Giải Grammy cho trình diễn giọng rock nữ xuất sắc nhất (tiếng Anh: Grammy Award for Best Female Rock Vocal Performance) là một hạng mục nằm trong giải Grammy - giải thưởng ra đời vào năm 1958 và có tên gọi đầu tiên là giải Gramophone.[1] Giải thưởng này được trao cho các tác phẩm âm nhạc (album hoặc bài hát) chứa phần thể hiện giọng hát của nghệ sĩ thu âm nữ thuộc thể loại nhạc rock. Mục đích ra đời của giải thưởng, cũng như một số hạng mục của giải Grammy do Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức thường niên là để "tôn vinh các cá nhân/tập thể có thành tựu nghệ thuật, kỹ thuật xuất sắc trong lĩnh vực thu âm, mà không xét đến doanh số bán album hay vị trí trên các bảng xếp hạng âm nhạc".[2]
Với tên gọi đầu tiên là giải Grammy cho trình diễn giọng rock - nữ xuất sắc nhất (Grammy Award for Best Rock Vocal Performance, Female) năm 1980, giải thưởng đầu tiên được trao cho Donna Summer. Bắt đầu từ lễ trao giải vào năm 1995, tên gọi của giải thưởng được đổi thành trình diễn giọng nữ xuất sắc nhất (Best Female Rock Vocal Performance). Tuy nhiên vào các năm 1988, 1992, 1994 và từ sau năm 2005, hạng mục này được hợp nhất với giải Grammy cho trình diễn giọng rock nam xuất sắc nhất, rồi trở thành hạng mục dành cho cả hai giới với tên gọi giải Grammy cho trình diễn giọng rock - độc tấu xuất sắc nhất (Grammy Award for Best Solo Rock Vocal Performance). Sau đó, hạng mục được đổi tên tiếp thành trình diễn giọng rock độc tấu xuất sắc nhất (Best Solo Rock Vocal Performance), bắt đầu vào năm 2005. Sự hợp nhất này đã bị chỉ trích, đặc biệt khi các nghệ sĩ nữ không được đề cử hạng mục độc tấu.[3] Viện hàn lâm chỉ ra lý do hợp nhất các hạng mục là vì thiếu các bản thu nhạc đủ điều kiện được đề cử ở hạng mục của nữ.[4] Khi mà giải thưởng không được tổ chức nữa từ sau lần hợp nhất hạng mục vào năm 2005, Viện hàn lâm đã đưa ra tuyên bố ngừng trao giải thưởng này.
Pat Benatar, Sheryl Crow và Tina Turner là những người nắm kỷ lục thắng cử nhiều nhất ở hạng mục này. Mỗi người đã có tới bốn lần chiến thắng. Melissa Etheridge và Alanis Morissette được trao giải hai lần cho mỗi người. Bài hát "There Goes the Neighborhood" của Crow đã nhận được hai lần đề cử: một đề cử cho phiên bản từ album The Globe Sessions vào năm 1999 (nhưng thua bài "Uninvited" của Morissette) và một đề cử cho bản diễn trực tiếp trích từ album Sheryl Crow and Friends: Live from Central Park - và đã thắng cử vào năm 2001. Kể từ khi ra đời, các nghệ sĩ người Mỹ đã được vinh danh nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, dù cho các nghệ sĩ Canada cũng có ba lần đoạt giải. Stevie Nicks nắm giữ kỷ lục nhiều đề cử nhất (năm lần) mà chưa thắng cử lần nào.
^“Grammy nominations”. The Baltimore Sun. Baltimore, Maryland: Tribune Company. 21 tháng 2 năm 1993. tr. 1. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2014.
^Campbell, Mary (7 tháng 1 năm 1998). “Grammys' dual Dylans”. Milwaukee Journal Sentinel. Journal Communications. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2010.