Thị trấn Nhân Thắng có diện tích là 8,18 km², dân số năm 2022 là 10.572 người,[1] mật độ dân số đạt 1.292 người/km².
Thị trấn Nhân Thắng là nơi giao nhau của và TL285, có sông Ngụ chảy qua.
Hành chính
Thị trấn Nhân Thắng có 7 khu phố (thôn):
Cầu Đào (làng Ngụ)
Cẩm Xá (làng Vối)
Hương Triện (làng Triện)
Khoái Khê (làng Khoai)
Lê Lợi (làng Lời)
Nhân Hữu (làng Đoàn)
Ngô Cương (làng Ngò)
Lịch sử
Vua Trần Nhân Tông khi đi qua vùng đất Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) có động lòng trước sắc đẹp của người con gái quê hương nên đã mời nàng tiến cung, phong làm phi, nhưng do bệnh mà không thể sinh long tử, Vương phi Đặng Thị Loan đã xin Vua Trần Nhân Tông cho hương. Trở lại quê nhà, Bà cùng dân mở chợ, dạy nghề. Chợ Ngụ ra đời từ đó.
Theo sách “Các tổng trấn xã danh bị lãm” soạn vào đầu thời Nguyễn:
Tổng Đại Lai có 4 xã: Nhân Hữu (làng Ngụ, làng Đoàn, làng Lời), Hương Triện, Ngô Cương, Cẩm Xá.
Tổng Xuân Lai có xã Khoái Khê.
Lỵ sở của huyện Gia Bình trước kia được đặt ở xã Bảo Khám. Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) chuyển về xã Đông Bình, năm Minh Mệnh thứ 19 (1938) chuyển đến xã Nhân Hữu, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) chuyển đến xã Khoái Khê tổng Xuân Lai, xung quanh đắp thành đất hình vuông, mỗi chiều dài 20 trượng, chu vu 80 trượng. Thành cao 7 thước, mặt rộng 4 tước, chân thành rộng 1 trượng 2 thước, bốn phía đều có hào rộng 1 trượng 2 thước, sâu 1 trượng. Thành mở 2 cửa tiền hậu. Huyện hạt phía Đông giáp huyện Chí Linh phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương, phía Tây giáp huyện Siêu Loại, phía Nam giáp huyện Lương Tài, phía Bắc giáp huyện Quế Dương. Đông Tây cách nhau 33 dặm 5 thước, Nam Bắc cách nhau 10 dặm 31 trượng 6 thước.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945: xã Nhân Hữu tách khỏi tổng Đại Lai, xã Hương Triện hợp nhất với xã Khoái Khê thành xã Hương Khê.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, đơn vị xã cũ được giữ nguyên. Xã Nhân Hữu và xã Hương Khê thuộc huyện Gia Bình.
Ngày 9 tháng 7 năm 1949, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I ban hành Quyết định số 422/1949/QĐ-UBKC[4]. Theo đó, xã Nhân Hữu hợp nhất với xã Hương Khê thành xã Nhân Thắng thuộc huyện Gia Bình.
Huyện lỵ Gia Bình đóng ở Khoái Khê (Nhân Thắng) đến khi sáp nhập với huyện Lương Tài (tháng 8/1950).
Tháng 8 năm 1950, huyện Gia Bình hợp nhất với huyện Lương Tài thành một huyện, lấy tên là huyện Gia Lương, Nhân Thắng là 1 xã thuộc huyện Gia Lương, huyện lỵ dời về thị trấn Thứa. Khi đó, Nhân Thắng là trung tâm kinh tế văn hóa, được coi là thị tứ của vùng kể từ đó.
Khi huyện Gia Bình tái lập, tuy có kinh tế phát triển hơn thị trấn Gia Bình nhưng thị tứ Ngụ không được chọn làm huyện lỵ vì không thuận tiện giao thông.
Ngày 18 tháng 9 năm 2018, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 1571/QĐ-UBND[2] về việc công nhận xã Nhân Thắng là đô thị loại V.
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1255/NQ-UBTVQH15[1] về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2024). Theo đó, thành lập thị trấn Nhân Thắng thuộc huyện Gia Bình trên cơ sở toàn bộ 8,18 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.572 người của xã Nhân Thắng.
Kinh tế - xã hội
Nhân Thắng nằm trong một khu vực đất phì nhiêu, xung quanh là những cánh đồng lúa vùng phù sa sông Đuống. Tháng 1 năm 2008, tại đây, Ủy ban nhân dân huyện Gia Bình phối hợp với Công ty TNHH xây dựng Hải Âu tổ chức khai trương chợ Ngụ mới.
Nhân Thắng đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị: Khánh thành Quảng trường Chiến thắng Cầu Đào năm 2021 và khánh thánh trung tâm thể thao Nhân Thắng năm 2021.
Y tế
Trạm y tế Nhân Thắng vừa được khánh thành năm 2016, đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Giai đoạn từ khi tách huyện - năm 1999 tới khi thành lập Thị trấn Gia Bình, Trạm Nhân Thắng là Bệnh viện Đa khoa Gia Bình.
Giáo dục
Trường THPT Gia Bình 1
Trung tâm GDTX và GDNN huyện Gia Bình
Trường THCS Nhân Thắng
Trường Tiểu học Nhân Thắng
Trường Mầm non Nhân Thắng và các điểm mẫu giáo.
Văn hóa - du lịch
Di tích
Cụm di tích Đền Cầu Đào - Đình Ngụ - Chùa Đại Phúc (Khu phố Cầu Đào)[7]