Hiến pháp Ireland năm 1937 quy định tên gọi chức vụ người đứng đầu chính phủ của Cộng hòa Ireland là taoiseach, trong tiếng Ireland có nghĩa là "thủ lĩnh" hoặc "lãnh đạo".[a] Đây là tên gọi chính thức của thủ tướng Ireland trong tiếng Anh và tiếng Ireland và không được dùng cho thủ tướng của các nước khác, những thủ tướng khác được gọi bằng príomh-aire trong tiếng Ireland.[e]
Tổng quan
Hiến pháp Ireland quy định thủ tướng được quá nửa số hạ nghị sĩ đề cử và được tổng thống chính thức bổ nhiệm.[4][5] Tổng thống không có quyền từ chối bổ nhiệm người được Hạ viện chỉ định nên có thể nói một cách không chính thức rằng thủ tướng được Hạ viện "bầu" ra.
Nếu thủ tướng mất tín nhiệm của Hạ viện thì thủ tướng phải từ chức hoặc đề nghị tổng thống giải tán Hạ viện và tổ chức cuộc bầu cử mới;[6] trong trường hợp tổng thống từ chối đề nghị của thủ tướng thì thủ tướng phải từ chức. Cho đến nay, chưa có tổng thống nào từ chối đề nghị giải tán Hạ viện của thủ tướng. Thủ tướng có thể bị Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm thất bại. Ngoài ra, Hạ viện có thể bác bỏ dự toán ngân sách nhà nước của chính phủ, luôn được coi là một vấn đề tín nhiệm.[f] Trong trường hợp thủ tướng từ chức thì thủ tướng tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi thủ tướng mới được bổ nhiệm.[8]
Thủ tướng đề cử các thành viên khác của Chính phủ để cho tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Hạ viện và có quyền đề nghị tổng thống miễn nhiệm các bộ trưởng.[9] Thủ tướng có quyền bổ nhiệm 11 thượng nghị sĩ của Thượng viện Ireland.[10]
Phủ Thủ tướng giúp thủ tướng thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng được những quốc vụ khanh tại Phủ Thủ tướng hỗ trợ, một trong số quốc vụ khanh phụ trách kỷ luật đảng.
Lương
Từ năm 2013, mức lương hàng năm của thủ tướng là 185.350 euro.[11] Khi Enda Kenny nhậm chức thủ tướng, mức lương bị cắt giảm từ 214.187 euro xuống còn 200.000 euro, trước khi tiếp tục bị cắt giảm xuống còn 185.350 euro theo Thỏa thuận đường Haddington vào năm 2013.
Nơi ở chính thức
Thủ tướng không có nơi ở chính thức. Năm 2008, có đồn đoán rằng Steward's Lodge tại nhà khách chính phủ Farmleigh giáp với Công viên Phoenix sẽ trở thành nơi ở chính thức của thủ tướng, nhưng chính phủ không có tuyên bố chính thức nào.[12] Ngôi nhà được nhà nước mua lại vào năm 1999 với giá 29,2 triệu euro như một phần của Farmleigh và được cải tạo với chi phí gần 600.000 euro vào năm 2005. Thủ tướng Brian Cowen thỉnh thoảng ở tại ngôi nhà,[13] và các thủ tướng Enda Kenny và Leo Varadkar trả 50 euro một đêm để dùng ngôi nhà nhằm tránh phải trả thuế lợi ích hiện vật nếu được nhà nước cho sử dụng miễn phí.[14]
Lịch sử
Nguồn gốc và tên gọi
Taoiseach và Tánaiste (phó thủ tướng) đều là từ tiếng Ireland có nguồn gốc cổ xưa. Từ Taoiseach được Hiến pháp Ireland quy định là "người đứng đầu chính phủ hoặc thủ tướng",[a] nhưng nghĩa đen của từ là 'thủ lĩnh' hoặc 'lãnh đạo'.[16]Éamon de Valera đề xuất Taoiseach làm tên gọi chức vụ người đứng đầu chính phủ vào năm 1937. Một số ý kiến cho rằng danh hiệu này giống như danh hiệu của những nhà độc tài phát xít đương thời, chẳng hạn như Führer (của Adolf Hitler), Duce (của Benito Mussolini) và Caudillo (của Francisco Franco).[17][18][19]Tánaiste có nghĩa đen là trữ quân trong hệ thống kế vị của người Gael.
Tranh luận về tên gọi
Khi dự thảo Hiến pháp năm 1937 đang được tranh luận tại Quốc hội, Frank MacDermot, một chính trị gia đối lập, kiến nghị thay thế Taoiseach bằng Prime Minister trong bản tiếng Anh của Hiến pháp trong khi giữ nguyên Taoiseach trong bản tiếng Ireland. Ông lập luận rằng không có lý do gì để dùng Taoiseach trong tiếng Anh trong khi hầu hết người dân sẽ phát âm sai tên gọi và nhiều người ở Bắc Ireland sẽ cảm thấy phản cảm về từ Taoiseach.[20]
Chủ tịch Hội đồng Hành chính Éamon de Valera định nghĩa thuật ngữ Taoiseach là "thủ lĩnh" và không ủng hộ đề xuất sửa đổi vì cho rằng từ Taoiseach không cần phải thay đổi. Kiến nghị sửa đổi bị bác bỏ và Taoiseach trở thành tên gọi chức danh người đứng đầu chính phủ khi dự thảo hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân vào năm 1937.[21]
Chức vụ hiện đại
Chức vụ thủ tướng hiện đại được thiết lập theo Hiến pháp Ireland năm 1937 và là chức vụ có quyền lực nhất của Cộng hòa Ireland, thay thế chức vụ chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước Tự do Ireland.
Chức vụ thủ tướng và chủ tịch Hội đồng Hành chính khác nhau về một số phương diện. Theo Hiến pháp Nhà nước Tự do Ireland, chủ tịch Hội đồng Hành chính không nắm nhiều quyền lực và chủ yếu chỉ có nhiệm vụ chủ trì Hội đồng Hành chính. Ví dụ: chủ tịch Hội đồng Hành chính không được tự ý miễn nhiệm một bộ trưởng mà toàn bộ Hội đồng Hành chính phải bị giải tán và cải tổ hoàn toàn. Chủ tịch Hội đồng Hành chính cũng không có quyền tự đề nghị toàn quyền giải tán Quốc hội mà phải thông qua Hội đồng Hành chính.
Ngược lại, thủ tướng có nhiều quyền hạn hơn nhiều. Thủ tướng có quyền đề nghị tổng thống miễn nhiệm bộ trưởng và giải tán Quốc hội mà tổng thống gần như luôn phải chấp hành đề nghị của thủ tướng.[g] Theo Hiến pháp Ireland năm 1937, thủ tướng là người đứng đầu chính phủ de jure. Ở hầu hết các nền dân chủ đại nghị khác, nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu chính phủ trên danh nghĩa, nhưng ở Ireland, quyền hành pháp được trao cho Chính phủ mà thủ tướng là người đứng đầu.
Vì thủ tướng là người đứng đầu chính phủ và có quyền tùy ý miễn nhiệm bộ trưởng nên nhiều quyền hạn được hiến pháp hoặc pháp luật quy định là do chính phủ thực hiện theo đa số, trên thực tế là tùy ý thủ tướng. Chính phủ gần như luôn ủng hộ thủ tướng và trong nhiều trường hợp chỉ hợp thức hóa quyết định của thủ tướng. Tuy nhiên, quy định chính phủ làm việc theo chế độ tập thể về mặt pháp lý là một cơ chế kiểm soát quyền lực của thủ tướng.
Danh sách thủ tướng Ireland
Trước khi Hiến pháp Ireland năm 1937 được ban hành, chức vụ người đứng đầu chính phủ của Ireland là chủ tịch Hội đồng Hành chính. Có chủ tịch Hội đồng Hành chính: W. T. Cosgrave của Cumann na nGaedheal từ năm 1922 đến năm 1932, và Éamon de Valera của Fianna Fáil từ năm 1932 đến năm 1937. Theo quy ước, Cosgrave được coi là thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Ireland[22][23][24][25] nên Micheál Martin là thủ tướng thứ 15.
^ abcdĐiểm 1 khoản 1 Điều 13 và điểm 1 khoản 5 Điều 28 Hiến pháp Ireland. Điểm 1 khoản 5 Điều 28 quy định: "Người đứng đầu Chính phủ, hoặc thủ tướng, sẽ được gọi và được Hiến pháp này quy định là Taoiseach."[15]
^Thủ tướng không có nơi ở chính thức mà mỗi thủ tướng sử dụng nhà riêng. Thủ tướng được sử dụng Nhà khách Chính phủ tại Steward's Lodge ở Công viên Phoenix cho các buổi lễ nhà nước chính thức
^McCarthy, John-Paul (10 tháng 1 năm 2010). “WT became the most ruthless of them all”. Irish Independent. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. While Taoiseach itself carried with it some initially unpleasant assonances with Caudillo, Fuhrer and Duce, all but one of the 12 men who wielded the prime ministerial sceptre have managed to keep their megalomaniacal tendencies in check.
^Quigley, Martin (1944). Great Gaels: Ireland at Peace in a World at War. tr. 18. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. Eamon de Valera is An Taoiseach or "boss Gael." That title goes considerably beyond the English "prime minister" or the American "president." It is the Gaelic equivalent of the German "Fuehrer," the Italian "Duce" and the Spanish "Caudillo." Published in New York, 1944 (publisher not identified); Original from University of Minnesota; Digitised 6 May 2016
^Administration – Volume 18. IPA. 1970. tr. 153. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. ... and let alone the names of the Prime Minister (the Taoiseach, a word that is related to Duce, Fuhrer, and Caudillo) (translated from the original Irish: ... agus fiú amháin ainmeacha [sic] an Phríomh-Aire (An Taoiseach, focal go bhfuil gaol aige le Duce, Fuhrer, agus Caudillo)Original from the University of California; Digitised 6 December 2006
^“Former Taoisigh”. Government of Ireland. tháng 11 2018. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 3 2020. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2020. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày= và |ngày lưu trữ= (trợ giúp)
O'Malley, Eoin (2012). “The Apex of Government: Cabinet and Taoiseach in operation”. Trong O'Malley, Eoin; MacCarthaigh, Muiris (biên tập). Governing Ireland: From cabinet government to delegated governance. Dublin: IPA..