Thiên long bát bộ (tiếng Trung: 天龍八部; bính âm: Tiān Lóng Bā Bù) là một bộ phim truyền hình cổ trangvõ hiệp của Trung Quốc đại lục được trình chiếu vào năm 2003, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kim Dung. Phim do hai đơn vị là Tập đoàn truyền hình quảng bá tỉnh Chiết Giang và Cửu Châu Âm Tượng hợp tác sản xuất, với các đạo diễn là Chu Hiểu Văn, Cúc Giác Lượng, Vu Mẫn và Triệu Tiễn, cùng Trương Kỷ Trung làm nhà sản xuất. Tác phẩm có sự tham gia diễn xuất của Cao Hổ, Hồ Quân, Lâm Chí Dĩnh, Lưu Diệc Phi, Lưu Đào và Trần Hảo. Giống như nhiều bản phim chuyển thể trước, tác phẩm được xây dựng dựa trên ấn bản thứ hai của nguyên tác tiểu thuyết (hay còn được biết là ấn bản thứ ba tại Trung Quốc đại lục). Nội dung phim xoay quanh ba nhân vật chính là Kiều Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc, do định mệnh sắp đặt mà họ trở thành anh em kết nghĩa. Sau khi trải qua nhiều gian nan và bi kịch, Kiều Phong phát hiện ra bí mật của đời mình và tự sát để ngăn quân đội nhà Liêu xâm lược nhà Tống. Sau khi Kiều Phong mất, Đoàn Dự trở về Đại Lý để thừa kế ngai vàng, còn Hư Trúc nhờ được nhiều cao thủ võ lâm dạy võ thì sau khi rời Thiếu Lâm, anh trở thành con rể của quốc vương Tây Hạ và làm trưởng môn phái Tiêu Dao.
Nhà văn Kim Dung, tác giả nguyên tác từng không hài lòng với những bản chuyển thể trước, ông miêu tả: "Xem những bộ phim này giống như xem con mình bị người ta đánh đập vậy". Ông vô cùng ấn tượng với các bộ phim Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử do đài CCTV làm, đặc biệt là các yếu tố "dã sử, hiện thực, có tình có nghĩa", vì thế muốn liên hệ với bộ phận liên quan đến bán bản quyền. Cuối cùng, ông bán bản quyền nguyên tác với giá 1 NDT,[15][16] làm dấy lên sự ngờ vực lớn. Ngay sau đó hãng phim đã liên hệ với "bậc thầy chuyển thể" Trương Kỷ Trung và yêu cầu ông gấp rút sắp xếp để sản xuất phim.[11]
Là bản chuyển thể đầu tiên của nguyên tác ở Trung Quốc đại lục, Thiên long bát bộ chính thức được bấm máy tại Thập Độ, Bắc Kinh vào ngày 27 tháng 8 năm 2002.[17] Sau khi phim bấm máy được một tháng, thì tổng đạo diễn Ngô Tử Lưu rút lui và người thay thế ông là Chu Hiểu Văn.[18] Kế đó phim được ghi hình liên tiếp ở Hoài Lai, Hà Bắc, Đảo Hoa Đào, Chiết Giang, Vĩnh Khang và nhiều nơi khác.[19][20] Sau 5 tháng, phim đóng máy ở Đại Lý, Vân Nam vào ngày 27 tháng 1 năm 2003.[21]
Cửu Châu Á Hoa (hay Cửu Châu Âm Tượng) - đơn vị sản xuất bộ phim đã chi ra hơn 100 triệu Nhân dân tệ để xây phim trường thực hiện tác phẩm. Tổng cộng phim quay được hơn 30.000 phân đoạn, huy động ba tổ máy gồm Chu Hiểu Văn phụ trách nội cảnh, đạo diễn Triệu Tiễn và chỉ đạo võ thuật Nguyên Khuê phụ trách khâu ngoại cảnh và kỹ xảo.[18]
Tuyển vai
Trước đó, Trương Kỷ Trung đã thực hiện dự án phim lớn Kiếm sĩ và gặp rắc rối với diễn viên Thiệu Binh sau khi anh này tiết lộ "bí mật của mình", làm ông phải dùng tới người đóng thế. Rút kinh nghiệm từ lần đó, ban đầu ông nhắm đến Đinh Hải Phong, người ông từng hợp tác trong Thủy hử. Tuy nhiên, vợ của Đinh bất ngờ đổ bệnh, làm Trương phải chuyển sang mục tiêu thứ hai là Lý Á Bằng (diễn viên chính trong Tiếu ngạo giang hồ), người mà ông xem như "con trai đỡ đầu". Anh là người vị tha, nhân hậu và dễ bảo, được xem là anh hùng trong mắt nhà làm phim họ Trương, và có cái khí chất "không nộ và không kiêu" của Kiều Phong. Song ở thời điểm quan trọng, Trương Kỷ Trung thấy Lý Á Bằng đã thể hiện "võ thuật" một lần, và dư vị của Lệnh Hồ Xung vẫn chưa dứt, lo rằng sẽ phát sinh đàm tiếu. Thế nên sau cùng, Trương đã nhắm vai cho Hồ Quân (một ứng viên khác cho vai Lệnh Hồ Xung) và lập tức giao vai khi nhìn thấy anh vận bộ trang phục của nhân vật.[11]
Sau Kiều Phong, Trương Kỷ Trung tiếp tục tìm kiếm các diễn viên đóng A Tử và A Châu. Về vai A Tử, có hai ứng viên là Chương Tử Di và Trần Hảo; Chương Tử Di nổi bật hơn nhờ nhiều người hâm mộ, có kinh nghiệm đóng phim cổ trang và đặc biệt là "có thể chiến đấu" trên màn ảnh, nên được xem là ứng viên số một. Tuy nhiên Trương lo ngại rằng lịch trình của cô quá dày đặc, nên sau cùng lựa chọn Trần Hảo, một "nữ thần không có đánh giá tiêu cực nào" để tiết kiệm thời gian và còn do ông "thiếu tự tin".[11]
Về vai A Châu, Trương Kỷ Trung đã có ba ứng viên nặng ký: Tưởng Cần Cần, Mã Y Lợi và Huỳnh Dịch. Cả ba người đều có tiềm năng lớn để giành được vai, song giới chuyên môn cho rằng họ đều thiếu chút gì đó để trở thành một "A Châu" thật sự. Một ngày nọ, giám đốc sản xuất Triệu Quảng Bân đi dạo phố, tạt qua một quầy báo thì bị trang bìa một cuốn tạp chí thu hút. Đó là một cô gái có gương mặt ưa nhìn và nhân hậu, có một đôi mắt đẹp cùng bím tóc dày và dài, thế là Triệu lập tức gọi cho Trương, ông lập tức bị thuyết phục rằng: Đây chính là A Châu mà ông mong chờ. Do không biết danh tính của mỹ nhân trên trang bìa, phải mất khá nhiều công sức mà Trương cùng các cộng sự mới có được số điện thoại của quản lý Lưu Đào, có được cái gật đầu của cô.[11]
Lâm Chí Dĩnh ban đầu không được xem là phù hợp cho vai Đoàn Dự. Ban đầu đoàn phim cho rằng kinh nghiệm diễn xuất của anh quá dày dặn, và lối diễn có phần "khuôn mẫu" của anh có vẻ không phù hợp. Khán giả thậm chí còn tiến cử Nhậm Tuyền (vai Công Tôn Sách trong Thiếu niên Bao Thanh Thiên) thử sức. Mặc dù tổ sản xuất đã nhắm đến một người trong Thiếu niên Bao Thanh Thiên, song đó không phải Nhậm Tuyền "mặt trắng", mà là Bao Chửng Lục Nghị "mặt đen". Bản thân Lục Nghị cũng muốn đóng vai này, song khi nhận được tin mình được giao vai Đoàn Dự, Lục Nghị (người từng từ chối vai Dương Khang và Lâm Bình Chi) quả quyết: "Hãy để tôi đóng vai Kiều Phong". Bất chấp sự thuyết phục của đoàn phim, Lục Nghị vẫn giữ lập trường của mình, và khi mà Hồ Quân đã thuộc lòng kịch bản còn Lục Nghị thì từ chối đóng Đoàn Dự, thì sau cùng hai bên đã không tìm được tiếng nói chung. Sau một vài cân nhắc, vai diễn đã về tay Lâm Chí Dĩnh.[11]
Ban đầu khi gia nhập đoàn phim, Lưu Đào còn có chút hứng thú với vai Vương Ngữ Yên, thậm chí cô đã được thử vai này. Lưu Đào rất phấn khích, song khi vận đồ nhân vật, dù ngoại hình vẫn đẹp, song lại thiếu gì đó "bay bổng" chút. Một hôm nọ vào tháng 7, một công ty môi giới ở Bắc Kinh tổ chức lễ khai trương, tại đây nhà sản xuất nổi tiếng Du Kiến Minh đã nhắc đến Lưu Diệc Phi, "một giai nhân phương Bắc từ ngoại quốc", ông cam đoan với người đứng đầu ê-kíp Thiên long: "Ngay khi bạn gặp cổ, những ngôi sao mà bạn biết sẽ bị lu mờ, chẳng còn sáng nữa." Tổ sản xuất thấy người mà đồng nghiệp giới thiệu cũng mới 15 tuổi, khá hợp với Vương Ngữ Yên nên hẹn cô thử vai. Khi Lưu Diệc Phi vận lên mình đầy đủ trang phục của Vương Ngữ Yên, tổ đạo diễn đã hoàn toàn bị thuyết phục và vai diễn đã thuộc về cô.[11]
Ngoài ra sau khi tuyển chọn các diễn viên như Tu Khánh vai Mộ Dung Phục, Thư Sướng vai Thiên Sơn Đồng Lão, Thân Quân Nghị vai Đinh Xuân Thu, Kế Xuân Hoa vai Đoàn Diên Khánh và Chung Lệ Đề vai Khang Mẫn, Trương Kỷ Trung đã có được những diễn viên tốt nhất cho Thiên long và bắt đầu bấm máy ghi hình.[11]
Ngày 11 tháng 12 năm 2003, bộ phim được phát sóng trên toàn quốc trên kênh Đời sống Kinh tế Đài truyền hình Chiết Giang.[23] Chiều 15 tháng 1 năm 2004, đoàn phim đã tổ chức buổi họp báo ra mắt bộ phim tại Bắc Kinh.[24] Ngày 15 tháng 11 năm 2004, phim được trình chiếu vào khung giờ vàng trên ba kênh truyền hình vệ tinh tỉnh Hồ Nam, Giang Tô và An Huy[25][26][27] (riêng trên kênh vệ tinh Sơn Đông phim lên sóng vào ngày 16 tháng 11).[28]
Sau khi được phát sóng, Thiên long bát bộ đã gây được tiếng vang lớn, đạt được tỷ suất người xem rất khả quan. Đây được xem là một trong những bộ phim vừa nổi tiếng nhất vừa gây tranh cãi nhất trong sự nghiệp của Trương Kỷ Trung. Bộ phim cũng được cha đẻ nguyên tác là Kim Dung khen hết lời: "Trong số phim truyền hình võ thuật của tôi, quay phim của Trương Kỷ Trung là đỉnh nhất."[11] Nhật báo The Paper nhận xét: "Trong số ấy [các bộ phim của Trương Kỷ Trung], Thiên long bát bộ là nổi tiếng nhất và đạt điểm số cao nhất. Phim đạt đến độ cân bằng về mọi mặt và nhận được sự tán dương nhất trí từ khán giả."[32] Theo một khảo sát 38.853 người dùng từ trang Sina Weibo, có tới 74,24% đánh giá phim hay, còn 17,22% cho rằng phim dở hoặc rất dở.[33] Mỗi tập phim được chào bán với giá từ 70.000 đến 80.000 NDT/tập.[23][34]
^ abcdefghi“看过97版《天龙八部》,再和张纪中版一比,差距就出来了” [Tôi đã xem 'Thiên long bát bộ' bản năm 97 và đem so sánh với bản của Trương Kỷ Trung thì thấy một khoảng cách lớn]. qq.com (bằng tiếng Trung). 11 tháng 9 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.
^Tống Tâm Nhụy, 宋心蕊; Triệu Tâm Hà, 赵光霞 (1 tháng 11 năm 2018). 金庸的商业版图:小说发行3亿册版税收入超千万 [Bản đồ thương nghiệp của Kim Dung: 300 triệu tập tiểu thuyết đã được phát hành và tiền bản quyền đã vượt quá 10 triệu]. Nhân Dân nhật báo. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2023.
^“《天龙八部》正式开机 老少帅哥大小美女全登场(图)” ['Thiên long bát bộ', tất cả nam nhân đẹp trai trẻ và lớn tuổi, các đại và tiểu mỹ nhân đều có mặt trên phim trường (ảnh)]. Thần Báo Bắc Kinh (bằng tiếng Trung). ngày 24 tháng 8 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2013.
^“张纪中难舍"射雕情结" 桃花岛入围《天龙》拍摄圈” [Trương Kỷ Trung miễn cưỡng từ bỏ 'Khu phức hợp Xạ Điêu', Đảo Hoa Đào lọt vào danh sách địa điểm ghi hình 'Thiên long']. Tân Lãng Ngu Nhạc (bằng tiếng Trung). ngày 13 tháng 8 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2014.
^“浙江新昌《天龙八部》片场点评” [Đánh giá phim trường 'Thiên long bát bộ' tại Tân Xương, Chiết Giang]. Tân Lãng Ngu Nhạc (bằng tiếng Trung). ngày 22 tháng 9 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2014.
^“《天龙八部》杀青” ['Thiên long bát bộ' đóng máy]. Báo Thanh niên Bắc Kinh (bằng tiếng Trung). ngày 27 tháng 1 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2014.
^“宽恕-王菲” ["Khoan thứ" - Vương Phi]. qq.com (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.
^ ab“《天龙八部》高价卖出"第一次" 首播一集七万” ['Thiên long bát bộ' bán được giá cao 'lần đầu' và tập đầu có giá trị 70.000 NDT]. Thời Báo Thanh Niên (bằng tiếng Trung). ngày 23 tháng 11 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2014.
^Vương Diễm Hồng (ngày 16 tháng 1 năm 2004). “《天龙八部》亮相北京 张纪中:网上居然没人骂我” ['Thiên long bát bộ' ra mắt tại Bắc Kinh, Trương Kỷ Trung: 'Chẳng có ai mắng tôi trên internet']. China News (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.
^“"天龙八部"登陆卫视 张纪中携主角前往湖南” ['Thiên long bát bộ' ra mắt trên truyền hình vệ tinh, Trương Kỷ Trung đưa nhân vật chính đến Hồ Nam]. Võng Dị Ngu Nhạc (bằng tiếng Trung). ngày 6 tháng 11 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2013.
^“看安徽卫视《天龙八部》免费畅游天龙八部影视城” [Xem 'Thiên long bát bộ' của Truyền hình An Huy và ghé thăm miễn phí phim trường 'Thiên long bát bộ']. Tân Lãng Ngu Nhạc (bằng tiếng Trung). ngày 12 tháng 11 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2014.
^“04年11月15日 星期一” [Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2004]. Thế Giới Kinh Lý Nhân (bằng tiếng Trung). ngày 15 tháng 11 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2014.
^“今日电视(11月16日)” [Truyền hình hôm nay (16 tháng 11)]. Thân Báo Ngu Nhạc Bắc Kinh (bằng tiếng Trung). ngày 16 tháng 11 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2014.
^“想当年丨张纪中版《天龙八部》:酒罢问君三语” [Nhìn lại bản 'Thiên long bát bộ' của Trương Kỷ Trung: Uống rượu rồi hỏi bạn ba từ]. The Paper (bằng tiếng Trung). ngày 21 tháng 5 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.
^“内地版电视剧《天龙八部》_影音娱乐” [Phiên bản truyền hình 'Thiên long bát bộ' của đại lục]. Sina (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.
^Mã Nhung Nhung (ngày 3 tháng 2 năm 2004). “《天龙八部》三人行” [Bộ ba của 'Thiên long bát bộ']. Tạp chí sinh hoạt Châu San (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.
Đọc thêm
“天龙八问全方位解密《天龙八部》” [Giải mã 'Thiên long bát bộ' một cách toàn diện] (bằng tiếng Trung). Dịch Văn Võng. 15 tháng 1 năm 2003. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.
An Ninh (2005). 《天龙八部》何以狂扫中国荧屏——中国当下电视剧创作随想 [Vì sao 'Thiên long bát bộ' càn quét màn ảnh Trung Quôc—Suy nghĩ về việc tạo dựng các bộ phim truyền hình Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Điện ảnh.