Thiết kế của lớp La Galissonnière hình thành dựa trên sự cạnh tranh chạy đua vũ trang giữa Pháp và Ý, đối thủ tiềm năng chủ yếu của họ tại Địa Trung Hải. Với trọng lượng choán nước vào khoảng 7.000-9.000 tấn, dàn pháo chính bao gồm chín khẩu pháo 152 mm (6,0 in)/55 calibre bố trí trên ba tháp pháo ba nòng, vỏ giáp khá tốt và tốc độ tối đa lên đến 31–32 kn (57–59 km/h), lớp La Galissonnière tương đương hay vượt trội hơn ở nhiều khía cạnh so với các thế hệ của lớp tàu tuần dương Condottieri của Hải quân Ý, nhưng chỉ ngang bằng hay kém hơn so với các tàu tuần dương hạng nhẹ của Anh hay Đức đương thời.
Đối diện với thái độ ngày càng không minh bạch của Ý, vào tháng 4 năm 1940, hạm đội Pháp được tái tổ chức. Marseillaise cùng Hải đội Tuần dương 3 được gửi đến Bizerte trong thành phần Lực lượng Bắn phá để bảo vệ quyền lợi của Pháp tại Bắc Phi nếu như Ý tham chiến. Sau khi Pháp đầu hàng, nó quay trở về Toulon vào ngày 4 tháng 7 năm 1940. Do vụ Hạm đội Anh tiêu diệt Hạm đội Pháp tại Mers-el-Kebir vào tháng 6 năm 1940, Đức trì hoãn việc giải giáp hạm đội Pháp, và Marseillaise được đưa về một đơn vị gọi là Lực lượng Biển khơi mới thành lập; lực lượng này hầu như không đi ra biển do bị thiếu hụt nhiên liệu.
Sau khi phe Đồng Minh đổ bộ thành công lên Bắc Phi vào tháng 11 năm 1942, Đức xâm chiếm vùng tự do của Pháp và tìm cách chiếm các tàu chiến Pháp tại Toulon; do đó hầu hết các con tàu của Hạm đội Pháp còn lại tại Toulon đã bị đánh đắm vào ngày 27 tháng 11 năm 1942. Thuyền trưởng của Marseillaise ra lệnh đặt các khối thuốc nổ và mở các van chỉ một bên mạn của con tàu, bỏ qua mệnh lệnh đánh chìm con tàu ở tư thế cân bằng. Lính biệt kích Đức đã đến cạnh con tàu, bị từ chối không cho lên tàu, nhưng đã không gây áp lực mạnh. Họ chỉ đứng cạnh cầu cảng quan sát chiếc tàu tuần dương từ từ lật úp. Các sĩ quan cuối cùng bỏ tàu khi các khối chất nổ phá tung con tàu gây ra một đám cháy lớn. Các sĩ quan Pháp bị bắt giữ, và con tàu cháy trong 7 ngày.
Sau chiến tranh, xác tàu đắm của Marseillaise bị tháo dỡ trong các năm 1946-1947.