Gà chín cựa hay gà nhiều cựa là tên gọi chỉ về một giống gà tại Việt Nam với đặc trưng là có nhiều cựa. Loại gà này được nuôi xã Mẫu Sơn của huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn và vùng Thanh Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn của Phú Thọ. Gà chín cựa được nhắc đến trong truyền thuyếtSơn Tinh - Thủy Tinh như là một sính lễ mà Vua Hùng đòi hỏi để cầu hôn nàng Mỵ Nương cùng với voi chín ngà và ngựa chín hồng mao.[1] Việc nuôi loại gà này cho hiệu quả kinh tế cao.[2][3]
Đặc trưng
Giống gà chín cựa có kích cỡ nhỏ và nặng thông thường không quá 1,5kg. Mào gà đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Giống gà này còn có đôi mắt sáng quắc và không tỏ ra hoảng hốt ngay cả khi bị giữ chặt, chúng cũng có đặc điểm hiếu chiến và hung dữ.[4] Gà khi đủ lông đủ cánh, chúng bay như chim, bởi chân ngắn và sải cánh rất rộng,[5] gà trưởng thành có thân hình rắn chắc có năm màu ngũ hành đỏ son của mào, vàng rơm của chân, đen trắng xen xanh cánh trả của lông.[4] Giống gà này có khả năng kháng bệnh rất tốt,[2] chúng cũng rất khôn, có thể trông nhà thay chó[6] gà chín cựa thông minh tới mức có thể trông nhà khi chủ đi vắng, gà chín cựa cũng chỉ ăn ngô, ăn thóc như giống gà khác.[5]
Điểm đặc trưng của giống gà này là chúng có đặc điểm chân to, chắc và mọc đều 3, 4 cựa mỗi bên.[1] Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn rừng. Gà có đầy đủ chín cựa thì khá hiếm và rất quý, chủ yếu là gà bảy, tám cựa. Gà chín cựa từ khi còn nhỏ đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mỗi bên có thể mọc từ 3-4 cựa tùy vào thời gian gà trưởng thành. Trong cùng một lứa gà, không phải lúc nào cũng có thể nhân được giống gà chín cựa, có con chỉ có bảy hoặc tám cựa, có con không có cựa nào.[7] Gà nhiều cựa có hai dòng, mỗi chân có ba cựa hình tam giác gọi là lục đinh còn mỗi chân có năm cựa nhưng một cựa lép chính là giống chín cựa. Loại này cựa hình tròn chứ không phải tam giác.[4] Gà giống chín cựa đất thủy tổ là một con gà chọi chính cống với đặc điểm hiếu chiến và hung dữ. Tuy có chín cựa nhưng nó chưa đủ để thành một yêu quái trong truyền thuyết vì vóc dáng xấu, lông ngắn, chân chì.[8]
Nguồn gốc
Về nguồn gốc, nhìn chung chưa có thông tin chính thức về xuất xứ của giống gà này, có ý kiến cho rằng đây là giống gà rừng nhưng thông minh và thích gần gũi với con người nên về sống với con người từ xa xưa. Có ý kiến cho rằng giống gà này là gà nhà, được người Dao ở Xuân Sơn nuôi dưỡng như gia cầm, và là gà lai rừng thì nuôi bán tự nhiên. Vì sức vóc cũng như sự tinh anh đã khiến nó rất được coi trọng. Bản Cõi chính là nơi xuất hiện giống gà đầu tiên. Người ta thấy một con gà rừng khá lạ. Lông nó màu trắng toát, tiếng gáy gần giống gà nhà và bay như chim. Đặc biệt, chân giống gà này có 9 ngón, chen chúc trên khẩu chân ngắn và rất nhỏ. Sau đó chúng đạp mái với cánh gà nhà sau vườn và gà nhà ấp trứng nở ra giống gà có tám cựa, tuy chúng ăn khỏe nhưng lớn rất chậm, con nào con nấy chỉ đến khoảng 1,5 kg là dừng lại.[5]
Nuôi nhốt
Tại Lạng Sơn, gà chín cựa được người dân Mẫu Sơn nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, chủ yếu thả lên đồi cho chúng tự đào bới tìm giun, dế, sâu bọ làm thức ăn chính. Vì thế gà nuôi rất chậm lớn, trung bình phải từ 6 tháng trở lên mới được trên 1 kg thịt, con to có thể lên tới 3 kg nhưng phải nuôi từ 2 năm trở lên và cũng vì thế gà có chất lượng thịt thơm ngon như gà rừng. Thịt gà có mùi vị đặc biệt và rất thơm ngon, đậm đà,[6] Thịt thường được đặt trên mẹt tre hấp cách thủy, ăn cùng bánh dầy[1] đây là một đặc sản của Phú Thọ.[3]
Chính quyền địa phương đang tìm cách giúp người dân bảo tồn gà chín cựa. Nhiều bản thí điểm mô hình bảo tồn gà chín cựa. Các gia đình này sẽ được hỗ trợ tiền làm chuồng trại, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho gà để tăng gia sản xuất vừa có thể chắt lọc để bảo tồn nguồn gen quý. Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu gà chín cựa do tập đoàn Dabaco Việt Nam đầu tư với 63.000 con gà chín cựa các loại trong đó có một số được bán ra thị trường phục vụ Tết nguyên đán.[9]