Nam trung tạp ngâm, gồm những bài thơ làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812, tức là từ khi được thăng hàm Đông các điện học sĩ ở Huế cho đến hết thời kỳ làm Cai bạ dinh Quảng Bình.
Tập thơ hiện có 40 bài, mở đầu tập là bài Phượng hoàng lộ thượng tảo hành (Trên đường Phượng Hoàng) và cuối tập là bài Đại tác cửu tư quy (Làm thay người đi thú lâu năm mong về).
Trích nhận xét
GS. Nguyễn Lộc viết:
"Nam trung tạp ngâm có tính chất nhật ký, bút ký của tác giả trong những năm tháng làm quan ấy. Về đề tài, chưa có gì mới so với tập thơ đầu. Những bài thơ trong tập thơ này vẫn là những tiếng thở dài của nhà thơ trước một thực trạng mà ông không thấy có gì gắn bó.
Trong một số bài, Nguyễn Du lại nói về sự nghèo túng, ốm đau của mình (Ngẫu đề, Thủy Liên đạo trung tảo hành...) hay nói một cách mỉa mai và bóng gió về thói hay chèn ép[2] của các quan lại (Ngẫu đắc, Điệu khuyển...). Trong một số bài khác, ông than thở việc ra làm quan là bị nhốt vào lồng củi, không tìm đâu được những ngày phóng khoáng tự do nữa (Tân thu ngẫu hứng, Tặng nhân, Vọng Thiên thai tự...). Trong một số bài khác nữa, ông vẫn cứ trở đi trở lại với cái tâm sự u uất, bế tắc của mình (Tạp ngâm, Thu chí, Giản Công bộ Thiêm sự Trần, Thu nhật ký hứng, Y nguyên vận ký Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên...)
Nói khác hơn, với nhà Nguyễn, ông được trọng vọng, mà trong thơ ông có cái gì như chán chường nhà Nguyễn. Và cũng giống như Thanh Hiên thi tập, trong Nam Trung tạp ngâm, chưa bao giờ Nguyễn Du nói rõ cái tâm sự thật của mình; rải rác đây đó, trong thơ chỉ thấy ông than thở cuộc đời là đáng buồn, đáng chán, là vô nghĩa, là bãi bể nương dâu...[3]
^Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nhà xuất bản Văn học, 1978, tr. 14
^Đại Nam chính biên liệt truyện chép: "Khi làm quan, ông thường bị quan trên quở trách, nên lấy làm uất ức, bực chí." (Dẫn lại theo Thơ chữ Hán Nguyễn Du, tr. 37)
^Theo Từ điển Văn học (bộ mới, nxb Thế giới, 2004, tr. 1122). Tên những bài thơ trong ngoặc, do người soạn căn cứ nội dung của chúng có in trong Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, sách đã dẫn, để ghi thêm.