Thượng nghị viện Việt Nam Cộng hòa là một trong hai viện của chính thể đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, được thành lập dựa trên hiến pháp năm 1967.
Lịch sử
Quốc hội Việt Nam Cộng hòa có hai thời kỳ rõ rệt dưới hai nền Cộng hòa 1955-1963 và 1967-1975. Giữa hai nền Cộng hòa là một thời gian quân quản dưới quyền của các tướng lãnh, chủ yếu là Hội đồng Quân nhân Cách mạng, Hội đồng Quân lực, và Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. Trong thời kỳ đó Quốc hội không hoạt động. Thời chính quyền Ngô Đình Diệm thì quốc hội chỉ bao gồm một viện, không chia hai viện nên đến tận sau năm 1967 thì mới tồn tại thượng viện.
Khóa đầu tiên Thượng viện năm 1967-1973 có 6 liên danh; mỗi liên danh là 10 người, tổng cộng là 60 nghị sĩ. Nguyễn Văn Huyền được bầu làm Chủ tịch Thượng viện.[1]
Cơ cấu
Thượng viện có 60 đại biểu, gọi là "nghị sĩ" do người dân đầu phiếu theo liên danh với nhiệm kỳ sáu năm. Mỗi liên danh là 10 người nên Thượng viện là sáu liên danh được nhiều phiếu nhất. Khác với dân biểu bên Hạ viện vốn phụ thuộc vào một địa phương, liên danh nghị sĩ là đại diện toàn quốc. Trụ sở Thượng viện là Hội trường Diên Hồng.[2] Tòa nhà này năm 2000 được dùng làm Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Thượng viện cuối cùng trước khi Việt Nam Cộng hòa tan vỡ gồm hai nhóm. Một nhóm thuộc nhiệm kỳ bầu lên năm 1970. Phân nửa kia thuộc nhiệm kỳ bầu lên năm 1973, tức là mỗi ba năm thì 30 trong 60 ghế Thượng viện phải ra tranh cử. Thượng viện có 11 ủy ban thường trực.
Tính đến năm 1974 Thượng viện có năm khối:[3]
Thượng viện Việt Nam Cộng hòa thập niên 1974 theo khối
- Khối Dân chủ, 22 nghị sĩ, thân chính phủ
- Khối Thống nhất, 17 nghị sĩ
- Khối Bông Huệ, 8 nghị sĩ, đối lập với chính phủ
- Khối Hoa Sen, 7 nghị sĩ, đối lập với chính phủ
- Khối không liên kết, 6 nghị sĩ
- ^ Hoàng Cơ Thụy. Việt sử khảo luận. Paris: Nam Á, 2002. tr 3396
- ^ Service de Presse du Sénat. tr 38
- ^ Service de Presse du Sénat. tr 37