Thành phố Hồ Chí Minh có 4 con đường cùng mang tên Lê Lợi tại Quận 1, quận Gò Vấp, thành phố Thủ Đức và huyện Hóc Môn. Bài này viết về con đường lớn ở Quận 1, trung tâm thành phố.
Đường Lê Lợi
Đại lộ Lê Lợi
Đường Lê Lợi nhìn về hướng Nhà hát Thành phố vào đầu năm 2023
Ban đầu đường này là một con kênh do thực dân Pháp đào sau khi chiếm được Sài Gòn.[2][3] Kênh dài khoảng 0,8 km, được đào thẳng góc với Kinh Lớn (nay là đường Nguyễn Huệ), một đầu đổ ra sông Sài Gòn chỗ gần doanh trại Hải quân, đầu còn lại nối với kênh Olivier (nay là đường Pasteur) thông ra rạch Bến Nghé để tiêu thoát nước. Hai con đường cặp theo kênh cũng được người Pháp cho làm và đặt thành đường số 13, đến năm 1865 được đặt tên là đường Bonard.[4][5]
Khoảng những năm 1870, kênh bị lấp hoàn toàn để xây dựng thành đại lộ Bonard. Ban đầu đại lộ Bonard kết thúc tại đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), sau khi chợ Bến Thành mới hoàn thành xây dựng vào năm 1914 thì đại lộ mới được nối dài thêm một đoạn đến trước chợ.[4][5]
Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên đại lộ Bonard thành đại lộ Lê Lợi, tên gọi này được giữ nguyên đến hiện tại.[5][6][7]
Tình trạng tuyến đường
Năm 2014, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh rào một đoạn đường Lê Lợi từ đường Pasteur đến đường Đồng Khởi để thi công ga Nhà hát Thành phố của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên[8]. Đến năm 2016, đoạn đường còn lại từ chợ Bến Thành cũng bị rào chắn một nửa để thi công đoạn đi ngầm của tuyến metro này[9]. Năm 2020, sau khi ga ngầm Nhà hát Thành phố được thi công hoàn tất, đoạn đường Lê Lợi từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ đã được trả lại mặt bằng và cùng năm thành phố cũng đã cho khôi phục công viên Lam Sơn tại địa điểm này[10][11]. Riêng mặt bằng các đoạn còn lại từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur và từ đường Pasteur đến chợ Bến Thành đến năm 2022 mới lần lượt được tái lập.[12]
^ abcTrần Hữu Quang (2012). Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 39–40. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
^Sài Gòn xưa & nay. Tạp chí xưa & nay. 2007. tr. 184. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
^Xavier et Marie-Christine Guillaume (2004). La Terre du Dragon – Tome I. Paris: Publibook. tr. 59. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2023.