Tuyến 3 (Đường sắt đô thị Hà Nội)

Tuyến 3: Trôi - Nhổn - Hoàng Mai
T3
Ga Chùa Hà trên đường Cầu Giấy.
Tổng quan
Tình trạngHoạt động một phần
Sở hữu Đường sắt Việt Nam
Ga đầuGa Nhổn[1]
(Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Ga cuốiGa Cầu Giấy[2]
(Ba Đình, Hà Nội)
Nhà ga8[3]
Địa chỉ webTuyến số 3
Dịch vụ
KiểuTàu điện ngầm
Hệ thống Đường sắt đô thị Hà Nội
Điều hànhCông ty Đường sắt Hà Nội
Trạm bảo trìNhổn
Thế hệ tàuAlstom Metropolis Urbalis 400[4]
Số lượt kháchTối đa 7.360 lượt khách/giờ/hướng
Lịch sử
Hoạt độngNhổn – Cầu Giấy (Đoạn trên cao): 8 tháng 8 năm 2024
(4 tháng, 4 tuần và 2 ngày)
Thông tin kỹ thuật
Chiều dài tuyến8,5 km (5,3 mi)[5]
Khổ đường sắt1.435 mm (4 ft 8+12 in) 
Khổ tiêu chuẩn
Điện khí hóaRay thứ ba 750V DC
Tốc độ80 km/h (50 mph)
Bản đồ hành trình

Depot Nhổn
T3-S01 Nhổn
T3-S02 Minh Khai
T3-S03 Phú Diễn
Đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển
Sông Nhuệ
T3-S04 Cầu Diễn
T3-S05 Lê Đức Thọ
Đường Vành đai 3
T3-S06 Đại học Quốc gia
T3-S07 Chùa Hà
Sông Tô Lịch
Đường Vành đai 2
T3-S08 Cầu Giấy
T3-S09 Kim Mã
Left arrow Yên Nghĩa T2A
T3-S10 Cát Linh
T3-S11 Văn Miếu
Left arrow Đường sắt Bắc Nam/Đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng Right arrow
T3-S12 Hà Nội Left arrow Ngọc Hồi – Yên Viên Right arrow T1

Tuyến 3: Trôi - Nhổn - Hoàng Mai (hay còn gọi là Tuyến Văn Miếu) là tuyến đường sắt đô thị đang được xây dựng và là một phần của hệ thống mạng lưới Đường sắt đô thị Hà Nội. Tuyến được chia làm 3 giai đoạn thi công:

  • Giai đoạn 1: Nhổn - Ga Hà Nội. Bắt đầu từ ga Nhổnquận Bắc Từ Liêm và kết thúc ở ga Hà Nội ở quận Hoàn Kiếm, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5 km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn–Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy –Ga Hà Nội) dài 4 km, depot đặt tại Nhổn.[6]
  • Giai đoạn 2: Ga Hà Nội - Hoàng Mai. Đi ngầm hoàn toàn với tổng chiều dài 8,786 km, với đoạn đi ngầm là 8,13 km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57 km và đoạn đi trên mặt đất dài 0,086 km. Đoạn tuyến có 7 ga ngầm với 2 ống hầm kép chạy song song theo đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh. Chi phí thực hiện dự án khoảng 40.577 tỷ đồng (tương đương 1,8 tỷ USD). Dự kiến đi vào hoạt động trước năm 2030 theo mục tiêu hoàn thiện mạng lưới metro của UBND TP Hà Nội.[7]
  • Giai đoạn 3: Nhổn - Sơn Tây. Dài 36 km cầu cạn trên cao, ước tính chi phí đầu tư thi công khoảng 73.300 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,88 tỷ USD). Dự kiến vận hành năm 2035.

Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai được đưa vào hoạt động tại Hà Nội sau Tuyến 2A (Tuyến Cát Linh).

Tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng bởi Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và được công ty SYSTRA của Pháp tư vấn thiết kế, bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2010. Dự kiến trong giai đoạn 1, đoạn trên cao sẽ được khai thác thương mại vào tháng 12 năm 2022, còn đoạn ngầm không thông tin thời gian hoàn thành.[8] Ngày 19 tháng 5 năm 2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có văn bản đề xuất UBND TP.Hà Nội lùi thời gian thực hiện dự án hoàn thành năm 2022 sang hoàn thành năm 2029, cụ thể vận hành thương mại đoạn trên cao trong năm 2022, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (thay vì cuối năm 2023 như tiến độ điều chỉnh cuối năm 2021); hoàn thành bảo hành và quyết toán năm 2029, đồng thời kiến nghị tăng tổng mức đầu tư thêm khoảng 202 triệu Euro.[9]

Vào ngày 8 tháng 8 năm 2024, đoạn trên cao (từ Nhổn đến Cầu Giấy) của tuyến đường sắt chính thức đưa vào khai thác thương mại.[10]

Với việc chậm tiến độ và liên tục lỡ hẹn ngày hoàn thành dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, tính đến tháng 9 năm 2022, tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng.[11]

Vốn

Dự án vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Chính phủ Pháp (DGT). Tổng số vốn đầu tư ước tính lên tới 1,2 tỷ USD. Sau đó, công trình tiếp tục đội vốn thêm gần 602 triệu Euro.

Tổng quan thiết kế

Trong giai đoạn 1, điểm đầu của Tuyến bắt đầu tại Nhổn, chạy dọc Quốc lộ 32, qua Cầu Diễn, theo đường Hồ Tùng Mậu, vượt trên qua đường Vành đai 3, Xuân Thủy, Cầu Giấy, vượt trên đường vành đai 2 đến trước công viên Thủ Lệ rẽ theo đường Kim Mã đến vị trí phó Nguyễn Văn Ngọc, tại điểm này, tuyến bắt đầu hạ ngầm, chạy theo đường Kim Mã, qua Cát Linh, Quốc Tử Giám, xuyên ngầm dưới ga Hà Nội và kết thúc tại đường Trần Hưng Đạo trước cửa Ga Hà Nội. Tuyến đi qua tổng cộng 12 ga, trong đó gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Depot giai đoạn 1 đặt tại Nhổn, có diện tích khoảng 15 ha (tại các phường Minh Khai & Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm). Tuyến metro số 3 được thiết kế phù hợp để kết nối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng (đường sắt quốc gia, xe buýt, buýt nhanh BRT, taxi) và các tuyến metro khác trong tương lai:

Đầu máy toa xe

Một đoàn tàu gồm 4 toa, với màu sắc đặc trưng, của tuyến 3, đường sắt đô thị Hà Nội
Buồng lái toa tàu tuyến 3 đường sắt đô thị Hà Nội

Tuyến 3 giai đoạn 1 sử dụng 10 đoàn tàu điện (EMU) mẫu Alstom Metropolis Urbalis 400. Vỏ tàu được làm bằng nhôm. Mỗi đoàn tàu có 4 toa gồm 2 toa động cơ có cabin, 1 toa động cơ và 1 toa đầu kéo, cấu hình Mc-M-T-Mc (về sau có thể kéo dài lên 5 toa), sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, tiếp điện áp thấp 750V DC từ ray thứ ba song song với đường ray bằng 1 bộ tiếp điện lắp dưới gầm tàu. Mỗi toa rộng 2,7 m, cao 3,69 m và dài 20 m gồm 8 cửa lên xuống, 4 cửa mỗi bên với chiều rộng cửa là 1,4 m. Trên tàu có đủ điều hòa, loa phát thanh, đèn LED tự động điều chỉnh độ sáng, hệ thống camera quan sát, tay nắm đứng bằng đai cao su mềm và nhiều trang bị khác. Bên trong có chỗ dành riêng cho xe lăn, chỗ cho người cao tuổi.[12] Các hàng ghế được làm bằng chất liệu composite, tăng sự thoải mái cho hành khách trong quá trình di chuyển. Mỗi đoàn tàu có khả năng chở từ 944 – 1124 người với mật độ 6,6 - 8 người/m², vận hành ở tốc độ thương mại khoảng 35 km/h và tốc độ thiết kế 80 km/h. Ngoại thất và nội thất đoàn tàu được thiết kế với chủ đề "Hành trình xanh". Phía ngoài tàu được sơn màu trắng, hồng, đen và xanh cốm, biểu trưng cho lá mạ và thanh long, cũng là màu đại diện cho nông sản Việt Nam,[13] đầu tàu được trang trí bằng biểu tượng Khuê Văn Các. Tàu chạy trên đường ray đôi loại B chuẩn châu Âu khổ 1,435 mm tiêu chuẩn.

Đoàn tàu đầu tiên trong tổng số 10 đoàn tàu đã được chuyển về Việt Nam vào tháng 10 năm 2020, đoàn tàu thứ 10 đã được chuyển về Việt Nam vào tháng 9 năm 2021.

Nhà ga

Đoạn trên cao

Tuyến 3, đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn trên cao đi qua đường Xuân Thủy, nhìn từ phía trên. Có thể thấy 3 ga, từ trái qua phải: Chùa Hà, Đại học Quốc gia, Lê Đức Thọ
Các tấm kính lợp trên mái nhà ga đoạn trên cao

Tổng chiều dài đoạn trên cao đoạn tuyến 3.1 (Nhổn - ga Hà Nội) là 8,5 km với 8 ga trên cao. Các ga trên cao cùng cầu cạn được nâng đỡ bằng hơn 400 các trụ hình chữ T thon gọn và 572 phiến dầm chữ U được đúc bằng bê tông cốt thép vững chắc dự ứng lực nằm trên dải phần cách của đường bộ có chiều dài 25m, rộng 5,5m, cao gần 2m và trọng lượng tổng thể lên tới 157 tấn. Một nhịp cầu có thể nâng được 2 dầm. Lợi ích của các dầm này là khả năng chống chịu tốt, tuổi thọ cao, chống ồn hay trật bánh tàu và chiều cao thấp nhằm giữ mỹ quan cho đô thị.

Các ga có thiết kế điển hình tương tự nhau gồm 3 tầng: Tầng mặt đất, tầng trung chuyển và tầng ke ga. Các nhà ga trên cao có chiều cao khoảng 22,5m; chiều rộng khoảng 24m, chiều dài hơn 110m và cách mặt đất khoảng 8m. Cấu trúc mái nhà ga được thiết kế theo ý tưởng "cánh chim hòa bình" hình chữ V, độ dốc lớn giúp mái có thể tự làm sạch khi mưa nhằm tránh lắng đọng và rò rỉ nước. Đồng thời, kết cấu trên còn giúp công việc vệ sinh và bảo trì đơn giản hơn, tiết kiệm chi phí và nhân công cho đơn vị bảo dưỡng. Các tấm kính lợp trên mái giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, có thể cản bức xạ nhiệt và chống tia cực tím (UV), giúp hành khách đứng đợi tàu trên khu vực ke ga không bị sốc nhiệt, say nắng hay mắc các bệnh về da.

Bên trong nhà ga được trang bị đầy đủ các thiết bị như: hệ thống thu soát vé tự động (AFC), bảng biển chỉ dẫn, màn hình thông tin, hệ thống PCCC, thang thoát hiểm,... đảm bảo an ninh an toàn tối đa cho hành khách. Bên ngoài nhà ga được lắp đặt các khe thông gió và trồng hoa giấy được tưới nước tự động, tạo sự thông thoáng và thẩm mỹ chung. Để lên xuống ga, hành khách di chuyển bằng 4 lối lên xuống qua cầu bộ hành, thang cuốn và thang máy nằm ở 2 bên hông. Riêng ga Cầu Giấy được trang bị 6 lối, tăng sự thuận tiện cho hành khách trung chuyển bằng xe buýt [14].

Đoạn ngầm

Đoạn ngầm của tuyến 3.1 có chiều dài tổng cộng 4 km với 4 nhà ga, bắt đầu từ điểm hạ ngầm trước ga Kim Mã và khách sạn Daewoo cho đến ga Hà Nội. Các ga nằm ở độ sâu khoảng hơn 10m dưới mặt đất, với thiết kế điển hình gồm 2 tầng: trung chuyển và ke ga. Riêng ga Hà Nội có 3 tầng: trung chuyển, kỹ thuật và ke ga do là điểm cuối của dự án. Kết nối các ga ngầm là 2 ống bê tông cho tàu chạy được đúc từ các vỏ hầm vạn năng gồm 6 miếng ghép lại, thi công bằng hai máy đào hầm TBM có tên "Thần Tốc" và "Táo Bạo" với đường kính ngoài 6,3 m; đường kính trong 5,7 m; rộng 1,5 m và dày 300 mm. Dự kiến đoạn ngầm của tuyến sẽ sử dụng 3488 vòng, bao gồm 120 vòng loại cốt thép nặng, 30 vòng được quan trắc và 3338 vòng loại cốt thép tiêu chuẩn. Khối lượng tấm vỏ hầm lớn nhất là 4 tấn. Khác với cấu trúc ke ga dạng bên của các ga trên cao, tất cả các ga ngầm sẽ sử dụng ke ga dạng đảo.

Danh sách nhà ga

Tuyến 3 giai đoạn 1 có tổng cộng 12 ga bao gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó có ga Phú Diễn, Kim Mã, Cát Linh, và Hà Nội là các ga trung chuyển. Ngoài ra các nhà ga trên cao được bố trí độ giãn cách từ 700 – 800 m ở gần các khu vực điểm dân cư, chợ giúp thuận tiện cho người dân đi lại.[15][16]

Số Tên ga Tuyến trung chuyển Khoảng

cách (m)

Tổng khoảng

cách (m)

Khu vực
Tiếng Việt Tiếng Anh Quận Phường
T3S01 Nhổn Nhon Buýt nhanh 20A, 29, 92, 117 0 0 Bắc Từ Liêm Minh Khai
T3S02 Minh Khai Minh Khai 1,129 1,129
T3S03 Phú Diễn Phu Dien Tuyến Bắc Hồng – Văn Điển
T6 Tuyến 6
T8 Tuyến 8
1,174 2,303 Phúc Diễn
T3S04 Cầu Diễn Cau Dien 0,831 3,134 Nam Từ Liêm Cầu Diễn
T3S05 Lê Đức Thọ Le Duc Tho 1,125 4,259 Cầu Giấy Mai Dịch
T3S06 Đại học Quốc gia National University 1,03 5,289 Dịch Vọng Hậu
T3S07 Chùa Hà Chua Ha 1,225 6,514 Dịch Vọng
T3S08 Cầu Giấy Cau Giay 1,165 7,679 Ba Đình Ngọc Khánh
T3S09 Kim Mã Kim Ma T5 Tuyến 5 1,198 8,877
T3S10 Cát Linh Cat Linh T2A Tuyến 2A 1,52 10,397 Đống Đa Cát Linh
T3S11 Văn Miếu Van Mieu 0,871 11,268 Văn Miếu – Quốc Tử Giám
T3S12 Hà Nội Ha Noi Tuyến Bắc - Nam
Tuyến Hà Nội - Hải Phòng
Tuyến Hà Nội – Đồng Đăng
Tuyến Hà Thái
Tuyến Hà Nội – Lào Cai
T1 Tuyến 1
0,701 11,969 Hoàn Kiếm Cửa Nam

Depot

Depot của đoạn tuyến 3.1 được đặt tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Depot có diện tích rộng hơn 15 ha, gồm bãi đỗ tàu có khả năng chứa hàng chục đoàn tàu 5 toa xe với 12 làn ray, nhà xưởng sửa chữa bảo dưỡng, khu vực vệ sinh tàu, các khu phụ trợ và trung tâm điều hành OCC.

Thi công

Một đoạn của tuyến đã được lao lắp dầm trên đường Cầu Diễn, năm 2016

Ban đầu, dự án dự kiến được khởi công vào năm 2006 và đưa vào hoạt động vào năm 2010. Tuy nhiên, sau đó dự án bị dừng triển khai và tiếp tục khởi động lại vào năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Sau đó, dự án thi công ì ạch, liên tục phải lùi ngày hoàn thành. Đến năm 2016, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội thông báo lại dự án phải tiếp tục lùi ngày hoàn thành về năm 2019. Đại diện các nhà thầu cam kết cố gắng đảm bảo tiến độ đề ra để tuyến Metro khai thác thương mại vào năm 2021, sau là 2022.

Theo tiến độ, tháng 1/2017 là hạn phải hoàn thành các hạng mục thi công đoạn đi trên cao, nhưng thời điểm tháng 11/2016 mới hoàn thành được khoảng 50% công việc, trong đó mới lao lắp dầm được khoảng 1 km, còn toàn bộ các nhà ga mới chỉ đổ xong phần cột trụ, đồng thời còn nhiều phần cột trụ đỡ vẫn chưa được hoàn thiện.

Đối với phần ga ngầm, hiện gói thầu đã được đấu thầu xong đầu năm 2016, song việc triển khai trong đó công việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn nên vẫn chưa khởi công được. Dự kiến đã khởi công cuối năm 2017. Thời gian thi công phần công trình ngầm ít nhất là 49 tháng.

Tính đến năm 2024, tiến độ tổng thể chung đạt gần 80% (đoạn trên cao đạt 100%; tiến độ đoạn ngầm 34,1%).[17]

Khe hở khi thi công hoàn thiện, năm 2024

Để thi công gói thầu: tuyến các ga ngầm, phần đường phía trên công trình tại khu vực thi công các nhà ga ngầm sẽ bị cấm toàn bộ để thi công - đào mở. Thời gian cấm đường khoảng 1 năm 6 tháng. Như ga Kim Mã (vị trí bến xe Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội), sẽ đóng cả đoạn đường Kim Mã từ nút giao với Đào Tấn tới cầu vượt Nguyễn Chí Thanh; ga Cát Linh, sẽ đóng đường Cát Linh từ ngã 5 Cát Linh - Giảng Võ tới nút giao Cát Linh - Trịnh Hoài Đức, ga Văn Miếu đóng đoạn phố Quốc Tử Giám đoạn từ phố Văn Miếu đến cuối phố Ngô Sĩ Liên; ga Hà Nội đóng đoạn phố Trần Hưng Đạo đoạn từ đường Lê Duẩn đến Dã Tượng.[18]

Ảnh hưởng đến người dân

Tham khảo

  1. ^ (Giai đoạn 1)
  2. ^ Điểm cuối là Ga Hà Nội (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi hoàn thành giai đoạn 1
  3. ^ 12 (Giai đoạn 1) sau khi hoàn thành giai đoạn 1
  4. ^ “French consortium to deliver Hanoi Metro Line 3”.
  5. ^ 12,5 km (7,8 mi) (Giai đoạn 1) và 57,29 km (35,60 mi) (Hoàn thành)
  6. ^ “Tuyến số 3”.
  7. ^ Trang, Ngọc (30 tháng 5 năm 2024). “Liên minh châu Âu tài trợ nghiên cứu đường sắt Ga Hà Nội - Hoàng Mai”. Báo Kinh tế đô thị - Đọc tin tức thời sự kinh tế 24h mới nhất. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2024.
  8. ^ “Metro Nhổn - ga Hà Nội chạy đoạn trên cao vào cuối năm 2022”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2021.
  9. ^ “Dự án 'rùa' Nhổn – ga Hà Nội: Lại xin tăng vốn, lùi tiến độ”. Báo điện tử Tiền Phong. 19 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2022.
  10. ^ Trí, Dân (8 tháng 8 năm 2024). “Metro Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu đón khách”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  11. ^ News, V. T. C. (17 tháng 9 năm 2022). “Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội phá vỡ 'kỷ lục' đội vốn, chậm tiến độ”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2022.
  12. ^ Việt Hùng; Trọng Đảng (ngày 18 tháng 1 năm 2017). “Năm 2021, Hà Nội có tàu điện ngầm”. Tiền Phong. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2017.
  13. ^ “Hanoi Reveals Train Designs for Metro Line 3, Seeks Public Feedback”. Urbanist Hanoi. ngày 8 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2018.
  14. ^ https://suckhoedoisong.vn (28 tháng 8 năm 2023). “Chiêm ngưỡng bên trong nhà ga Cầu Giấy tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội”. suckhoedoisong.vn. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2024.
  15. ^ Thiết kế tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội bị chê
  16. ^ “Bảng các ga Tuyến 3, vị trí, khoảng cách, và tiến độ xây dựng của chúng (trong bài Đề xuất cấp giấy phép môi trường cho metro Nhổn - ga Hà Nội)”. Báo Dân trí - ảnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp. 17 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2024.
  17. ^ “Tiến độ mới nhất của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội”. Báo điện tử Lao Động. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  18. ^ Dự án "rùa" thế kỷ - metro Nhổn - ga Hà Nội: Lại chậm tiến độ?

Liên kết ngoài

Strategi Solo vs Squad di Free Fire: Cara Menang Mudah!