viện Đại học Đà Lạt ngày nay là Trường Đại học Đà Lạt, một trường thành lập năm 1976 và hoạt động đến ngày nay.
Lịch sử
Viện Đại học Đà Lạt được thành lập ngày 8 Tháng Tám năm 1957 thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam và bắt đầu hoạt động từ năm 1958 với 5 trường: Sư phạm, Văn khoa, Khoa học, Chính trị-Kinh doanh, và Thần học. Địa điểm của trường là trại Thiếu sinh Quân cũ, tức Camp Robert của Quân đội Pháp mà chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam tiếp thu và nhượng lại cho Viện Đại học Đà Lạt với giá tượng trưng 1 đồng bạc Việt Nam.[1] Về học thuật, Viện Đại học Đà Lạt được biết đến với các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn như Ngữ văn, Lịch sử, Triết học, Ngoại ngữ, nổi tiếng nhất là Trường Chính trị Kinh doanh (với hai phân khoa: Chính trị Xã hội và Quản trị Kinh doanh).
Tổ chức
Đứng quản lý Viện Đại học là Hội Đại học Đà Lạt (trong đó có Hội đồng Giám mục Việt Nam), một tổ chức pháp lý để thâu lợi nhuận, kinh tài và phát triển Viện Đại học. Hoạt động của Hội gồm việc thương lượng với chính phủ để tài trợ, vay mượn. Ngoài ra Hội còn sở hữu bất động sản như một số đồn điềncao su và thương xá lớn ở Sài Gòn.[2] Tuy là một cơ sở giáo dục thuộc Giáo hội Công giáo, Viện Đại học Đà Lạt không chủ trương gây dựng nền giáo dục theo sát quan điểm của Giáo hội. Số giảng viên theo đạo ít hơn 25% và sinh viên Công giáo chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30%.[3]
Trường sở
Viện Đại học Đà Lạt tọa lạc trên ba ngọn đồi, mang tên A, B và C. Khu vực A (Đường Phủ Đổng Thiên Vương) rộng gần 40 hecta là khu chính. Các tòa nhà được dùng làm giảng đường và cơ sở hành chính mang tên Minh Thành,[4] Tri Nhất,[5] Thụ Nhân, Thượng Chí, Đôn Hóa[6] với hàm ý giáo dục dẫn ý từ Tứ thư, Ngũ kinh của Nho học cổ điển. Khu B (đường Thông thiên học) có chủng viện Minh Hòa và ký túc xá Rạng Đông. Khu C (đường Vạn Kiếp) là cư xá nhân viên và ban giảng huấn.[2]
Sinh hoạt văn nghệ
Kịch Thụ Nhân
Từ nỗ lực của những sinh viên yêu kịch nghệ như Lê Cung Bắc, Phạm Thùy Nhân, đoàn kịch Thụ Nhân ra đời trong thập niên 1970, gây tiếng vang trong giới sinh viên khi thể hiện trên sân khấu những tác phẩm của Vũ Khắc Khoan như Thành Cát Tư Hãn, Những người không chịu chết, Ga xép...
Ấn phẩm
Viện Đại học Đà Lạt phát hành hai tạp chí chuyên môn: Tri thức và Sử địa.[7]