Georg I của Sachsen (tên khai sinh là Friedrich August Georg Ludwig Wilhelm Maximilian Karl Maria Nepomuk Baptist Xaver Cyriacus Romanus; 8 tháng 8 năm 1832 – 15 tháng 10 năm 1904) là một vị vua nhà Wettin của Sachsen, trị vì từ năm 1902 đến khi băng hà vào năm 1904. Ông từng tham gia chỉ huy các lực lượng Đức trong cuộc chiến tranh với Pháp (1870 – 1871), và đã chứng tỏ tài thao lược của mình trong cuộc chiến, đặc biệt là trong các trận đánh lớn tại St. Privat và Beaumont[1].
Tiểu sử
Georg sinh năm 1832, là con trai thứ ba của vua Johann I của Sachsen và Amalie Auguste của Bayern. Thời thơ ấu, Georg đã được nhận một nền giáo dục chặt chẽ về khoa học và quân sự, và vào năm 1846, ông gia nhập quân ngũ với cương vị là một trung úy pháo binh. Trong khoảng 6 tháng từ năm 1849 cho đến năm 1850, ông đã tham dự các bài giảng ở Đại học Bonn, và sớm trở lại phục vụ quân ngũ – việc mà ông đặc biệt ưa chuộng. Từ năm 1855 cho đến khi lên kế ngôi, ông là chủ tịch của Hiệp hội Cổ đại Vương quốc Sachsen (Sächsischen Altertumsvereins), tổ chức đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn các di tích lịch sử cổ đại.
Vào ngày 11 tháng 5 năm 1859, tại điện Belém, Lisbon, Georg kết hôn với Vương nữ Maria Ana của Bồ Đào Nha (1843 – 1884), người con gái lớn nhất còn sống của Nữ vương Maria II của Bồ Đào Nha (1819 – 1853) và Fernando II (1816 – 1885). Ferdinand nguyên là một vương thân nhà Sachsen-Coburg-Gotha-Kohary, và qua đó ông là một người bà con Công giáo Sachsen của Georg.
Trong cuộc Chiến tranh Bảy tuần năm 1866, ông phục vụ dưới quyền chỉ huy của anh mình là Thái tử Albert, với cương vị là chỉ huy Lữ đoàn Kỵ binh số 1 của quân đội Sachsen. Trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức (1870 – 1871), ông ban đầu chỉ huy Sư đoàn Bộ binh số 23 (số 1 của Vương quốc Sachsen), vàđã thể hiện khả năng của mình khi trực tiếp chỉ huy sư đoàn tấn công St. Privat vào ngày 18 tháng 8 năm 1870. Kể từ ngày 19 tháng 8 năm 1870, sau khi vương huynh Albert của ông nhậm chức Tổng tư lệnh của Tập đoàn quân Maas, ông trở thành chỉ huy của toàn bộ Quân đoàn XII của Đức, hay Quân đoàn Sachsen. Tên tuổi ông gắn liền với cuộc chiến, trong đó ông không chỉ chứng tỏ tài nghệ quân sự của mình mà còn cho thấy khả năng liên lạc nhanh chóng của ông với các binh tướng dưới quyền mình[1]. Dưới sự chỉ huy của ông, Quân đoàn XII đã tham chiến thành công trong trận đánh quyết định ở Sedan và trong cuộc vây hãm Paris. Sau trận Villiers, ông đã được vua Phổ Wilhelm I phong tặng Huân chương Quân công vào cuối năm 1870. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, ông lại được giao quyền chỉ huy Sư đoàn số 23 trong khi Albert trở lại thống lĩnh Quân đoàn XII. Vào ngày 18 tháng 1 năm 1871, ông đã tham dự lễ tấn phong làm vị hoàng đế đầu tiên của nước Đức thống nhất tại điện Versailles, Pháp.[2][3]
Sau khi vua cha Johann mất vào ngày 29 tháng 10 năm 1873, Albert lên nối nghiệp. Tân vương bổ nhiệm em mình là Georg làm Tư lệnh Quân đoàn XII của Đức, nói cách khác là Tổng tư lệnh quân đội Sachsen vào ngày 9 tháng 11. Georg giữ chức vụ này cho đến ngày 29 tháng 3 năm 1900. Vào năm 1888, ông trở thành người Sachsen thứ hai được phong cấp bậc Thống chế của Đế quốc Đức. Do vua anh Albert không có con, vào ngày 19 tháng 6 năm 1902, sau khi Albert băng hà, Georg lên nối ngôi khi đã gần 70 tuổi. Thời trị vì ngắn ngủi của ông cho thấy những khó khăn về tài chính của vương quốc, và đồng thời bản tính thô cộc, giáo điều của nhà vua đã khiến cho ông không được dân chúng ưa chuộng như tiên vương Albert và con của Georg là Friedrich August III về sau này.
Sự kiện nổi bật nhất dưới triều vua Georg là cuộc trốn chạy của Thái tử phi Luise vào tháng 12 năm 1902.[4] Luise đã kết hôn với Friedrich August từ năm 1891, và ngay từ đầu cuộc hôn nhân bà đã nảy sinh mâu thuẫn với nhạc phụ nóng tính và giáo điều của mình. Năm 1902, vua Georg đe dọa giam Luise vào trại tâm thần, và trong khi đang mang thai người con thứ sáu của mình là Anna Monika Pia, bà đã trốn chạy sang Thụy Sĩ cùng với một giáo viên người Pháp 23 tuổi của các con mình là André Giron. Vụ việc này đã thu hút dư luận trên toàn châu Âu và phần lớn công chúng Sachsen đứng về phía vị Thái tử phi. Vào năm 1903, vua Georg ra sắc chỉ ly hôn Luise với con trai mình, mặc dù Hoàng đế Áo-Hung không chấp thuận cuộc ly hôn này.[5] Anna Monika Pia sinh vào ngày 4 tháng 5 năm 1903 tại Lindau, Bayern, và sau khi Thái tử ly hôn với Luise, nhà vua phong bà làm Nữ Bá tước Montignoso vì lợi ích của những người con của Thái tử.[6][7][8] Sau 2 năm tại ngôi, vào ngày 15 tháng 10 năm 1904, vua Georg tạ thế ở lâu đài Pillnitz gần kinh thành Dresden,[9] và con trai ông là Friedrich August III lên nối nghiệp.
Phong tặng và vinh danh
Con cái
Tổ tiên
Tổ tiên của Georg I của Sachsen
|
|
Xem thêm
Chú thích
- ^ a b The Encyclopædia britannica: A new survey of universal knowledge..., trang 10
- ^ Dr. Theodor Toeche-Mittler: Die Kaiserproklamation in Versailles am 18. Januar 1871 mit einem Verzeichniß der Festtheilnehmer, Ernst Siegfried Mittler und Sohn, Berlin 1896
- ^ H. Schnaebeli: Fotoaufnahmen der Kaiserproklamation in Versailles, Berlin 1871
- ^ Saxony, Germany
- ^ Henry William Fischer (1912). Secret memoirs: the court of royal Saxony, 1891-1902. The story of Louise, crown princess, from the pages of her diary, lost at the time of her elopement from Dresden with M. André ("Richard") Giron. Fischer's Foreign Letters. tr. xxiii.
- ^ Friedrich August III
- ^ Timothy Cheek, Rusalka: A Performance Guide with Translations and Pronunciation, trang 73
- ^ Olga S. Opfell, Royalty Who Wait: The 21 Heads of Formerly Regnant Houses of Europe, trang 106
- ^ Messenger, Tập 42, trang 705
- ^ Hof- und Staatshandbuch des Königreichs Württemberg 1901, Seite 73
Tham khảo
- W. Fellmann: Sachsens Könige 1806-1918. Koehler&Amelang, München u. Berlin 2000, ISBN 3-7338-0233-0
- O. Posse: Die Wettiner. Genealogie des Gesamthauses. Zentralantiquariat Leipzig 1994, ISBN 3-7463-0171-8 (Nachdruck der Originalausgabe von 1897 mit Berichtigungen und Ergänzungen)
- Albert Herzog zu Sachsen: Die Wettiner in Lebensbildern. Styria-Verlag Graz/Wien/Köln 1995. ISBN 3-222-12301-2
- Konrad Sturmhoefel: Zu König Georgs Gedächtnis. Ein Abriß seines Lebens. Baensch, Dresden 1905.
- Luise von Toscana: Mein Leben, Dresden 1991. ISBN 3-364-00225-8.
- Hans Körner: Georg, König von Sachsen Lưu trữ 2016-03-05 tại Wayback Machine. In: Neue Deutsche Biographie (NDB). Band 6, Duncker & Humblot, Berlin 1964, ISBN 3-428-00187-7, S. 227 f. (Digitalisat).
- Hugh Chisholm, The Encyclopædia britannica: a dictionary of arts, sciences, literature and general information, Tập 11, The Encyclopædia Britannica Company, 1910.
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về
Georg (Sachsen).