Dụ ngôn Người làm công trong vườn nho

Người làm công trong vườn nho
tranh gỗ của Jacob Willemszoon de Wet, thế kỷ 17

Người làm công trong Vườn nho là một dụ ngôn của Chúa Giê-xu được ký thuật trong Phúc âm Matthew. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-xu cho biết bất cứ người làm công nào chấp nhận lời đề nghị vào Vườn Nho, dù là ở những thời khắc cuối cùng trong ngày, cũng sẽ nhận lãnh phần thưởng ngang bằng những người đã trung tín làm việc trong thời gian lâu hơn. Dụ ngôn này thường vẫn được hiểu là không có sự phân biệt giữa những người đã chịu lễ báp têm (rửa tội) sớm trong đời mình với những người chỉ nhận thánh lễ trong những ngày cuối đời. Tuy nhiên, chuyện kể này của Chúa Giê-xu nên được hiểu như một sự gợi mở tâm trí dẫn đến những điều sâu nhiệm hơn là những chi tiết trên bề mặt câu chuyện.

Dụ ngôn

Vả, nước thiên đàng giống như người chủ nhà kia, tảng sáng đi ra để mướn người làm công cho vườn nho mình. Khi người chủ đã định giá với người làm công, mỗi ngày một đơ-ni-ê, thì sai họ vào vườn nho mình. Ước chừng giờ thứ ba, người chủ lại ra, thấy những kẻ khác rảnh việc đứng trong chợ, thì nói cùng họ rằng: Các ngươi hãy đi vào vườn nho ta, và ta sẽ trả tiền công phải cho. Họ liền đi. Ước chừng giờ thứ sáu và giờ thứ chín, người chủ lại ra, cũng làm như vậy. Ước chừng giờ thứ mười một, chủ ra, lại thấy những kẻ khác đứng trong chợ, thì hỏi rằng: Sao các ngươi đứng đây cả ngày không làm gì hết! Họ trả lời rằng: Vì không ai mướn chúng tôi. Người chủ nói với họ rằng: Các ngươi cũng hãy vào đi trong vườn nho ta.

Đến tối, chủ vườn nho nói với người giữ việc rằng: Hãy gọi những người làm công mà trả tiền công cho họ, khởi từ người rốt cho đến người đầu. Những người làm công mướn từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đơ-ni-ê. Rồi tới phiên những người đầu đến, tưởng lãnh được nhiều hơn; song họ cũng lãnh mỗi người một đơ-ni-ê. Khi lãnh rồi, lằm bằm cùng chủ nhà, mà rằng: Những người rốt ấy chỉ làm một giờ, mà chủ đãi cũng như chúng tôi, là kẻ đã chịu mệt nhọc cả ngày và giang nắng. Song chủ trả lời cho một người trong bọn họ rằng: Bạn ơi, ta không xử tệ với ngươi đâu; ngươi há chẳng định cùng ta một đơ-ni-ê sao? Hãy lấy của ngươi mà đi đi; ta muốn trả cho kẻ rốt này bằng như đã trả cho ngươi vậy. Ta há không có phép dùng của cải ta theo ý muốn ta sao? Hay là ngươi thấy ta ở tử tế mà lấy mắt ganh sao? Đó, những kẻ rốt sẽ nên đầu và kẻ đầu sẽ nên rốt là như vậy.

Phúc âm Matthew 20:1-15 (KTTV 1934)

.

Luận giải

Đơ-ni-ê là đồng tiền đúc bằng bạc được sử dụng trong thời Đế quốc La Mã.[1] Giờ làm việc bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, như vậy giờ thứ mười một là khoảng 4 hoặc 5 giờ chiều.[2] Người làm công đa phần là người nghèo nhận những công việc thời vụ trong mùa thu hoạch, họ cần tiền để đắp đổi qua ngày.[1][2] Cựu Ước cũng khuyên dạy những người thuê mướn họ:

Không được ức hiếp người làm thuê nghèo khó và bần cùng, dù người đó là anh em mình hay là ngoại kiều tạm cư trong xứ và trong thành của anh em. Phải thanh toán tiền công cho người ấy mỗi ngày, trước khi mặt trời lặn, vì người ấy vốn nghèo khó chỉ còn biết trông chờ vào đó. Nếu không, người ấy sẽ kêu van Đức Giê-hô-va về anh em và anh em phải mắc tội.

— Phục truyền luật lệ ký 24: 14 – 15

Câu chuyện lấy bối cảnh trong cuộc sống hằng ngày nhưng ngụ ý về Vương quốc Thiên đàng. Vườn nho biểu trưng cho hội thánh, chủ vườn là Chúa. Những người làm công biểu trưng cho những người đáp lời kêu gọi của Chúa, thời gian trong ngày là đời người, và tiền công là sự sống vĩnh cửu. Sự kêu gọi đến với mỗi người vào những thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời. Một số đáp lời sớm, một số trễ hơn, và số khác chỉ đáp lời lúc cuối đời. Nhưng bất cứ ai chấp nhận lời mời đều sẽ được hưởng sự sống đời đời.

Thông điệp của dụ ngôn này thật rõ ràng. Trong khi chúng ta vẫn mặc định rằng người làm việc khó nhọc hơn xứng đáng với tiền công lớn hơn, thì người chủ vườn nho hành động ngược lại; do đó một số người xem đó là không công bằng. Nhưng chủ vườn bảo với họ rằng không ai bị xử tệ cả, bởi vì họ đã đồng ý với chủ vườn về số tiền họ sẽ nhận cho ngày làm việc của họ (một đơ-ni-ê cho một ngày công là tiền lương khá hậu hĩnh vào thời đó). Ông cũng bảo cho họ biết ông đang sử dụng tài sản của ông theo ý ông muốn. Luật lệ trên Vương quốc Thiên đàng là do Thiên Chúa thiết lập: sự cứu rỗi dành cho loài người hoàn toàn phụ thuộc vào ân điển của Ngài, không do công đức hoặc nỗ lực hoặc nếp sống khổ hạnh của bất cứ ai, bởi vì không ai có thể đáp ứng những chuẩn mực đạo đức của đấng chí thánh.[1][2][3]

Ai là người làm công được nhận vào giờ thứ mười một? Có thể là những người tiếp nhận ân điển lúc lâm chung, cũng có thể là những kẻ bị rẻ rúng dưới mắt những tín đồ lâu năm luôn sốt sắng trong các bổn phận tôn giáo. Nhưng chớ vội vàng kết luận. Trong ý nghĩa sâu xa hơn, tất cả chúng ta đều là người làm công giờ thứ mười một, và chúng ta đều được Chúa mời vào vương quốc của ngài cách vinh dự. Vì vậy, không cần phải đoán định ai là người làm công giờ thứ mười một. Thông điệp của dụ ngôn là chúng ta được cứu rỗi chỉ bởi ân điển của Thiên Chúa, không bởi những gì chúng ta có.[4]

Phản ứng của một vài người trong số những người làm công trong vườn nho đối với điều họ cho là bất công, biểu trưng cho sự tự mãn thuộc linh thường dễ nhận thấy trong vòng những tín hữu lâu năm. Họ tin rằng phần thưởng dành cho họ phải tương xứng với thời gian họ phụng sự Thiên Chúa. Đó là kết quả của cách suy nghĩ cho rằng sự cứu rỗi đến từ công đức, và đó là điều mà dụ ngôn này muốn bác bỏ.

Chú thích

  1. ^ a b c R. T. France, The Gospel of Matthew, Eerdmans, 2007, ISBN 0-8028-2501-X, pp. 746-752.
  2. ^ a b c Craig S. Keener, A Commentary on the Gospel of Matthew, Eerdmans, 1999, ISBN 0-8028-3821-9, pp. 481-484.
  3. ^ Ê-sai 64: 6a, “Mọi việc công chính của chúng con chỉ như miếng giẻ bẩn thỉu.
  4. ^ Arland J. Hultgren, The Parables of Jesus: A Commentary,Eerdmans, 2002, ISBN 0-8028-6077-X, p. 43.

Tham khảo

Xem thêm

Strategi Solo vs Squad di Free Fire: Cara Menang Mudah!