Apollo 1, ban đầu được chỉ định là AS-204, theo kế hoạch là sứ mệnh có người lái đầu tiên của chương trình Apollo,[1] một nỗ lực nhằm trở thành quốc gia đầu tiên đưa người đổ bộ lên Mặt Trăng của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ được lên kế hoạch phóng vào ngày 21 tháng 2 năm 1967 như cuộc thử nghiệm đầu tiên ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp của mô-đun chỉ huy và dịch vụ Apollo. Tuy nhiên, sứ mệnh này chưa bao giờ được bay; một vụ cháy cabin trong quá trình kiểm tra diễn tập cho phi vụ phóng tại Tổ hợp Phóng 34 của Trạm không quân Mũi Kennedy vào ngày 27 tháng 1 đã giết chết toàn bộ ba thành viên phi hành đoàn, bao gồm phi công chỉ huy Gus Grissom, phi công cao cấp Ed White, và phi công Roger B. Chaffee. Ngoài ra, vụ hỏa hoạn còn phá hủy mô-đun chỉ huy (CM). Tên gọi Apollo 1, vốn do phi hành đoàn chọn, đã được NASA chính thức hóa sau vụ cháy để vinh danh các phi hành gia thiệt mạng.
Ngay sau trận hỏa hoạn, NASA đã cho triệu tập Ủy ban Điều tra Tai nạn (Accident Review Board) nhằm xác định nguyên nhân gây cháy, và cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ cũng chỉ đạo các ủy ban thẩm tra của riêng họ để giám sát cuộc điều tra của NASA. Nguồn cháy được xác định là do chập điện, và ngọn lửa đã lan ra nhanh chóng do vật liệu nylon dễ cháy cũng như môi trường oxy tinh khiết áp suất cao trong cabin. Nỗ lực giải cứu bị ngăn chặn do cửa sập của plug door không thể mở được trước áp suất bên trong của cabin. Vì tên lửa không có nhiên liệu nên cuộc thử nghiệm không được coi là nguy hiểm, do đó công tác chuẩn bị tình huống khẩn cấp cho nó là rất kém.
Trong quá trình điều tra của Quốc hội, Thượng nghị sĩ Walter Mondale đã công khai phơi bày một tài liệu nội bộ từ NASA trích dẫn các vấn đề với nhà thầu chính của Apollo là North American Aviation, về sau được biết đến với tên gọi Bản báo cáo Phillips (Phillips Report). Việc tiết lộ này khiến Trưởng quản lý NASA James E. Webb bối rối, ông không hề hay biết gì về sự tồn tại của tài liệu và đã gây ra nhiều tranh cãi đối với chương trình Apollo. Bất chấp sự không hài lòng của Quốc hội trước thái độ thiếu cởi mở của NASA, cả hai ủy ban quốc hội đều phán quyết rằng các vấn đề được nêu trong báo cáo không liên quan đến vụ tai nạn.
Nhũng chuyến bay Apollo có người lái đã bị đình chỉ hai mươi tháng trong thời gian xử lý các phần cứng của mô-đun chỉ huy. Tuy nhiên, công tác phát triển cũng như những chuyến bay thử nghiệm không người lái của mô-đun Mặt Trăng (LM) và tên lửa Saturn V vẫn được tiếp tục. Phương tiện phóng Saturn IB của Apollo1, AS-204, đã được sử dụng trong chuyến bay thử đầu tiên của LM là Apollo 5. Về sau, sứ mệnh Apollo có người lái đầu tiên cũng được thực hiện thành công với phi hành đoàn dự phòng của Apollo1 trong nhiệm vụ Apollo 7 vào tháng 10 năm 1968.
Các kế hoạch chuyến bay thử nghiệm Apollo có phi hành đoàn
AS-204 là chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên của mô-đun chỉ huy và dịch vụ Apollo (CSM) lên quỹ đạo Trái Đất, với phương tiện phóng là một tên lửa đẩy Saturn IB. Mục tiêu của phi vụ là nhằm thử nghiệm các hoạt động điều hành phóng, các cơ sở theo dõi và điều khiển trên mặt đất cũng như hiệu suất của tổ hợp phóng Apollo-Saturn. Công việc này có thể kéo dài tới hai tuần tùy thuộc vào hoạt động của tàu vũ trụ.[3]
CSM cho chuyến bay này mang số hiệu 012, do North American Aviation (NAA) chế tạo, là một phiên bản Block I được thiết kế trước khi lựa chọn chiến lược điểm hẹn quỹ đạo Mặt Trăng; do đó nó không thể ghép nối với mô-đun Mặt Trăng. Khả năng này đã được đưa vào trong thiết kế của CSM Block II cùng với các bài học rút ra từ Block I. Block II sẽ được bay thử nghiệm với LM một khi LM sẵn sàng.[4]
Giám đốc Điều hành Phi hành đoàn Deke Slayton đã chọn ra phi hành đoàn Apollo đầu tiên vào tháng 1 năm 1966, với Grissom làm phi công chỉ huy, White là phi công cao cấp, và tân binh Donn F. Eisele đảm nhiệm vị trí phi công; tuy nhiên Eisele đã bị trật khớp vai hai lần trên máy bay huấn luyện không trọng lượng KC-135 và phải phẫu thuật vào ngày 27 tháng 1. Slayton thay thế ông bằng Chaffee,[5] sau đó NASA đã thông báo kết quả lựa chọn phi hành đoàn vào ngày 21 tháng 3 năm 1966. James McDivitt, David Scott và Russell Schweickart là những cái tên được chọn vào phi hành đoàn dự phòng.[6]
Ngày 29 tháng 9, Walter Schirra, Eisele, và Walter Cunningham được ghi danh vào phi hành đoàn chính cho chuyến bay thử nghiệm thứ hai của CSM Block I là AS-205.[7] NASA dự định tiếp nối phi vụ này với một chuyến bay thử không người lái của LM (AS-206), sau đó sứ mệnh có người lái thứ ba sẽ là chuyến bay kép được định danh AS-278 (hoặc AS-207/208), trong đó AS-207 sẽ phóng lên CSM Block II đầu tiên có phi hành đoàn, rồi thực hiện một cuộc gặp gỡ và cập bến với chiếc LM không có người lái được phóng trên AS-208.[8]
Tháng 3 năm 1966, NASA nghiên cứu về khả năng tiến hành sứ mệnh Apollo đầu tiên như một cuộc hẹn chung trong không gian với sứ mệnh cuối cùng thuộc Dự án Gemini là Gemini 12 vào tháng 11 cùng năm.[9] Tuy nhiên, vào tháng 5, sự chậm trễ trong việc giúp Apollo sẵn sàng bay và thời gian cần thêm để kết hợp khả năng tương thích với Gemini đã khiến ý tưởng ấy trở nên không thực tế.[10] Vấn đề này được đem ra bàn luận khi việc không chuẩn bị kịp thời cho trạng thái sẵn sàng của tàu vũ trụ AS-204 đã khiến thời hạn mục tiêu vào quý 4 năm 1966 bị bỏ lỡ, và sứ mệnh phải dời lại sang ngày 21 tháng 2 năm 1967.[11]
Bối cảnh sứ mệnh
Tháng 10 năm 1966, NASA thông báo chuyến bay này sẽ mang theo một máy quay truyền hình nhỏ để phát sóng trực tiếp từ mô-đun chỉ huy. Chiếc máy quay cũng sẽ được sử dụng để cho phép các nhân viên điều hành chuyến bay giám sát bảng điều khiển của tàu vũ trụ.[12] Thiết bị này được mang theo trong tất cả các sứ mệnh Apollo có phi hành đoàn.[13]
Huy hiệu
Tháng 6 năm 1966, phi hành đoàn của Grissom nhận được sự chấp thuận cho phép thiết kế một miếng vá (patch) sứ mệnh với tên gọi Apollo1 (mặc dù quyết định này sau đó đã bị rút lại trong khi chờ phán quyết cuối cùng về việc định danh nhiệm vụ, điều mà chỉ được giải quyết sau vụ cháy). Vùng trung tâm của thiết kế mô tả một mô-đun chỉ huy và dịch vụ đang bay qua miền đông nam Hoa Kỳ với Florida (địa điểm phóng) được làm nổi bật. Mặt Trăng có thể nhìn thấy từ xa, tượng trưng cho mục tiêu cuối cùng của chương trình. Một đường viền màu vàng mang tên của sứ mệnh và phi hành gia cùng với một đường viền khác bên ngoài có các ngôi sao và sọc đỏ. Huy hiệu được thiết kế bởi phi hành đoàn, với ảnh minh họa do nhân viên Allen Stevens của North American Aviation thực hiện.[14][15]
Chuẩn bị tàu vũ trụ và phi hành đoàn
Mô-đun chỉ huy và dịch vụ Apollo lớn và phức tạp hơn rất nhiều so với bất kỳ tàu vũ trụ có người lái nào trước đó. Tháng 10 năm 1063, Joseph F. Shea được chọn làm quản lý cho Văn phòng Chương trình Tàu vũ trụ Apollo (Apollo Spacecraft Program Office, viết tắt là ASPO), chịu trách nhiệm quản lý việc thiết kế và xây dựng cả CSM cũng như LM. Trong cuộc họp đánh giá tàu vũ trụ được tổ chức với sự có mặt của Shea vào ngày 19 tháng 8 năm 1966 (một tuần trước khi giao hàng), phi hành đoàn đã bày tỏ mối lo ngại về lượng vật liệu dễ cháy (chủ yếu là lưới nylon và Velcro) trong cabin, thứ mà cả phi hành gia và kỹ thuật viên đều cảm thấy thuận tiện trong việc giữ cố định các công cụ và thiết bị. Mặc dù Shea đã cho phi thuyền đạt điểm đậu, nhưng sau cuộc họp, họ lại đưa cho ông một bức chân dung phi hành đoàn mà họ đã chụp với tư thế cúi đầu và chắp tay cầu nguyện, với dòng chữ:
Không phải chúng tôi không tin anh đâu Joe, nhưng lần này chúng tôi đã quyết định phải qua mặt anh thôi.[16]:184
Shea ra lệnh cho nhân viên của mình yêu cầu North American loại bỏ các chất dễ cháy ra khỏi cabin, nhưng lại không đích thân giám sát vấn đề.[16]:185
North American đã vận chuyển phi thuyền CM-012 đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào ngày 26 tháng 8 năm 1966, theo giấy chứng nhận đủ điều kiện bay (Certificate of Flight Worthiness) có quy định: 113 thay đổi kỹ thuật đáng kể chưa hoàn thành theo kế hoạch phải được làm xong tại KSC. Chưa hết, đã có thêm 623 yêu cầu thay đổi kỹ thuật được thực hiện và hoàn thành sau khi giao hàng.[17]:6-3 Grissom thất vọng với việc các kỹ sư mô phỏng đào tạo không thể theo kịp những thay đổi của tàu vũ trụ, đến nỗi ông đã lấy một quả chanh từ cái cây gần nhà mình[18] và treo nó lên thiết bị mô phỏng.[7]
Các mô-đun chỉ huy và dịch vụ được liên kết lại trong buồng độ cao (altitude chamber) KSC vào tháng 9, và quá trình thử nghiệm hệ thống kết hợp đã được tiến hành. Đầu tiên, việc kiểm tra độ cao được thực hiện khi không có người điều khiển, sau đó là với cả đội chính và đội dự phòng, từ ngày 10 tháng 10 đến ngày 30 tháng 12. Trong quá trình thử nghiệm này, bộ phận kiểm soát môi trường (ECU) trong mô-đun chỉ huy bị phát hiện có lỗi thiết kế và phải gửi về cho nhà sản xuất để thay đổi cũng như gia công lại. ECU được trả lại sau đó bị rò rỉ nước/chất làm mát glycol và phải gửi về lần thứ hai. Cũng trong thời gian này, bể chứa thuốc phóng trong một mô-đun dịch vụ khác đã bị vỡ trong quá trình thử nghiệm tại NAA, khiến mô-đun dịch vụ phải bị đưa ra khỏi buồng thử nghiệm KSC để có thể kiểm tra các dấu hiệu của sự cố bể chứa. Những xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính.
Tháng 12 năm 1966, chuyến bay thứ hai của Block I là AS-205 bị hủy bỏ do bị cho là không cần thiết; Schirra, Eisele và Cunningham được chỉ định lại làm phi hành đoàn dự phòng của Apollo 1. Đội bay của McDivitt trở thành làm phi hành đoàn chính thức của sứ mệnh Block II/LM, vốn đã được tái định danh thành AS-258 do phương tiện phóng AS-205 sẽ được sử dụng để thay thế AS-207. Nhiệm vụ có người lái thứ ba đã được lên kế hoạch để phóng CSM và LM cùng nhau trên Saturn V (AS-503) tới quỹ đạo Trái Đất tầm trung (MEO), với phi hành đoàn gồm Frank Borman, Michael Collins và William Anders. McDivitt, Scott và Schweickart đã bắt đầu khóa đào tạo cho AS-258 trong CM-101 tại nhà máy của NAA ở Downey, California khi vụ tai nạn Apollo 1 xảy ra.[19]
Sau khi khắc phục tất cả các sự cố phần cứng còn tồn tại trên CSM-012, tàu vũ trụ được lắp ráp lại đã hoàn thành cuộc thử nghiệm buồng độ cao thành công với phi hành đoàn dự phòng của Schirra vào ngày 30 tháng 12.[17]:4-2 Theo báo cáo cuối cùng của ủy ban điều tra tai nạn, "Tại cuộc phỏng vấn sau buổi thử nghiệm, phi hành đoàn dự phòng đã bày tỏ sự hài lòng với tình trạng và hiệu suất của tàu vũ trụ".[17]:4-2 Thông tin này dường như mâu thuẫn với lời tường thuật được đưa ra trong cuốn sách năm 1994 Lost Moon: The Perilous Voyage of Apollo13 của Jeffrey Kluger và phi hành gia James Lovell, rằng "Khi bộ ba trèo ra khỏi tàu, ... Schirra nói rõ rằng anh ấy không hài lòng với những gì mình đã thấy", và sau đó Schirra đã cảnh báo Grissom và Shea "tôi không thể chỉ ra vấn đề ở con tàu này, nhưng chỉ là nó khiến tôi không thoải mái. Có điều gì đó ở nó không ổn", và rằng Grissom nên thoát ra ngay khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên.[20]
Sau khi thử nghiệm độ cao thành công, tàu vũ trụ được đưa ra khỏi buồng độ cao vào ngày 3 tháng 1 năm 1967 và ghép với phương tiện phóng Saturn IB trên bệ phóng 34 vào ngày 6 tháng 1.
Grissom cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2 năm 1963 rằng NASA không thể loại bỏ rủi ro bất chấp các biện pháp phòng ngừa:[21]
Rất nhiều người đã cống hiến nhiều nỗ lực hơn tôi có thể tả để [làm cho] Dự án Mercury và các dự án kế nhiệm của nó trở nên an toàn nhất có thể đối với con người ... Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng vẫn còn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong các hoạt động ban đầu, bất kể việc lập kế hoạch. Bạn không thể dự đoán được tất cả những điều có thể xảy ra, hoặc khi nào chúng có thể xảy ra.
Ông nói thêm, "Tôi cho rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp thất bại. Ở mọi công việc khác đều có thất bại, và chúng chắc chắn sẽ xảy ra dù sớm hay muộn".[21] Grissom đã được hỏi về nỗi lo sợ đối với thảm họa tiềm tàng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm 1966:[22]
Bạn phải loại bỏ điều đó ra khỏi tâm trí mình. Tất nhiên, luôn có khả năng bạn gặp phải một thất bại thảm hại; điều này có thể xảy ra trên bất kỳ chuyến bay nào; nó có thể xảy ra ở chuyến cuối cùng cũng như chuyến đầu tiên. Vì vậy, bạn chỉ việc lập kế hoạch tốt nhất có thể để giải quyết tất cả những tình huống có thể xảy ra này, sau đó, bạn tìm kiếm một phi hành đoàn được đào tạo bài bản và bạn sẽ bay lên.
Tai nạn
Thử nghiệm plugs-out
Buổi mô phỏng phóng trên bệ phóng 34 vào ngày 27 tháng 1 năm 1967 là một cuộc thử nghiệm "plugs-out" (tạm dịch là "rút phích cắm"), nhằm mục đích xác định xem liệu tàu vũ trụ có hoạt động bình thường bằng nguồn điện nội bộ (mô phỏng) khi bị tách ra khỏi tất cả các dây cáp và dây rốn hay không. Việc vượt qua bài kiểm tra này là điều cần thiết để sứ mệnh có thể phóng vào ngày 21 tháng 2. Cuộc thử nghiệm không được coi là nguy hiểm vì cả phương tiện phóng và tàu vũ trụ đều không được nạp nhiên liệu hoặc chất đông lạnh và tất cả hệ thống nổ (pyrotechnic system) (hay bu lông nổ (explosive bolts)) đều đã bị vô hiệu hóa.[11]
1 giờ chiều EST (18:00 GMT) ngày 27 tháng 1, Grissom, Chaffee và White lần lượt bước vào mô-đun chỉ huy trong những bộ đồ áp suất. Sau đó, họ được buộc vào ghế rồi nối với hệ thống oxy và liên lạc của tàu vũ trụ. Grissom ngay lập tức nhận thấy một mùi lạ trong không khí đang lan tỏa khắp bộ đồ của mình, mùi mà được anh so sánh với "sữa bơ chua", và quá trình đếm ngược mô phỏng bị tạm dừng lúc 1:20 chiều trong khi các mẫu không khí được thu thập. Họ đã không tìm thấy nguyên nhân gây ra mùi hôi và quá trình đếm ngược được tiếp tục vào lúc 2:42 chiều. Điều tra tai nạn cho thấy mùi này không liên quan đến vụ cháy.[11]
Ba phút sau khi tiếp tục đếm, quá trình lắp đặt cửa sập bắt đầu. Cửa sập bao gồm ba phần: một cửa sập bên trong có thể tháo rời nằm bên trong cabin; một cửa sập bên ngoài có bản lề, là một phần của tấm chắn nhiệt tàu vũ trụ; và một nắp cửa sập bên ngoài, là một phần của lớp bảo vệ tăng cường bao bọc toàn bộ mô-đun chỉ huy để bảo vệ nó khỏi sự gia nhiệt khí động học trong quá trình phóng, và khỏi khí thải tên lửa thoát ra trong trường hợp phi vụ phóng bị hủy bỏ. Nắp cửa sập tăng cường được chốt một phần, nhưng không hoàn toàn, vì lớp bảo vệ tăng cường linh hoạt bị biến dạng đôi chút do một số dây cáp chạy bên dưới nó để cung cấp nguồn điện nội bộ mô phỏng (chất phản ứng pin nhiên liệu của tàu vũ trụ không được nạp cho thử nghiệm này). Sau khi bịt kín các cửa sập, không khí trong cabin được thay thế bằng oxy tinh khiết ở mức 16,7 psi (115 kPa), cao hơn 2 psi (14 kPa) so với áp suất khí quyển.[11][17]:Enclosure V-21
Chuyển động của các nhà du hành vũ trụ được dò thông qua đơn vị đo quán tính (inertial measurement unit) của tàu không gian và cảm biến y sinh của phi hành gia, đồng thời cũng được biểu thị bằng sự gia tăng lưu lượng khí oxy trong bộ đồ vũ trụ và âm thanh từ micrô bị kẹt ở trạng thái mở của Grissom. Micrô bị kẹt là một phần của vấn đề với vòng lặp liên lạc kết nối phi hành đoàn, Operations and Checkout Building (Tòa nhà Điều hành và Phát hiện lỗi), và phòng điều khiển bệ phóng Tổ hợp 34. Khả năng liên lạc kém khiến Grissom phải nhận xét: "Làm sao lên được Mặt Trăng nếu chúng ta không thể nói chuyện giữa hai hoặc ba tòa nhà?"
Đồng hồ đếm ngược mô phỏng lại bị tạm dừng lúc 5:40 chiều trong khi các kỹ thuật viên cố gắng khắc phục sự cố liên lạc. Tất cả từ chức năng đếm ngược cho đến quá trình truyền điện nội bộ mô phỏng đã được xử lý thành công trước 6:20 chiều, và vào 6:30 số đếm vẫn được giữ ở mức T trừ 10 phút.[11]
Hỏa hoạn
Các thành viên phi hành đoàn đang tranh thủ thời gian để xem lại danh sách kiểm tra thì điện áp AC Bus 2 tăng lên tức thời. Chín giây sau (lúc 6:31:04,7), một trong những phi hành gia (một số người nghe thấy và phân tích trong phòng thí nghiệm cho biết đó là Grissom) đã thốt lên "Này!", "Có lửa!";[17]:5–8[23] theo sau là hai giây âm thanh xô xát qua micrô đang mở của Grissom. Ngay sau đó là một người (đa phần người nghe và kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm chỉ ra đó là Chaffee) nói rằng "[Tôi, hay Chúng tôi] đang gặp hỏa hoạn trong buồng lái". Sau 6,8 giây im lặng, nhiều người khác nhau đã nghe thấy một đường truyền thứ hai bị cắt xén nghiêm trọng (họ tin rằng việc truyền tải này được thực hiện bởi Chaffee[17]:5–9) như sau:
"Họ đang chống lại một đám cháy nghiêm trọng — Hãy ra ngoài ... Mở cửa ra",
"Chúng tôi gặp phải một vụ cháy lớn — Hãy ra ngoài ... Chúng tôi đang bị thiêu đốt", hay
"Tôi đang báo cáo một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ... Tôi đang thoát ra ngoài ..."
Đường truyền kéo dài 5,0 giây và kết thúc bằng một tiếng kêu đau đớn.[17]:5-8, 5-9
Một số nhân chứng ở bệ phóng nói rằng họ đã nhìn thấy White trên màn hình tivi đang với lấy tay nắm của cửa sập bên trong[11] khi ngọn lửa trong cabin lan từ trái sang phải.[17]:5-3
Sức nóng của ngọn lửa được cung cấp bởi oxy nguyên chất đã khiến áp suất tăng lên 29 psi (200 kPa), làm vỡ thành bên trong của mô-đun chỉ huy lúc 6:31:19 (23:31:19 GMT, giai đoạn đầu của đám cháy). Ngọn lửa và khí sau đó tràn ra ngoài mô-đun chỉ huy thông qua các cửa thăm mở tới hai tầng của cấu trúc dịch vụ (service structure) bệ phóng. Hơi nóng gay gắt, khói dày đặc và mặt nạ phòng độc không hiệu quả (do được thiết kế dành cho khí độc hơn là khói) đã cản trở nỗ lực giải cứu người của đội mặt đất. Người ta lo ngại mô-đun chỉ huy đã phát nổ, hoặc sẽ sớm nổ, và ngọn lửa có thể đốt cháy tên lửa nhiên liệu rắn trong tháp thoát hiểm phía trên mô-đun chỉ huy, giết chết nhân viên mặt đất gần đó và phá hủy bệ phóng.[11]
Khi áp suất được giải phóng do cabin bị vỡ, luồng khí bên trong mô-đun khiến ngọn lửa lan khắp cabin, bắt đầu giai đoạn thứ hai của vụ cháy. Giai đoạn thứ ba bắt đầu khi hầu hết oxy bị tiêu thụ và được thay thế bằng không khí trong khí quyển, về cơ bản điều này đã dập tắt ngọn lửa, nhưng lại gây ra nồng độ carbon monoxide cao và khói dày đặc tràn vào cabin, đồng thời tạo ra một lượng lớn bồ hóng đọng lại trên các bề mặt khi chúng nguội đi.[11][17]:5-3, 5-4
Phải mất năm phút các công nhân bệ phóng mới mở được cả ba lớp cửa sập, và họ không thể ném cửa sập bên trong xuống sàn cabin như dự định nên đã đẩy nó sang một bên. Mặc dù đèn trong cabin vẫn sáng nhưng họ không thể nhìn thấy các phi hành gia qua làn khói dày đặc. Khi khói tan, họ tìm thấy các thi thể nhưng không thể di chuyển chúng. Ngọn lửa đã làm tan chảy một phần bộ quần áo phi hành gia bằng nylon của Grissom và White cũng như các ống nối chúng với hệ thống hỗ trợ sự sống. Grissom đã cởi dây buộc và nằm trên sàn tàu vũ trụ. Dây buộc của White bị đốt cháy và họ tìm thấy anh nằm nghiêng ngay dưới cửa sập. Người ta xác định rằng White đã cố gắng mở cửa sập theo quy trình khẩn cấp nhưng thất bại do áp suất bên trong. Chaffee được tìm thấy bị buộc vào ghế bên phải, do quy trình yêu cầu anh duy trì liên lạc cho đến khi White mở cửa sập. Vì những sợi nylon nóng chảy lớn dính chặt các phi hành gia vào bên trong cabin nên việc di dời các thi thể phải mất gần 90 phút. Các thi thể chỉ có thể được đưa ra sau 7,5 giờ kể từ khi vụ việc xảy ra do khí và chất độc hiện diện khiến nhân viên y tế lúc đầu không thể tiến vào.[11]
Deke Slayton có thể là quan chức NASA đầu tiên kiểm tra bên trong tàu vũ trụ.[24] Lời khai của ông mâu thuẫn với báo cáo chính thức liên quan đến vị trí thi thể của Grissom. Slayton nói về thi thể của Grissom và White như sau: "Tôi rất khó xác định được chính xác mối quan hệ của hai thi thể này. Chúng gần như lẫn lộn với nhau và tôi thực sự không thể phân biệt được cái đầu nào thuộc về cơ thể nào vào lúc đó. Tôi đoán điều duy nhất thực sự rõ ràng là cả hai thi thể đều ở mép dưới của cửa sập. Họ không ngồi ở trên ghế. Gần như họ hoàn toàn không ở gần khu vực chỗ ngồi".[24][25]
Điều tra
Do thất bại trong chuyến bay của sứ mệnh Gemini 8 vào ngày 17 tháng 3 năm 1966, Phó quản lý NASA Robert Seamans đã soạn thảo và thực hiện Chỉ thị Quản lý 8621.1 (Management Instruction 8621.1) vào ngày 14 tháng 4 năm 1966, xác định Chính sách và Thủ tục Điều tra Thất bại của Nhiệm vụ (Mission Failure Investigation Policy And Procedures). Việc làm này đã sửa đổi các quy trình xử lý tai nạn hiện có của NASA, dựa trên thủ tục điều tra tai nạn máy bay quân sự, bằng cách trao cho Phó quản lý quyền tiến hành các cuộc điều tra độc lập về những vụ thất bại lớn, ngoài những vụ thất bại mà các quan chức khác nhau của Văn phòng Chương trình thường sẽ phải chịu trách nhiệm. Chỉ thị tuyên bố: "Chính sách của NASA là điều tra và ghi lại nguyên nhân của tất cả sứ mệnh thất bại lớn xảy ra trong quá trình tiến hành những hoạt động hàng không và không gian của cơ quan, đồng thời thực hiện hành động khắc phục thích hợp dựa trên các phát hiện và khuyến nghị".[26]
Ngay sau vụ hỏa hoạn, Trưởng quản lý NASA James E. Webb đã yêu cầu Tổng thống Lyndon B. Johnson cho phép NASA xử lý cuộc điều tra theo thủ tục đã được thiết lập, với cam kết sẽ trung thực trong việc đánh giá trách nhiệm và thông báo cho các nhà lãnh đạo thích hợp của Quốc hội.[27] Seamans sau đó chỉ đạo thành lập Ủy ban Điều tra Apollo 204 (Apollo 204 Review Board) do giám đốc Trung tâm nghiên cứu LangleyFloyd L. Thompson làm chủ tịch, trong đó có phi hành gia Frank Borman, nhà thiết kế tàu vũ trụ Maxime Faget và sáu người khác. Vào ngày 1 tháng 2, giáo sư Frank A. Long của Đại học Cornell rời khỏi ủy ban[28] và được thay thế bởi Robert W. Van Dolah của Cục Mỏ Hoa Kỳ.[29] Ngày hôm sau, kỹ sư trưởng của North American phụ trách chương trình Apollo là George Jeffs cũng từ chức.[30]
Seamans đã ra lệnh tạm giữ tất cả phần cứng cũng như phần mềm của Apollo 1 và chỉ được trả về dưới sự kiểm soát của ủy ban. Sau khi ghi chép trọn vẹn về bên trong của CM-012 bằng công nghệ chụp ảnh lập thể, ủy ban đã ra lệnh tháo rời nó với các quy trình đã được thử nghiệm từ việc tháo rời chiếc CM-014 giống hệt và tiến hành điều tra kỹ lưỡng từng bộ phận. Họ cũng xem xét kết quả khám nghiệm tử thi của các phi hành gia và phỏng vấn nhân chứng. Seamans gửi cho Webb báo cáo tình trạng hàng tuần về tiến trình điều tra, và ủy ban đã đưa ra báo cáo cuối cùng vào ngày 5 tháng 4 năm 1967.[17]
Nguyên nhân tử vong
Theo ủy ban điều tra, Grissom bị bỏng cấp độ 3 nghiêm trọng hơn một phần ba cơ thể và bộ đồ du hành vũ trụ của anh gần như bị phá hủy. White bị bỏng cấp độ ba gần một nửa cơ thể và một phần tư bộ đồ du hành vũ trụ của anh đã tan chảy. Chaffee bị bỏng cấp độ ba trên gần một phần tư cơ thể và một phần nhỏ bộ đồ du hành vũ trụ của anh gặp hư hỏng. Báo cáo khám nghiệm tử thi xác định rằng nguyên nhân chính gây tử vong cho cả ba phi hành gia là ngừng tim do nồng độ carbon monoxide cao. Những vết bỏng mà phi hành đoàn phải chịu không được xem là nguyên nhân tử vong chính, và người ta kết luận rằng hầu hết chúng đều xuất hiện sau khi đã chết. Sự ngạt thở xảy ra sau khi ngọn lửa làm tan chảy bộ quần áo và ống oxy của các phi hành gia, khiến họ tiếp xúc với bầu không khí chết chóc của cabin.[17]:6-1
Những nguyên nhân chính gây ra tai nạn
Ủy ban điều tra đã xác định một số yếu tố chính kết hợp lại gây ra vụ cháy và cái chết của các phi hành gia:[11]
Một nguồn đánh lửa nhiều khả năng liên quan đến "hệ thống dây điện dễ bị tổn thương mang năng lượng của tàu vũ trụ" và "hệ thống ống nước dễ bị tổn thương mang chất làm mát ăn mòn và dễ cháy"
Môi trường oxy tinh khiết ở áp suất cao hơn áp suất khí quyển
Cabin được bịt kín bằng nắp cửa sập và không thể tháo ra nhanh chóng ở áp suất cao
Sự phân bổ rộng rãi các vật liệu dễ cháy trong cabin
Chuẩn bị không đầy đủ cho trường hợp khẩn cấp (cứu hộ hoặc hỗ trợ y tế và lối thoát cho phi hành đoàn)
Nguồn đánh lửa
Ủy ban điều tra xác định rằng nguồn điện đã bị mất trong giây lát lúc 23:30:55 GMT và tìm thấy bằng chứng về một số hồ quang điện ở thiết bị bên trong, nhưng không thể nhận diện chính xác một nguồn đánh lửa duy nhất. Họ xác định rằng đám cháy rất có thể bắt nguồn từ gần sàn ở khu vực phía dưới bên trái của cabin, quanh Environmental Control Unit.[17]:6-1 Ngọn lửa lan từ bức tường bên trái sang bên phải của cabin, còn mặt sàn chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn.[17]:5-3
Ủy ban lưu ý rằng một sợi dây đồng mạ bạc chạy qua bộ phận kiểm soát môi trường gần ghế dài trung tâm đã mất đi lớp cách điện Teflon và bị mài mòn do việc đóng mở liên tục một cửa ra vào nhỏ.[a] Điểm yếu này ở hệ thống dây điện cũng nằm gần mối nối trong đường dây làm mát bằng nước/ethylen glycol vốn dễ bị rò rỉ. Ngày 29 tháng 5 năm 1967 tại Trung tâm Tàu vũ trụ có Người lái, người ta phát hiện quá trình điện phân dung dịch ethylen glycol với anode bạc của dây có khả năng gây ra phản ứng tỏa nhiệt dữ dội, đốt cháy hỗn hợp ethylen glycol trong môi trường oxy tinh khiết của Mô-đun Chỉ huy. Các thí nghiệm tại Học viện Công nghệ Illinois đã xác nhận mối nguy hiểm tồn tại đối với dây mạ bạc, nhưng không xuất hiện trong trường hợp đồng hoặc đồng mạ niken. Vào tháng 7, ASPO yêu cầu cả North American và Grumman phải đảm bảo không có tiếp điểm điện bằng bạc hoặc mạ bạc nào tồn tại ở khu vực có thể xảy ra sự cố tràn glycol trong tàu vũ trụ Apollo.[33]
Môi trường oxy tinh khiết
Cuộc thử nghiệm plugs-out được tiến hành nhằm mô phỏng quy trình phóng, với cabin được điều áp bằng oxy tinh khiết ở mức phóng danh nghĩa là 16,7 psi (115 kPa), cao hơn 2 psi (14 kPa) so với áp suất khí quyển tiêu chuẩn ở mực nước biển. Con số này lớn hơn năm lần áp suất riêng phần 3 psi (21 kPa) của oxy trong khí quyển, và tạo ra một môi trường trong đó các vật liệu thường không được coi là dễ cháy sẽ rất dễ cháy và bùng lửa.[34][35]
Môi trường oxy áp suất cao tương tự đã được sử dụng thành công trong các chương trình Mercury và Gemini. Áp suất trước khi phóng được cố tình điều chỉnh lớn hơn mức áp suất xung quanh để đẩy không khí chứa nitơ ra ngoài và thay thế bằng oxy tinh khiết, đồng thời bịt kín nắp cửa sập plug door. Trong quá trình phóng, áp suất sẽ giảm dần xuống mức khi bay là 5 psi (34 kPa), cung cấp đủ oxy cho các phi hành gia thở đồng thời giảm nguy cơ hỏa hoạn. Phi hành đoàn Apollo 1 đã thử nghiệm thành công quy trình này với tàu vũ trụ trong buồng độ cao (chân không) của Operations and Checkout Building vào ngày 18 và 19 tháng 10 năm 1966, và phi hành đoàn dự phòng gồm Schirra, Eisele và Cunningham đã lặp lại quy trình đó vào ngày 30 tháng 12.[36] Ủy ban điều tra lưu ý rằng, trong các cuộc thử nghiệm này, mô-đun chỉ huy đã được điều áp hoàn toàn bằng oxy nguyên chất bốn lần với tổng thời gian là sáu giờ mười lăm phút, dài hơn hai tiếng rưỡi so với lúc thử nghiệm plugs-out.[17]:4-2[b]
Vật liệu dễ cháy trong cabin
Theo trích dẫn từ ủy ban điều tra, đã có "nhiều loại và nhóm vật liệu dễ cháy" nằm ở gần nguồn đánh lửa.[37] Bộ phận hệ thống phi hành đoàn của NASA đã lắp đặt 34 foot vuông (3,2 m2) Velcro khắp tàu vũ trụ, gần giống như việc trải thảm. Khóa Velcro này được phát hiện là dễ cháy trong môi trường oxy 100% áp suất cao.[35] Phi hành gia Buzz Aldrin tuyên bố trong cuốn sách Men From Earth của ông rằng vật liệu dễ cháy từng bị loại bỏ theo khiếu nại ngày 19 tháng 8 của phi hành đoàn và mệnh lệnh của Joseph Shea, nhưng sau đó đã được đặt trở lại trước chuyến giao hàng ngày 26 tháng 8 tới Mũi Kennedy.[38]
Thiết kế cửa sập
Nắp cửa sập bên trong sử dụng thiết kế plug door và bị bịt kín do áp suất bên trong cabin cao hơn bên ngoài. Mức áp suất thông thường dùng cho phi vụ phóng (cao hơn môi trường xung quanh 2 psi (14 kPa)) đã tạo ra đủ lực để ngăn chặn việc tháo nắp cho đến khi áp suất dư thừa thoát ra. Quy trình khẩn cấp yêu cầu Grissom mở van xả khí trong cabin trước khi cho phép White tháo nắp,[11] nhưng Grissom đã không thể làm điều này vì van nằm ở bên trái, phía sau bức tường lửa. Ngoài ra, mặc dù hệ thống có thể dễ dàng xả xuống mức áp suất bình thường, công suất dòng chảy của nó hoàn toàn không có khả năng xử lý mức tăng vọt lên 29 psi (200 kPa) do sức nóng dữ dội của ngọn lửa gây ra.[17]:5-3
North American ban đầu đề nghị cho cửa sập mở ra ngoài và sử dụng bu lông nổ để làm nổ nó trong trường hợp khẩn cấp, như đã được thực hiện trong Dự án Mercury. NASA không đồng ý, họ cho rằng cửa sập có thể vô tình mở ra giống như trên chuyến bay Liberty Bell 7 của Grissom, vì vậy những nhà thiết kế tại Trung tâm Tàu vũ trụ có Người lái đã từ chối thiết kế nổ để chuyển sang sử dụng một thiết kế vận hành cơ học cho các chương trình Gemini và Apollo.[39]
Chuẩn bị tình huống khẩn cấp
Ủy ban lưu ý rằng những người lập kế hoạch đã không xác định được sự nguy hiểm của bài kiểm tra; thiết bị khẩn cấp (chẳng hạn như mặt nạ phòng độc) không phù hợp để xử lý loại hỏa hoạn này; đội cứu hỏa, cứu hộ và y tế không hề có mặt; các khu vực tiếp cận và làm việc của tàu vũ trụ cũng chứa đầy những trở ngại đối với hoạt động ứng phó khẩn cấp như bậc thang, cửa trượt và các khúc cua gấp.[17]:6-1, 6-2
Lựa chọn môi trường oxy tinh khiết
Khi thiết kế tàu vũ trụ Mercury, NASA đã cân nhắc sử dụng hỗn hợp nitơ/oxy để giảm nguy cơ hỏa hoạn lúc gần phóng, nhưng sau lại từ chối dựa trên một số suy xét. Đầu tiên, bầu không khí chứa oxy tinh khiết mà con người có thể thở thoải mái là ở mức áp suất 5 psi (34 kPa), giúp giảm đáng kể sức ép lên phi thuyền trong chân không vũ trụ. Thứ hai, nitơ được sử dụng để giảm áp suất trong chuyến bay có nguy cơ gây ra bệnh giảm áp (còn gọi là "the bends"). Nhưng quyết định loại bỏ việc sử dụng bất kỳ loại khí nào ngoài oxy đã bị chỉ trích khi một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào ngày 21 tháng 4 năm 1960, trong đó phi công thử nghiệm của McDonnell Aircraft là G. B. North bất tỉnh và bị thương nặng khi thử nghiệm cabin của Mercury / hệ thống không khí của bộ đồ du hành vũ trụ trong buồng chân không. Vấn đề được phát hiện là do không khí giàu nitơ (nghèo oxy) rò rỉ từ cabin vào thiết bị cung cấp cho bộ đồ du hành vũ trụ của ông.[40][41] North American Aviation đề xuất sử dụng hỗn hợp oxy/nitơ cho Apollo, nhưng NASA đã bác bỏ điều này. Thiết kế oxy tinh khiết được đánh giá là an toàn hơn, ít phức tạp hơn và có trọng lượng nhẹ hơn.[42] Trong chuyên khảo Project Apollo: The Tough Decisions của mình, Phó quản lý Seamans viết rằng sai lầm tồi tệ nhất của NASA trong đánh giá kỹ thuật là không tiến hành thử lửa (fire test) trên mô-đun chỉ huy trước khi thử nghiệm plugs-out.[41] Trong tập đầu tiên của loạt phim tài liệu BBCNASA: Triumph and Tragedy năm 2009, Jim McDivitt nói rằng NASA không biết bầu không khí 100% oxy sẽ ảnh hưởng đến việc đốt cháy như thế nào.[43] Những nhận xét tương tự của các phi hành gia khác cũng được thể hiện trong bộ phim tài liệu In the Shadow of the Moon năm 2007.[44]
Các sự cố oxy khác
Một số vụ cháy trong môi trường thử nghiệm có hàm lượng oxy cao đã xảy ra trước Apollo 1. Năm 1962, Đại tá Không quân Hoa Kỳ B. Dean Smith đang tiến hành thử nghiệm bộ đồ vũ trụ Gemini với một đồng nghiệp trong buồng oxy nguyên chất tại Căn cứ không quân Brooks ở San Antonio, Texas thì một đám cháy bùng phát, phá hủy căn buồng.[45] Ngày 17 tháng 11 năm 1962, ngọn lửa bùng phát tại một căn buồng ở Phòng thí nghiệm Thiết bị Phi hành đoàn Hải quân trong quá trình thử nghiệm oxy nguyên chất, nguyên nhân là do dây nối đất bị rò đã phóng điện lên vật liệu cách nhiệt gần đó. Sau nhiều nỗ lực dập tắt ngọn lửa bằng cách trùm ngạt, đội bay đã thoát khỏi căn phòng với những vết bỏng nhẹ trên phần lớn cơ thể.[46] Ngày 16 tháng 2 năm 1965, các Thợ lặn Hải quân Hoa Kỳ Fred Jackson và John Youmans đã thiệt mạng trong vụ cháy buồng giảm áp tại Đơn vị Lặn Thử nghiệm ở Washington, D.C., ngay sau khi bổ sung thêm oxy vào hỗn hợp không khí của buồng.[47][48]
Ngoài các vụ hỏa hoạn có sự hiện diện của nhân sự, Apollo Environmental Control System (Hệ thống Kiểm soát Môi trường Apollo) còn gặp phải một số sự cố từ năm 1964 đến năm 1966 do nhiều trục trặc phần cứng. Đáng chú ý là vụ hỏa hoạn ngày 28 tháng 4 năm 1966, khi một cuộc điều tra sau đó phát hiện ra rằng ESC và các mạch điện của Mô-đun Chỉ huy có khả năng gây ra hồ quang hoặc đoản mạch, và cần thực hiện một số biện pháp mới để tránh hỏa hoạn bao gồm cải tiến việc lựa chọn vật liệu.[49]
Selection of Space Cabin Atmospheres. Part II: Fire and Blast Hazards [sic] in Space Cabins. (Emanuel M. Roth; Dept of Aeronautics Medicine and Bioastronautics, Lovelace Foundation for Medical Education and Research. Khoảng 1964–1966)
"Fire Prevention in Manned Spacecraft and Test Chamber Oxygen Atmospheres". (Trung tâm Tàu vũ trụ có Người lái. NASA General Working Paper 10 063. Ngày 10 tháng 10 năm 1966)
Nhiều sự cố cũng đã xảy ra trong chương trình vũ trụ Liên Xô, nhưng do chính sách giữ bí mật của chính phủ nước này nên những tai nạn như vậy không được tiết lộ cho đến tận sau vụ hỏa hoạn Apollo 1. Ví dụ, nhà du hành vũ trụ Valentin Bondarenko qua đời vào ngày 23 tháng 3 năm 1961 do bị bỏng trong một vụ cháy khi tham gia thí nghiệm sức bền kéo dài 15 ngày trong buồng cách ly oxy hàm lượng cao, chưa đầy ba tuần trước chuyến bay vũ trụ đầu tiên của phi hành đoàn Vostok; thông tin này được tiết lộ vào ngày 28 tháng 1 năm 1986.[51][52][53]:266
Trong sứ mệnh Voskhod 2 vào tháng 3 năm 1965, các phi hành gia Pavel Belyayev và Aleksey Leonov không thể đóng kín hoàn toàn cửa sập tàu vũ trụ sau chuyến đi bộ lịch sử đầu tiên trong không gian của Leonov. Hệ thống kiểm soát môi trường của tàu phản ứng với tình trạng không khí rò rỉ bằng cách bổ sung thêm oxy vào cabin, khiến nồng độ oxy tăng cao tới 45%. Phi hành đoàn và nhân viên điều khiển mặt đất đều lo lắng về khả năng xảy ra hỏa hoạn, gợi nhớ về cái chết của Bondarenko 4 năm trước đó.[53]:457
Vào ngày 31 tháng 1 năm 1967, bốn ngày sau vụ hỏa hoạn Apollo 1, các phi công của Không lực Hoa Kỳ là William F. Bartley Jr. và Richard G. Harmon đã thiệt mạng trong một vụ cháy chớp nhoáng khi đang chăm sóc những con thỏ thí nghiệm trong Thiết bị mô phỏng Môi trường Không gian Hai Người (Two Man Space Environment Simulator), một buồng oxy tinh khiết tại Trường Y học Hàng không Vũ trụ ở Căn cứ không quân Brooks.[54][55][56][57][58] Giống như Apollo 1, vụ cháy này xuất phát từ tia lửa điện trong môi trường oxy tinh khiết. Các góa phụ của phi hành đoàn Apollo 1 đã gửi thư chia buồn tới gia đình Bartley và Harmon.[58]
Hệ quả chính trị
Các ủy ban ở cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ với vai trò giám sát chương trình không gian đã sớm tiến hành những cuộc điều tra, bao gồm cả Ủy ban Thượng viện về Khoa học Hàng không và Vũ trụ (Senate Committee on Aeronautical and Space Sciences) do Thượng nghị sĩ Clinton P. Anderson làm chủ tịch. Seamans, Webb, Quản lý Chuyến bay Không gian có người lái (Manned Space Flight Administrator), Tiến sĩ George E. Mueller và Giám đốc Chương trình Apollo, Thiếu tướng Samuel C. Phillips đã được triệu tập để làm chứng trước ủy ban của Anderson.[59]
Trong phiên điều trần ngày 27 tháng 2, Thượng nghị sĩ Walter F. Mondale hỏi Webb liệu ông có biết bản báo cáo về các vấn đề bất thường trong hoạt động của North American Aviation đối với hợp đồng Apollo hay không. Webb trả lời rằng ông không biết và hỏi cấp dưới của mình trong hội đồng nhân chứng. Mueller và Phillips nói họ cũng không biết về bất kỳ "bản báo cáo" nào như vậy.[42]
Tuy nhiên, vào cuối năm 1965, chỉ hơn một năm trước vụ tai nạn, Phillips đã đứng đầu một "tiger team" (hay "đội hổ") điều tra nguyên nhân về chất lượng không đảm bảo, sự trễ hạn và chi phí vượt mức trong cả tầng thứ hai của Apollo CSM và Saturn V (mà North American cũng là nhà thầu chính). Ông đã thuyết trình bằng miệng (với kính ảnh phim đèn chiếu, hay transparency) về những phát hiện của nhóm mình cho Mueller và Seamans, đồng thời trình bày chúng vào một bản ghi nhớ cho chủ tịch North American John L. Atwood, trong đó Mueller đã đính kèm bản ghi nhớ của riêng ông với lời lẽ mạnh mẽ dành cho Atwood.[60]
Trong cuộc thẩm vấn năm 1967 của Mondale về cái được gọi là "Bản báo cáo Phillips", Seamans lo rằng Mondale thực sự có thể đã nhìn thấy bản sao cứng bài thuyết trình của Phillips và trả lời rằng các nhà thầu đôi khi phải chịu sự đánh giá tiến độ tại chỗ; có lẽ đây chính là điều mà thông tin của Mondale đề cập đến.[41] Mondale tiếp tục nhắc về "Bản báo cáo" mặc dù Phillips từ chối cách gọi đó. Vị Thượng nghị sĩ tức giận vì cho rằng Webb đã lừa dối cũng như che giấu các vấn đề quan trọng của chương trình với Quốc hội, ông đặt câu hỏi về việc NASA lựa chọn North American làm nhà thầu chính. Seamans sau đó viết rằng Webb đã trừng phạt ông một cách nặng nề trên chuyến taxi rời khỏi phiên điều trần vì tự nguyện chia sẻ thông tin dẫn đến việc tiết lộ bản ghi nhớ của Phillips.[41]
Ngày 11 tháng 5, Webb đưa ra tuyên bố bảo vệ việc NASA lựa chọn North American làm nhà thầu chính cho Apollo vào tháng 11 năm 1961. Tiếp theo đó vào ngày 9 tháng 6, Seamans đệ trình một bản ghi nhớ dài bảy trang ghi lại quá trình lựa chọn nhà thầu. Webb cuối cùng đã cung cấp một bản sao có kiểm soát của bản ghi nhớ Phillips cho Quốc hội. Ủy ban Thượng viện lưu ý trong báo cáo cuối cùng lời khai của NASA rằng "những phát hiện của lực lượng đặc nhiệm [Phillips] không ảnh hưởng gì đến vụ tai nạn, không gây ra tai nạn và không liên quan đến vụ tai nạn",[59]:7 nhưng lại nêu trong khuyến nghị của mình rằng:
Mặc dù theo đánh giá của NASA, nhà thầu sau đó đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc khắc phục các vấn đề, ủy ban vẫn cho rằng họ lẽ ra phải được thông báo về tình hình. Ủy ban không phản đối quan điểm của Trưởng quản lý NASA rằng tất cả các chi tiết về mối quan hệ Chính phủ/nhà thầu không nên được đưa vào phạm vi công cộng. Tuy nhiên, lập trường đó không thể được sử dụng làm lý do để không thông báo vấn đề này hoặc các tình huống nghiêm trọng khác với của ủy ban.[59]:11
Các Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ thứ nhất Edward W. Brooke III và Charles H. Percy đã cùng viết phần Quan điểm bổ sung (Additional Views) kèm theo báo cáo của ủy ban, yêu cầu trừng phạt NASA mạnh mẽ hơn Anderson vì đã không tiết lộ đánh giá của Phillips trước Quốc hội.[59]:12–14 Mondale cũng viết một bản Quan điểm bổ sung của riêng mình với lời lẽ còn dữ dội hơn, cáo buộc NASA " lảng tránh, ... thiếu ngay thẳng, ... thái độ kẻ cả đối với Quốc hội ... từ chối trả lời đầy đủ và thẳng thắn các yêu cầu hợp pháp của Quốc hội, và... quan tâm lo lắng đến vấn đề nhạy cảm của công ty tại thời điểm xảy ra thảm kịch quốc gia".[59]:16
Mối đe dọa chính trị tiềm tàng đối với Apollo đã tan biến, phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của Tổng thống Lyndon B. Johnson, người vào thời điểm đó vẫn nắm giữ một mức độ ảnh hưởng với Quốc hội từ kinh nghiệm làm Thượng nghị sĩ của chính mình. Ông là người ủng hộ trung thành của NASA kể từ khi thành lập, thậm chí còn đề xuất chương trình Mặt Trăng cho Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1961, và có kỹ năng khắc họa nó như một phần di sản của Kennedy.
Mối quan hệ giữa NASA và North American trở nên xấu đi do việc quy trách nhiệm. North American lập luận không thành công rằng họ không phải chịu trách nhiệm về sai sót nghiêm trọng trong thiết kế môi trường của tàu vũ trụ. Cuối cùng, Webb liên hệ với Atwood và yêu cầu ông hoặc Kỹ sư trưởng Harrison A. Storms từ chức. Atwood đã chọn sa thải Storms.[61]
Về phía NASA, Joseph Shea đã dùng đến thuốc an thần và rượu để giúp bản thân đối phó với sự việc.[16]:213–214 Trưởng quản lý NASA James Webb ngày càng lo lắng về trạng thái tinh thần của Shea. Shea được yêu cầu tự nguyện nghỉ phép dài ngày nhưng ông từ chối và đe dọa sẽ từ chức thay vì nghỉ phép. Như một sự thỏa hiệp, ông đồng ý gặp bác sĩ tâm thần và tuân theo một đánh giá độc lập về tình trạng tâm lý của mình. Cách tiếp cận này nhằm loại Shea khỏi vị trí của ông cũng không thành công.[16]:217–219 Cuối cùng, sáu tháng sau vụ hỏa hoạn, cấp trên của Shea đã tái bổ nhiệm ông đến trụ sở NASA ở Washington, D.C. Shea cảm thấy rằng vị trí mới của mình là một "công việc vô nghĩa" nên đã rời đi chỉ sau hai tháng.[62]
Phục hồi chương trình
Từ hôm nay trở đi, Kiểm soát Chuyến bay sẽ được biết đến với hai từ: Cứng rắn và Có năng lực. Cứng rắn nghĩa là chúng ta phải chịu trách nhiệm mãi mãi về những gì chúng ta làm được hoặc thất bại. Chúng ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp trách nhiệm của mình nữa... Có năng lực có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ coi bất cứ điều gì là hiển nhiên... Kiểm soát Sứ mệnh sẽ trở nên hoàn hảo. Khi rời khỏi cuộc họp hôm nay, các bạn sẽ đến văn phòng của mình và điều đầu tiên các bạn làm chính là viết hai từ Cứng rắn và Có năng lực lên bảng đen. Nó sẽ không bao giờ bị xóa. Mỗi ngày khi các bạn bước vào phòng, những lời này sẽ nhắc các bạn về cái giá mà Grissom, White và Chaffee đã phải trả. Những lời này là cái giá để được vào hàng ngũ Kiểm soát Sứ mệnh.
Gene Kranz, bài phát biểu dành cho Kiểm soát Sứ mệnh sau vụ tai nạn.[63][64]:204
Ba ngày sau vụ tai nạn, Gene Kranz triệu tập một cuộc họp với các nhân viên của mình tại Kiểm soát Sứ mệnh và đưa ra một bài phát biểu mà về sau đã trở thành một trong những nguyên tắc của NASA.[63] Đối với những sai sót và thái độ chung xung quanh chương trình Apollo trước vụ tai nạn, ông nói: "Chúng ta quá 'gung-ho' (hay "sốt sắng") về thời hạn và đã bỏ qua tất cả các vấn đề gặp phải hàng ngày trong công việc. Mọi yếu tố của chương trình đều gặp rắc rối và chúng ta cũng vậy".[64]:204 Kranz nhắc nhở cả nhóm về sự nguy hiểm và tàn nhẫn trong nỗ lực của họ, đồng thời nêu ra yêu cầu mới rằng mọi thành viên trong mỗi nhóm kiểm soát sứ mệnh phải "cứng rắn (tought) và có năng lực (competent)", và ông không đòi hỏi gì hơn ngoài sự hoàn hảo trong suốt các chương trình của NASA.[64]:204 Năm 2003, sau thảm họa tàu con thoi Columbia, Trưởng quản lý NASA Sean O'Keefe đã trích dẫn bài phát biểu của Kranz và liên tưởng nó tới phi hành đoàn Columbia.[63]
Thiết kế lại mô-đun chỉ huy
Sau vụ cháy, chương trình Apollo đã bị tạm ngưng để đánh giá và thiết kế lại. Mô-đun chỉ huy được phát hiện là cực kỳ nguy hiểm và trong một số trường hợp, nó đã được lắp ráp một cách bất cẩn (ví dụ: người ta tìm thấy cờ lê ổ cắm (wrench socket) bị đặt sai vị trí trong cabin).[17]:5–10
NASA quyết định rằng tàu vũ trụ Block I còn lại sẽ chỉ được sử dụng cho các chuyến bay thử nghiệm Saturn V không người lái. Tất cả các nhiệm vụ có phi hành đoàn sẽ sử dụng tàu vũ trụ Block II, vốn có nhiều thay đổi về thiết kế mô-đun chỉ huy:
Bầu không khí trong cabin khi phóng được điều chỉnh thành 60% oxy và 40% nitơ ở áp suất mực nước biển: 14,7 psi (101 kPa). Trong quá trình bay lên, cabin nhanh chóng thoát hơi xuống 5 psi (34 kPa), giải phóng khoảng 2/3 lượng khí ban đầu khi phóng. Sau đó, lỗ thông hơi đóng lại và hệ thống kiểm soát môi trường duy trì áp suất danh nghĩa 5 psi (34 kPa) trong cabin khi tàu vũ trụ tiếp tục đi vào chân không. Tiếp theo, cabin được thanh lọc một cách rất chậm rãi (xả ra ngoài không gian và đồng thời được thay thế bằng 100% oxy), khiến cho nồng độ nitơ giảm dần về 0 vào ngày hôm sau. Mặc dù bầu không khí phóng mới trong cabin an toàn hơn đáng kể so với 100% oxy, nó vẫn chứa lượng oxy gần gấp ba lần có trong không khí thông thường ở mực nước biển (20,9% oxy). Đây là điều cần thiết để đảm bảo đủ áp suất riêng phần của oxy khi các phi hành gia cởi mũ bảo hiểm sau khi lên quỹ đạo. (60% của 5 psi là 3 psi, so với 60% của 14,7 psi (101 kPa) là 8,8 psi (61 kPa) khi phóng và 20,9% của 14,7 psi (101 kPa) là 3,07 psi (21,2 kPa) trong không khí ở mực nước biển.)[65]
Môi trường bên trong bộ đồ áp suất của phi hành gia không thay đổi. Do áp suất trong cabin (và bộ đồ) giảm nhanh chóng khi bay lên, bệnh giảm áp có khả năng xảy ra trừ khi nitơ đã được loại bỏ khỏi mô của phi hành gia trước khi phóng. Họ vẫn sẽ thở oxy nguyên chất, bắt đầu từ vài giờ trước khi phóng cho đến khi cởi mũ bảo hiểm trên quỹ đạo. Việc tránh được nguy cơ giảm áp được coi là đáng so với rủi ro còn sót lại của một đám cháy do oxy tăng tốc trong bộ đồ.[65]
Chất liệu nylon sử dụng trong bộ đồ Block I đã được thay thế bằng vải Beta ở bộ đồ Block II, một loại vải không cháy có khả năng chống nóng chảy cao được dệt từ sợi thủy tinh và phủ Teflon.[65]
Phi thuyền Block II dự định sẽ sử dụng một cửa sập được thiết kế lại hoàn toàn, mở ra ngoài và có thể mở trong vòng chưa đầy năm giây.[65] Những lo ngại về việc vô tình mở cửa đã được giải quyết bằng cách sử dụng một hộp nitơ điều áp để điều khiển cơ cấu nhả trong trường hợp khẩn cấp, thay vì các bu lông nổ được sử dụng trong Dự án Mercury.
Vật liệu dễ cháy trong cabin được thay thế bằng các phiên bản tự dập lửa.
Hệ thống ống nước và dây điện được bọc bằng lớp cách nhiệt bảo vệ. Ống nhôm được thay thế bằng ống thép không gỉ sử dụng các mối nối hàn khi có thể.[65]
Các giao thức cẩn thận đã được triển khai để ghi lại quá trình xây dựng và bảo trì tàu vũ trụ.
Sơ đồ đánh số sứ mệnh mới
Góa phụ của các phi hành gia đã yêu cầu dành riêng tên gọi Apollo 1 cho chuyến bay mà chồng của họ chưa bao giờ thực hiện, và vào ngày 24 tháng 4 năm 1967, Mueller, với tư cách là Phó quản lý cho Chuyến bay Không gian có Người lái (Associate Administrator for Manned Space Flight), đã chính thức công bố sự thay đổi này: AS-204 sẽ được ghi chép là Apollo 1, "chuyến bay Apollo Saturn có người lái đầu tiên – thất bại trong cuộc thử nghiệm trên mặt đất".[1] Mặc dù ba sứ mệnh Apollo không có phi hành đoàn (AS-201, AS-202 và AS-203) đã diễn ra trước đó nhưng chỉ có AS-201 và AS-202 mang theo tàu vũ trụ. Do đó, sứ mệnh tiếp theo, chuyến bay thử nghiệm Saturn V đầu tiên không có người lái (AS-501) sẽ được đặt tên là Apollo 4, với tất cả các chuyến bay tiếp theo được đánh số thứ tự theo thứ tự phóng. Ba chuyến bay đầu tiên sẽ không được đánh số lại và tên gọi Apollo 2 và Apollo 3 sẽ chính thức không được sử dụng.[66] Mueller coi AS-201 và AS-202, chuyến bay đầu tiên và thứ hai của Apollo Block I CSM, tương ứng là Apollo 2 và 3.[67]
Việc chuyến bay có phi hành đoàn bị gián đoạn đã cho phép NASA bắt kịp tiến độ của Saturn V và mô-đun Mặt Trăng, vốn đang gặp phải những sự chậm trễ. Apollo 4 bay vào tháng 11 năm 1967. Tên lửa Saturn IB của Apollo 1 (AS-204) được tháo dỡ khỏi Tổ hợp Phóng 34, sau đó được lắp ráp lại tại Tổ hợp Phóng 37B và dùng để phóng Apollo 5, chuyến bay thử nghiệm không người lái trên quỹ đạo Trái Đất của mô-đun Mặt Trăng đầu tiên, LM-1, vào tháng 1 năm 1968.[68] Chiếc Saturn V không người lái thứ hai là AS-502 đã bay với tên gọi Apollo 6 vào tháng 4 năm 1968, và phi hành đoàn dự phòng của Grissom gồm Wally Schirra, Don Eisele và Walter Cunningham cuối cùng đã thực hiện sứ mệnh thử nghiệm trên quỹ đạo với tên gọi Apollo 7 (AS-205) trên phi thuyền CSM Block II vào tháng 10 năm 1968.[69]
Tưởng niệm
Gus Grissom và Roger Chaffee được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Ed White được chôn cất tại Nghĩa trang West Point trong khuôn viên Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point, New York. Các quan chức NASA đã cố gắng gây áp lực với Pat White, góa phụ của Ed White, để cho phép chồng bà cũng được chôn cất tại Arlington, đi ngược lại với những gì mà bà cho là mong muốn của ông; nỗ lực của họ đã bị phi hành gia Frank Borman cản trở.[70] Tên của tổ bay Apollo 1 nằm trong số nhiều phi hành gia đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ, được liệt kê trên Đài tưởng niệm Space Mirror tại Khu liên hợp Du khách Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Merritt Island, Florida. Tổng thống Jimmy Carter đã truy tặng Huân chương Danh dự Không gian của Quốc hội cho Grissom vào ngày 1 tháng 10 năm 1978. Tổng thống Bill Clinton truy tặng huân chương này cho White và Chaffee vào ngày 17 tháng 12 năm 1997.[71]
Một miếng vá nhiệm vụ Apollo 1 đã được để lại trên bề mặt Mặt Trăng sau chuyến hạ cánh có người lái đầu tiên lên thiên thể này của các thành viên phi hành đoàn Apollo 11 là Neil Armstrong và Buzz Aldrin.[72] Sứ mệnh Apollo 15 cũng để lại trên bề mặt Mặt Trăng một tác phẩm điêu khắc nhỏ, Fallen Astronaut, cùng với một tấm bảng ghi tên các phi hành gia Apollo 1 nằm giữa những cái tên khác, bao gồm các phi hành gia Liên Xô đã thiệt mạng khi theo đuổi mục tiêu đưa con người vào không gian.[73]
Sau vụ cháy Apollo 1, Tổ hợp Phóng 34 sau đó chỉ được sử dụng để phóng Apollo 7 và về sau bị tháo dỡ xuống thành bệ phóng bê tông, hiện vẫn còn ở địa điểm có tọa độ 28°31′19″B80°33′41″T / 28,52182°B 80,56126°T / 28.52182; -80.56126 cùng với một số kết cấu bê tông và cốt thép khác. Bệ có hai tấm bia tưởng niệm phi hành đoàn.[74] Tấm bảng "Ad Astra per aspera" dành cho "phi hành đoàn của Apollo 1" đã xuất hiện trong bộ phim năm 1988 Ngày tận thế.[75] Tấm bảng "Dedicated to the living memory of the crew of the Apollo 1" ("Dành riêng cho ký ức về phi hành đoàn Apollo 1") được trích dẫn ở cuối truyện ngắn Requiem của Wayne Hale cho chương trình tàu con thoi của NASA.[76] Hàng năm, gia đình của phi hành đoàn Apollo 1 đều được mời đến đây để làm lễ tưởng niệm và Khu liên hợp du khách thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy sẽ bao gồm nơi này trong chuyến tham quan các địa điểm phóng lịch sử tại Mũi Canaveral.[77]
Vào tháng 1 năm 2005, ba băng ghế bằng đá hoa cương do một người bạn cùng lớp đại học của một trong các phi hành gia đóng đã được lắp đặt tại địa điểm ở rìa phía nam bệ phóng. Mỗi chiếc đều mang phù hiệu quân dịch và tên của một trong những phi hành gia.
Bệ phóng, với tấm bảng đề tặng ở phía sau trụ bên phải
Ki ốt tưởng niệm
Tấm biển đề tặng gắn trên bệ phóng
Tấm bảng tưởng niệm gắn trên bệ phóng
Những băng ghế hoa cương kỷ niệm bên rìa bệ phóng
Các ngôi sao, địa danh trên Mặt Trăng và Sao Hỏa
Các phi hành gia Apollo thường xuyên căn chỉnh các bệ dẫn đường quán tính của tàu vũ trụ và xác định vị trí của chúng so với Trái Đất và Mặt Trăng bằng cách quan sát các tập hợp sao bằng dụng cụ quang học. Như một trò chơi khăm, phi hành đoàn Apollo 1 đã đặt tên cho ba ngôi sao trong danh mục Apollo theo tên của họ và đưa chúng vào tài liệu của NASA. Gamma Cassiopeiae trở thành Navi – là Ivan (tên đệm của Gus Grissom) đánh vần ngược. Iota Ursae Majoris trở thành Dnoces – "Second" ("Thứ hai") đánh vần ngược, xuất phát từ tên gọi Edward H. White II. Và Gamma Velorum trở thành Regor – Roger (Chaffee) đánh vần ngược. Những cái tên này nhanh chóng được chấp nhận sau vụ tai nạn Apollo 1 và được các phi hành đoàn Apollo sau này sử dụng thường xuyên.[78]
Một số miệng núi lửa trên Mặt Trăng và những ngọn đồi trên Sao Hỏa được đặt theo tên của ba phi hành gia Apollo 1.[79][80]
Các công trình dân dụng khác
Ba ngôi trường công lập ở Huntsville, Alabama (quê hương của Trung tâm Chuyến bay Không gian George C. Marshall và Trung tâm Tên lửa và Vũ trụ Hoa Kỳ): trường Trung học phổ thông Virgil I. Grissom,[81] trường Trung học phổ thông Ed White[82] và trường Tiểu học Chaffee.[83]
Trường tiểu học Virgil Grissom ở Princeton, Iowa[88] và trường tiểu học Edward White ở Eldridge, Iowa.[89] Cả hai đều thuộc Học khu Cộng đồng North Scott, nơi có ba ngôi trường tiểu học khác cũng đặt theo tên các phi hành gia Neil Armstrong, John Glenn, and Alan Shepard.[90]
Trường số 7 ở Rochester, New York, còn được biết đến với tên gọi trường Virgil I. Grissom.[91]
Đầu những năm 1970, ba con phố ở Amherst, New York được đặt tên theo Chaffee, White và Grissom. Đến năm 1991, khi không có ngôi nhà nào được xây dựng trên Grissom Drive, khu vực này được chuyển mục đích sử dụng thành tài sản thương mại; biển hiệu đường Grissom đã bị dỡ bỏ và con phố được đổi tên thành Classics V Drive theo phòng tiệc tại khu đất đó.[92][93]
Cung thiên văn Roger B. Chaffee tọa lạc tại Bảo tàng Công cộng Grand Rapids.[95]
Đại lộ tưởng niệm Roger B. Chaffee ở Wyoming, Michigan, vùng ngoại ô lớn nhất của Grand Rapids, Michigan, ngày nay là một khu công nghiệp, nhưng nằm trên vị trí trước đây của sân bay Grand Rapids. Một phần lớn đường băng bắc-nam ngày nay được sử dụng làm phần đường của Đại lộ tưởng niệm Roger B. Chaffee.[96]
Quỹ học bổng Roger B. Chaffee ở Grand Rapids, Michigan, được tổ chức mỗi năm để vinh danh một học sinh có ý định theo đuổi sự nghiệp kỹ thuật hoặc khoa học.[97]
Ba công viên liền kề ở Fullerton, California đều được đặt tên theo Grissom, Chaffee và White. Các công viên này nằm gần cơ sở nghiên cứu và phát triển trước đây của Hughes Aircraft.[98] Một công ty con của Hughes là Hughes Space and Communications Company đã chế tạo các bộ phận cho chương trình Apollo.
Hai tòa nhà trong khuôn viên Đại học Purdue ở West Lafayette, Indiana được đặt tên theo Grissom và Chaffee (cả hai đều là cựu sinh viên Purdue). Tòa Grissom Hall có Trường Kỹ thuật Công nghiệp (và là trụ sở của Trường Hàng không và Du hành vũ trụ trước khi chuyển đến Hội trường Kỹ thuật Neil Armstrong mới).[99] Chaffee Hall, được xây dựng vào năm 1965, là khu phức hợp hành chính của Phòng thí nghiệm Maurice J. Zucrow, nơi nghiên cứu quá trình đốt cháy, động cơ đẩy, động lực khí và các lĩnh vực liên quan. Chaffee Hall có khán phòng 72 chỗ ngồi, các văn phòng và nhân viên hành chính.[100]
Một cái cây tượng trưng cho mỗi phi hành gia đã được trồng tại Astronaut Memorial Grove tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston, Texas, không xa tòa nhà Saturn V, cùng với những cái cây dành cho mỗi phi hành gia từ tai nạn Challenger và Columbia.[101] Chuyến tham quan trung tâm vũ trụ sẽ tạm dừng một chút gần khu rừng để dành giây ra lát im lặng.
Năm 1968, Căn cứ Không quân Bunker Hill gần Peru, Indiana được đổi tên thành Căn cứ Không quân Grissom.[102] Mã ba chữ cái cho đèn hiệu dẫn đường hàng không VOR ở căn cứ là GUS.[103]
Cả ba phi hành gia Apollo 1 đều được tưởng niệm ở Jacksonville, Florida: Trường Trung học phổ thông Edward H. White,[104] đường Chaffee Road và đường Grissom Drive.
Tàn tích của CM-012
Mô-đun chỉ huy Apollo 1 chưa từng được trưng bày trước công chúng. Sau tai nạn, phi thuyền đã được di dời và đưa đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy để thuận tiện cho việc tháo dỡ của ủy ban điều tra nhằm xác định nguyên nhân vụ cháy. Khi cuộc điều tra hoàn tất, CM-012 được chuyển đến Trung tâm nghiên cứu Langley của NASA ở Hampton, Virginia và đặt trong một nhà kho bảo quản an toàn.[105] Ngày 17 tháng 2 năm 2007, các bộ phận của CM-012 đã được di chuyển khoảng 90 foot (27 m) sang một nhà kho mới hơn được kiểm soát môi trường.[106] Chỉ vài tuần trước đó, Lowell, anh trai của Gus Grissom, đã công khai đề nghị chôn vùi CM-012 vĩnh viễn trong đống bê tông đổ nát của Tổ hợp Phóng 34.[107]
Vào ngày 27 tháng 1 năm 2017, nhân dịp tưởng niệm 50 năm vụ hỏa hoạn, NASA đã trưng bày cửa sập của Apollo 1 tại Trung tâm Tên lửa Saturn V (Saturn V Rocket Center) ở Khu liên hợp Du khách Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Khu phức hợp này cũng có những đài tưởng niệm chứa các bộ phận của Challenger và Columbia nằm bên trong triển lãm tàu con thoi Atlantis. Scott Grissom, con trai lớn của Gus Grissom, cho biết: "Việc này đã qua lâu rồi. Nhưng chúng tôi rất vui mừng vì điều đó".[108]
Trong văn hóa đại chúng
Vụ tai nạn và hậu quả của nó là chủ đề cho tập 2, "Apollo One", thuộc loạt miniseries năm 1998 của HBO From the Earth to the Moon.[109]
Sứ mệnh và vụ tai nạn đã được đề cập trong loạt phim truyền hình năm 2015 The Astronaut Wives Club của ABC ở các tập 8 ("Rendezvous")[110] và 9 ("Abort").[111]
Một đoạn kịch ngắn về vụ tai nạn được chiếu ở đầu bộ phim năm 1995 Apollo 13.
Vụ tai nạn và sự nhấn mạnh sau đó về tính an toàn trong NASA là chủ đề điều tra ở hai tập đầu loạt phim Cuộc chiến không gian của Apple TV+.
Xem thêm
STS-1 – Chuyến bay tàu con thoi đầu tiên, ba kỹ thuật viên đã bị ngạt thở trên bệ phóng sau buổi thử nghiệm đếm ngược
STS-51-L – Tàu con thoi Challenger, vụ tử vong đầu tiên trên chuyến bay của Hoa Kỳ
STS-107 – Tàu con thoi Columbia, trường hợp đầu tiên tử vong trên chuyến bay trở về của Mỹ
Valentin Vasilyevich Bondarenko – Một phi hành gia đang trong quá trình huấn luyện của Liên Xô, thiệt mạng trong vụ cháy có nồng độ oxy cao trong buồng thí nghiệm
Soyuz 1 – Vụ tử vong trên chuyến bay vũ trụ đầu tiên của Liên Xô
Soyuz 11 – Toàn bộ phi hành đoàn của Liên Xô đều thiệt mạng
Tham khảo
Ghi chú
^Năm 1967, phó chủ tịch North American Aviation là John McCarthy suy đoán Grissom đã vô tình "làm xước lớp cách điện của dây" khi di chuyển quanh tàu vũ trụ, nhưng bình luận của ông lại nhận về sự phớt lờ từ ban điều tra và bị ủy ban quốc hội bác bỏ mạnh mẽ. Frank Borman, phi hành gia đầu tiên đi vào bên trong tàu vũ trụ bị hỏa hoạn, làm chứng rằng, "Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng chứng minh luận điểm là Gus hay bất kỳ thành viên phi hành đoàn nào đã đá vào sợi dây và làm bắt lửa các chất dễ cháy". Lịch sử vụ tai nạn do NASA viết nội bộ vào năm 1978 cho biết ở thời điểm đó, "Giả thuyết dây điện bị trầy xước gây ra tia lửa dẫn đến hỏa hoạn vẫn được lưu hành rộng rãi tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Tuy nhiên, mọi người có quan điểm khác nhau về nguyên nhân gây xước".[31] Không lâu sau khi đưa ra bình luận, McCarthy nói "Tôi chỉ đưa nó ra như một giả thuyết mà thôi".[32]
^Bản báo cáo đã nói nhầm thành "lâu hơn khoảng 2+1⁄2 lần". Đây là thông tin sai vì cabin đã được điều áp khoảng 3+3⁄4 giờ trong cuộc thử nghiệm plugs-out.
^Courtney G Brooks; James M. Grimwood; Loyd S. Swenson (1979). “Plans and Progress in Space Flight”. Chariots for Apollo: A History of Manned Lunar Spacecraft. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2016.
^Wood, Bill (2005), “Apollo Television”(PDF), trong Jones, Eric M.; Glover, Ken (biên tập), Apollo Lunar Surface Journal, Washington, DC: NASA (xuất bản 1996–2013), lưu trữ(PDF) bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2022
^ abGrissom, Gus (tháng 2 năm 1963). “The MATS Flyer Interviews Major Gus Grissom”. The MATS Flyer (Phỏng vấn). Phỏng vấn viên John P. Richmond Jr. Military Air Transport Service, United States Air Force. tr. 4–7. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2020.
^“#72 D. K. Slayton February 8, 1967”(PDF). Apollo 204 Review Board Final Report. NASA. tr. B-162. Lưu trữ(PDF) bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2018.
^“Bellcomm, Inc Technical Library Collection”. National Air and Space Museum. Washington, D.C.: Smithsonian Institution. 2001. Accession No. XXXX-0093. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2010.
^Slotkin, Arthur W. (2012). “8 All-up testing”. Doing the Impossible, George E Mueller and the Management of NASA's Human Spaceflight Program. New York: Springer-Praxis. Bibcode:2012doim.book.....S.
^Orloff, Richard W. (tháng 9 năm 2004). “Apollo 7: The First Mission”. Apollo By the Numbers: A Statistical Reference. Washington D.C.: NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2016.
^Jones, Eric M. biên tập (1995). “EASEP Deployment and Closeout”. Apollo 11 Lunar Surface Journal. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2024.
^“images.jsc.nasa.gov”. images.jsc.nasa.gov. 1 tháng 8 năm 1971. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2013.
^“Fast Facts”. The Official Site of Edward White II. Estate of Edward H. White II. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2021.
^Jones, Eric M. biên tập (2006). “Post-landing Activities”. Apollo 15 Lunar Surface Journal. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2007. Section 105:11:33.
^“About Us”. Grissom Middle School. Penn-Madison-Harris School Corporation. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
^“About Us”. Virgil I. Grissom Middle School. Warren Consolidated Schools. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
Vista del conjunto de Pré. La Commenda de Pré. Interior de la iglesia superior El complejo de San Giovanni di Pré en Génova, Italia, conocido como la Commenda di San Giovanni di Pré fue construido a partir de 1180 —año de la fundación— por querer de Fray Guillermo, un monje de los Caballeros de Jerusalén, organismo que dio origen a la Orden de Malta. Consta de dos iglesias de estilo románico, sobrepuestas una sobre la otra, que constituyen la parte más importante del cuerpo arqu...
Miss Global 2019Tanggal18 Januari 2020TempatAuditorio Guelaguetza, Oaxaca de Juarez, MeksikoPeserta55Finalis/Semifinalis20DebutAfghanistanAsiriaBelgiaKubaIrakKyrgyzstanLatviaKepulauan Mariana UtaraPakistanPeruSkotlandiaSierra LeoneTatarstanZimbabweTidak tampilAborigin AustraliaAngolaBelarusBulgariaMesirEthiopiaGhanaLaosMalaysiaMarokoMongoliaReunionSpanyolSuriahThailandTaiwanTibetUkrainaUzbekistanTampil kembaliArgentinaBahamaCinaKolombiaKroasiaRepublik DominikaInggrisIrlandiaIslandia...
خيار البحرتعديل - تعديل مصدري - تعديل ويكي بيانات خيار البحر هو كائن بحري من صنف خيار البحر، يستخدم مجففا أو طازجا في العديد من مطابخ العالم.[1] بعض الثقافات تعتبره مصدرا طبيا. معظم الثقافات في شرق وجنوب شرق آسيا تعتبر خيار البحر كطعام شهي ولذيذ. وصلات داخلية روابط خارجية م
Huracán Lenny categoría 4 (EHSS) El huracán Lenny en su pico de intensidad en el sur de las Islas VírgenesDuración 13 de noviembre de 1999-23 de noviembre de 1999Vientos máximos 250 km/h (155 mph) (durante 1 minuto)Presión mínima 933 hPaDaños totales $785.8 millones (1999 USD)Fallecimientos 17 directasÁreas afectadas Islas VírgenesForma parte de laTemporada de huracanes en el Atlántico de 1999[editar datos en Wikidata] El huracán Lenny al sur de Saint Croix El hurac
فيرجن إنتراكتففيرجن انتراكتفالشعارمعلومات عامةالجنسية المملكة المتحدة — الولايات المتحدة التأسيس 1981الاختفاء 2003 النوع عمل تجاري — ناشر لعبة فيديو[1] المقر الرئيسي المملكة المتحدةحلت محلها Avalon Interactive (en) [1] المنظومة الاقتصاديةالفروع Burst Studios (en) — ويستوود ستوديوز ...
جهاز الأمن الفيدرالي الروسي (بالروسية: ФЕДЕРАЛЬНАЯ СЛУЖБА БЕЗОПАСНОСТИ РОССИЙСКОЙ ФЕДЕРАЦИИ)[1] جهاز الأمن الفيدرالي الروسي جهاز الأمن الفيدرالي الروسيختم تفاصيل الوكالة الحكومية البلد روسيا تأسست 12 أبريل 1995 المركز مبنى لوبيانكا55°45′40″N 37°37′34″E...
Nabi dan Rasul'Īsāعيس'alaihissalam, Ulul 'AzmiKaligrafi Isa 'alaihis-salamLahirBethlehemTempat tinggalPalestinaGelar 'Alaihissalam Almasih Ulul 'Azmi Ibnu Maryam Ruhullah Kalimatullah PendahuluYahya (Sesuai urutan 25 nabi dan rasul)PenggantiMuhammad (Sesuai urutan 25 nabi dan rasul)Orang tuaMaryam Nabi dan Rasul dalam Islam Nabi dalam Al-Qur'anMenyesuaikan antara nama Islam dan Alkitab. ʾĀdam (Adam) ʾIdrīs (Henokh?) Nūḥ (Nuh) Hūd (Eber?) Ṣāliḥ (Selah) ʾIbrāhīm (Abraham) L...
Upcoming 2023 video game 2023 video gameThe Day BeforeSteam headerDeveloper(s)FntasticPublisher(s)MytonaEngineUnreal Engine 5Platform(s)WindowsRelease7 December 2023 (Early Access)Genre(s)Survival horror, open worldMode(s)Multiplayer The Day Before is an upcoming multiplayer open world survival horror video game developed by Fntastic and published by Mytona. Plot Set in a post-apocalyptic version of the United States, the world has been overrun by zombies after a pandemic.[1] Developm...
Computer program designed to play chess variants This article relies excessively on references to primary sources. Please improve this article by adding secondary or tertiary sources. Find sources: ChessV – news · newspapers · books · scholar · JSTOR (January 2008) (Learn how and when to remove this template message) ChessVTwo engines playing Capablanca chess in ChessV 2.2Developer(s)Gregory StrongStable release2.2 / January 22, 2020; 3 ye...
1933 Malayalam movie This article is about the 1933 film adaptation of Malayalam novel. For other uses, see Marthanda Varma (disambiguation). Marthanda VarmaMalayalamമാർത്താണ്ഡവർമ്മ Directed byP. V. RaoWritten byP. V. Rao (screenplay)Based onMarthandavarmaby C. V. Raman PillaiProduced byR. Sunder RajStarringJaidevA. V. P. MenonDevakiPadminiCinematographyPandurang E. NaikDistributed byShri Rajeshwari FilmsRelease date 12 May 1933 (1933-05-12) (T...
Conflict between ethnic groupsЧеченская молитва (Chechen's prayer) by Mikhail Evstafiev depicts a Chechen man praying during the battle of Grozny in 1995. A refugee camp for displaced Rwandans in Zaire following the Rwandan genocide of 1994 Part of a series onDiscrimination Forms Institutional Structural Attributes Age Caste Class Dialect Disability Genetic Hair texture Height Language Looks Mental disorder Race / Ethnicity Skin color Scientific racism Rank Sex Sexual...
2024 Council of the District of Columbia election ← 2022 November 8, 2022 2026 → 6 seats on the Council of the District of Columbia7 seats needed for a majority Majority party Minority party Leader Phil Mendelson Party Democratic Independent Seats before 11 2 Seat change Elections in the District of Columbia Federal government Presidential elections 1964 1968 1972 1976 1980 1984 1988 1992 1996 2000 2004 2008 2012 2016 2020 2024 Presidential primar...
Season of television series JustifiedSeason 4Season 4 DVD coverCountry of originUnited StatesNo. of episodes13ReleaseOriginal networkFXOriginal releaseJanuary 8 (2013-01-08) –April 2, 2013 (2013-04-02)Season chronology← PreviousSeason 3 Next →Season 5 List of episodes The fourth season of the American neo-Western[1] television series Justified premiered on January 8, 2013, on FX, and concluded on April 2, 2013, consisting of 13 episodes. The series was d...
Породонавантажувальна машина (англ. loading machine, loader; нім. Lader m, Lademaschine f) – гірнича машина, призначена для навантаження гірничої маси в шахтні транспортні засоби, зокрема, для навантаження гірничої маси при проходці капітальних і підготовчих виробок або у місцях накопичення...
Place in Kuala Lumpur, MalaysiaBukit Jalil بوکيت جليل武吉加里爾புக்கிட் ஜலீல்Lebuhraya Bukit Jalil in Bukit Jalil.Bukit JalilLocation within MalaysiaCoordinates: 3°3′31″N 101°41′31″E / 3.05861°N 101.69194°E / 3.05861; 101.69194CountryMalaysiaFederal TerritoryKuala LumpurConstituencySeputehGovernment • Local AuthorityDewan Bandaraya Kuala Lumpur • MayorMhd Amin Nordin Abdul AzizTime zoneUTC+8 (M...
Astoria Cinemas ABTypePrivate limited companyPredecessorSandrew Metronome's cinemasFoundedApril 29, 1997; 26 years ago (1997-04-29)DefunctOctober 3, 2007 (2007-10-03)FateBankruptcy. Some cinemas were sold to SF Bio and Svenska Bio.Area servedSwedenOwnerTriangelfilm Atlantic Film S/S Falden Astoria Cinemas was a cinema chain that was started by people from Triangelfilm, Atlantic Film and S/S Falden which in April 2005 bought Sandrew Metronome's cinemas in Swede...
Pakistani Fighter Pilot This article relies excessively on references to primary sources. Please improve this article by adding secondary or tertiary sources. Find sources: Samad Ali Changezi – news · newspapers · books · scholar · JSTOR (May 2012) (Learn how and when to remove this template message) Flight lieutenantSamad Ali ChangeziSamad Ali ChangeziNative nameصمد علی چنگیزیBirth nameSamad AliBornQuetta, PakistanDied(1971-12-17)December ...
National flag Saint LuciaUseNational flag and ensign Proportion1:2Adopted1 March 1967 (last modified in 2002)DesignA light blue field with a small golden isosceles triangle in front of a large white-edged black isosceles triangle in the centre.Designed byDunstan St Omer Standard of the governor-general of Saint LuciaProportion1:2Adopted1979 Man with St Lucian flag at a football game The flag of Saint Lucia consists of a cerulean blue field charged with a yellow triangle in front of a whi...
55th United States presidential inauguration Second presidential inauguration of George W. BushGeorge W. Bush takes the oath of office for his second term.DateJanuary 20, 2005; 18 years ago (2005-01-20)LocationUnited States Capitol,Washington, D.C.Organized byJoint Congressional Committee on Inaugural CeremoniesParticipantsGeorge W. Bush43rd president of the United States— Assuming officeWilliam RehnquistChief Justice of the United States— Administering oathDick Cheney46...
Building in Swampscott, MassachusettsGeneral Glover HouseGeneral informationLocationSwampscott, MassachusettsAddress299 Salem StreetCoordinates42°29′04″N 70°53′54″W / 42.48436°N 70.89831°W / 42.48436; -70.89831Year(s) built1700sDesignationsEligible National Historic Landmark The General Glover House, also known as the Glover Farmhouse, is a 1700s colonial house, and the final home to Revolutionary War hero General John Glover, located on the Marblehead - Sw...