Thiết kế của lớp Crosley dựa trên việc cải biến lớp tàu hộ tống khu trụcRudderow. Cấu trúc thượng tầng con tàu được mở rộng, đồng thời tháo dỡ bớt vũ khí trang bị để lấy chỗ bố trí nơi nghỉ cho 162 binh lính được vận chuyển cùng khoảng 40 tấn trang bị. Hệ thống động lực tương tự như với các lớp Buckley và Rudderow; là kiểu động cơ turbine-điện General Electric, cung cấp điện năng cho mô-tơ điện để dẫn động hai trục chân vịt.[2][3]
Dàn vũ khí được giữ lại bao gồm một khẩu pháo 5 inch (130 mm)/38 cal bố trí một phía trước mũi; ba khẩu đội pháo phòng không Bofors 40 mm nòng đôi và sáu pháo phòng không Oerlikon 20 mm; vũ khí chống ngầm gồm hai đường ray Mk. 9 để thả mìn sâu.[4][5] Thủy thủ đoàn đầy đủ bao gồm 15 sĩ quan và 168 thủy thủ; và con tàu được bố trí tiện nghi để vận chuyển 12 sĩ quan cùng 150 binh lính đổ bộ.[4]
Julius A. Raven được đặt lườn như là chiếc DE-600 tại Xưởng tàu Bethlehem-Hingham ở Hingham, Massachusetts vào ngày 26 tháng 1, 1944. Nó được hạ thủy vào ngày 3 tháng 3, 1944, được đỡ đầu bởi bà Irene E. Raven, vợ góa của Trung úy Raven. Đang khi được hoàn thiện, con tàu được xếp lại lớp như một tàu vận chuyển cao tốc vào ngày 17 tháng 7, 1944, mang ký hiệu lườn mới APD-110, và nhập biên chế cùng Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 6, 1945 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Trung tá Hải quân William J. Barney, Jr.[1][6][7]
Julius A. Raven được chuyển cho Cộng hòa Hàn Quốc mượn vào ngày 13 tháng 1, 1966 trong khuôn khổ Chương trình Viện trợ Quân sự, và phục vụ cùng Hải quân Cộng hòa Hàn Quốc như là chiếc pháo hạmROKS Ung Po (PG-83).[1][6][7]Ung Po lần lượt được xếp lại lớp thành APD-825 (tàu vận chuyển cao tốc), rồi thành DE-823 (tàu hộ tống khu trục).[6] Quyền sở hữu con tàu được Hoa Kỳ chuyển giao cho Hàn Quốc vào ngày 15 tháng 11, 1974.[6] Con tàu ngừng hoạt động năm 1984 và bị tháo dỡ sau đó.[6]
^Rivet, Eric; Stenzel, Michael. “Classes of Destroyer Escorts”. History of Destroyer Escorts. Destroyer Escort Historical Museum. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2022.