Phan Huy Lê


Phan Huy Lê
Phan Huy Lê (trái) năm 2017
Sinh23 tháng 2 năm 1934
Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh
Mất23 tháng 6, 2018(2018-06-23) (84 tuổi)[1]
Bệnh viện Bạch Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội
Quốc tịch Việt Nam
Dân tộcKinh
Học vịGiáo sư, Nhà giáo Nhân dân
Trường lớpTrường Đại học Sư phạm Hà Nội
Nghề nghiệpNhà nghiên cứu Sử học
Nổi tiếng vìmột trong "tứ trụ" sử học Việt Nam (Lâm, Lê, Tấn, Vượng)
Chức vịChủ tịch Hội Sử học Việt Nam
Nhiệm kỳ1988 – 2018
Cha mẹPhan Huy Tùng (1878 – 1939)
Người thânPhan Huy Quát (anh cả, cùng cha khác mẹ)
Giải thưởngGiải thưởng Fukuoka (1996)[2]
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016

Phan Huy Lê (23 tháng 2 năm 193423 tháng 6 năm 2018) là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân và một trong những chuyên gia về lịch sử Việt Nam,[3] Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ Khóa II đến khóa VI (1990 – 2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016.[4] Ông là một trong "tứ trụ" của nền sử học Việt Nam (Lâm, Lê, Tấn, Vượng).

Tiểu sử và quá trình công tác

Ông sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là thành viên của dòng họ Phan Huy Lộc Hà. Thân sinh là Phan Huy Tùng (1878 – 1939, đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Quý Sửu –1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn, anh cả là cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Phan Huy Quát. Mẹ ông là bà Cao Thị Thâm, con gái thứ 6 của ông Cao Xuân Tiếu, người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.[5] Một "chi phái Phan Huy" năm 1787 đã ra ở làng Thụy Khuê xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, Hà Nội, với các danh nhân như Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư – nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.[6]

Năm 1952, ông học Dự bị Đại học ở Thanh Hóa. Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân Sử – Địa trường Đại học sư phạm Hà Nội, sau đó ông được nhận chức danh Trợ lý giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.[7]

Năm 1958, ông là chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại khi mới 24 tuổi. Năm 1988 đến nay, ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội Sử học Việt Nam. Năm 1988, ông sáng lập Trung tâm Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam (thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội), tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa, sau này là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.[8] Năm 1995, ông sáng lập Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.[9] Từ 2004-2009, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.[5]

Giáo sư Phan Huy Lê qua đời vào lúc 13 giờ 6 phút ngày 23 tháng 6 năm 2018 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi.[10]

Phong tặng

Giáo sư Phan Huy Lê (trái) ngày 20 tháng 3 năm 2017 tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
  • Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980) (nhưng không phải là lần phong hàm giáo sư theo Quyết định 162/CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 11 tháng 9 năm 1956 về việc phong hàm giáo sư cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).
  • Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996)[11].
  • Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm[12].
  • Năm 2011, ông được Báo Thể thao Văn hóa trao tặng giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội"[13].
  • Tháng 5/2011, ông được bầu làm viện sĩ thông tấn nước ngoài (Correspondant étranger[14]) của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp[15][16].
  • Năm 2014, ông được nhận Giải thưởng danh dự Pháp ngữ năm 2014  (Prix d'honneur de la Francophonie 2014) do nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) trao tặng[17]. Năm 2016, ông được Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) trao bằng Tiến sĩ danh dự[18].
  • Năm 2016, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học cho công trình Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận.
  • Năm 2017, ông được Viện Văn khắc và Mỹ văn Cộng hòa Pháp trao Huy chương vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội và những đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của Việt Nam.[19]
  • Năm 2017, Đại sứ quán Nhật Bản truy tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản cho GS. Phan Huy Lê vì Giáo sư Phan Huy Lê vì những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển của quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam[20].

Tác phẩm

  • Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tập II, Nhà xuất bản Giáo dục, 1960; tái bản 1962.
  • Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn. Nhà xuất bản Giáo dục, 1961.
  • Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (chủ biên). Tập III. Nhà xuất bản Giáo dục, 1960; tái bản 1965.
  • Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập (Chú thích về lịch sử và địa lý). Sử học, 1961.
  • Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng đất nước vào đầu thế kỉ XV (viết chung). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội,1965, tái bản: 1969.
  • Nguyễn Trãi toàn tập (Chú thích, bổ sung và sắp xếp lại phần"Quân trung từ mệnh tập và chiếu biểu triều Lê"). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1976.
  • Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (viết chung). Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1976.
  • Khởi nghĩa Lam Sơn (In lần thứ ba, có bổ sung và sửa chữa) (viết chung). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1977.
  • Lịch sử Việt Nam (14-6-1958), Tập 2 (Giáo trình Lịch sử Việt Nam), Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 1978.
  • Nguyễn Trãi (1380 – 1442) (viết chung). 1980.
  • L'itinéraire d'un historien britanique (viết chung). Le courier du Vietnam 1/1982.
  • Lịch sử Việt Nam, Tập I (viết chung). Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983; tái bản: 1985 và 1991.
  • Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay (chủ biên). Nhà xuất bản Sự thật, 1985.
  • Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (viết chung). Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1988.
  • Văn hoá Việt Nam tổng hợp: những bước đi của lịch sử Đại thắng Thăng Long xuân Kỉ Dậu (1789) (viết chung). VHVN, 1989.
  • Phan Huy Chú: Hải Trình chí lược / Récit sommaire d'un voyage en mer (1933) (do Phan Huy Lê, Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu). Cahier d'Archipel 25, Paris, 1994.
  • Địa bạ Hà Đông (Chủ trì). Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam xuất bản, 1995.
  • Thăng Long – Hà Nội (viết chung). Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995.
  • Gia tộc và gia phổ Việt Nam (tiếng Nhật) do S. Tsuboi biên tập, Nhật Bản, 1995.[21]
  • Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Tiếp cận bộ phận (2012)
  • Vùng đất Nam bộ - quá trình hình thành và phát triển, tác phẩm được tặng giải A giải thưởng sách quốc gia năm 2019.[22]

Hoạt động gây tranh cãi

Câu chuyện về Lê Văn Tám

Trong bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay số ra tháng 10 (năm 2009), giáo sư sử học Phan Huy Lê nói rằng ông đã được Giáo sư Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện sử học và cũng là Bộ trưởng Tuyên truyền hồi thập niên 1940 kể cho nghe nhân vật Lê Văn Tám là do ông Liệu dựng lên để cổ vũ tinh thần chiến đấu của người Việt. Ông Phan Huy Lê cũng nói rằng ông Trần Huy Liệu đã nói với ông và hai người khác trong một cuộc gặp: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. [23].

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lý Châu Hoàn, ngoài câu chuyện tự kể này thì ông Phan Huy Lê không đưa ra được bằng chứng xác thực cho sự phủ định nhân vật Lê Văn Tám mà ông nêu ra. Mặt khác, lời kể của Phan Huy Lê cũng bị chỉ ra là có mâu thuẫn lớn: ông Trần Huy Liệu làm bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong giai đoạn cuối 1945 – đầu 1946, khi đó ông Phan Huy Lê chỉ là một đứa trẻ chưa đầy 12 tuổi, không thể có chuyện ông Trần Huy Liệu lại tiếp đón ông Phan Huy Lê, gọi ông là "nhà sử học" và còn kể cho ông chuyện quan trọng như vậy. Ông Phan Huy Lê cũng đã nhầm lẫn giữa 2 trận đánh kho Thị Nghè (trận đánh kho của Lê Văn Tám diễn ra vào ngày 17/10/1945, còn trận đánh của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán diễn ra ngày 1/1/1946, đây là hai trận đánh khác nhau).

Ông Lý Châu Hoàn đã đăng bài phân tích, đưa ra các bằng chứng bác bỏ lời kể của ông Phan Huy Lê và chứng minh Lê Văn Tám là có thực, bao gồm các tài liệu thời kỳ đó cũng như lời kể của nhân chứng địa phương và đề nghị ông Phan Huy Lê đối chất.[24] Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thịnh còn tìm ra nhân chứng là ông Hồ Thanh Điền, từng là đội viên Thanh niên Tiền phong đoàn Trần Cao Vân, sau thuộc Chi đội 13 (tiền thân của trung đoàn 300), khẳng định Lê Văn Tám có thật: "Lúc đó đơn vị tôi đóng quân ở Trung Chánh. Ngay sớm hôm sau khi cháy kho xăng Thị Nghè, Nguyễn Thanh Hùng là chiến sĩ của tiểu đội tôi, nhà ở Đa Kao, chạy về báo tin: Thằng Tám trong xóm nhà tui là người đốt kho xăng hồi hôm đó!". Ông Phạm Văn Đông là đồng đội, nhà ở 22/3 Hồ Văn Đại, TP. Biên Hòa thường xuyên nghe ông Điền kể chuyện này.[25]

Thời đại Đồng thau

Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng bị phê phán là đã sai lầm khi dùng thuật ngữ thời đại đồng thau trong các sách của ông biên soạn, là quyển Giáo trình Lịch sử Việt Nam tập 1 (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.1991; các tác giả: Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh) [26]. Theo tác giả Lê Mạnh Chiến: Sai lầm này là một "công trình tập thể", trong đó có đóng góp to lớn của các GS Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê... Chính các ông đã rao giảng nó, truyền bá nó, tự hào về nó và ra sức bảo vệ nó.[27][28]

Tuy nhiên, về vấn đề này, Giáo sư Phan Huy Lê đã trả lời rõ ràng rằng: "Đây là thuật ngữ khảo cổ học do các nhà khảo cổ học đưa ra tương ứng với thuật ngữ "bronze age" trong tiếng Anh, từ những năm 1960. Tôi là một nhà sử học, không liên quan gì đến sự ra đời của thuật ngữ này. Đúng là thuật ngữ này được giới khảo cổ học sử dụng phố biến và khi khai thác các tư liệu khảo cổ học, người nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác, trong đó có tôi, cũng dùng theo." Ngược với các phê phán của Lê Mạnh Chiến, Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định mình "với tư cách Phó trưởng ban thứ nhất Ban biên soạn đã cùng GS Nguyễn Văn Chiển là Ủy viên Ban thường trực, mời đại diện tiểu ban Khảo cổ học lên làm việc và sau khi trao đổi, Tiểu ban đã chỉnh sửa lại thành mục từ "thời đại đồ đồng", trong đó có ghi chú "trước đây trong ngành khảo cổ học VN quen gọi là thời đại đồng thau" (TĐBKVN, T.IV, tr.262)".

Thực tế ghi chép trong Từ điển Bách khoa cho thấy Giáo sư Phan Huy Lê không phải là người cố tình sử dụng thuật ngữ "đồng thau" như Lê Mạnh Chiến phê phán, mà chính là người góp phần đính chính thuật ngữ "đồng thau" trong nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học.[29]

Nạn cống vải

Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trương Hữu Quýnh, Hoàng Văn Khoán, Ngô Đăng Tri, Nguyễn Xuân Đình, Đinh Văn Thiềm cũng bị phê phán về chủ đề gọi là Nạn cống vải của Mai Thúc Loan. Lê Mạnh Chiến cho rằng các nhà sử học hàng đầu, gồm cả những nhà nghiên cứu thuộc nhóm "Tứ trụ sử học" như Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn đã bịa đặt thông tin, không thực sự khảo cứu tài liệu gốc bằng chữ Hán và cho rằng: "Trong bài ấy, tôi đã chứng minh rằng, tám nhà sử học, trong đó có sáu giáo sư, ba người thuộc nhóm "tứ trụ" của giới sử học, đã bịa ra cứ liệu kể trên. Ngoài ra, các giáo sư này chưa từng biết Đường thư, Tân Đường thư, Cựu Đường thư là những sách gì. Họ chỉ biết vài đoạn của các sách đó qua bản dịch chép tay của các cụ nhà nho làm việc ở Viện Sử học hồi những năm 1960."[28]

Tuy nhiên, trong bài viết "Trả lời Lê Mạnh Chiến về nạn cống vải", Giáo sư Phan Huy Lê đã chứng minh trong các cuốn sách đề cập đến "nạn cống vải" là Lịch sử Việt Nam tập 1 hay Lịch sử Hà Tĩnh, ông không phải là người trực tiếp chấp bút về nạn cống vải, thể hiện qua phần mục lục tác giả trong sách. Ông khẳng định: "Trước cuộc hội thảo về "Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu" ngày 8 và 9 tháng 11 năm 2008, tôi chưa hề viết một bài báo hay một chương nào trong bất cứ cuốn sách nào về nạn cống vải."[29]

Trên thực tế, câu chuyện Mai Thúc Loan và nạn cống vải đã được đề cập ngay từ năm 1925 bởi tác giả Lê Thúc Thông trong chuyên đề "Nam sử liệt truyện khảo cứu" đăng trên Nam Phong tạp chí. Lê Thúc Thông đã viết: "Sách Ngoại thư lại có nói rằng: Ông Mai khởi quân chống nhà Đường thanh thế nhức động, vua Đường lo lắm, bèn tha cho nước ta khỏi lệ cống lệ chi (tức là quả vải), để trấn tĩnh nhân tâm". Đồng thời, Lê Thúc Thông cũng chép lại nội dung về nạn cống vải trong sách Bảo huấn chân kinh (lưu giữ tại đền thờ Mai Thúc Loan ở Nam Đàn), bài chầu văn tương truyền Mai Đại Đế (Thúc Loan) và Mai Thiếu Đế (Thúc Huy) ứng vào đồng tử làm thơ, trong đó có câu "lệ chi tuyệt cống Đường nhi hậu" và "Lệ chi vũ trạch thiên kha Việt".[30]

Chú thích

  1. ^ Ngọc Diệp (ngày 23 tháng 6 năm 2018). “Giáo sư sử học Phan Huy Lê vừa qua đời ở tuổi 84”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2018.
  2. ^ “PHAN Huy Le”. Fukuoka Prize. Truy cập 7 tháng 9 năm 2024.
  3. ^ Nhà sử học của nhân dân Lưu trữ 2013-01-01 tại Wayback Machine, Báo ảnh Việt Nam.
  4. ^ Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016 Lưu trữ 2016-08-12 tại Wayback Machine Hỏng.
  5. ^ a b Mừng Giáo sư, Viện sĩ Thông tấn-Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê Lưu trữ 2014-12-07 tại Wayback Machine, Đat Viet Online, 23/02/2014.
  6. ^ Theo gia phả và tài liệu còn lưu lại của dòng họ Phan Huy, tr. 160.
  7. ^ Hà Văn Thùy. Lời ai điếu cho một thời "tứ trụ" Lưu trữ 2019-05-29 tại Wayback Machine. khoahocnet, 18/07/2018. Truy cập 1/04/2019.
  8. ^ “20 năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành”.
  9. ^ “Khoa Đông phương học - những trưởng thành vượt bậc sau 20 năm phát triển”.[liên kết hỏng]
  10. ^ “Giáo sư sử học Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 84”., an táng tại Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội
  11. ^ https://web.archive.org/web/20160305132412/http://www.city.fukuoka.lg.jp/fu-a/en/culture_prizes/detail/33.html. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016. |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  12. ^ Huy chương Văn hóa- Giáo dục hạng 3, hạng thấp nhất tặng cho giáo sư trên 15 năm tuổi nghề
  13. ^ “Giáo sư Phan Huy Lê giành giải lớn vì tình yêu Hà Nội”.
  14. ^ Từ điển Dictionnaire Francais-Vietnamien của Ủy ban Khoa học xã hội do Lê Khả Kế chủ biên định nghĩa: "Correspondant: (nghĩa số 3) hội viên thông tấn. [Membre] Correspondant de l'Académie: viện sĩ thông tấn" (tr.328, bản in năm 1997).
  15. ^ “Trang thông tin cá nhân tại Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016.
  16. ^ “Danh sách các thành viên của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp”.
  17. ^ Giáo sư Phan Huy Lê được cộng đồng Pháp ngữ vinh danh. Dân Trí Online, 15/03/2014.
  18. ^ “Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp vinh danh nhà sử học Phan Huy Lê”.
  19. ^ “Viện Văn khắc và Mỹ văn Pháp vinh danh GS Phan Huy Lê”. Lao động. 21 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  20. ^ “Thông tin về Lễ truy tặng bằng khen trên trang web của Đại sứ quán Nhật Bản”.
  21. ^ “GS. Phan Huy Lê Trường ĐHKHXH&NV”. ussh.vnu.edu.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2014. Truy cập 16 tháng 5 năm 2015.
  22. ^ “Giá trị đồ sộ về lịch sử, văn hóa, chính trị của 'Vùng đất Nam Bộ'. Vietnamnet. 28 tháng 12 năm 2019.
  23. ^ “Tranh luận về Lê Văn Tám tiếp tục”. BBC. Truy cập 22 tháng 7 năm 2016.
  24. ^ Lý Châu Hoàn. Sự thật về "Đuốc sống" Lê Văn Tám ! Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 383. 12-2015.
  25. ^ Lại nói chuyện lịch sử Lưu trữ 2017-08-28 tại Wayback Machine. Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 23/12/2015.
  26. ^ Thế giới mới số 534, ra ngày 5/5/2003, Có hay không "thời đại đồng thau" ở nước ta
  27. ^ Đôi điều về nạn cống vải, báo Đại biểu nhân dân số 13 (2492) ngày 13.1.2011
  28. ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2019.
  29. ^ a b “Trả lời Lê Mạnh Chiến về Nạn cống vải”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 1 năm 2021. Truy cập 11 tháng 5 năm 2020.
  30. ^ Lê Thúc Thông (1925), "Nam sử liệt truyện khảo cứu (I)", Tạp chí Nam Phong.Q.17(100), tr.332-334.

Liên kết ngoài

Strategi Solo vs Squad di Free Fire: Cara Menang Mudah!