Bão Nangka hay bão số 7 tại Việt Nam và áp thấp nhiệt đới Nika tại Philippines là một cơn bão trái mùa đổ bộ vào khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ vào giữa tháng 10 năm 2020, khi mà miền Trung Việt Nam đang phải hứng chịu trận mưa lũ, ngập lụt lịch sử nhiều ngày kể từ đầu tháng 10, do tác động của tổ hợp các hình thế là xoáy thuận nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới và không khí lạnh: sâu xa hơn do ảnh hưởng của pha lạnh La Nina. Cơn bão cũng đã có những tác động đến các quốc gia như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar và Philippines.
Diễn biến bão
Sau bão số 6 (Linfa) vào Quảng Ngãi, tối 11 tháng 10 một áp thấp nhiệt đới khác hình thành ở phía Tây đảo Luzon (Philippines).[1] Ngày 12 tháng 10 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão có tên quốc tế là Nangka, Việt Nam gọi là bão số 7.[2][3] Lúc 7 giờ sáng ngày 13 tháng 10 có vị trí tâm bão ở 18,4 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 220 km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.[4] Tối cùng ngày, bão đã đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc).[5] Đêm 13 rạng sáng 14 tháng 10, bão số 7 vào Vịnh Bắc Bộ và bắt đầu suy yếu.[6] Chiều ngày 14 tháng 10, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa; chiều tối cùng ngày, áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá với cường độ cấp 6-7, trong đó tâm áp thấp nhiệt đới được xác định đã đi qua xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (vùng Bãi Ngang, cực Nam của tỉnh Ninh Bình) và đảo Cồn Nổi thuộc huyện Kim Sơn - Ninh Bình vào khoảng 17 giờ 30 phút; sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền các tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.[7][8][9][10][11] Trước đó khoảng 4-5 tiếng đồng hồ, Cơ quan khí tượng Nhật Bản và Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (Hải quân Hoa Kỳ) cũng đã xác nhận bão Nangka đổ bộ vào hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình và đưa ra các cảnh báo cuối cùng về cơn bão.[12][13]
Tràn qua đảo Hải Nam ngày 13 tháng 10, bão Nangka làm 2 người chết, 4 người mất tích.[17] Tại nước ta, bão số 7 trút mưa xuống khu vực ven biển và đồng bằng Bắc Bộ với lượng mưa từ 01h00 đến 18h00 ngày 14 tháng 10 phổ biến 80-180mm.[7] Mưa lớn ở miền Bắc còn tiếp diễn trong các ngày 15 và 16 tháng 10 với một số điểm ghi nhận lượng mưa lớn hơn như Yên Bái 411mm, Quảng Ninh 375mm,...[18][19] Hai đoạn mái kè đê biển thuộc địa bàn huyện Hải Hậu (Nam Định) đã bị sập, sạt, với tổng diện tích các hố võng là 278m².[20] Bão số 7 đổ bộ vào Nam Định, Ninh Bình đã gây mưa lớn và ngập lụt tại miền Bắc, làm 2 người chết,[21] 1 người mất tích, 1 nhà bị sập, 14 nhà hư hỏng. Về nông nghiệp, 870 ha lúa giảm năng suất, 105ha cây rau màu bị thiệt hại (chủ yếu tại Nam Định).[22] Thiệt hại tại Nam Định ước tính 68 tỷ đồng (3 triệu USD).[23]
Bão số 7 đổ bộ trái mùa vào miền Bắc khi các tỉnh miền Trung vẫn đang phải hứng chịu trận mưa lũ lịch sử từ ngày 6 tháng 10 do ảnh hưởng của tổ hợp các hình thế như xoáy thuận nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh.[22]
^“TIN BÃO KHẨN CẤP (Cơn bão số 7)”. Phòng chống lụt bão Thừa Thiên Huế. ngày 13 tháng 10 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2020.
^“中央气象台10月13日19时20分发布台风登陆消息” (bằng tiếng Trung). National Meteorological Center of CMA. ngày 13 tháng 10 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2020.
^Qua quan trắc ảnh vệ tinh và rada cùng các dữ liệu thu thập được cho thấy vùng tâm ATNĐ thực tế đi qua cực Nam tỉnh Ninh Bình (xã Kim Đông - Kim Sơn - Ninh Bình), vùng Bãi Ngang, cầu vượt biển Cồn Nổi và đảo Cồn Nổi của Kim Sơn (khu du lịch Bãi Ngang - Cồn Nổi ven biển tỉnh Ninh Bình) lúc 17h30 phút chiều ngày 14/10. Có thể nói một cách khác về đường đi của bão là tâm ATNĐ đi qua phía Nam trạm thủy văn Như Tân (Ninh Bình). Một số trang mạng cho rằng tâm bão vào Thanh Hoá, điều này là không đúng thực tế bão bởi vì hầu hết khu vực ven biển của Thanh Hóa đều chỉ ghi nhận gió cấp 4-5 trong suốt cả ngày 14/10, chỉ có khu Nga Sơn (giáp Ninh Bình) gần bão hơn là có gió giật mạnh đến cấp 7. Việc xác định vùng tâm bão đi vào Ninh Bình là phù hợp và đối khớp nhất với thực tế quan trắc được trong suốt quá trình bão đổ bộ và quần thảo đất liền nước ta, hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình là hai địa phương chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi bão, trong đó các huyện ven biển của Nam Định nằm ở phía Bắc của bão và rất gần bão thực tế đều ghi nhận gió cấp 6-7 và giật mạnh cấp 9-10, mạnh nhất trong các dữ liệu quan trắc trên đất liền ngày 14/10. Tại Ninh Bình, trạm Như Tân (sát tâm bão nhất) và TP Ninh Bình nằm phía Bắc bão cũng có gió cấp 6-7 giật đến cấp 8, duy trì liên tục suốt đến 17h ngày 14/10. Ngoài ra việc tâm bão vào Ninh Bình đã được các cơ quan khí tượng lớn công nhận (Mỹ, Nhật) thông qua tọa độ địa lí của bão tương ứng.